Trang chủ Văn học Tinh thần nguyên thủy của thiền Trần Nhân Tông qua Cư trần...

Tinh thần nguyên thủy của thiền Trần Nhân Tông qua Cư trần lạc đạo phú

150

Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vua thứ ba của nhà Trần, đệ nhất tổ khai sáng thiền phái Trúc Lâm. Ngài là một nhà lãnh đạo tài ba, một thiên tài quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất, và là vị thiền sư uyên thâm Phật pháp, cũng là Phật hoàng duy nhất của Phật giáo Việt Nam.

Tư tưởng thiền trong tác phẩm Cư trần lạc đạo của đức Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từ lâu đã trở thành một triết lý sống động kết hợp đạo với đời, là biểu tượng trí tuệ tâm linh của thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Cư trần lạc đạo phú được sáng tác năm nào thì chưa rõ lắm, nhưng dựa vào hội đầu tiên, bắt đầu câu “Mình ngồi thành thị nết dụng sơn lâm, Muôn nghiệp lặn an nhàn thể tính, nửa ngày rồi tự tại thân tâm”, căn cứ vào đây thì tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, có thể được sáng tác vào khoảng những năm sau đại thắng Nguyên-Mông lần thứ ba, khi đất nước sạch bóng quân thù vua quan nhà Trần cũng rảnh rang chiến sự, công cuộc xây dựng đất nước được ổn định.

Lúc này, có lẽ Điều ngự đã có nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác văn học, Cư trần lạc đạo phú có thể cũng được chấp bút trong khoản giai đoạn này. Tuy nhiên cũng trong bài phú nhưng ở hội thứ 5 có đoạn, “Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng trong quê Hà Hữu, kinh xem ba biến, ngồi ngơi mái quốc Tân La. Lánh thị phi ghê danh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa, áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu tha”.

Và ở hội thứ 10 cũng có câu “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý”, như vậy theo lời Điều ngự đây không còn là cảnh xa hoa vương giả chốn cung đình nữa, mà là một cuộc sống nơi núi rừng yên tĩnh. Tới đây, có thể Điều ngự đã xuất gia và cư trú ở núi Vân Yên, vậy thì bài phú Cư trần lạc đạo hẳn phải mất một thời gian khá dài để hoàn thành.

Tác phẩm Cư trần lạc đạo gồm 10 hội bằng chữ Nôm và một bài kệ bằng chữ Hán. Điều ngự sử dụng thể loại phú có lẽ vì chức năng của phú thường dùng để diễn tả cái đẹp, lấy sự vật hiện hữu mà nói lên tâm trạng và cảm xúc con người, xét về hình thức “lời văn của phú cốt ở tỉ mỉ đầy đủ. Xét về trình bày, cốt ở sự dồi dào, thiên về kỹ xảo”. Điểm thú vị là thể phú từ xưa thường được viết bằng chữ Hán, nhưng trong Cư trần lạc đạo được Điều Ngự kết hợp với chữ Nôm tạo thành thể phú Nôm.

Dưới thời Trần Văn học chữ Nôm xuất hiện như một bước phát triển lớn trên con đường tiến lên của lịch sử, là một điều đáng tự hào về sức sống mạnh mẽ của dân tộc, càng làm đẹp cho nền văn hóa, góp phần phát triển ngôn ngữ tiếng nói của dân tộc thời kỳ độc lập tự chủ.

Trên cương vị là vua của một nước, vừa là người khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm Điều ngự đã dùng ngôn ngữ Việt để sáng tác thơ văn, nhằm truyền tải giáo lý đến gần với quần chúng nhân dân, qua đó giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về tư tưởng thiền, và đường lối tu tập của thiền phái Trúc Lâm.

Theo Thích Phước Đạt trong cuốn “Thiền học Việt Nam”, cho rằng tư tưởng Cư trần lạc đạo đã manh nha từ thời Lý, “tiếp thu nhận thức “tùy tục” của thiền sư Trường Nguyên, thế hệ thứ mười phái Kiến Sơ, cùng những bổ sung của thiền sư Thường Chiếu, thế hệ thứ mười hai phái Kiến Sơ”. Thừa kế tư tưởng thiền học thời Lý, dưới thời Trần, vua Trần Thái Tông người được xem là nhà tiên phong, có công đầu trong việc đặt nền móng cho sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm.

Dựa vào các bản kinh điển Đại thừa như Hoa Nghiêm, Kim Cang, Kim Cang Tam muội, vua Trần Thái Tông chú giải lấy đó làm cơ sở “biện tâm”. Với chủ trương Phật tại tâm, Phật giáo thời Trần không chỉ dừng lại ở giới tu sĩ mới là người có tâm Phật, mà mọi tầng lớp trong xã hội, ngay cả cành cây ngọn cỏ cũng đều có phật tính.

Vua Trần Thái Tông trong quá trình nghiêm tầm giáo lý đã ngộ ngay câu ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, vì không có chỗ trụ nên mới trụ được trên ý muốn và tấm lòng của thiên hạ. Không còn cái ngã riêng tư của mình, vua mới có thể xem ước muốn tâm tư tình cảm của nhân dân, như chính ước muốn của mình.

Với chủ trương Phật tại tâm thiền phái Trúc Lâm đã tạo ra lớp người ưu tú, siêu việt, vừa là vua, vừa là thiền sư, thiền gia, ngộ đạo, lại cũng hết lòng cống hiến tài năng cho đất nước, bởi vì dù họ là ai, làm bất cứ việc gì, ở địa vị nào trong xã hội thì tính phật luôn bình đẳng hằng hữu trước mỗi cá thể con người.

Trần Thái Tông trong Niệm Phật luận đã nói “thân ta tức là thân Phật”, Tuệ Trung Thượng sĩ trong Thượng sĩ ngữ lục thì cho rằng “Phật và chúng sinh không khác nhau”. Sơ tổ Trần Nhân Tông tiếp nhận yếu chỉ Phật tại tâm của những bậc tiền bối đi trước, trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú Phật ở trong lòng càng được rõ nét hơn:

“Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa,

Nhân khuấy bổn nên ta tìm bụt,

Đến mới hay chính bụt là ta”.

Phật ở ngay trong tâm của mỗi con người chúng ta, vậy mà từ lâu ta luôn hướng ra ngoài tìm kiếm, bởi vọng tâm xao động không thể thấy Phật được, nay giác ngộ rồi thấy Phật ở ngay trong chúng ta. “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương, Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc”, trong lòng không còn chứa đựng những tạp niệm xấu ác, tham ái đều dừng, thay vào đó những ý niệm tốt đẹp, để tâm được trong sáng thanh tịnh, thì tịnh độ chính ngay nơi tâm mình không cần phải nhọc công tìm kiếm.

Với một quan điểm như thế, hình ảnh của đức Phật bỗng trở nên bình dị gần gũi hơn với con người. Phật ở trong nhà như một người thân thích, lúc nào cũng ở cạnh chúng ta nên chẳng phải nhọc lòng chạy khắp Đông Tây tìm kiếm. Niềm tự tin có Phật trong tâm của vua Trần Nhân Tông và các Phật tử thời Trần được đẩy lên cao đến mức tất cả mọi người đều nhận thấy bản thân mình chính là Phật, mỗi người là một vị Phật thì đất nước Đại Việt hóa thành cõi Phật giữa nhân gian chớ không cần phải tìm kiếm đâu xa xôi.

Bên cạnh đó, kết hợp với lòng yêu nước nồng nàng tinh thần đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc, nó như dòng máu nóng chảy trong tim mỗi người, tạo nên một sức mạnh đoàn kết mà không một thế lực nào có thể nào lay chuyển được.

Đức Phật dưới thời Trần không còn quá cao xa trên tòa sen uy nghiêm, hay những hình tượng trầm mặc lặng lẽ nhìn thế sự, cảnh giới của Phật cũng không còn là cõi huyền ảo mơ hồ xa xăm. Hình ảnh đức Phật bây giờ chính là con người thật, biết làm lợi ích cho đất nước, cho mọi người, biết hy sinh lợi ích cá nhân để chung sức vì lợi ích cộng đồng. Cõi Phật chính ngay đời sống hiện tại, trong tâm mỗi con người không phải tìm kiếm đâu xa xôi.

Chính triết lý sống đơn giản không nặng tính giáo điều đó đã hình thành nên lớp người Phật tử khéo léo biết đem đạo ứng dụng vào đời. Hầu hết những gương mặt Phật tử, thiền gia, thiền sư của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội mà không đòi hỏi lợi ích cá nhân. Họ có thể là thiền sư, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà giáo dục, thầy thuốc, cho đến thường dân, nam nữ lão ấu, tùy theo khả năng của mình mà có những đóng góp tích cực cho vận mệnh nước nhà.

Thiền phái Trúc Lâm chủ trương người yêu mến đạo Phật không nhất thiết phải xuất gia, chỉ cần sống nhân nghĩa trung hiếu, sống có đạo đức biết cống hiến cho đạo cho đời thì ai cũng là Phật Thích Ca, Di Lặc.

“Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca,

Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc”

Sơ tổ Trần Nhân Tông cho rằng đạo phải trải nghiệm qua những hành động trong cuộc sống, gắn bó với những hoạt động của xã hội, bởi Phật giáo là cuộc sống, không thể tìm chân lý ngoài cuộc sống.

Trên tinh thần tùy duyên tùy tục, bản thân Sơ tổ vừa làm vua, vừa làm tổ thiền phái Trúc Lâm, đứng trước hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, ngài vận dụng tinh thần tùy duyên để cứu nguy đất nước dù giới luật nhà Phật cấm sát sinh nhưng trong hoàn cảnh, nước mất thì nhà tan nhân dân đồ thán, ở vị trí quân chủ không cho phép ngài nhân nhượng trước kẻ thù.

Tùy duyên với đức Điều ngự Trần Nhân Tông không có gì cao xa khó nghĩ bàn mà đơn giản chỉ là, làm những việc cần làm, đúng lúc đúng thời, đói thì ăn mệt thì ngủ, đó cũng chính là lối sống đời vui đạo của thiền phái Trúc Lâm.

Trong bối cảnh đất nước hướng đến sự đoàn kết dân tộc, cùng nhau giữ vững biên cương lãnh thổ, phát triển kinh tế văn hóa giáo dục, thì sự đoàn kết hòa hợp giữa các tôn giáo là điều không thể thiếu được. Chính việc dung hòa tôn trọng các tôn giáo và tinh thần chung sống hòa hợp bình đẳng đã tạo nên sức mạnh phi thường của dân tộc trước kẻ thù.

Nhà Trần thể hiện rõ tinh thần bình đẳng khi lấy Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần, bên cạnh đó lại dùng Nho giáo trong việc tổ chức và quản lý xã hội. Qua tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Sơ tổ Trần Nhân Tông tinh thần dung hợp bình đẳng tam giáo Nho-Lão-Phật được thể hiện rõ nét nhất, mặc dù Điều ngự luôn đề cao con đường tu dưỡng giải thoát của Phật giáo, thế nhưng ở cương vị là vua của một nước, Sơ tổ cũng thường đề cập đến những tư tưởng của Nho giáo như trung quân, ái quốc, kính thầy, thờ cha.

“Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, thi đỗ mới trương phu trung hiếu

Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi âm

Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo”.

Tuy nói những việc làm trên là tư tưởng của Nho giáo nhưng nhìn sâu bên trong, ở đó tồn tại yếu tố tứ ân của Phật giáo mà một người con Phật cần phải thực hiện trong đời sống này để đền ơn quốc chủ, ơn thầy bạn, sư trưởng, cha mẹ, anh em và bạn bè. Qua đoạn phú trên ta thấy được ở đức Điều Ngự có sự dung hợp tư tưởng tam giáo hòa đồng tam giáo, tuy Phật giáo vẫn ở vị trí chủ đạo nhưng Nho giáo cũng có những vị trí và ảnh hưởng không nhỏ đối với Điều ngự.

Bên cạnh đó, với tư tưởng ẩn dật, tu tiên tìm đến những phép trường sinh bất tử của đạo Lão cũng được Sơ tổ nhắc đến ngay trong hội thứ nhất của Cư trần lạc đạo phú.

“Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục

Nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam

Sách Dịch xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu

Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàn kim”.

Đạo giáo chủ trương tu tiên về thượng giới để trường sinh bất tử, đây cũng có lẽ là niềm đam mê và khát vọng của con người thời phong kiến. Với tư tưởng trên Điều ngự cũng đồng tình chấp nhận thế nhưng, mục đích cuối cùng của ngài không phải để trường sinh bất tử mà ngài quý trọng ở tính sáng, hay lòng trong sạch. Bởi vì, tâm sáng, lòng trong sạch theo Điều ngự đó chính là Phật tâm, cái tâm bất sinh bất diệc.

Tuy rằng, mục đích cuối cùng của Phật-Nho-Lão có sự khác nhau, “đạo sĩ muốn đạt được trường sinh bất tử, cư sĩ hướng tới giác ngộ, dật sĩ thì tích nhân nghĩa”. Thế nhưng cả ba tôn giáo đều có chung mục đích cùng hướng đến xã hội, mong muốn đem đến cho con người một đời sống tốt đẹp, một xã hội cường thịnh giàu mạnh.

Chính triết lý sống đơn giản không nặng tính giáo điều đó đã hình thành nên lớp người Phật tử khéo léo biết đem đạo ứng dụng vào đời. Hầu hết những gương mặt Phật tử, thiền gia, thiền sư của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội mà không đòi hỏi lợi ích cá nhân. Cùng với bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ độc lập tự chủ, Tư tưởng thiền trong Cư trần lạc đạo, được Điều ngự Trần Nhân Tông áp dụng vào cuộc sống là đỉnh cao của nền Phật giáo thế sự có một không hai trong lịch sử nước nhà.

SC.Thích Nữ Hạnh Hiển