Trang chủ Bài nổi bật Tinh thần Đại học Vạn Hạnh

Tinh thần Đại học Vạn Hạnh

399

Viện Đại học Vạn Hạnh tiền thân là Viện Cao đẳng Phật học. Trước 1975, Viện Đại học Vạn Hạnh là trường đại học Phật giáo Việt Nam đầu tiên không chỉ đào tạo Phật học.

Khi vừa nhận quy chế Viện Đại học, thì ngoài Phân khoa Phật học, viện mở ngay Phân khoa Văn khoa và Khoa học Nhân Văn. Viện không chỉ đào tạo giảng viên dạy văn chương, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý ở các trường công, trường tư mà còn đào tạo nhà văn, nhà báo.

Tinh thần đại học của Viện Đại học xác định: Bảo tồn văn hoá dân tộc cũng là bảo vệ chủ quyền dân tộc, duy trì thúc đẩy văn hoá dân tộc lớn mạnh thêm. Bên cạnh đó là tinh thần phụng sự quốc học với tinh thần tự do khai phóng, trên nền tảng quốc văn, quốc sử, văn minh Việt Nam và triết học phương Đông, tiến tới đào tạo cử nhân Quốc học.

Một cử nhân Quốc học sẽ gồm đủ những hiểu biết căn bản để trở thành học giả chuyên sâu về Quốc học Việt Nam bao gồm văn chương, triết học, tôn giáo, lịch sử, địa lý, văn minh… Những công cụ chuyên môn để khảo cứu Quốc học gồm cổ ngữ Pali, Phạn, Hán và sinh ngữ Anh, Pháp, Nhật…

Điều đáng chú ý, chuyên môn không phải để sống cô lập nhằm phục vụ quốc gia chủ nghĩa, mà đề cao sắc thái dân tộc nhằm bổ túc cho văn hoá nhân loại, cống hiến hai sở trường của dân tộc Việt Nam là Phật học Việt Nam và Quốc học Việt Nam.

Xác định một tinh thần Đại học như vậy cũng xem như là một tư liệu di sản tinh thần quý giá của Phật giáo Việt Nam. Đáng tiếc chiến tranh và thái độ hiềm khích dân tộc chủ nghĩa đã làm mai một đi không ít giá trị.

Để hiểu thêm về tinh thần Đại học của Viện Đại học Vạn Hạnh, chúng ta có thể tìm đọc lại Tạp chí Vạn Hạnh, với chủ đích nghiên cứu phát huy văn hoá Phật giáo và dân tộc.

P/s: Nhìn lại 40 năm (1981-2021) hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhìn vào sự phình to của bộ máy hành chính với đủ ban bệ, nhưng tinh thần giáo dục đại học thì còn khá mờ nhạt, nếu không nói là tụt lại quá xa so với trước 1975. Mọi sự thay đổi căn cơ phải đến từ giáo dục.

Mùa dịch ngồi đọc lại từng năm Tạp chí Vạn Hạnh, định viết một bài về tinh thần Đại học Phật giáo nhìn từ quá khứ đến hiện tại. Nhưng lại thấy không cần thiết nữa, chỉ tóm tắt vài ý nêu ra trên đây.

Lại nhớ lời Cụ Phan Tây Hồ thống trách:

“Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương tuý mộng trung”.