“Huyền âm mộng nguyện” là tập thơ hơn 100 bài thơ của Nguyễn Văn Long, được in vào năm 2020. Đây có thể được coi là tập thơ mang âm hưởng nhà Phật bởi không gian huyền ảo và triết lý nhân quả. Mỗi câu thơ đều mang hình ảnh, hình bóng Phật, Thánh, Thần, Diêm Vương… Qua đó, tác giả cho thấy, cõi Trần chỉ là cõi tạm, con người sống nên biết tránh xa cái ác. Tu là tu khi đang là con người ở dương thế, sống sao cho phải đạo làm người.
Giữa cuộc sống xô bồ hiện nay, cơm áo gạo tiền, vật chất lên ngôi, dường như con người ngày càng xa với cái gọi là thiên nhiên, xa cái gọi là cổ tích, là huyền thoại, là mộng mị. Thế nhưng, đâu biết rằng, những cái mà chúng ta xa bấy lâu nay, mới là những thứ giúp chúng ta nên người. Nguyễn Văn Long, có lẽ với tâm thế đó, đã đưa người đọc trở về với cái Thiên Thượng, cái xưa kia, mà con người đang đánh mất. Có thể anh đang muốn con người hướng đến lương thiện bằng những hình ảnh mà xưa kia, cha ông mình đã đến và đã từng mơ tưởng.
“Âm linh như nhắc gọi tên/ Về miền xưa cũ, động trên ngút ngàn/ Bùn đen, lá úa se hàng/ Nước trôi thân gỗ, nước tràn đá khe”. Đây có thể được coi là những câu thơ hay đến tự nhiên của Nguyễn Văn Long khi viết về thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên của anh mang màu sắc tôn giáo, đó là âm linh. Âm linh chính là miền xưa cũ, để anh và chúng ta rời xa bùn đen, lá úa, để về nơi ngút ngàn.
Nguyễn Văn Long còn đưa người đọc như trở lại thời ma mị, liêu trai: “Tầng sâu đáy đá cõi trời/ Âm tào, địa phủ, nhất thời, hiển danh”. Những câu thơ đầy chất liêu trai, khiến chúng ta nhớ lại những câu chuyện về ma quỷ thần tiên của nhà văn nổi tiếng thời xưa là Nguyễn Dữ, Bồ Tùng Linh. Nguyễn Văn Long muốn khơi lại những hình ảnh ở một nơi xa khác, có thể là do con người tưởng tượng, hay là ai đó bằng thần thông đã từng đến được đó, để con người biết sợ những việc làm ác, mà sống tốt hơn.
Có lẽ do hiểu được những việc làm ác của con người hiện nay là quá lớn, tàn phá thiên nhiên, dối trá, lừa lọc… mà tác giả muốn xin một chút canh Mạnh Bà để quên hết. Theo tác giả Thiền Viện, canh Mạnh Bà là thứ cảnh của quên lãng. Khi uống vào, các linh hồn sẽ quên hết mọi chuyện trong kiếp này. Đầu thai chuyển kiếp là một thân mệnh mới, hoàn toàn không nhớ chuyện gì của quá khứ. Sau khi uống canh Mạnh Bà, linh hồn sẽ được phán xét vào cõi nào trong trời đất. Nếu dương gian là người tu tâm tích đức sẽ được trở về trời hưởng phước lành. Nếu dương gian là người độc ác, tâm địa xấu xa sẽ bị đày đọa, khổ ải trước khi đầu thai. Còn người bình dị sẽ được luân hồi, tùy vào nghiệp duyên mà thành người hay các chúng sanh khác.
Có lẽ, do muốn quên lãng đi những xấu xa ở đời, mà Nguyễn Văn Long cũng mong muốn được ăn món canh Mạnh Bà sau khi buông bỏ cõi Trần: “Ai đi về cõi nhịp Âm gian/Tâm thân bái kiến Quỷ vương đàng/ Diêm vương phán xét, xin niệm phép/ Cầu mong Mạnh Bà ban chút canh”, để rồi “Bước đi xóa hết ký ức thơ/Nhập vào nghiệp cõi thân bóng mờ/ Lục đạo luân hồi thời ai biết/ Xóa nhòa quên bỏ, mộng hồn du”.
Trong thơ, tác giả còn cho xuất hiện những Phật, Thần, Long Vương, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thiên Tôn Giáo chủ… Tất cả những vị này đều không xa lạ với trí tưởng tượng của con người, nhất là người Việt Nam, luôn thể hiện tấm lòng từ bi, ghét cái ác, và luôn muốn hành thiện cả khi nghèo khổ nhất. Nguyễn Văn Long có lẽ là người đang cố ý muốn làm sống lại những phép màu vốn có trong tâm thức con người mà bấy lâu chúng ta đã quên lãng đi.
Hướng đến từ bi lương thiện, tránh xa xấu ác
Nguyễn Văn Long, dù không xuống tóc đi tu, là một con người phạm tục đúng nghĩa, nhưng triết lý anh thực hành trong “Huyền âm mộng nguyện” như thể anh là một vị sư. “Huyền âm mộng nguyện” có thể được hiểu là những chân kinh trong mơ màng xuất hiện, và từ đó mà anh viết ra. Tập thơ đầy rẫy những câu thơ như những câu Kinh trong nhà Phật.
“Tầng sâu đáy đá cõi trời/ Âm tào, địa phủ, nhất thời, hiển danh” (Âm linh như nhắc gọi tên); “Chuông ngân, mõ tiếng thanh ngần/ Đạo sơn, kinh kệ, phúc thành hành tu/ Địa Tạng ẩn hiện như mơ/ Ấy là Bồ tát, hóa thân cứu đời”. (Bao giờ); “Ta đi các Cõi nhẹ nhàng/ Hào quang Phật nhãn vô vàn, vô biên”. (Bao giờ); “Buông đi về núi ngủ vùi/ Rau xanh, cỏ đá, chim gà véo von/ Cá bơi suối thác lon ton/ Củ mài, ổi nhãn tinh nguyên khí trời”; “Hỏi thăm các Vị mây, mưa/ Long Vương, Diêm phủ, Tiên cơ đăng đàn/ La Hán du nhãn thân tàng/ Trần gian ai ngộ, biết điều Thiên cơ”; “Đạo quang, thiên nhãn, phong san/ Bồ Tát kết ấn, quy đan Đạo Người” (Buông đi về núi ngủ vùi).
Nguyễn Văn Long đưa độc giả đến với tầng sâu nhất của nhân cách, đó là nỗi sợ thành bản năng, nỗi sợ địa ngục. Đương nhiên, nỗi sợ địa ngục chỉ làm cho những ai sống làm nhiều điều ác sẽ phải lo sợ, còn người lương thiện thì vẫn thong dong. Nhưng anh vẫn muốn nói rõ hơn cho người biết sau khi chết, nỗi sợ đó không phải là tưởng tượng, mà theo niềm tin của anh, đó là sự thật.
“Sông sâu lạnh lẽo đỏ băng hàn
Quỷ nhân tội nghiệp vật vã giam
Nghìn năm mong đợi xem chuyển kiếp
Cõi đời, lục đạo, phận mong san?
Hồn đi công tội, Điện Diêm vương
Xét lên, tra xuống, đủ mọi đường
Tra rồi, chịu nghiệp theo luật quả
Mấy thời, vọng cảnh, hỏi nguyên thân”.
(Cầu mong Mạnh Bà thần)
Trong triết lý nhà Phật, theo Thích Nhuận Ân, trong giáo lý nhân quả, giá trị con người không chỉ được đề cao ở vai trò và trách nhiệm mà con người còn có khả năng làm thay đổi nghiệp cũ (chuyển nghiệp). Đây là một đặc tính hết sức nhân bản trong giáo lý nhân quả của Đạo phật. Nó cho phép con người có được một khả năng hướng thượng. Con người biết khắc phục sửa chữa cái xấu, cái ác trở thành cái hay cái đẹp.
Đây là một đặc tính khác biệt giữa con người với những loài vật khác. Điều đó càng được khẳng định và làm cho sáng tỏ hơn thông qua triết lý nhân quả của Phật giáo. Tính nhân văn trong triết lý nhân quả không phải là nhằm lý giải cái nhân cái quả khiến cho con người trở nên lo sợ hay trốn chạy, mà nó mang đến cho con người những cơ hội để tự mình khắc phục những sai lầm trong quá khứ và xây dựng cho chính mình một đời sống an vui và hạnh phúc.
Như vậy, cùng quan điểm với giáo lý nhân quả trong nhà Phật, Nguyễn Văn Long muốn độc giả hướng đến cái đẹp, cái thiện, hướng đến xây dựng một người mang tâm từ bi, để khi thác xuống, linh hồn được an nhàn, được những điều tốt đẹp nhất mà kinh Phật từng nói đến. Nguyễn Văn Long, chí ít, anh đang đóng góp về thơ ca cho thơ ca Phật giáo; và từ đây, anh muốn hướng con người đến tính thiện, từ bi. Và để làm được điều này, con người phải biết sợ những điều xấu ác, để tránh, và phải biết tu tâm dưỡng tính, thì mới mong có cuộc sống viên mãn, viên mãn kể cả sau khi chết đi.
VŨ ĐOÀN/VHVN