Thuở ấy, Phật học viện Huệ Nghiêm còn thanh vắng, về cơ sở chỉ có ba dãy nhà tiền chế cấp 1, dãy giữa dùng làm chánh điện, hai dãy hai bên đông, tây dùng làm thư viện, phòng học cho lớp Sơ trung, Cao trung Phật học, chưa xây dựng dãy nhà ba tầng cũng như chánh điện hiện nay. Khu Tăng xá chỉ có hai dãy nhà tole, gọi là khu A và khu B. khu A gồm dãy nhà dài 10m, chia làm hai phòng dành cho chúng Mã Minh và chúng Long Thọ. Dãy nhà B dài 20m, chia làm bốn phòng, dành cho bốn chúng: Vô Trước, Thế Thân, Liễu Quán và Nguyên Thiều. Thầy thuộc chúng Long Thọ, tôi thuộc chúng Thế Thân. Tuy nhiên, hằng ngày đều gặp nhau trong những giờ học tập, thọ trai và hội họp. Tất cả chúng tôi sống chan hòa, hồn nhiên, trong tình đạo bạn ở lứa tuổi mười lăm mười sáu của cuộc đời tu sĩ, học tăng. Chúng tôi lại được sự đùm bọc và giáo dục của quí hòa thượng: hòa thượng Bửu Huệ, hòa thượng Thiền Tâm, hòa thượng Thanh Từ và nhiều chư tôn đức khác trong Ban Giám đốc và Ban Giáo thọ của viện.
Trong chương trình học, hai lớp chúng tôi được học ngoại điển tại viện, Ban giám đốc mời giáo sư trường Bồ Ðề Chợ Lớn, Sài Gòn vào dạy xen kẽ chương trình Phật học vào buổi sáng và buổi chiều. Khác với những chúng khác như Vạn Hạnh, Huyền Trang phải đi học ở trường Bồ Ðề Chợ Lớn, Sài Gòn.
Ðến năm 1968, sau khi hoàn tất chương trình Trung Ðẳng IV, tương đương Trung học đệ nhất cấp, để thực hiện chương trình trao đổi tăng sinh của Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ nhằm tạo sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau giữa tăng sinh các Phật Học viện và tăng sinh các tỉnh vì thế tôi tạm xa thầy để theo học tại Phật học viện Trung Phần- chùa Hải Ðức Nha Trang. Còn thầy thì tiếp tục theo học chương trình Trung Ðẳng chuyên khoa tại viện.
Thỉnh thoảng nhân dịp nghỉ hè, nghỉ tết, về thăm lại Sài Gòn, đến thăm trường xưa, cảnh cũ, thăm thầy, thăm chúng, thầy thường nhắn nhủ: “Có đi đâu thì đi, nhưng rồi cũng về cảnh cũ (tức Huệ Nghiêm), nhất là cần theo học chương trình chuyên khoa Phật học, mới giữ gìn được Phật chất thiện căn sâu dày, bảo đảm được đường tu trong đời này và đời sau như hòa thượng giám đốc hằng mong ước”. Lời nhắc nhở của thầy góp phần tăng thêm sức mạnh, động viên, thôi thúc cho sự trở về nguồn của tôi. Do đó năm 1971, sau khi tốt nghiệp tú tài 2, cũng đúng vào thời gian thành lập Viện Cao Ðẳng Phật học và khai giảng khóa đầu tiên, tôi quyết chí trở lại Huệ Nghiêm, theo học chương trình Cao đẳng Phật học thay vì theo học Phân Khoa Phật học thuộc Viện Ðại học Vạn Hạnh như những thầy cùng khóa.
Trong thời gian tại viện, dù bận nhiều công tác, học tập của viện, cộng thêm tôi lại theo học chương trình cử nhân tại đại học Văn Khoa Sài Gòn, (nay là trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Tuy nhiên, tôi cũng cùng thầy tham gia đoàn giảng sư Trung Ương của Tổng vụ Hoằng pháp – GHPGVNTN, do hòa thượng Thích Huyền Vi lãnh đạo. Hằng tháng chúng tôi đều có đi thuyết pháp, giảng dạy tại một số tỉnh miền Tây, miền Ðông …
Ðặc biệt trong những lần họp kiểm điểm về ưu, khuyết điểm trong công tác thuyết giảng, thầy đã chân thành phát biểu, nhận xét về tôi: “Thầy Nhơn có bốn nhược điểm: Một là: khi giảng thường ngó lên trần nhà, không nhìn thính giả. Hai là: giảng nhanh quá, có lúc thính chúng không nghe kịp. Ba là: còn hơi ngượng ngập, cử chỉ chưa được tự nhiên, thiếu điệu bộ. Bốn là: giảng hơi cao, đôi khi không hợp trình độ đại chúng”.
Chính những nhận xét phê bình chân tình của thầy, mà tôi cố gắng khắc phục trong suốt thời gian hơn 30 năm để công tác thuyết pháp, giảng dạy có hiệu quả tốt hơn. Quả thật, như Kinh Pháp Cú nói : “Ai phê bình ta, mà phê bình đúng là bạn ta”. Kỳ thực, thầy không những là bạn mà còn là bậc thầy nữa. Do đó, thời gian sau này, khi tham gia công tác hoằng pháp của GHPHVN, thầy được phân công đặc trách Giảng sư đoàn, phụ trách môn Phương pháp diễn giảng, và làm giám khảo những kỳ thi diễn giảng, thực tập diễn giảng v.v… góp nhiều công sức cho sự nghiệp đào tạo hàng trăm giảng sư, giảng sinh cho Giáo hội.
Tôi còn nhớ, năm 1971 -1972, trong chương trình đi xây dựng cơ sở hạ tầng của Giáo hội tại Bình Dương và Bình Long, thầy đã tỏ ra lịch thiệp và tinh tế trong khi ứng xử, giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc, đắc nhân tâm mà tôi không làm được, dù là cùng trang lứa và trình độ như nhau. Quả thật, như người xưa nói: “Trong ba người cùng đi nhất định là có một người làm thầy mình”. Học là một chuyện, khả năng là một lẽ, nhưng cần phải có phúc tướng, đức độ và những kinh nghiệm trong xử thế, tế nhị trong giao tiếp, nhạy bén khi gặp việc, sống hài hòa, hoan hỷ với nhau… đó chính là những yếu tố góp phần thành công trên đường hóa đạo. Ðiều này thầy đã đạt được khi còn ở trong chúng, trong trường, cũng như khi công tác tại địa phương và trung ương, đều được chư Tôn đức giáo phẩm, tăng ni phật tử gần xa kính mến.
Sau ngày miền nam giải phóng. Thực hiện chương trình Về Nguồn, nhập thất tịnh tu của hòa thượng viện chủ, với tư cách là Ban lãnh chúng, thư ký của viện, thầy rất thông cảm cho tôi vì còn bận nhiều công tác phật sự Giáo hội, giảng dạy tại các trường phật học, nên đã dành nhiều ưu tiên, sắp xếp chương trình, thương lượng, thay đổi người cho tôi được nhập thất vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết, nhờ đấy mà tôi hoàn thành được hai mặt tịnh tu và công tác phật sự cho Giáo hội trong thập niên đầu của lịch sử mới sang trang, Giáo hội mới thành lập. Có những lúc thầy tâm sự: “Bồng em thì khỏi quét nhà, rửa chén thì khỏi nấu cơm” đó là trách nhiệm của mỗi người để cùng chung lo cho nhau được an tâm tu học, thực hiện chương trình trở về cảnh cũ, mà hòa thượng viện chủ hằng ấp ủ, để từ đó tạo cho Huệ Nghiêm có những nét đặc thù, một tu viện nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ.
Khi Trường cơ bản Phật học TP.HCM được thành lập năm 1988, dù ở cách xa hơn chục cây số, nhưng hằng tuần, bằng phương tiện xe buýt, xe lam, nhờ người chở hộ… (vì thầy không biết chạy xe gắn máy), thầy vẫn thường xuyên đến trường giảng dạy trong suốt chương trình, hơn ba khóa, gần 15 năm không hề bỏ lớp.
Sáng thứ bảy (21/07/2002), tôi gặp thầy tại Văn phòng 2 TWGH. Thầy đến thăm sau chuyến tôi tháp tùng phái đoàn GHPGVN thăm Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, và Thiền viện Trúc Lâm ở Paris. Tôi đã tặng một bút máy, một tháp Eiffer, một Khải hoàn môn là những biểu tượng của nước Pháp mà tôi mang về. Thầy nhận quà với vẻ mặt đượm buồn. Tôi thắc mắc không biết trong thời gian mười ngày vắng mặt, ở trong nước có việc gì bất trắc xảy ra với Giáo hội, Thành hội hay cá nhân mà thầy có những biểu hiện không bình thường như vậy? Tôi dự định tìm hiểu, nhưng rồi việc gì đến đã đến….
Chiều thứ bảy cùng ngày, Tôi gặp lại thầy ở Văn phòng Trường Cao trung Phật học TP.HCM – chùa Vĩnh Nghiêm, hôm ấy thầy có vẻ rất mệt vì buổi sáng đã dạy cho trường hạ chùa Phổ Ðà, chiều 2 giờ đầu dạy cho trường hạ Vĩnh Nghiêm, 2 giờ sau giảng cho lớp Ni – Cao đẳng Phật học. Do đó, khi nhấn chuông vào lớp, Thầy mệt mỏi nói với cô thị giả: “ Thầy mệt quá, nhưng cố gắng dạy cho xong”. Khi tan trường, thầy về, tôi tiễn thầy tại bậc thềm của văn phòng nhà trường, lúc ngồi trên xe Honda do đệ tử chở, khi xe nổ máy và bắt đầu chuyển bánh, thầy còn nói vọng giã từ : “Tôi về nghe thầy Nhơn”. Không ngờ chữ về ấy mang nhiều ý nghĩa. Về chùa Huệ Nghiêm, hay về cảnh cũ quê xưa, Niết Bàn vô tung bất diệt?
Bốn giờ sáng chủ nhật, một cú điện thoại do thầy Thiện Tánh gọi đến báo: “Anh có hay gì không? Anh Chơn Thanh bị tai biến mạch máu não sắp đi rồi, đang ở phòng cấp cứu bệnh viện Triều An”. Tôi buông ống nghe xuống, bàng hoàng đi đến bệnh viện Triều An. Một cảnh tượng đau lòng diễn ra trước mắt: chung quanh là những tăng ni sinh, phật tử với những dòng nước mắt, buồn thương, thất vọng!
Thế rồi đến 00h 20 ngày 13/6 âl (23/07/2002) thầy thu thần viên tịch. Thế là hết! Sự ra đi của thầy quả là một sự tổn thất to lớn đối với Giáo hội và Thành hội Phật giáo TP.HCM với tăng ni phật tử trong và ngoài nước, bây giờ và cả sau này!
Ngày tiễn đưa kim quan thầy đến đài hoả táng Bình Hưng Hòa, cũng chính là ngày lễ húy kỵ lần thứ 5 cố hòa thượng Thích Thiện Hào, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Thành hội Phật Giáo TP.HCM, hòa thượng khi còn sanh tiền rất mến thương thầy và tạo nhiều điều kiện cho thầy thăng tiến. Kinh nghiệm cho thấy gần 15 năm công tác tại Văn phòng Thành hội Phật giáo, hôm nào vắng mặt thầy, hòa thượng đều nói: “Văn phòng ngày nào mà không có Chơn Thanh, xem như thiếu một cái gì đấy …”. Quả thật, thầy là một hạt nhân thu hút được mọi nguồn năng lực, là ánh sáng chan hòa giữa tất cả mọi người, mọi dị biệt về tư tưởng và thành phần. Thầy là chất keo tạo sự đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội và Thành hội Phật giáo. Thầy mất đi khó tìm lại được một người như thầy. Quả thật, như Trí Bảo Ðại sư đã nói : “Quen nhau đầy dẫy trong thiên hạ, còn bạn tri âm có mấy người”.
Thế là thắm thoát hai năm đã đi qua. Bao ký ức, tiếc thương vẫn còn đọng lại vẹn nguyên trong tâm tưởng. Nay nhân ngày lễ đại tường của thầy, tôi xin ghi lại đôi dòng chân tình và thầm khấn nguyện như Tổ Quy Sơn đã dạy :
Dù sinh bất cứ nơi đâu
Mối tình Pháp lữ khắc sâu đời đời.
TP.HCM ngày 23 – 04 – 2004.
Pháp hữu Thích Thiện Nhơn