Ở đó, ông vừa làm vua, vừa làm Phật ngay giữa cõi đời này. Trên hai phương diện đó, ông đều có đủ khả năng để cứu dân thoát khỏi xiềng xích của giặc ngoại xâm Nguyên Mông luôn nhòm ngó thôn tính nước ta và cứu độ người dân ra khỏi bờ mê. Thực tế, Trần Thái Tông là người mở mang cơ nghiệp nhà Trần, đồng thời cũng là vị thiền gia triển khai thành công Phật giáo Nhất tông, nhập thế, tùy tục. Vì thế, ông chấp nhận từ bỏ ý nguyện vào núi Yên Tử làm Phật. Bởi Phật luôn ở trong tâm, khi tâm thanh tịnh trong sáng thanh tịnh chính là Phật. Cái ý muốn cá nhân, cái tâm cá nhân ấy phải là ý muốn của nhân dân, cái tâm của đồng bào, xứng đáng là “bậc làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai” (Thiền Tông chỉ nam tự ). Tấm lòng ấy trở thành một tư tưởng chính trị để lãnh đạo quốc gia Đại Việt thắng quân Nguyên trong cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất và xây dựng bảo tồn văn hóa Đại Việt. Trên hết, vua là người đặt nền móng tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời. Theo Nguyễn Duy Hinh, thiền phái Trúc Lâm ra đời dựa trên tiền đề xã hội và tôn giáo hình thành trong quá trình vận động lịch sử nước nhà. Nhà Trần trong buổi đầu thành lập, công việc cấp bách thiết thực nhất được đặt ra trước mắt với các nhà lãnh đạo quốc gia là xây dựng cho kỳ được một ý thức hệ độc lập thống nhất hòan toàn khác phương Bắc. Họ Trần lựa chọn Phật giáo Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cũng cần thay đổi chút ít cho phù hợp với thực tiễn thời đại. Thiền phái mới được thiết lập nhằm bốn mục đích chính:
1. Biểu lộ tính độc lập dân tộc.
2. Thay đổi phần nội dung tiêu cực và thân ngọai.
3. Mục đích thống nhất ý thức hệ để tạo nên Phật giáo Nhất tông.
4. Khoác cho mình chiếc áo của một tôn giáo mới.
Thực tế, tư tưởng lập thiền phái mới được manh nha từ khi Phật giáo Thiền tông chủ trương nhập thế. Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên nhà Trần, dưới cái nhìn của một nhà chính trị thì càng cương quyết thực hiện ý tưởng đó. Khi chấp nhận lời khuyên của Quốc sư Phù Vân như là quan điểm đạo pháp phục vụ chính trị và dân tộc thì ý tưởng thống nhất các thiền phái thành Phật giáo Nhất tông là điều tiên quyết đối với Trần Thái Tông. Dưới ảnh hưởng và uy tín của nhà vua vào thế kỷ XIII, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã được sáp nhập và trở thành Thiền phái Trúc Lâm duy nhất đời Trần. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm tạo ra sức mạnh đoàn kết và hợp nhất tư tưởng các thiền phái để phục vụ đạo pháp và dân tộc trong một bối cảnh lịch sử mới. Sự hợp nhất, thống nhất ý thức hệ này sẽ góp phần tạo ra hợp nhất tư tưởng dân tộc trong công cuộc mở mang đất nước với những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Và lần nữa, Phật giáo luôn luôn năng động tùy duyên, tùy thời để đề ra những chương trình hoạt động cụ thể trước những vận hội mới, những cơ hội và thách thức mới mà những biến động xã hội, thời cuộc đưa lại. Người có công đặt nền móng cho tư tưởng thiền phái Trúc Lâm ra Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông nhưng phải đến thời Trần Nhân Tông với mệnh danh là Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng thì Thiền phái mới chính thức đi vào hoạt động tích cực vào lòng xã hội Đại Việt.
Thiền phái Trúc Lâm trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Thiền tông Việt Nam khi nhìn nhận nó trong dòng chảy lịch sử nước nhà. Trong bài viết “Tìm hiểu về Trần Nhân Tông, vị Tổ sáng lập dòng thiền Trúc Lâm”, Mạn Đà La đã phát biểu: “Tinh thần của Thiền học Trúc Lâm là thiền học dân tộc, nghĩa là một mặt không ngừng phát triển tận cùng khả năng giác ngộ giải thoát để vươn lên đỉnh cao của con người: giác ngộ giải thoát hoàn toàn; mặt khác, không ngừng tích cực, xây dựng an lành cho chúng sinh bằng cách trước hết phục đất nước, dân tộc những gần mình và có ân nghĩa đối với cuộc sống của mình”.
Rõ ràng, Thiền phái Trúc Lâm đã đồng hành cùng dân tộc, mở ra trang sử huy hoàng cho cả thời đại. Thực ra, tinh thần nhập thế đã có từ thời Mâu Tử khi đạo Phật mới du nhập, nhưng phải đến Phật giáo đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm thì tinh thần nhập thế mới được phát huy cao độ. Nó không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị văn hóa xã hội nước nhà. Việc định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, mở rộng biên cương, chấn hưng văn hóa Đại Việt của nhà Trần đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo, nhất là tư tưởng tùy duyên mà vui với đạo của Thiền phái. Sự thành công của nhà Trần là có các ông vua lãnh đạo đất nước biết vận dụng tư tưởng Cư trần lạc đạo để huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng cường mà không có một thế lực nào ngăn cản được.
Với tinh thần “tùy duyên bất biến và bất biến mà tùy duyên”của kinh Hoa Nghiêm, nó đã quy định tính chất nhập thế của Thiền phái. Khái niệm nhập thế không phải là thuật ngữ chỉ dành cho Nho giáo – một hệ thống triết học mang tính thực tiễn chính trị và luân lý đạo đức rất cao… Theo Trương văn Chung nhận định trong “Tư tưởng triết học của thiền phái Trúc Lâm đời Trần” thì khái niệm nhập thế này nhằm phân biệt và đối lập với khuynh hướng xuất thế của triết học Lão Trang. Cả hai khái niệm nhập thế của Nho giáo và xuất thế của Lão Trang mà tác giả này đề cập càng không thể đánh đồng với khái niệm nhập thế và xuất thế mà Phật giáo quy định. Khái niệm nhập thế đã được Phật định hình từ lâu theo tinh thần “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” . Và các đệ tử của Phật từ xưa đến nay đã đi từ thành thị đến nông thôn…để làm lợi cho đời.
Xét cho cùng, khái niệm xuất thế của đạo Phật thì mang ý nghĩa nhập thế mà Phật đã vạch định. Bài văn Cảnh sách của Quy Sơn (771 – 853) rất phổ biến trong các thiền đường Việt Nam đã nêu khái niệm xuất thế khá rõ “Phù xuất giả phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” (Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phái rúng động, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi” . Phật giáo Đại Việt với nền Phật giáo thế sự, lấy chủ trương tùy tục để nhập thế. Thông Thiền đệ tử Thường Chiếu đề xuất khái niệm xuất thế được xác lập theo tinh thần duyên sinh vô ngã “Chỉ xem ngũ uẩn đều không, tứ đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đến không đi, khi sinh tính không đến, khi chết chẳng đi, yên tỉnh vên tịch, tâm cảnh như một. Phải hiểu được như vậy mới chóng đốn ngộ, không bị ba đời ràng buộc. Như thế, người xuất thế, tất thảy các điều ấy không thể tách rời nhau” .
Quy định nội dung xuất thế như thế, con người không nhất thiết xuống tóc xuất gia, chỉ cần ngộ cái lý năm uẩn là không, chân tâm không tướng… thể nhập đời trong mối tương quan mà có thái độ sống thích hợp, cống hiến cho đời là cho đạo. Huống nữa, Thiền phái còn y cứ kinh Pháp Hoa làm cơ sở lý luận cho việc nhập thế, thì quan điểm Phật giáo đi vào đời đã trở thành nét đặc trưng với lời dạy nổi tiếng về nhiệm vụ của một vị Phật là “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sinh”. Và quan điểm vào đời ấy tùy thời, tùy yêu cầu từng giai đoạn của lịch sử giao phó mà Phật giáo tham gia đóng góp cho nước nhà. Đạo Phật nhập thế trở nên có một thế nhập lớn trong lòng dân tộc. Nó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho đường lối Thiền phái hoạt động từ đó và sau này:
“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”.
Chính tư tưởng tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục đã hình thành nên mẫu người Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời thật hữu ích. Chính Trần Thái Tông là người sống trong thế giới vật chất, sặc mùi danh lợi, thế mà ông vẫn hướng tâm giải thoát và lãnh đạo nhân dân ta đập tan cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất và cũng là người chủ trương đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Không chỉ Thái Tông mà một loạt thiền sư xuất gia hay tại gia của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị của đất nước. Họ có thể là những nhà tư tưởng chiến lược, tướng cầm quân, những nhà trí thức lớn, nhà thơ, nhà văn, thầy thuốc tùy theo sự phân công và khả năng của mình mà sẵn lòng tham gia không có một yêu cầu đòi hỏi nào cả, sống đúng đạo lý như Trần Nhân Tông nói trong Cư Trần lạc đạo:
“Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm
Ngày thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo”
Hình tượng này là tiêu biểu cho mẫu người Đại Việt thời đại Đông A nói chung, chứ không phải riêng gì cho Phật giáo. Những người làm nên sự nghiệp hào hùng của dân tộc ta vào thời này hầu hết là Phật tử. Điển hình cho mẫu người lý tưởng này là Tuệ Trung Thượng sĩ. Ông có thái độ sống nhập thế tích cực vì dân, vì nước chứ không vì sự giải thoát cho mình. Ông trở thành vị tướng tài có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đồng thời cũng là thiền sư ngộ đạo thể hiện rõ sự tự tại, giải thoát như bài Mê ngộ bất dị mô tả:
“Bất sinh hoàn bất diệt
Vô thủy diệc vô chung”
(Không sinh mà không diệt
Vô thủy lại vô chung)
Tinh thần này khiến người ta sống tự tại, nhất là luôn ý thức làm những việc nên làm, và không nên làm và có khi tạo những điều kỳ diệu cho nước nhà bất chấp mọi chướng duyên mà Trần Thánh Tông khuyến cáo trong bài Tự thuật:
“Nhất đàn chỉ phá vạn trùng san
Giá cá công phu dã thị nhàn”
(Búng tay phá đổ núi muôn trùng
Dường ấy công phu cũng nhẹ không)
Vận dụng tinh thần nhập thế của Thiền phái, ông đã cùng Trần Nhân Tông làm nên điều kỳ tích của lịch sử là lãnh đạo thành công hai cuộc chiến tranh vệ quốc xảy ra năm 1285 và 1287 khi ông xác định “Thiên hạ là thiên hạ của Tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng ứng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo cùng lo, vui thì cùng. Các khanh nên truyền những lời dạy này cho con cái để chúng không bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”.
Quan điểm đoàn kết thân dân chỉ thực hiện được khi mọi người dân cùng chung một quyền lợi và nghĩa vụ với người lãnh đạo đất nước. Và Trần Hưng Đạo viết Hịch tướng sĩ để cụ thể hóa vấn đề đó với toàn bộ tướng tá binh sĩ dưới trướng của mình. Còn Trần Nhân Tông thì với chủ thuyết Cư trần lạc đạo, hướng đến việc xây dựng mẫu người Phật tử nhằm bảo vệ độc lập và chấn hưng đất nước. Mỗi khi sự tồn tại quyền lợi của người này là điều kiện nhân tố cho quyền lợi người khác thì tất cả đồng phát triển. Mọi người dân hiểu yêu nước là yêu đạo, yêu gia đình là yêu cha mẹ, bà con, yêu mối tình vợ chồng, con cái trẻ thơ, yêu mộ phần tổ tiên ông bà, yêu hồn thiêng sông nước nuôi dưỡng con người.
Vì vậy, Thiền phái Trúc Lâm nhập thế tích cực hơn nữa. Sau thời kỳ Bắc thuộc, Đại Việt không ngừng vạch định chính sách phát triển đất nước bằng cách mở rộng bờ cõi. Nhà Lý đã sáp nhập ba châu Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính, cùng với việc thành lập Thiền phái Thảo Đường. Đến đời Trần, yêu cầu phát triển kinh tế, phục hưng các giá trị văn hóa, việc gia tăng dân số trong thời bình trở nên vấn đề hàng đầu. Trần Thánh Tông đã cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung phi chiêu mộ dân nghèo các địa phương khai hoang, dãn dân nhằm đáp ứng việc gia tăng dân số mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi rất rõ “Mùa Đông, tháng 10 (1266) xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực từ đấy.”
Rõ ràng, sự phát triển đất nước sau chiến tranh khiến nhà Trần có chính sách lâu dài về vấn đề dân số, kéo theo vấn đề kinh tế, an ninh chính trị. Bốn năm sau, Trần Nhân Tông tiếp tục sự nghiệp Nam tiến của cha mình là sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào bản đồ Đại Việt. Từ đây, Đại Việt không chỉ giải quyết được vấn đề áp lực gia tăng dân số mà còn thiết lập được một nền an ninh vững mạnh. Về mặt lý luận, Thiền phái Trúc Lâm ra đời với Phật quan Phật ở trong lòng tạo ra sự bình đẳng về con người giải thoát, bình đẳng về quyền lợi xã hội và khi đi vào hoạt động thực tiễn với tinh thần nhập thế, nó đã tác động mạnh mẽ trong công cuộc Nam tiến của dân tộc. Vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông đã cắm cột mốc phía Nam của Tổ quốc trên núi Đá Bia ở Phú Yên, đến triều Nguyễn thì cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc mới hoàn thành.
Hơn nữa, công cuộc chấn hưng đất nước đòi hỏi việc tái thiết các công trình văn hóa do kẻ thù tàn phá. Dưới tác động xây dựng mẫu người Phật tử lý tưởng của Thiền phái, mọi người dân đã tích cực tái thiết. Trong Cư trần lạc phú, Trần Nhân Tông nói rõ việc tái thiết quốc gia đó thật là sinh động: “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu” . Việc Trần Nhân Tông đem mười điều thiện dạy khắp đã phản ánh chính sách dùng Chánh pháp để an dân mà trước đó hơn một nghìn năm đã được ghi vào kinh Lục độ tập. Một bản kinh được Phật giáo nước ta vận dụng nhuần nhuyễn phù hợp với đạo lý truyền thống. Nó được các nhà lãnh đạo quốc gia dùng làm “pháp luật quốc gia” nhằm đem lại sự bình an cho xã hội. Kết quả, Tổ quốc Đại Việt sau bao năm nỗ lực kiến thiết quốc gia là kiến lập cõi Phật ngay giữa cõi đời, được mô tả qua bài Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang Tam Tổ:
“Vào chưng cõi Thánh thênh thênh
Thoát rẽ lòng phàm phây phấy
Bao nhiêu phong nguyệt, thề thốt chẳng cùng
Hễ cảnh giang sơn, ai nhìn thấy đấy”
Vậy là thiền phái Trúc Lâm với tinh thần nhập thế đã góp phần giải quyết một loạt vấn đề đặt ra cho Phật giáo Đại Việt, đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của dân tộc. Sau thời Trần Nhân Tông, Phật giáo còn tích cực nhập thế với những nhiệm vụ mới mà lịch sử giao phó.
5. Ngày nay, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới. Đời sống sinh hoạt của Phật giáo cũng nằm bối cảnh theo xu hướng toàn cầu hóa mà vận hành. Huống chi thuộc tính của Phật giáo là duyên khởi tính, vì thế Phật giáo cũng năng động uyển chuyển trong quá trình hội nhập trên mọi phương diện. Vấn đề là trong quá trình hội nhập, Phật giáo vẫn giữ sắc thái riêng của Phật giáo, của dân tộc, nhưng đồng thời cũng mang những tính chung của cộng đồng quốc tế, nhân loại.
Bản chất của nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự tư duy sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới phục vụ tiện nghi đời sống con người trong chiều hướng cạnh tranh công bằng. Nó cũng bảo đảm tính thực dụng và mang lợi nhuận về cho nhà đầu tư, người tiêu dùng được hưởng sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng. Ưu việt của nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra động lực phát khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm đòn bẩy cho xã hội phát triển trên mọi lĩnh vực. Như chúng ta đã đề cập, Phật giáo luôn phát triển song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng – bảo vệ và phát triển đất nước. Do đó, khi kinh tế đất nước hưng thịnh thì sự sinh hoạt Phật giáo ắt hẳn phát triển. Cũng dễ hiểu, tiềm lực của Phật giáo không chỉ nằm trong giới xuất gia mà còn chứa đựng trong khối đại đoàn kết của quần chúng Phật tử. Giáo lý Phật giáo là giáo lý thể hiện tính năng động trên tinh thần duyên khởi. Vả lại, đức Phật từng dạy “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, do đó sự năng động và uyển chuyển đó chính là “tùy duyên mà bất biến”, “bất biến mà tùy duyên” mà thôi. Và như thế, trách nhiệm mỗi người Phật tử là tích cực học đạo, hành đạo tùy theo từng thời đại, hoàn cảnh với tính đa dạng của nền kinh tế thị trường mà tham gia tích cực đóng góp cho tự thân, gia đình và xã hội. Tính đa dạng của nền kinh tế thị trường vốn chẳng xa lạ gì giáo lý Phật giáo. Người Phật tử đã nắm rõ nguyên lý duyên khởi, vô thường, vô ngã thì họ sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp cận chuyển hóa.
Vấn đề cuối cùng chúng tôi muốn đề cập là khi con người sống trong một xã hội phát triển của nền kinh tế thị trường, nếu không làm chủ tâm thức thì sẽ rơi vào dòng xoáy của cơn lốc đắm say hưởng thụ vật chất và chạy theo lợi nhuận, xa xút đời sống tâm linh. Thực tế cho thấy khi đời sống văn minh vật chất càng cao bao nhiêu thì đời sống tâm linh có chiều hướng đi xuống, nếu con người nếu không t ỉnh th ức tu tập, không đủ tỉnh thức nhận biết sự thật chân giá trị hạnh phúc. Bằng chứng, khi con người cố sức khai thác tận tài nguyên thiên nhiên thì chính họ phải gánh chịu những hậu quả khổ đau từ muôn phía đem lại. Đó là sự phá vỡ cân bằng sinh thái, sự ô nhiễm môi sinh, sự băng hoại đạo đức kéo theo các giá trị truyền thống. Tất cả đều phát xuất từ lòng tham vô tận của con người.
Thực tế , không ít người hiện đại hôm nay ít nhiều đã tự đánh mất phẩm chất của mình để chạy theo hiệu năng và số lượng kỹ thuật đòi hỏi, chạy theo lợi nhuận, mẫu mã dưới sự gào thét của công nghệ dịch vụ quảng cáo. Các nhà đạo đức, tâm lý học đã gióng chuông cảnh báo: con người hiện đại đang tự nhốt mình trong các cao ốc nghẹt thở, với một guồng máy quản trị máy móc. Trong sự ồn ào của đô thị, con người cảm thấy chơi vơi lạc lõng, cô đơn khủng khiếp. Một quan điểm gần như một thứ tôn giáo mới được thiết lập khi lòng tin con người đặt trọn vào sức mạnh của khoa học kỹ thuật và sức mạnh đồng tiền. Cơ cấu tổ chức quản trị những hoạt động của con người có khi được đồng nhất với sự quản trị máy móc đồ vật.
Trong khi đó, đức Phật là từng chủ trương sống hoà điệu với thiên nhiên trong tinh thần tự do, sáng tạo của mỗi cá nhân. Lịch sử đức Phật Thích Ca là lịch sử con người, từ khi xuất gia, thành đạo, nhập niết bàn, bao giờ Ngài cũng tham thiền, toạ lạc dưới gốc cây Bồ đề hoặc cây Sa-la. Phật cũng từng tuyên bố: “Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp”. Đây là một thái độ giáo dục mang tính tích cực, sáng tạo, dân chủ trong tinh thần vô ngã có giá trị xuyên suốt thời gian, không gian., có khả năng hoá giải các vấn đề nan giải của thời đại. Đó cũng là con đường thoát khổ được thực thi bằng con đường thánh đạo tám ngành đã được đức Phật chứng nghiệm bao gồm: “Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.” Đi vào lộ trình này là đi vào lộ trình tu tập Giới định tuệ thể hiện nếp sống đạo đức Phật giáo, có giá trị thiết thực hiện tại, xa lìa hai cực đoan như đã nói. Tại đây con người hiện đại sẽ tự chiến thắng mình trước sự cám dỗ cuộc đời như kinh Pháp cú dạy:
“Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng vạn ngàn địch quân
Không bằng tự chiến thắng mình
Thắng mình thắng tối thượng”
Khi đã làm chủ được chính mình, con người hiện đại cảm nhận được sự an lạc từ trong tâm thức, không có sức mạnh nào chi phối cả. Họ chính là những người biết sống theo tinh thần thiết thực hiện tại:
“ Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính nơi đây”.
Một quan niệm sống như thế, con người mới thoát khỏi sự lo âu sợ hãi. Vô minh, phiền não, quá khứ ưu buồn sẽ được lãng quên cùng với sự mơ màng tương lai. Chỉ có pháp hiện tại đang vận hành theo lý duyên khởi mà con người cần hướng tâm đến nhằm bước ra sự hệ luỵ và thể nhập cuộc sống chân thật cho chính mình và mọi người.
Tóm lại, con người hiện đại hôm nay đang đứng trước những thách thức của thời đại. Với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhảy vọt chưa từng thấy như hiện nay, mọi chướng ngại về không gian địa lý, vật lý hầu như bị xoá bỏ. Khi những chướng ngại này không còn nữa thì những chướng ngại khác về mặt trái của sự xâm thực văn hoá có thể len lỏi thâm nhập dẫn đến những tác hại lớn trong nếp sống đạo đức đời thường. Không phải vì thế con người hiện đại phải tuyệt vọng đầu hàng. Mỗi vấn đề nan giải đều có cách giải quyết của nó. Tự mình suy tư, tự mình chiêm nghiệm, tự mình lý giải, tự mình quay về với chính mình để sống theo tinh thần Phật giáo, theo nếp sống của đức Từ phụ, chắc rằng chúng ta sẽ xây dựng được một đời sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn.
Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trương Văn Chung, Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, Quyển 2.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb KHXH, hà N ội, 1998.
4. Mạn Đà La, “Tìm hiểu về Trần Nhân Tông, Vị sáng lập dòng thiền Trúc Lâm, bản inroneo, 1987.
5. Minh Chi, “Vài ý kiến góp phần tổng kết Phật giáo đời Trần”, Tập văn Vu Lan, số 21, Ban Văn hóa Trung Ương – GHPGVN.
6. Nhiều tác giả, Tìm hiểu Xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb KHXH, Hà Nội, 1981.
7. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, 1982.
8. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb Tp.HCM., 2002.
9. Thiền Uyển tập anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, PVNCPHVN, Nxb, Hà Nội, 1990.
10. Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Thích Thanh Kiểm dịch, THPG.TP.HCM, 1997.
11. Sa di và Sa di ni giới, tập 1, Trí Quang dịch, Nxb TP. HCM, 1994.
12. Tương Ưng bộ kinh, tập 1, Thích Minh Châu dịch, Trường CCPHVN, 1988.
13. Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần tập 1, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.
14. Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần tập 2, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998.