Tự nhiên thấy người mệt. Mệt khó tả. Người như mất hết sức lực. Nằm thiếp đi và mơ màng. Tỉnh dậy được cũng đã là trưa.
Tôi gọi điện hỏi sư Quang Minh. Thầy bảo, những ai nhạy cảm, những người tu tập, có thể bị mệt vào ngày rằm và mồng một. Có vẻ có lý. Ngẫm lại thấy mình hay bị như vậy. Đã thế, tôi quyết định tịnh khẩu vài bữa, tranh thủ những ngày này: tọa thiền, quán thân và tâm, nghiên cứu kinh, sách Phật pháp. Kết quả thật bất ngờ!
Mỗi ngày tịnh khẩu tôi chọn cho mình 1 từ để quán. Ngày đầu tiên chính là chữ “tịnh khẩu” tức “không nói”. Thật không dễ dàng khi miệng ta quen nói, nay không nói nữa.
Tôi vốn hay đi giảng, hay có các buổi họp giao ban, sinh hoạt nhóm,… nay không nói. Rất khó! Nhưng tự mình đưa ra quy định với chính mình là không nói. Chết cũng không nói. Cậy miệng mình ra cũng quyết không nói. Thật không dễ. Bởi đây là lần đầu tiên trong đời tôi tự quyết tự mình tịnh khẩu. Bởi bao nguời, bao sự việc xung quanh, nhất là đối với 1 doanh nhân, 1 giám đốc doanh nghiệp như tôi.
Trong nửa ngày đầu, đấu tranh với chính mình khó nhất. Những câu chuyện luôn hiện lên. Những mối quan hệ hiện về. Nhiều lắm. Nhiều hơn những ngày trước đây. Công việc cũng rất nhiều, mà kỳ lạ thay, toàn chuyện gấp gáp, cấp bách.
Hiện về rõ nhất là những gì liên quan đến 2 sự kiện lớn gần nhất: buổi giao lưu của tôi cùng Tiến sỹ Alan Phan và Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành với hơn 1 ngàn sinh viên tại đại học Quốc gia Hà Nội hôm thứ 4 vừa qua và khóa huấn luyện đặc biệt “Khởi nghiệp thành công” cho gần 100 doanh nhân và bạn trẻ trọn cả ngày chủ nhật tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các thắc mắc, các ý kiến, những sẻ chia, bao lời tâm sự muốn bộc bạch. Cả những người muốn đến gặp đơn giản để thăm, cám ơn, tặng quà,…
Khó khăn lớn nhất là giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè, đối tác. Trực tiếp và qua điện thoại. Cách xử lý duy nhất lúc này là ghi ra giấy hoặc nhắn tin hay email. Thật thú vị khó miêu tả thành lời!
Khi tịnh khẩu, bao vấn đề nổi lên, bao ý muốn nói ra. Mà các ý tưởng và ý muốn nói nhiều ít nhất gấp đôi, gấp 3 ngày thường. Thế mới kỳ lạ. Đôi khi ngồi thiền hay quán chiếu 1 vấn đề chỉ 1 lát lại muốn nói. Giải quyết công việc một chút lại xuýt bật miệng. May mà đã có “quyết tâm ba la mật”.
Điện thoại đã để chế độ rung, tuy nhiên khi biết có điện thoại gọi đến, nhất là từ người quen thân, mà không nhấc máy thấy thật áy náy vô cùng. Nhưng đã quyết tâm và cam kết với chính mình rồi mà. Không lẽ lại đầu hàng!
Ngày thứ 2 tôi chọn chữ “tiết kiệm”. Vấn đề là hiện nay chúng ta khá lãng phí. Có những khi ta để nước chảy không thương tiếc. Có những khi ta ăn thừa thức ăn mà bỏ đi. Nhớ đến những lần vào quán ăn, nhà hàng, thấy nhiều người bỏ gần như nguyên cả 1 đĩa thức ăn để rồi người dọn bàn bỏ đi hết. Ngay cả những mảnh giấy 1 mặt cũng có khi quên không dùng. Rồi khi giặt đồ có thể bỏ quá tay số lượng xà bông. Đồ ăn không để ý, để thiu hay thối. Lãng phí! Thật lãng phí. Nhất là thức ăn – sản phẩm của đất trời, là công lao của biết bao nguời.
Khi quán chiếu về sự tiết kiệm tôi thấy mình càng cần tiết kiệm hơn. Cho chính mình, cơ quan, gia đình và xã hội. Bao người còn đang khó khăn, thiếu thốn. Còn không ít người trên thế gian này đang mong ước có một bữa ăn tử tế, 1 đêm ngủ ngon lành, thậm chí là 1 ly nước sạch để uống!
Ngày thứ 3 tôi chọn chữ “khiêm tốn”. Chữ này nhắc tôi luôn khiêm tốn, càng cần phải khiêm tốn hơn. Càng khiêm tốn thì bản ngã càng được kiếm soát và cái “tôi” càng nhỏ đi. Khi cái tôi càng nhỏ tức càng đến gần với giác ngộ và có nghĩa là mình đi đúng con đường của Đức Phật đã chỉ dẫn: đến giải thoát, đến niết bàn.
Tôi đọc và quán chiếu về ngài Bồ tát Thường Bất Khinh. Ngài đã vô cùng vĩ đại khi gặp bất cứ ai cũng lạy và nói “Ngài là 1 Phật tương lai”. Cũng chỉ vì sự cung kính đó thật lòng vậy mà cũng bao sự phiền lụy xảy ra. Người thì tưởng ngài bất bình thường. Kẻ nghĩ rằng Ngài coi thường và khinh họ. Nhưng nghĩ kỹ càng thấy Ngài thật sự là bậc Bồ tát lớn, ngài quá vĩ đại. Nếu mỗi ngày mình khiêm tốn thêm 1 chút thì tốt biết bao.
Tôi mở lại và đọc thêm 1 lần nữa cuốn “Vô ngã vô ưu” của ni sư Ayya Khema và thấy quá tuyệt vời. Đúng là sách được giải “sách tôn giáo hay nhất có khác”. Ngấm thêm một chút vào thân tâm tôi!
Hết ngày thứ 3 tôi nhận thư mời từ bạn tôi – anh Nguyễn Văn Tứ, giám đốc Công ty Thiên Tạo. Thế là nhân chuyến công tác Sài Gòn, tôi bắt xe đi Biên Hòa. Đến nơi thì hóa ra các bạn tôi ở đây cũng tịnh khẩu. Thế là chúng tôi cùng nhau quán chiếu, cùng nhau ghi ra giấy, cùng nhau bên nhau trong bình an.
Ngày thứ 4 này tôi quán chiếu chữ “bình an” để thấy được sự bình an trong chính mình. Thật tuyệt vời. Cả một nhóm bạn thân thiết, vốn hàn huyên bao nhiêu chuyện, nay gặp lại mà tất cả… im re. Chuyện lạ có thật!
Tối thứ 6, ngày cuối tuần, chúng tôi xả khẩu và bắt đầu nói chuyện. Bạn có tưởng tượng rằng chỉ cần mấy ngày không nói nhưng khi nói ra tôi có cảm giác trong miệng có mùi thơm. Khi nói ra tôi thấy mỗi từ ngữ thật là đẹp. Khi nói, tôi thấy thật tuyệt vời. Mỗi câu chữ đều rất quý giá và linh thiêng. Thấy tôi thích thú chuyện tịnh khẩu, sư cô Thiện Phương tặng tôi bài thơ thật thú vị:
“Tịnh khẩu để được lặng im
Lặng im chiêm nghiệm kiếm tìm chân tâm
Tự mình chiến đấu âm thầm
Con đường chân lý còn nằm ngủ yên
Khai phá theo đặc tính riêng
Triển khai chuyển hóa não phiền nói năng”
Tôi đọc lại và thấy 6 từ đầu tiên của 6 câu thơ này rất thú vị “Tịnh lặng tự con khai triển”. Đúng vậy, chỉ có tĩnh lặng, tự mình mới quán chiếu được thân tâm, mới thấy bao điều thú vị. Những cái hay đó, chỉ mình là cảm nhận rõ nhất, nhận biết chính xác nhất. Những ý tưởng và kết quả của 4 ngày tịnh khẩu tôi cũng ghi ra và lưu lại trên những tờ giấy. Đơn giản là một cư sỹ mà đã thấy thú vị, thấy giá trị tuyệt vời của 4 ngày tịnh khẩu thế này thì mới biết quý sư thầy tịnh khẩu, nhập thất dài ngày giá trị biết bao!
Sáng thứ 7 cuối tuần, chúng tôi đến thăm Hòa thượng Thích Quang Đạo – viện chủ chùa Phước Viên, TP Biên Hòa. Đến nơi tôi mới biết thầy Thích Quảng Tánh, người hay nhận bài viết của tôi của báo “Giác Ngộ” đang ở đây. Cũng nhờ chuyến thăm Hòa thượng Thích Quang Đạo mà tôi biết thêm thầy Quảng Tánh sẽ là trụ trì ngôi chùa cổ kính và có rất nhiều tăng sinh đang tu tập và theo học. Chúng tôi vào phòng thầy Quảng Chiếu và uống trà sáng sớm. Ấm trà đón mặt trời mọc thật tuyệt vời. Hương trà ngày mới thơm thật là thơm. Thơm trong miệng, ngọt đầu lưỡi. Sao mà tuyệt thế!
Trước khi rời chùa Phước Viên, chúng tôi ngắm hoa phong lan trong chùa. Lan rất đẹp. Đẹp đến ngất ngây. Mà mùi thơm nơi đây, của những bông hoa này sao mà lạ thế. Thơm đến lạ lùng. Thơm rất khác biệt. Tôi không biết mùi thơm này từ giò phong lan hiếm có, hay tại sự chăm sóc đặc biệt của quý thầy, hay bởi các loại hoa trong chùa vốn luôn thơm nhờ công đức của quý tăng tu tập tốt có nhiều phước báu. Có lẽ bởi tất cả những lý do trên và cộng thêm: thân tâm của người cư sỹ được thanh tịnh 1 phần sau 4 ngày tịnh khẩu.
Lời khuyên của tôi khi kết thúc bài viết này: Bạn hãy thử tịnh khẩu đi, dù chỉ 1 ngày thôi, bạn sẽ hiểu giá trị của sự im lặng. Tuyệt diệu lắm bạn à.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà