Tình huynh đệ

    240

    Không ngờ, sư huynh Ca Diếp chẳng những không cho vào thạch động, mà trước mặt đại chúng, còn có nhiều lời quở trách, cử lỗi A Nan. Lỗi lớn nhất là, mặc dù A Nan được làm thị giả Đức Phật, nhưng chỉ ham đa văn mà không tận lực dứt trừ phiền não lậu hoặc. Vì thế, A Nan chưa xứng đáng làm đại biểu trong Đại hội này.


    Những lời phê bình nghiêm khắc của sư huynh làm ngài A Nan đau nhói tận tâm can. Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, ngài được sư phụ thương yêu, các huynh đệ đồng môn kính mến, Phật tử ngưỡng mộ thỉnh ngài thuyết pháp. Nay sư phụ vừa mới Niết bàn, chốn nương tựa vĩ đại không còn nữa, tưởng sư huynh thay thầy tận tình nâng đỡ chở che. Nào hay đâu huynh trưởng xử sự cạn tình, các Thánh huynh đệ cũng chẳng có lơi nào bênh vực. Rốt cuộc chỉ có một mình đơn độc. Nỗi buồn này biết tỏ cùng ai?


    Ngài A Nan thẫn thờ lê bước trở về liêu phòng. Nhưng bản chất vốn quật cường, nên qua trận bão lòng, ngài quyết chí công phu. Suốt một đêm chuyên tâm thiền định, buông bỏ hết ý niệm, vắng bặt mọi vọng tình, ngài chứng Thánh quả khi vừa định đặt mình xuống nghỉ. Trong lịch sử đạo Phật, ngài A Nan là người duy nhất chứng đạo trong tư thế nửa ngồi nửa nằm đặc biệt này.


    Và khi ngài vận thần thông bay qua khối đá lấp cửa động, người đầu tiên đón ngài với nụ cười hoan hỷ là sư huynh Ca Diếp. Tôn giả bạch cùng đại chúng:


    – Tỳ kheo A Nan nhớ giỏi bậc nhất, thường theo hầu hạ Thế Tôn, nghe pháp Phật ghi nhớ không sót, như nước đổ vào bình không rơi ngoài một giọt, nên mời kết tập tạng Kinh và tạng Luận.


    Về sau, lúc thấy nhân duyên độ sinh đã mãn, Tôn giả Ca Diếp gọi ngài A Nan đến căn dặn:


    – Khi Thế Tôn sắp vào Niết bàn, có dạy ta đem Chính pháp Nhãn tạng giao phó cho ông. Nay ta sắp ẩn, đúng lúc truyền trao cho ông mật pháp tối thượng. Ông phải khéo giữ gìn, chớ để đoạn dứt.


    Ngài A Nan đỉnh lễ vâng ý chỉ, trở thành Nhị tổ Thiền tông.


    Hơn 1.000 năm sau, tại Trung Hoa cũng xảy ra một câu chuyện tương tự. Sư Hương Nghiêm Trí Nhàn cùng Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu là huynh đệ trong pháp hội của Tổ Bá Trượng. Ngài Trí Nhàn là một vị bác học đa văn, biện luận tài tình không ai sánh kịp. Khi Tổ Bá Trượng tịch, Trí Nhàn đến núi Quy nương nhờ sư huynh, xin dạy thêm yếu chỉ tu hành. Thiền sư Quy Sơn bảo:


    – Ta nghe ông ở chỗ tiên sư thông minh lanh lợi, hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Đó chỉ là ý hiểu thức tưởng, cội gốc của sinh tử. Giờ đây hãy nói một câu “Trước khi cha mẹ sinh ra” xem sao!


    Ngài Trí Nhàn mờ mịt không đáp được. Về liêu phòng, ngài tra cứu sách vở, không thấy có lời giải nào thỏa đáng. Ngài than “Bánh vẽ chẳng làm no bụng đói”, rồi đến phương trượng, đỉnh lễ cầu sư huynh vì mình giải đáp. Thiền sư Quy Sơn đáp:


    – Nếu bây giờ ta nói cho ông nghe, tất về sau ông sẽ chửi ta. Điều ta nói là việc của ta, chẳng can hề gì đến ông cả.


    Ngài Trí Nhàn buồn bã, đốt hết kinh sách rồi từ giã sư huynh về Nam Dương, di tích của Quốc sư Huệ Trung. Ngài quyết định ở ẩn, không màng nghiên cứu Phật pháp, chỉ mong làm một tu sĩ bình thường qua ngày đoạn tháng.


    Một hôm, ngài cuốc cỏ làm văng hòn sỏi vào gốc tre vang lên một tiếng “cốc”. Ngài hoát nhiên đại ngộ, vội quỳ xuống, mặt quay về hướng núi Quy, lạy sư huynh ba lạy đền ơn.


    Hai câu chuyện vừa kể gợi cho chúng ta những ý nghĩ gì?


    Một là, các ngài A Nan và Trí Nhàn đều là những nhà trí thức, có căn bản thiền lý rất vững, ham thích bác học đa văn. Ngài A Nan còn có duyên lành làm thị giả Đức Phật hơn 20 năm, được nghe tất cả lời Phật dạy và nhớ không thiếu sót một chữ nào. Có thể nói, kiến thức Phật học của các ngài quả là siêu tuyệt, không ai hơn được.


    Tuy nhiên, đó chỉ là trí tuệ hữu sư do vay mượn gom góp từ bên ngoài, không phải kho báu nhà mình. Học nhiều, nghiên cứu sâu mà không áp dụng vào thực hành, thì vốn chữ nghĩa ấy càng làm trở ngại cho đường tu giải thoát. Đức Phật gọi là Sở tri chướng – chướng ngại do chấp vào sự hiểu biết của mình.


    Chỉ khi nào đất tâm rỗng rang, vắng bặt mọi vọng niệm phân biệt mà vẫn rõ ràng thường biết, trí tuệ vô sư ấy mới thật là sự nghiệp chung thân của đời tu.


    Hai là, với trình độ Phật học uyên thâm, với sự ứng đối lanh lẹ, với hoàn cảnh đặc biệt kề cận sư phụ, hẳn hai ngài đều có vị trí quan trọng trong pháp hội. Dù có hòa đồng, có khiêm hạ cách mấy với huynh đệ đồng tu, các ngài không tránh khỏi đôi lúc thấy mình tài giỏi hơn người khác.


    Bản ngã từ đó sinh khởi, nếu không quá thô thiển thì cũng vi tế âm thầm. Đây lại là một trở ngại khác trên đường tu mà người trong cuộc thường không nhận thấy.


    Ba là, Đức Phật và Tổ Bá Trượng chắc hẳn thấy rõ nhược điểm của học trò mình, nhưng vì thời cơ chưa đến hoặc vì biết duyên ngộ đạo phải nhờ một liều thuốc đắng của sư huynh, nên các huynh trưởng phải thay thầy lo liệu.


    Lúc sư phụ Niết bàn, học trò cưng chịu một mất mát không gì bù đắp nổi. Tâm trạng đau đớn, trống trải, bơ vơ, những mong tìm nơi sư huynh nương tựa. Nếu sư huynh cũng hiền hòa như sư phụ, cũng đãi ngộ và nâng lên làm bậc thượng thủ, thì đời kiếp nào phá được ngã chấp đang sừng sững như núi Tu Di?


    Chưa nói đến việc nhận ra bản tâm chân tính, vốn không tìm thấy trong chữ nghĩa hay luận đàm. Vì thế, hai vị sư huynh phải sử dụng những phương tiện thiện xảo.


    Tôn giả Ca Diếp làm triệt tiêu bản ngã của ngài A Nan bằng thái độ nghiêm khắc và lời lẽ đanh thép, cử lỗi ngài trước mặt mọi người. Đã thế, Tôn giả còn kết luận ngài chưa đủ tư cách dự Đại hội kết tập kinh điển, dù nếu vắng ngài thì Đại hội khó thành công, vì không ai nhớ tất cả các bài pháp thoại cua Đức Phật như ngài.


    Tổ Quy Sơn thì cư xử theo cách khác, chỉ cần hỏi một câu: “Trước khi cha mẹ sinh ra” là đủ để người sư đệ lanh lợi thông minh “hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm” phải mờ mịt. Lại nữa, khi ngài Trí Nhàn cầu xin sư huynh nói pháp, Tổ còn bồi thêm “Ta nói là việc của ta, can hệ gì đến ông”!


    Đến nước này thì cả hai nhân vật kiệt xuất nổi tiếng học rộng tài cao đành nuốt nước mắt, câm lặng trở về với chính mình. Một mình một bóng, buông bỏ hết kiến thức từ chương, hóa ra lại phù hợp với đạo. Bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ tâm hành, ngài A Nan đại ngộ khi chuyển thân, ngài Trí Nhàn nhận ra bản tâm lúc nghe tiếng “cốc”. Thế là, trái chín trên cành, đến khi rụng xuống chỉ cần một cơn gió thoảng!


    Và đến lúc ấy, hai ngài mới thấy ơn của sư huynh cao vời hơn núi. Cho nên ngài A Nan dùng thần thông bay ngay vào Đại hội và ngài Trí Nhàn hướng về núi Quy lạy tạ sư huynh. Chúng ta không biết lúc huynh đệ gặp nhau, các vị đã nói những gì. Nhưng có lẽ, chỉ cần bốn mắt nhìn nhau đã đủ, vì tâm đầu khế hợp, lời nói nào diễn tả được nỗi niềm này?


    Những bậc đạt đạo có nhiều thủ thuật diệu thường để dạy người mà phàm phu chúng ta không lường đến được. Những lời nói việc làm của các ngài đều thích hợp cho từng đối tượng, vì lưu xuất từ trí tuệ xuất thế.


    Đọc chuyện của các ngài, chúng ta cảm động vì tình huynh đệ thiêng liêng. Ngoài đời có câu “quyền huynh thế phụ”. Khi cha mất, người anh có bổn phận thay thế cha nuôi dạy em nên người.


    Trong đạo, trách nhiệm của sư huynh còn nặng nề hơn. Không những thay thầy giáo dưỡng các em, sư huynh con phải tạo điều kiện cho các em ngộ đạo. Không những phải tiếp nối tông phong, thừa tự đạo nghiệp, sư huynh còn phải huấn luyện lực lượng kế thừa.


    Sự nghiệp rực rỡ của Tổ A Nan và Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn về sau, chăng phải do công trời bể của hai vị Đại sư huynh Ca Diếp và Quy Sơn ấy hay sao?


    Thiền thất Viên Giác Mùa An cư PL.2552