NHÌN THẲNG SỰ THẬT
Trong cuộc sống của thế gian này, mỗi người đang sống hàng ngày đây, có bao giờ mình tự đặt câu hỏi: Là cuộc sống của cái gì chăng? Phải thấy lại chỗ này để có một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Xét kỹ lại, cuộc sống này là cuộc sống của một cát TA chứ không gì khác phải không? Bởi ngay từ cái gốc ban đầu chúng ta sinh ra đời là từ nó mà ra – Tức là do lòng thám ái chấp ngã nên nó mới sinh ra ở đây; nếu không có nó thì đã vào vô sinh, niết bàn rồi. Do đó, nếu sự sống này chấm dứt, mất nó thì quyết phải tìm cái khác thay vào, dòng sinh tử tiếp nối không dừng từ đây. Và cái gọi là cuộc sống cũng từ đó. Cho nên, trừ bậc Bồ tát thị hiện, ngoài ra bất cứ ai có mặt trên đời này đều mang theo một cái tình chấp ngã luôn luôn có mặt trong cuộc sống. Đây gọi là cái vô minh cùng chúng sinh (câu sinh vô minh). Còn chưa vắng bóng cái này là chưa bao giờ giải thoát viên mãn, chưa thật sạch hết khổ đau.
Mỗi người hãy chính chắn nghiệm kỹ lại xem, mọi thứ buồn vui, mừng giận, thương ghét, hơn thua… trên đời là vì cái gì mà có? Buồn là vì cái gì mà buồn? Vì cái ta không được như ý chứ gì? Vui là vì cái gì mà vui? Vì cái ta được thỏa mãn phải không? Thương ghét vì đâu mà có? Vì thuận với ta nên ta thương, bởi nghịch với ta nên ta ghét. Rõ ràng là như thế. Dù ai có cố biện luận thế nào cũng không thể chối bỏ lẽ thật này.
Cả một cuộc đời tranh giành được mất, hơn thua, khổ nhọc tạo tác sự nghiệp tốn hai bao mồ hôi, xương máu, có lúc chém giết nhau, cũng vì cái gì? Chỉ vì cái ta này thôi. Không có nó thì giành giật cho ai? Để làm gì?
Rồi nào là tự ái, tự trọng, tự tôn, tự đại, tự kiêu, tự mãn, tự hào, mặc cảm, tự ti v.v… cũng gốc tại cái ta thôi. Tự ái là bị chạm đến cái ta chứ gì? Tự trọng là nâng cái ta lên thôi…. Cho thấy, chỉ vì một cái ta mà sinh ra đủ thứ chuyện trên đời.
Thông thường chúng ta hay đổ lỗi cho người, cho huynh đệ, cho hoàn cảnh…, là trốn trách nhiệm, là bảo bọc cái ta này quá kỹ! Chớ lầm! Mỗi người hãy tự xét lại, khi ta buồn trách ai, là tại vì ai mà có buồn trách? Nói tại cái này, tại cái kia, tại người này, người nọ, tại lý do này, tại lý do khác… mà quên điểm chính là Tại vì cái ta này bị đụng chạm! Lo trách người mà quên trách cái ta này. Cho nên nó từng được mang tên: cái ta nguy hiểm!!!
Trong Kinh Bách Dụ có câu chuyện: Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu, vì chân ông có bệnh không duỗi ra được, thường phải chống nạng đi, ông nhờ hai người đệ tử đấm bóp, mỗi người một chân. Nhưng hai vị đệ tử ấy thường ngày không hòa thuận với nhau, người nào cũng nói:
– Không phải là Ta chán ghét ngươi mà chính là ngươi chán ghét Ta.
Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo.
Hôm nọ, một người có việc đi nơi khác, người ở lại nhà bèn dùng đá đập gãi chân lão sư mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người đệ tử kia trở về, thấy vậy rất phẫn nộ, định tâm báo thù lập tức dùng đá đập gãi chân lão sư mà người đệ tử ở nhà thường đấm bóp. Kết quả hai chân lão sư đều bị gãy hết.
Cái chân ông thầy đâu có tội vạ gì, nhưng vì sao đưa đến trường hợp đau đớn như thế? Xét kỹ, chỉ vì cái ta đố kỵ mà ra – Rõ ràng cho thấy cái ta nguy hiểm chưa?
GIẢI TRỪ CHẤP NGÃ
Đã thấy được cái gốc của mọi sự phát sinh trên cõi đời là từ cái ta mà ra. Chính chấp ngã là tự đóng khung mình trong cái vỏ chết, là thu hẹp tình thương, thiếu sức sống sáng ngời, rộng lớn, Phật gọi đó là sống trong vô minh. Song chúng ta đành cam chịu sống trong vô minh mãi sao ? Nay đã có ánh sáng Phật pháp soi đến, còn chưa chịu mở mắt ra sao? Tu hành nói cho nhiều cách, nhiều phương tiện, gồm cả tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng căn bản sạch hết tình chấp ngã là xong: Nhân vô ngã, pháp vô ngã. Nắm được mấu chốt này mà hạ thủ công phu là chính xác. Kinh Kim Cang nói: “Thông đạt pháp vô ngã, gọi là Bồ tát. Tức Bồ tát thì phải vượt qua vô ngã và thông suốt pháp vô ngã. Bởi vì, nếu mang cái ta này mà tu hành, quyết không thể giải thóat, về sau phải sinh trở lại theo nó thôi. Dù các vị tu thiền định cao nhưng còn mang TA trong đó, thì cũng phải mang nó theo lên các cõi Trời sống hàng vạn năm, đến hết sức định, cũng rớt trở lại sinh vào các cõi. Như ông Uất-đầu-lam-phất tu đắc phi tưởng phi phi tưởng định, được sinh lên cõi trời phi phi tưởng, nhưng Đức Phật nhìn thấy sau khi hết tuổi thọ trên cõi Trời đó, ông sẽ sinh trở lại cõi đời này làm con chồn bay.
Bởi vậy, trong Kinh Đại Bát Nhã, Bồ tát Thường Đề vì cúng Dường Pháp Sư và học Bát nhã mà sẵn sàng bán tim, gan, tủy sống không luyến tiếc. Có người thắc mắc: Đã bán tim gan, vậy lấy gì học Bát nhã? Quả thật đây là một ý nghĩa rất sâu trong kinh. Chính đó mới là học Bát Nhã! Là học Bát nhã sống, không phải học trên chữ nghĩa. Tức là ngay đó quên cái ta này, giải trừ cái tình chấp ngã đã cố kết lâu đời, mới thực học được Bát nhã. Học Bát nhã là thế. Đâu phải học từng câu, từng chữ, giải nghĩa rộng, nghĩa hẹp để thêm hiểu biết thôi. Hiểu nhiều có khi lại thêm tình chấp ngã. Vô minh lại sống dậy! Thấy Ta hơn người, Ta hiểu biết, cái gì cũng Ta và Ta… Đó là đang đưa mình đi trong con đường vô minh.
Trong Kinh Viên Giác, Phật định nghĩa vô minh rất rõ. Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:
– “Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh từ vô thủy đế nay, nhiều thứ điên đảo giống như người mê lạc, thấy bốn phương đổi chỗ, vọng nhận bốn đại làm tướng tự thân, cái bóng duyên theo sáu trần làm tướng tự tâm. Ví như người bệnh mắt thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai. Này thiện nam tử! Hư không thật không có hoa mà người bệnh vọng chấp. Do vì vọng chấp nên chẳng những lầm tự tánh của hư không này, cũng lại mê luôn chỗ hoa sinh kia là thật có. Do đây vọng có luân chuyển nơi sinh tử, nên gọi là vô minh”.
Tức là vọng chấp thân bốn đại này và tâm duyên theo sáu trần là làm ta, đó là vô minh. Bởi nó không phải thật ta mà chấp là Ta. Chính đó là nguồn gốc của sinh tử. Chừng nào còn bóng dáng ta, là còn đi trong luân hồi không thể nào tránh khỏi.
Đã thấy rõ cái nguy hiểm của tình chấp ngã như thế rồi, lại cứ giữ mãi sao ? Đó là chỗ chướng đạo, là che mờ chân lý!
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan:
– Đạo ở đâu ?
Sư đáp:
– Ở trước mắt.
Rất gần gũi không có chút gì cách biệt.
Ông tăng hỏi thêm:
– Sao con không thấy ?
Sư bảo:
– Vì ông còn có ngã.
Rõ ràng nó ở ngay trước mắt đây thôi, nhưng ông không thấy, chỉ vì ông còn thấy có ngã, còn bám vào cái ta mấy chục kí-lô này thì làm sao thấy Đạo được!
Ông tăng hỏi tiếp:
– Con còn có NGÃ nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?
Sư đáp:
– Có ông, có ta rồi cũng không thấy luôn.
Tức là còn thấy có mình thật, người thật, phân biệt mình người, đây kia, lại càng lăng xăng thêm nữa, nên cũng không thể thất ĐẠO.
Ông tăng lại hỏi thêm câu nữa:
– Không con, không Hòa thượng lại thấy chăng ?
Sư đáp:
– Không ông không ta còn ai cầu thấy ?
Chính xác là như vậy, không còn thấy có mình, có người, không phân cách kia đây, thì ngay đó là cái gì ? Sao còn phải hỏi nữa ? Còn có gì che mờ nữa đâu ? Học đạo là phải học thấu đến chỗ này!
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng có câu chuyện: Đức Phật khi còn tu Bồ Tát hạnh, làm một vị Tiên ở trong núi sâu, trọn ngày hành đạo, muốn cầu kinh điển Đại thừa mà không nghe biết ở đâu có. Hôm đó, vị tiên đang ngồi thiền tu duy trong hang núi, cảm đến trời Đế thích hiện xuống hóa làm quỷ La sát tới bên hang dùng tiếng trong trẻo đọc nửa bài kệ:
Chư hành vô thường,
Thị sinh diệt pháp.
***
Các hành vô thường,
Là pháp sinh diệt
Vị tiên nghe được liền xuống giường thiền đi ra ngoài nhìn khắp nơi xem ai đọc nửa bài kệ đó, thì thấy một hình dáng ghê sợ, đầu tóc rối bùm mặt xanh như chàm, răng nanh lòi ra, thân to, bụng đói teo nhỏ. Vị tiên bèn hỏi:
– Phải ông đọc hai câu kệ vừa rồi chăng?
La sát đáp:
– Phải, chính tôi đọc đó.
Vị tiên nói:
– Xin ông đọc tiếp hai câu cuối, tôi sẽ đền ơn cho.
La sát nói:
– Bụng tôi đang đói mấy ngày, không còn sức để đọc tiếp.
Vị tiên hỏi:
– Thức ăn của ông là gì?
La sát nói:
– Tôi ăn bằng thịt của người và uống máu nóng, nếu ông có thể xả thân cho tôi ăn tôi sẽ nói cho.
Vị tiên nghĩ: “Nếu mình xả thân cho y ăn thì lấy gì nghe pháp ?”. Bèn nghĩ ra một cách, xin La sát hãy viết nửa bài kệ lên đá, Ngài ở trên cao nhìn xuống, đồng thời gieo thân cho ăn.
Như thế La sát viết hai câu:
Sinh diệt diệt dĩ,
Tịch diệt vi lạc.
***
Sinh diệt diệt rồi,
Tịch diệt là vui.
Vị tiên nhảy xuống, La sát đỡ lấy thân Ngài và hiện lại nguyên hình trời Đế thích, tán thán:
– Lành thay! Ngài sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, xin chớ quên độ tôi.
Ai thấy được ý nghĩa gì trong đây ? Tại sao muốn nghe được hai câu kệ sau, buộc phải hy sinh thân mạng như thế? Đó là một ý nghĩa rất sâu. Bởi vì, muốn nghe đến chỗ “Sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, tức là chỗ vui của lặng lẽ không sinh không diệt kia, thì phải dám buông cái TA SINH DIỆT này! Nếu cứ bám chặt vào cái TA sinh diệt này, làm sao nghe đến chỗ: “tịch diệt là vui” ấy được?
Trong nhà thiền cũng có câu chuyện: Ngài Thủy Lão đến tham thiền với Mã Tổ, hỏi:
– Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang ?
Mã Tổ nhằm ngay ngực đạp cho một đạp té nhào. Ngay lúc đó Sư chợt đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười ha hả nói:
– Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa, trên một đầu sợi lông thấu tột đến cội nguồn.
Như vậy là sao ? Tức ngay đó đạp nhào cái TA này, không có ý niệm về ta kịp sinh khởi, ngay đó liền sống dậy trong ánh sáng Như Lai. Thật không thể nghĩ bàn! Nếu lúc đó mà NHỚ CÁI TA BỊ ĐẠP thì có tỏ ngộ được chăng ? Hay là nổi sân lên ? Vô minh che phủ liền.
THƯỜNG PHẢN CHIẾU LẠI MÌNH
Hiểu rõ lẽ thật đó rồi, điều quan trọng nhất là phải ứng dụng thực hành. Tức phải luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ mọi chỗ, mọi kẻ hở cái TA len lỏi vào và sống dậy. Phải khám phá trọn vẹn cái TA, không cho có bóng tối để nó ẩn núp. Mình lo chiếu người này, chiếu người nọ mà quên chiếu lại mình là nguy! Là chỉ thấy lỗi người mà quên mất lỗi mình. Nên nhớ mọi sự sai biệt ngăn cách trong cuộc sống này đều từ cái TA mà ra. Thường thấy lại mình để giải tỏa, là sống gần nhau hơn. Hai người ngồi bên nhau mà quên sự có mặt của nhau, là vì sao ? Vì mỗi người đang sống với một cái TA riêng trong đầu: Một người đang nghĩ Đông, một người đang nghĩ Tây. Rồi hai người nằm cạnh nhau, nhưng mỗi người ngó mặt qua một bên, là vì sao ? Vì cái TA che ngăn, không có Ta thì lấy gì chia cách ? Lấy gì mà không thông cảm, không hiểu nhau ?
Vì vậy, người học đạo phải thường soi lại mình, để thấy rõ tướng NGÃ mê lầm của mình mà giải trừ, bào mòn. Có soi lại mình mới thấy rõ chính mình, mới khám phá những điều mình còn dở, còn xấu để gạn lọc, tiến tu, không tự kiêu, ngã mạn.
Hòa thượng Châu Hoằng soạn quyển Truy Môn Sùng Hạnh Lục nêu bày mười hạnh lành của người xuất gia, có vị tăng đến nói với Sư:
– Trong pháp của tôi, một mảy bụi cũng chẳng lập, mười hạnh lành sẽ dùng vào đâu?
Sư bảo:
– Năm uẩn lăng xăng, bốn đại đầy dẫy, sao bảo là không mảy bụi?
Vị tăng nói:
– Nhưng bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có.
Sư liền tát cho ông một tát bảo:
– Kẻ học nói như mè, như thóc, chưa đúng, hãy nói lại!
Ông tăng lộ vẻ bực tức, đứng dậy. Sư cười bảo:
– Bụi bặm phủ đầy mặt rồi, sao ông chẳng phủi đi ?
Đây là một kinh nghiệm. Ông tăng này chỉ lo chiếu nơi người, hiểu biết trên chữ nghĩa bên ngoài, thiếu công phu thực tế bên trong, nên bị ngài Châu Hoằng điểm ngay một cái trúng ngay tướng NGÃ nó hiện ra. Lộ bày chỗ thiếu sót công phu tự tỉnh của mình. Đó là khoảng hở cho mình phải hổ thẹn!
Thiền sư Đảnh Châu cùng sa di đi kinh hành trong sân viện, bổng một trận gió nổi dậy, gió trên cậy rơi lả tả xuống đất. Sư khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào trong đãy. Sa di ở bên cạnh thưa:
– Bạch thầy! Khỏi phải nhặt, sáng sớm ngày mai chúng con sẽ quét hết.
Sư bảo:
– Chẳng thể nói như thế! Quét, có thể quyết chắc là sạch hết chăng ? Ta nhặt thêm một chiếc lá, là khiến trên đất sạch thêm một phần đó.
Sa di hỏi lại:
– Bạch thầy! Lá rơi nhiều như thế, thầy nhặt trước mặt, sau lưng lại rơi xuống, thầy làm sao nhặt cho xong ?
Sư vừa nhặt vừa bảo:
– Lá rơi không những trên mặt đất, mà còn có lá rơi ở trên đất Tâm ta, ta nhặt lá rơi trên đất Tâm ta, cuối cùng sẽ có lúc nhặt xong. (Tinh Vân Thiền Thoại)
Đây là nhắc nhở mình phải xoay lại nơi mình, để thấy rõ từng chiếc lá trong tâm niệm không sót, đó mới là công phu thiết thực, không phải nói lý suông. Nếu cứ nhằm bên ngoài mà quét, quét đến bao giờ mới hết?
Ngài Trúc Lâm Đại Đầu Đà (Trần Nhân Tông) từng khai thị cho người học: “Đâu chẳng nghe nói: “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm”. Nên nói: Cửa giới, cửa định, cửa tụê, ông không thiếu sót, cần phải phán quán nơi mình. Phàm những tiếng ho, tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm, chân đi, ấy là tánh gì? Biết được tánh này, ấy là tâm gì ? Các nhân giả! Ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà chẳng rõ việc bát, việc muỗng?”.
Tức Ngài nhấn mạnh phải quán xét trở lại nơi mình, nhận rõ lẽ thật đang sống đây, cái gì là tâm tánh chính mình? Thấu được chỗ này, không lầm với cái TA này, TÌNH CHẤP NGÃ sẽ nhẹ dần. Tại sao mỗi ngày ăn cơm, ăn cháo mà không rõ được việc bát, việc muỗng? Vậy là sống cái gì? Cứ nhớ chuyện đâu đâu, nuôi dưỡng tình chấp ngã, mà quên đi ánh sáng chân thật đang hiện hữu đó! Chưa chịu tính lại sao?