Trang chủ Tu học Phổ thông Tín tâm cúng dường Tăng bảo

Tín tâm cúng dường Tăng bảo

192

Tuy nhiên, nay là thời mạt pháp, cách thời Đức Phật hơn 2.550 năm, còn đâu những Thánh Tăng làm ruộng phước tốt cho những ai tín tâm cúng dường? Đức Phật, bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác đã nhìn thấu suốt mọi sự từ quá, hiện đến vị lai.

Với tình thương vô biên, Đấng Thiện Thệ đã chỉ dạy cặn kẽ và lưu truyền lại nhân gian những bài pháp quý báu. Cúng dường Tăng Bảo. Bài Viết này tập trung khai triển luận điểm ‘tín tâm cúng dường Tăng Bảo.’

Trong Kinh, Đức Phật dạy rằng “Khi cúng dường tứ sự đến cho một vị tỳ-khưu, hai vị tỳ-khưu, cận sự nam nữ đừng nghĩ đến cá nhân vị ấy mà cứ khởi tâm cúng dường Tăng, cúng dường Tăng Bảo thì phước báu ấy sẽ rất toàn hảo, rất thanh tịnh” [1].

1.    Tăng phạm hạnh hoặc đang thực hành phạm hạnh

Cúng dường cho tăng phạm hạnh và tăng đang thực hành phạm hạnh quả phước vô cùng to lớn không thể nghĩ bàn như lời Phật dạy trong Kinh: “Quả thật là ân đức Tăng quá lớn. Ai cúng dường đến Tăng ấy, quả phước trổ sanh sẽ vô lượng vô biên như cát của con sông Đại Hằng” [2]. Nhưng cúng dường như thế nào là đúng pháp. Trong Kinh Tiểu Bộ – Tập II – Thiên Cung Sự (Tạng Pali), Đức Phật lưu tâm chúng ta đến hiệu lực của tín tâm và phước điền của người nhận cúng dường như trong phẩm Lâu Đài Nữ Giới, chuyện thứ nhất sau đây:

“Một thời Ðức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá Vệ), ở Jetavana (Kỳ Viên) trong tinh xá ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Sau khi vua Pasenadi (Ba Tư Nặc), nước Kosala (Kiều Tát La), đã cúng dường suốt bảy ngày lễ vật vô thượng lên Tăng chúng với Ðức Phật đứng đầu, nhà đại phú Anàthapindika đã cúng dường suốt ba ngày phù hợp với lễ vật của nhà vua; và đại đệ tử nữ, cư sĩ Visàkhà (Tỳ Xá Khư) cũng cúng dường đại lễ vật như thế, tin đổn về sự cúng dường vô thượng được truyền đi khắp cõi Jambudìpa (Diêm Phù Ðề): “Phải chăng bố thí cúng dường chỉ đặc biệt phát sinh kết quả lớn khi đó là sự bố thí hào phóng với lễ vật cao sang như vậy, hay đúng hơn, đó là sự bố thí cúng dường tùy theo phương tiện của mình?”. Khi Tăng chúng nghe lời bình luận này, chư vị trình lên Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn bảo:

“Không phải chỉ nhờ hiệu lực của tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng dường. Vì vậy, dù chỉ nhỏ bằng một nắm thóc hay một tấm giẻ, một tọa cụ bằng cỏ lá hay một hạt đậu trong nước tiểu hôi thối của trâu bò, được cúng dường với lòng thành cho một người xứng đáng nhận lễ vật cũng sẽ có đại kết quả, đại vinh quang và công đức thấm nhuần khắp nơi” [3].

Như vậy, vật cúng dường không quan trọng, quan trọng nhất là người cúng dường phải có lòng thành kính dâng lên, dù chỉ là ‘hạt đậu trong nước tiểu hôi thối của trâu bò’, cho những vị tỳ kheo đang thực hành phạm hạnh, sẽ gặt hái những quả phước vô cùng to lớn.

2.    Tăng hành trược hạnh, ác giới

Tuy nhiên, trong thời mạt pháp, không tránh khỏi một số tăng phá giới, không còn thanh tịnh nữa. Vì thế, một số Phật tử quan ngại về việc cúng dường cho các vị tăng ấy.  Đức Phật đã nhìn thấu rõ vấn nạn này và giải nghi trong Kinh Một Cuộc đời Một Vầng Nhật Nguyệt như sau:

“Tôn giả Upāli chợt hỏi:

– Đại đức Ānanda chỉ nói đến chư tỳ-khưu phạm hạnh hoặc chư tỳ-khưu đang thực hành phạm hạnh; còn nếu là tỳ-khưu hư hỏng, xấu xa, dễ duôi, buông lung, hành trược hạnh, ác giới… bị các vị đồng phạm hạnh chê cười thì đâu phải là ruộng phước, bạch đức Tôn Sư?

Đức Phật nói:

– Nếu vị tỳ-khưu ấy còn tăng tướng, còn trong phẩm mạo sa-môn thì vị ấy vẫn là ruộng phước đấy, này Upāli!

– Đệ tử chưa hiểu.

– Ông hãy nghe đây! Khá nhiều vị tỳ-khưu trong giáo hội hiện nay của Như Lai bị hư hỏng, khuyết tật về giới, nhưng họ vẫn đang trên con đường tu tập, vẫn ăn mỗi ngày một bữa, vẫn cắt móng tay, vẫn cạo râu tóc, vẫn không trang điểm, vẫn không thoa dầu thơm, vật thơm, vẫn xa lánh đàn ca xướng hát, vẫn không tích luỹ vàng bạc, của cải, vẫn đầu trần chân đất ôm bát xin ăn, vẫn không mặc y sang trọng, vẫn không nằm giường cao, gối êm, vẫn không ở nhà cao cửa rộng, vẫn không có năm món ngũ dục xa hoa, vẫn không nằm ngủ với vợ và chơi đùa với con, vẫn làm lễ sám hối mỗi tháng hai lần, vẫn cho giới đến hai hàng cư sĩ, vẫn nói đạo, thuyết pháp, vẫn truyền giới luật cho sa-di và tỳ-khưu… Chỉ như vậy thôi thì hàng cư sĩ tại gia có ai làm được, dẫu là bậc thánh cư sĩ cũng không làm được; cho nên họ vẫn xứng đáng là ruộng phước cho chư thiên và loài người đấy, này Upāli!

– Đúng vậy, đệ tử đã hiểu. Tuy nhiên, còn tội lỗi của vị ấy, nghiệp xấu ác của vị ấy thì sao, thưa Tôn Sư?

– Hãy để cho Tăng xử. Ai làm nấy chịu. Quả nghiệp xấu xa của vị ấy thì hãy để cho nhân quả công minh nó làm việc, này Upāli!”

– Thưa vâng!

– Không kể phàm, không kể thánh, bất cứ ai còn tăng tướng, phẩm mạo sa-môn thì tất cả đều ở trong Tăng Bảo ba đời: Hiện tại, quá khứ và vị lai. Tăng Bảo bao giờ cũng gồm chư thánh phàm tăng quá khứ, chư thánh phàm tăng hiện tại, chư thánh phàm tăng vị lai, này Upāli! Một vài vị, năm bảy vị, một số cá nhân tỳ-khưu thì có thể hư hỏng, xấu xa, ác giới, nhơ bợn nhưng Tăng Bảo thì không, Tăng Bảo thì luôn luôn mỹ toàn, thanh tịnh, này Upāli!

– Đệ tử hiểu rồi.

Tôn giả Ānuruddha lại hỏi:

– Vậy thì khi cúng dường tứ sự đến cho một vị tỳ-khưu, hai vị tỳ-khưu, cận sự nam nữ đừng nghĩ đến cá nhân vị ấy mà cứ khởi tâm cúng dường Tăng, cúng dường Tăng Bảo thì phước báu ấy sẽ rất toàn hảo, rất thanh tịnh, có phải vậy không, thưa Tôn Sư?

– Đúng vậy!

– Tăng Bảo thì luôn luôn thanh tịnh! Hay lắm! Cả một biển lớn thanh tịnh! Tôn giả Ānanda tán thán! Tuyệt vời thay! Cao thượng thay là ruộng phước cho chư thiên và loài người!” [4]

Qua bài pháp trên, rõ ràng Đức Phật nhấn mạnh đến tín tâm cúng dường của chư Phật tử tại gia và khuyên chúng ta nên khởi tâm cúng dường Tăng Bảo chứ đừng nghĩ đến cá nhân tỳ kheo nào cả. Đức Thích Tôn ân cần dạy bảo: ‘Đừng nghĩ đến những việc xấu ác của cá nhân tỳ kheo nào và hãy để cho Tăng xử và luật nhân quả quyết định.” Trong khi đó, phước báo của người cúng dường tín tâm vẫn đơm hoa, kết quả thơm ngọt. Trong Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, Đức Phật kể lại một câu chuyện như sau:

“Năm thầy Tỳ – kheo kia xét thấy chủ nhân hết lòng trọng đãi, mới cùng nhau bàn rằng:”Tuy đặng chủ nhân tùy nghi cúng dường mỗi ngày giàu to nhưng tính đến năm nghèo như cái năm đói rét, thì không có thể giúp cho người được giàu vui; vậy bọn ta phải ra phương tiện để tìm kiếm tiền của, dành dụm thời sau mà hưởng cái sự vui ngũ dục”.

Bàn như thế rồi, liền cùng nhau thay đổi, sai một người đi dạo trong các làng xóm, rao nói với mọi người, xướng cái lời như thế này:

“Bốn thầy Tỳ – kheo kia, yên ở một chỗ vắng lặng giữ gìn giới cấm dứt hẳn rượu thịt, không ăn hành tỏi đáng bậc phạm hạnh; tu thiền chỉ quán chứng nghiệp vô lậu; tu hành không bao lâu sẽ thành quả A la hán, thật là bậc Vô thượng phước điền trong thiên hạ”.

Mọi người nghe lời ấy rồi, đua nhau xúm lại mang đến đủ thứ tiền tài ẩm thực, cung kính cúng dường, như thế nhiều năm. Còn nữ nhân Đề Vi một lòng kính tin, cứ việc tùy nghi cúng dường hoan hỷ không chán. Mãn kiếp trọn đời được sanh lên cõi trời Hóa Lạc.

Còn năm vị Tỳ – kheo kia, chuyên làm việc xảo ngụy, vì tâm tà trược, nên khi phước hết mạng chung, sanh vào địa ngục; tám nghìn ức kiếp chịu cái quả báo rất khổ. Tội địa ngục hết rồi phải chịu thân ngạ quỷ, ly mỵ, vọng lượng, lần lựa như thế trải qua tám nghìn kiếp; tội ngạ quỷ hết rồi, lại chịu cái thân lục súc sanh, để đền trả của cúng dường đời trước cho chủ nhân.

Nhân duyên nghiệp báo, hoặc làm lạc đà, lừa, trâu, ngựa, tùy theo chủ nhân chỗ thọ phước gì thì thường đem sức lực để đền trả cho chủ nhân, lần lựa như thế cũng đến tám nghìn đời; tội súc sanh hết rồi tuy đặng thân người, nhưng các căn ám độn, nam cũng không phải nam, nữ cũng không phải nữ, gọi đó là Thạch nữ: Từ đây sắp về sau, trải qua trong tám nghìn năm, thường đem sức lực đền trả cho chủ nhân, đến nay chưa hết.”

Phật bảo vua rằng: “Đề Vi khi đó là Hoàng hậu đây vậy. Ông Biện Tài khi đó là Mục Liên đây vậy. Còn năm thầy Tỳ – kheo, tức là năm người bọn Phiến Đề La theo hầu hạ khiêng kiệu cho bà Hoàng hậu hôm nay đây”.

Vua bạch Phật rằng: “Theo như lời của Đức Thế Tôn nói thì nhơn có năm người, mà nay thì chỉ thấy có bốn người khiêng kiệu còn một người nữa ở chỗ nào.

Phật bảo vua rằng: “Còn một người nữa, người ấy thường ở trong cung quét dọn cầu xí, tức là người đổ phân đó vậy”.

Hoàng hậu nghe rồi rùng mỉnh rởn ốc, ôm lòng kinh sợ, liền đứng dậy làm lễ Phật, đứng hàu chắp tay mà bạch Phật rằng: “Thưa Đức Thế Tôn! Như lời của Đức Thế Tôn nói, té ra bọn Phiến Đề la là nhân duyên thầy của con đời trước, lòng con thiệt rất lo sợ, sợ là sợ phạm tội nghịch. Sở dĩ vì sao? Vì luận người là bậc thầy, thì phải cung kỉnh đầu đội lễ bái mới phải lẽ vậy. Mà nay trở lại sai khiêng kiệu không khác gì trâu ngựa. Vì nhân duyên đó nên lòng con rất lo sợ, cúi xin Phật thương xót dạy con sám hối”.

Phật bảo Hoàng hậu rằng: “Bởi Hoàng hậu có phước đức, vốn không có tội lỗi cớ sao nghi sợ. Chúng sanh tánh khác, hạnh nghiệp không giống nhau, làm lành thì hưởng phước, làm ác thọ tai ương. Hoàng hậu đời trước nhất tâm thanh tịnh tin ưa làm phước, nhân duyên phước đức như thế, bởi bao nhiêu đời trước sanh ra thường gặp Minh sư, tin thọ lời giáo huấn, gặp lành làm lành gặp phước làm phước, cho đến ngày nay hưởng phước tự nhiên gặp Phật ra đời, là vì nhờ phước đức nhân duyên đời trước. Lại nghe Chánh pháp như thuyết tu hành, do nhân duyên đó nên không có tội lỗi chi.” [5].

Kết luận: Đừng lo nghĩ gì cả. Hãy thanh tịnh tâm ý của mình khi cúng dường Tăng Bảo sẽ sản sinh phước báu vô lượng như Đề Vi Hoàng Hậu vậy.

Nguồn Tham Khảo

[1], [2] và [4] Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyện – Tập 6, phẩm 2: Ruộng Phước- Sư Giới Đức – Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Nhà Xuất Bản Văn Học
[3] Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya – Tập II – Thiên Cung Sự – phẩm 1.a Lâu Đài Nữ Giới – Chuyện thứ nhất – Lâu Đài Có Sàng Tạo (Pìtha-Vimàna) – Tạng Pali- Giáo Sư Trần Phương Lan dịch.
[5] Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên. Quyển Hạ. Hán dịch: Đời Tiêu Tề, Ngài Tam Tạng Sa môn Thích Đàm Cảnh. Việt dịch: Hòa Thượng Thích Hành Trụ. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo.