Trong dịp về Quảng Ninh dự lễ Tưởng niệm 700 năm ngày Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông viên tịch vào cuối tháng 11/2008, mặc dù phải băng rừng vượt suối với nhiều hiểm trở, nhưng để thỏa niềm mong ước, chúng tôi đã tìm đến thăm hai khu di tích đặc biệt này.
Am Ngoạ Vân tọa lạc ở sườn nam của ngọn núi Bảo Đài (còn gọi là núi Vây Rồng), thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thuộc dãy núi Yên Tử.
Từ chùa Trình, nơi đặt văn phòng tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, chúng tôi đi theo quốc lộ 18A về hướng Đông Triều, rẽ vào làng An Sinh, theo hướng đến chùa Quỳnh Lâm, đi qua Đền Sinh, nơi thờ các vua Trần, rồi rẽ vào đường mòn chạy quanh co dọc theo hồ Trại Lốc. Đến lúc không thể đi được nữa, chúng tôi gửi xe ở nhà anh Nguyễn Văn Ánh, một người dân địa phương, rồi nhờ anh dẫn đường lên Bảo Đài Sơn.
Chuẩn bị xong dao chặt cây, bật lửa, đèn pin, giày và gậy leo núi, anh Anh đề nghị chúng tôi, trước khi lên Ngọa Vân, hãy ghé thăm chùa Hồ Thiên, ngôi cổ tự do ngài Pháp Loa, đệ nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm sáng lập. Đường lên Hồ Thiên không xa lắm, lại tương đối dễ đi. Từ Trại Lốc, đi mất chừng hơn 4km đường rừng thì đến nơi.
Đau lòng thực trạng di tích Hồ Thiên
Chúng tôi đến Hồ Thiên chỉ sau hơn hai giờ leo núi. Chùa tọa lạc giữa lưng chừng núi Nước Vàng ở độ cao 600m so với mực nước biển, thuộc xã Mai Sưu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Hồ Thiên là thiền viện danh tiếng dưới thời Trần. Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết pháp tại đây. Thời Hậu Lê, chùa được trùng tu với quy mô lớn. Đến khoảng đầu thế kỷ 19 thì bị đổ nát, chư tăng cũng không còn. Hiện chùa chỉ là một ngôi nhà nhỏ do thầy Thích Trí Thông dựng tạm để tu hành.
Hôm đến đây, không gặp thầy, được các Phật tử dẫn đi thăm chùa, chúng tôi đã rất ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến một quần thể di tích rộng chừng 2,5 hecta với gần 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau gồm chùa, am, tháp, mộ, tượng và bia đá đã bị cánh thợ rừng phá đổ để tìm cổ vật.
Nền chùa với các chân đá tảng chạm trổ hình hoa sen được đào lên để ngổn ngang. Những cây cổ thụ như thông, vải thiều, đại… có hàng trăm tuổi, vài cây cũng bị bật gốc, “xẻ thịt”. Tháp bảy tầng bằng đá xanh cao 11m bị đánh sập vừa được khôi phục. Hai ngọn tháp khác bằng gạch được xây trên những bệ đá có chạm trổ hình hoa sen cũng bị phá tan.
Phía sau ngôi nhà tạm còn có tấm bia được đặt trong một nhà bia bằng đá. Tính cả bệ, bia cao chừng 3m, rộng 1,5m, hai bên đắp nổi đôi câu đối bằng lối triện thư. Nội dung văn bia ca ngợi cảnh đẹp Hồ Thiên và công đức chúa Trịnh Cương khi trùng tu chùa. Cuối văn bia có khắc bài Ngự chế Hồ Thiên tự thi của chúa cùng niên đại dựng bia là ngày tốt tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Văn bia cũng cho biết chùa còn có tên là Trù Phong, là ngôi cổ tự đẹp nhất ở miền Đông Bắc nước ta.
Nằm cạnh bia là tượng của hai vị sư đã bị gãy. Đây có thể là tượng Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông và đệ nhị tổ Pháp Loa. Đứng trước vẻ tiêu điều, hoang vắng, nghĩ đến nơi đây một thời từng là đại đạo tràng của Giáo hội Trúc Lâm, lòng chúng tôi chợt dâng lên bao mối u hoài.
Sau khi chụp hình các di tích, chúng tôi tranh thủ rời Hồ Thiên để đến Ngọa Vân, đích đến của chúng tôi lúc trời vừa hửng nắng.
Chinh phục Bảo Đài sơn
Đường đến Ngọa Vân tưởng chừng thăm thẳm, dài gấp đôi đoạn đường từ Trại Lốc đến Hồ Thiên. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với 23 lần vượt suốt, leo bao nhiêu dốc đá. Suối chảy róc rách như vô tận, nước trong như pha lê. Hai bên đường sum suê từng khóm me rừng màu hoàng yến.
Càng vào sâu đường rừng càng hiểm trở. Nhiều đoạn rất khó đi. Nếu không cẩn thận, chúng tôi đã có thể bị rơi xuống vực. Trời hãy còn se lạnh nhưng ai nấy mồ hôi như tắm. Hai chiếc ba lô dày ướt sũng. Đi một lúc lại ngồi nghỉ lấy sức. Lũ chim rừng cứ hót suốt ngày. Những chú chào mào, cà cưỡng… bay về đậu rợp rừng trúc, kêu inh ỏi trên những khóm cây.
Đi, mệt lại nghỉ. Nhiều khúc quanh, nhiều ngã rẽ dây gai bao phủ chằng chịt. Lâu lâu anh Ánh lại trèo lên một thân cây cao ngắm núi định hướng. Hết đường bằng, đến leo dốc, con đường càng lúc càng rậm rịt. Có khi chúng tôi không thấy ánh mặt trời. Đến một ngã ba, hai ngã ba, rồi nhiều ngã ba, con đường đã trở nên cực kỳ khó khăn.
Đi như thế trong rừng suốt hơn 6 tiếng, chúng tôi ai nấy đều mệt lả. Cổ họng lại khát, nước uống cũng bắt đầu hết. Anh bạn tôi hái me rừng ăn với muối giải mệt. Chưa bao giờ chúng tôi được thưởng thức một món ăn ngon như thế.
Để trấn tĩnh mọi người, anh Ánh bảo: Đoạn này dễ đi hơn, cố lên! Lại lên đường kẻo sợ trời tối. Càng vào sâu, rừng càng rậm. Lại leo dốc. Lại nghỉ. Một điều làm chúng tôi bàng hoàng là rừng ở đây bị lâm tặc khai thác đến mức kiệt quệ. Nhiều cây gỗ thân to hơn hai người ôm bị đốn, các thân gỗ còn sót lại làm nhói lòng chúng tôi. Rừng bị phá với đủ kiểu cách. Không ít những cái lán được các thợ rừng dựng lên và những thân cây còn ứa nhựa được hun lửa để “sấy thuốc”. Nghĩ đến cảnh nhiều khu rừng bị cháy mà chúng tôi ngán ngẫm thở dài.
Hết rừng tạp, đến một khu rừng rất lạ mà tôi chưa từng đặt chân đến: rừng trúc. Trúc mọc bạt ngàn, dày đặc đến nỗi tưởng như con chim khó có thể đậu xuống đất được. Những cây trúc óng ánh màu vàng ngà xanh lục, lách qua kẽ đá cao vút lên trời trông rất đẹp mắt. Tất cả đều mọc thẳng, nhọn hoắt làm cho Bảo Đài sơn như tràn đầy sức sống.
Rừng trúc này đã là sản phẩm vô tận nuôi sống biết bao thế hệ cư dân. Trúc tượng trưng cho sinh lực dẻo dai và vẻ đẹp thanh bạch của thiên nhiên, có lẽ vì vậy mà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã lấy Trúc Lâm để đặt tên cho phái thiền của Ngài.
Kỳ thú Ngọa Vân am
Đến Am Trà, chúng tôi rẽ vào ngã ba Tàn Lọng để đi vào khu vực Thông Đàn. Ngày xưa vua quan khi lên thăm Điều ngự Giác hoàng, đến nơi đây không che lọng nữa, từ đó có tên Tàn Lọng. Và sở dĩ có tên gọi Thông Đàn vì khu vực này có hàng chục cây thông lớn, cao vút che chắn hai bên lối đi.
Thông vươn cao khỏe khoắn, uốn lượn khúc khuỷu với những dáng độc đáo, rễ bám chắc vào vách núi, mỗi khi gió thổi âm thanh vi vu giống như dàn nhạc. Tương truyền chúng được trồng từ khi Điều ngự Giác hoàng lên đây ẩn tu.
Tiếp tục xuyên rừng về hướng Tây, đến khi mặt trời bắt đầu đổ bóng, khi đôi chân chúng tôi đã rã rời thì một ngôi chùa hiện ra. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Ngọa Vân. Một am tranh nhỏ nhìn ra thung lũng, lưng dựa vào vách núi, quanh năm mây trắng bao phủ. Được bao bọc bởi nhiều cổ thụ, tuy không ở vị trí thông thoáng như chùa Đồng (Thiên Trúc), chỉ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, nhưng Ngọa Vân mang một vẻ đẹp kì bí, lạ thường.
Đứng trên chùa nhìn ra, phía trước bên trái có tháp Đoan Nghiêm, bên phải là tháp Phật Hoàng. Trong lòng tháp Phật Hoàng có bài vị bằng đá xanh chạm trổ hoa văn tinh xảo, chính giữa khắc nổi dòng chữ Hán “Nam mô Đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh Tuệ Giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông hoàng đế Điều ngự vương Phật”.
Ngay phía trước tháp là tấm bia đá, mặt trước khắc chìm dòng chữ Hán “Minh Mệnh nhị thập nhất niên cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần Triều Nhân tông hoàng đế lăng sắc kiến”. Phía sau chùa có một am nhỏ, biển hiệu đề ba chữ Hán “Ngoạ Vân am”. Bên trong thờ tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch có Bảo Sái quỳ chắp tay hầu.
Cũng như ở Hồ Thiên, đến đây chúng tôi thực sự bàng hoàng trước cả một vườn mộ tháp bị đào bới tan tành, qua thời gian bị cỏ mọc phủ kín. Những chiếc bia đá, voi đá, ngựa đá cũng bị lật đổ, hoặc bị đánh sứt đầu, đào bới rỗng ruột. Miếu thờ sơn thần cũng bị phá. Bên góc am còn có các loại gạch ngói xưa cùng một số bệ đá chạm hình cánh sen.
Đạo tình ở chốn thâm sơn
Sau khi lễ Phật, biết chúng tôi đói và mệt, thầy Thích Thanh Tiến, trú trì chùa, cho chuẩn bị thức ăn để mời chúng tôi. Cơm được dọn ra sau chừng 20 phút. Bữa ăn tuy đạm bạc, chỉ với vả luộc và măng rừng dầm tương ớt, nhưng chúng tôi đã ăn rất ngon.
“Thế hết cái ăn thì lấy đâu ra bạch thầy?”, anh bạn đi cùng chúng tôi hỏi. “Ở đây không phải lo, thỉnh thoảng một vài Phật tử trong vùng đem lên tặng chúng tôi. Hôm nào hết thức ăn thì dùng tạm quả vả và măng rừng“.
Thầy Tiến trả lời với vẻ lạc quan. Phát nguyện lên đây giữ gìn chốn Tổ đã là một việc làm vô cùng khó, vậy mà chỉ với những thứ cây hoang đó, thầy vẫn có thể tự nuôi sống. Mười năm trước khi lên Ngọa Vân, thầy đã che nhà tạm thay am cỏ để tu, nhặt từng mảnh vỡ để dựng lại bia, gom từng mảnh tượng đá vào góc chùa. Ngoài thầy, còn có hai chú tiểu, theo thầy tu đã gần hai năm.
Cứ bốn giờ sáng, thầy trò dậy tụng kinh, sau đó lên am ngồi thiền. “Ở đây mỗi lần chứng kiến cảnh thợ săn bắt những con thú đến làm thịt bên cửa chùa, thợ rừng chặt phá cổ thụ, tôi đau lòng lắm nhưng không biết làm sao”, thầy nói.
Tối hôm đó có bốn người dân tộc Dao đi đào cây, đến xin tá túc tại chùa. Am Ngọa Vân nhỏ là vậy, làm được một gian nhà không phải dễ, thế mà nơi đây đã là chỗ nương nhờ của không biết bao người: thợ rừng có, người lấy thuốc có, thậm chí cả tội phạm bị truy nã, thầy vẫn giúp đỡ họ.
Điều khiến chúng tôi vui mừng là thầy tỏ ra rất am hiểu khu di tích Ngọa Vân. Khi chúng tôi hỏi hiện nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn nghi ngờ đây không phải là nơi Điều ngự Giác Hoàng viên tịch, mà cho rằng am Ngọa Vân nằm gần chùa Hoa Yên, trên đoạn đường đi lên chùa Đồng, thầy chỉ mỉm cười.
Để minh chứng, thầy dẫn chúng tôi đến bên bia Trùng tu Ngọa Vân tự dựng gần miếu thờ sơn thần. Bia đã bị vỡ nhưng phần lớn vẫn còn đọc được rõ nét. Lạc khoản đề, am Ngọa Vân được trùng tu vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707). Văn bia có đoạn “Nay thấy chùa Ngoạ Vân, xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương thật là nơi danh lam cổ tích… Sư trụ trì tại chùa Ngọa Vân, núi Bảo Đài, tự là Giác Hưng hiệu Viên Minh, đã trùng tu gác chuông và 25 gian nhà tăng, làm 2 toà bảo điện, dựng bia đá, làm thêm Kim am, Hưng Vân am, Giải Thoát am… ”.
Chi tiết này đã giúp lý giải, am Ngọa Vân ngày xưa thuộc xã An Sinh, trong khi đó làng An Sinh ngày nay nằm cách thôn Tây Sơn, nơi am Ngọa Vân tọa lạc không xa. Và qua đó ta thấy sau khi Điều ngự Giác hoàng viên tịch, am Ngọa Vân đã được các thế hệ tiếp nối xây dựng khang trang với nhiều hệ thống chùa tháp khác nhau.
Đêm non thiêng huyền ảo
Trời chiều. Ngọa Vân am ẩn mình bên vách núi. Được thầy Thanh Tiến hứa dẫn xuống núi kịp về chùa Quỳnh Lâm dự lễ Tưởng niệm 700 năm ngày Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông viên tịch vào sáng hôm sau, chúng tôi cố nán lại thêm một giờ để thưởng ngoạn cảnh đẹp về đêm ở Ngọa Vân.
Đêm trên Bảo Đài sơn thật kỳ ảo. Hơi nước từ đá tỏa ra tạo thành làn mây bàng bạc, lùa vào am vương vấn trên tán cây, bồng bềnh trong rừng trúc đẹp như một bức tranh. Ngồi giữa màn đêm mênh mông, văng vẳng tiếng suối róc rách, tiếng trúc rì rào, đâu đây mùi hương phong lan thoang thoảng, chúng tôi chợt nhớ đến Điều ngự Giác hoàng khi sắp viên tịch:
“Ngày 18 khi đi bộ đến chùa Tú Lâm ở núi Kỳ Đặc, thấy nhức đầu, ngài gọi hai tỳ-kheo là Tử Danh và Hoàn Trung lại bảo: Thầy muốn lên am Ngoạ Vân mà chân không thể đi.
Hai tỳ-kheo bạch: Chúng con có thể đỡ tôn đức lên được.
Khi lên đến núi, ngài cảm ơn và bảo: Các con xuống núi gắng tu hành, đừng xem sinh tử là việc nhỏ.
Ngày 19, ngài sai chú tiểu Pháp Không lên am Tử Tiêu giục thị giả Bảo Sát đến ngay… Ngày 21, thấy Bảo Sát đến, ngài mỉm cười nói: Thầy sắp đi, sao con đến muộn thế?
Rồi ngài hỏi: Mấy giờ rồi?
Bảo Sát thưa: Bạch tôn đức, giờ Tý.
Ngài nói: Đến giờ rồi, thầy đi đây.
Bảo Sát hỏi: Tôn đức đi đâu?
Ngài nói kệ đáp:
Hết thảy pháp không sinh
Hết thảy pháp không diệt
Nếu rõ được lý ấy
Chư Phật thường hiện tiền
Thời đến đi nào có?
Nói rồi, ngài nằm theo thế Sư tử mà tịch, thọ 51 tuổi. Vua Anh Tông đã truy tôn ngài với thụy hiệu “Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu Ðà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật“.”
Tối hôm ấy, thầy Thanh Tiến cùng người học trò tiễn đưa chúng tôi xuống núi. Từ giã Ngọa Vân am, chúng tôi mang theo kỉ niệm về cuộc hành trình đầy vất vả, đạo tình quý báu của những người giữ gìn chốn Tổ, cảnh chặt cây phá rừng và những di tích bị xâm hại vẫn còn đọng mãi trong kí ức tôi cho đến tận hôm nay.
Mong sao di sản ở Hồ Thiên, Ngọa Vân và nhiều nơi khác trên toàn quốc luôn được bảo tồn, cuộc mưu sinh của người dân được đảm bảo, luật pháp thực hiện nghiêm minh để nạn phá hoại thiên nhiên không còn tiếp diễn, để nội lực của dân tộc được giữ vững đến muôn đời.
Phan Ngọc Thiện (Theo Văn Hoá Phật Giáo 74)
Phattuvietnam.net trân trọng giới thiệu chùm ảnh do CTV Phan Ngọc Thiện gửi Trang nhà:
Toàn cảnh chùa Hồ Thiên
Bia Trùng tu Trù Phong tự và 2 pho tượng bị đánh gãy
Đống gạch có từ thời Lê Trung hưng ở Hồ Thiên
Nền chùa Hồ Thiên
Một ngọn tháp bị đánh gãy ở chùa Hồ Thiên vừa được khôi phục
Bệ sen ở chùa Hồ Thiên
Tháp ở Hồ Thiên
Phóng viên Báo Đất Việt và tác giả Chụp hình lưu niệm ở tháp Phật Hoàng – Ngoạ Vân
Thầy Thích Thanh Tiến, Trú trì am Ngoạ Vân
Bệ sen ở am Ngoạ Vân
Miếu thờ sơn thần ở Am Ngoạ Vân
Bia “Trùng tu Ngoạ Vân tự” ở Ngoạ Vân
Am Ngoạ Vân, nơi Ngài Nhân Tông ngồi thiền
Bên trong am Ngoạ Vân
Voi đá ở am Ngoạ Vân
Những khúc gỗ bị đốn còn sót lại
Nghỉ ngơi giữa đường
Cây thông ở ngã ba Thông Đàn, Bảo Đài sơn
Hàng me rừng trên đoạn đường lên am Ngoạ Vân
Rừng trúc ở Bảo Đài sơn
Nhà bia ở chùa Hồ Thiên
Toàn cảnh Ngoạ Vân am
1 góc nhìn từ Ngoạ Vân am