Thực đơn của tiệm này liệt kê tới 60 món ăn chay hàng đầu của Việt Nam và thế giới.
Chị Đặng Hồng Diễm, khi ấy là chủ tiệm bảo rằng, các món chay ở đây sử dụng nguồn nguyên liệu thực vật phong phú trong nước và các nguyên liệu chay nước ngoài, như của Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Thường ngày quán có khoảng 50-70 thực khách đến thưởng thức cơm chay, trong đó có hơn hai chục người ăn chay trường, tức là ăn chay suốt đời.
Còn ngày rằm, mùng một thì khách đông lắm. Tôi đã tận mắt thấy ở Nàng Tấm bao món sơn hào hải vị, được chế biến từ rau, củ, quả, chẳng những hương vị ngạt ngào không khác gì món mặn mà hình thức trình bày cũng bắt mắt vô cùng.
Vài năm gần đây, khi mà các thống kê y học cho thấy tỷ lệ người máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, hàm lượng Cholesterol trong máu; tỷ lệ người bị bệnh tiểu đường… tăng cao, thì ở Thủ đô, không chỉ riêng Nàng Tấm, mà đã xuất hiện hàng loạt quán cơm chay mới như quán Thiên Nhiên bên đường Thái Hà, quán Trường Sinh ở Khu tập thể Trương Định, quán Thành Tâm bên đường Phó Đức Chính, quán An Lạc ở 15 Hàng Cót… để đáp ứng nhu cầu ăn chay thực dưỡng của khách.
Từ những nguyên liệu thực vật bình dị và đơn giản, người làm thức ăn chay với trí tưởng tượng phong phú và tài nghệ đôi tay đã sáng tạo nên hàng trăm món ăn ngon, hấp dẫn với các tên gọi như giò, nem, ninh, mọc, cá, trứng, thịt bò… y như thật, món nào cũng ngào ngạt hương thơm, đậm đà gia vị, hài hòa màu sắc để ai đó dù chỉ một lần được thưởng thức cũng khó có thể quên, có người được ăn đôi ba lần mà trở thành “nghiện”.
Nghe nói, sư cụ Đàm Anh, trụ trì tại chùa Phụng Thánh ở cuối ngõ Cổng Trắng đường Khâm Thiên, chỉ với rau, măng, dưa, đỗ mà có thể chế biến ra tới 400 món ăn ngon thì quả là tài nghệ.
Các món chay chẳng những giàu chất dinh dưỡng, lợi cho sức khỏe, có thể chữa được một số bệnh, mà nó còn hàm chứa những giá trị nhân văn có gốc gác từ triết lý “tứ diệu đế”- bốn chân lý diệu kỳ – của nhà Phật, là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo; giúp người ta sống nhân bản và hướng thiện.
Theo quan niệm của tứ diệu đế, cuộc sống của chúng sinh chủ yếu là khổ (chân lý về khổ); nguyên nhân của khổ là do chúng sinh bị ràng buộc quá nhiều vào những ham muốn bình thường (chân lý về tập); do đó muốn khỏi khổ, chúng sinh phải diệt trừ tận gốc các ham muốn thái quá (chân lý về diệt); để diệt được các ham muốn, chúng sinh phải thực hành đạo (chân lý về đạo). Ăn chay cũng là một trong những phương thức để người đời thực hiện các “chân lý” của Phật giáo.
Chính vì đã từng được thưởng thức các món ăn nhà chùa, nên khi biết tin nhà hàng Tịnh Tâm ở tổ 18 phố Sông Thao, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì vừa khai trương, tôi có rủ một vài người bạn cùng đi.
Nhưng có lẽ những người bạn giàu “tâm hồn ăn uống” của tôi liên tưởng Tịnh Tâm với những đồ ăn, thức uống thanh đạm của các bậc tu hành khổ hạnh, nên dù đã ngồi trên xe rồi nhưng nhìn qua nét mặt, tôi biết họ chưa mặn mà lắm với khoản cơm chay.
Nhà hàng Tịnh Tâm vốn trước đây cũng bán hàng ăn uống bình thường, không có tiếng tăm gì lắm so với các quán cá Bờ Sông, quán cá Hạc Trì hoành tráng ở ngay bên cạnh.
Rồi từ một cơ duyên, chủ nhà hàng may mắn gặp được mấy vị tăng ni miền Nam xuất hành vãn cảnh miền Bắc và được gợi ý: Giữa chốn ồn ào tôm cá bờ sông như thế này thì nên mở hàng cơm chay, cũng là kinh doanh đặc sản, cũng là để chủ nhân tu tại gia, làm thêm điều thiện.
Cơ sở vật chất thì đã có sẵn một nhà 4 tầng, trong đó có một phòng ăn rộng có thể sắp xếp đồng thời mấy chục bàn ăn và một số quán lá mát mẻ ven hồ. Quan trọng là đầu bếp thì các sư thầy cử phật tử từ Nam ra giúp.
Hồi 8 giờ 8 phút ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch vừa qua, nhà hàng Tịnh Tâm treo đèn lồng khai trương. Ngay sau đó nhà hàng đã nhận được nhu cầu làm 300 xuất cơm chay phục vụ ngày lễ trọng của một chùa lớn trong vùng.
Buổi đầu, dù vạn sự khởi đầu nan, nhưng cơm chay Tịnh Tâm đã được ngợi khen, hàng ngày lượng khách chưa nhiều nhưng vừa làm vừa học, công việc phục vụ cũng đủ để thầy trò truyền dạy nhau bí quyết làm các món ăn chay.
Bữa cơm chay của chúng tôi hôm ấy có nhiều món ngon, nào là ngô chiên, sườn non chua ngọt, giò lụa, chả quế, chả chìa; nào là ếch tẩm bột, xúc xích, sa-lat…thật ngon miệng.
Chúng tôi phải cảm ơn cô Sen, người phụ trách nhà hàng vì đã mời được sư thầy Nguyên Dược trên đường thăm thú đất Tổ lưu chân tại đây đến trò chuyện với khách về những triết lý Phật giáo, về ẩm thực dưỡng sinh.
Thầy khuyên rằng, ngày nay kinh tế đã khá hơn, miếng ăn đã ngon hơn; nhưng cũng vì cái ăn, vì sự dư thừa mà sinh ra bao bệnh tật, nên câu “bệnh vào từ miệng” bây giờ thấy càng đúng.
Ăn nhiều thịt là tự đầu độc, con người tự sát ngấm ngầm mà không hay. Thế nên, từ lâu, người Nhật Bản đã thực hiện phương pháp dưỡng sinh Ohsawa để đẩy lùi bệnh tật. Ngày nay khoa học hiện đại đã chứng minh, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, sống lâu, tránh được các chứng nan y.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có hàng vạn người thưc hiện chế độ ăn uống dưỡng sinh. Ngày rằm, mùng một có rất đông người, không chỉ bậc cao tuổi mà cả nam thanh nữ tú cũng đến cửa phật “ăn mày”… đôi bữa cơm chay.
Nhân câu chuyện của sư thầy Nguyên Dược, tôi nhớ đã từng đọc một bài báo nói về dưỡng sinh chữa bệnh. Bằng các công thức ăn uống, trong đó có công thức “gạo lứt, muối mè” mà nhiều người bị bệnh nặng ở Hà Nội đã có cơ được trở về từ cõi chết, như bà Nguyễn Thị Tuất trú tại P9, A7 khu tập thể Đại học kinh tế quốc dân; chị Vũ Xuân Oanh, trú tại P 115, A8 Khu tập thể Nam Đồng; anh Nguyễn Minh Tuấn ở tổ 9 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng…
Như một nhà tư vấn, với chất giọng nhỏ nhẹ của người miền Trung, sư thầy Nguyên Dược khuyên rằng: Hàng ngày mọi người nên chú ý đến việc ăn uống, đừng qúa ham mê chốn rượu thịt ồn ào mà tổn hại sức khỏe.
Đến Tịnh Tâm, từ chú “tiếp viên” áo nâu sồng đến cô chủ quán mau miệng đều cho thực khách những liên tưởng về chốn thiền môn, cho ta cảm giác bình yên khi mọi sự xô bồ như để lại phía sau.
Trước lúc chúng tôi ra về, sư thầy Nguyên Dược còn cho nhà sư Thiện Hải viết tặng mỗi người một chữ: hoặc là Tâm, Đức, hoặc là Phúc, Nhẫn như là một lời chúc tốt lành. Thư pháp của sư Thiện Hải khá cừ khôi, nét chữ rắn rỏi mà uyển chuyển, mềm mại mà biến hóa.
Tôi chợt nhìn lên tường, một bức thư pháp lớn có mấy câu thơ: Trăm năm trước ta còn chưa gặp/ Trăm năm sau biết gặp lại không?/ Cuộc đời sắc sắc không không/ Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau, càng thấy rằng cuộc đời này cần lắm những tấm lòng nhân hậu, vị tha để mỗi người bình tâm bước qua những ham muốn thái quá, mỗi người biết vì mọi người, vì cả chúng sinh, biết tu nhân, tích đức.
Ngẫm ra, một cõi cơm chay mà khơi gợi bao điều.