Trang chủ Đời sống Tìm thấy bảo vật 1.000 tuổi sau 18 năm bị đánh cắp

Tìm thấy bảo vật 1.000 tuổi sau 18 năm bị đánh cắp

Theo sư trụ trì chùa Trăm Gian Thích Đàm Quang, chùa có bộ tranh Thập điện Diêm Vương rất quý, vậy mà tám bức trong bộ tranh đã bị đánh cắp. Những tưởng không bao giờ có thể tìm lại, thế nhưng sau 18 năm các bức tranh đã ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, những tên tội phạm định đưa sang Thái Lan. Mẻ lưới đã được cất…
 

Bốn bức cổ vât vừa tìm lại được

 

Ở Việt Nam có hàng trăm bộ tranh Thập điện Diêm vương dựa vào nội dung tác phẩm Phật giáo như “Thập Vương kinh” hoặc tác phẩm Đạo giáo như “Ngục lí truyện”, nhưng bộ tranh ở chùa Trăm Gian thuộc loại cổ và quý nhất.

Các bức tranh được tạc bằng gỗ mít nặng mỗi bức đến cả trăm cân trải qua gần nghìn năm đã lên màu đen bóng. Theo lời của vị sư thầy trụ trì chùa Trăm Gian thì những bức tranh cổ bị mất đã xuất hiện cách đây gần 1.000 năm, gắn liền với tuổi thọ của ngôi chùa Trăm Gian.

Các bức tranh cổ làm bằng gỗ mít, khắc trên đó những hình ảnh thể hiện 10 cửa địa ngục trần gian, nội dung trên mỗi bức tranh thường là phần trên Phán quan ngồi giữa hai bên có người hoặc quỷ sứ đứng hầu để xét hỏi tội, phần dưới là các tầng địa ngục mà tội nhân phải nhận các án trừng phạt như đeo gông, trói, chặt đầu, bỏ vào vạc. Nội dung các bức tranh bao hàm ý nghĩa tâm linh, có tác dụng giáo dục con người tránh những cái xấu, cái ác để hướng thiện.

Trong những năm gần đây, nhà chùa đã có ý đi tìm và sưu tầm lại những hình ảnh về các bức tranh cổ bị đánh cắp để làm lại, treo trên hành lang của chùa. Tuy nhiên, nhà chùa mới chỉ tìm lại được hai bức ảnh do các vị Đại đức và các nhà sư đã từng vãn cảnh chùa Trăm Gian chụp.

Ngôi chùa Trăm Gian, nơi xảy ra vụ mất trộm

 

Vị sư thầy trụ trì chùa Trăm Gian còn cho rằng, việc trở lại hết sức hi hữu của bộ tranh cũng là sự quả báo cho những kẻ dám to gan đụng tới tranh Diêm vương. Theo giới sành cổ vật Hà thành hiện nay thì mỗi bức tranh khắc gỗ này có giá trị tối thiểu là 100.000 USD.

Việc tìm thấy những bức tranh này có thể gọi là hãn hữu, thậm chí là kỳ lạ. Cách đây gần nửa thế kỷ, khi thầy Đàm Quang còn nhỏ đã quen với 10 bức tranh Diêm vương đồ sộ treo dọc ở hành lang dẫn lên đại điện.

Những bức tranh trông cũ kỹ nhưng có một uy lực đáng sợ khiến ai chạm mắt vào cũng đều phải cúi đầu kính cẩn. Sau khi trụ trì cũ là sư cụ Thích Đàm Hiền viên tịch, thầy Đàm Quang lên tiếp nhiệm, các  bức tranh vẫn tại vị ở chỗ cũ, không ai nghĩ một ngày nào đó có kẻ “to gan, lớn mật” dám vào chốn linh thiêng để thực hiện hành vi sai trái.

“Tôi nhớ ngày đó cách đây khoảng 18 năm.Hôm đó tôi và các thầy trong chùa đi học ở bên chùa Bà Đá. Ở chùa chỉ còn có mấy bà vãi ngủ trông nom. Đêm hôm đó, lòng tôi nóng như lửa đốt. Sáng hôm sau tôi về chùa thì hay tin bốn bức tranh cổ trong bộ Thập điện Diêm vương đã không cánh mà bay. Ngay lập tức nhà chùa đã báo cho bên CA nhưng dù các đồng chí CA đã rất cố gắng mà vẫn chưa thể tìm ra tung tích bốn bức tranh. Hơn một năm sau, nhà chùa lại một phen chấn động khi thêm bốn bức nữa trong bộ tranh quý tiếp tục bị trộm lấy mất. Như vậy bộ tranh Thập điện Diêm vương chỉ còn lại hai bức trong suốt mười mấy năm qua”.

Từ lá đơn trình báo CA xã Tiên Phương từ cách đây 18 năm của sư cụ trụ trì chùa Trăm Gian, CA Hà Nội quyết định vào cuộc điều tra. Tung tích bốn bức tranh cổ được xác định đang ở bên đất Trung Quốc và sẽ được vận chuyển bí mật qua Việt Nam để sang Thái Lan, theo đơn đặt hàng của một tay trùm đồ cổ.

Và mẻ lưới được cất trước khi chuyến bay sang Thái Lan khởi hành. Hôm đó là ngày cuối tháng 5-2009, giữa trưa nắng hầm hập, tổ cảnh sát đặc nhiệm Phòng cảnh sát điều tra về tội phạm trật tự xã hội vẫn nhẫn nại mật phục trên tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài. 12g50, một chiếc xe Ford loại bảy chỗ đang phóng như bay.

Hai cảnh sát giao thông CA Sóc Sơn được tăng cường lập tức tiến ra đường, giơ hiệu lệnh yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Một cuộc kiểm tra phương tiện hết sức bình thường nhưng đã khiến người lái xe tên Nguyễn Hoàng luống cuống. Giấy tờ xe hợp lệ, giấy tờ tùy thân đầy đủ. Nhưng mấy chiếc thùng xốp và hộp carton để ghế phía sau xe lộ dấu hiệu bất thường. Tất cả được quấn kín bên ngoài bằng băng dính to bản. Bên trong những thùng, hộp gói ghém kỹ lưỡng ấy có ba bát hương bằng sành, bốn bức tranh gỗ được khắc nổi hình người.

Nguyễn Hoàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng. Hoàng cho biết được một người nước ngoài gọi điện thuê chuyển hộ hai kiện hàng trên với giá cao từ thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh về hồ câu cách sân bay Nội Bài khoảng 100m, đến đó sẽ có người ra nhận hàng.

Nghi là đồ cổ, Hoàng hỏi lại vị khách trên thì được vị khách khăng khăng khẳng định đó chỉ là đồ giả cổ, chỉ có giá trị trang trí đơn thuần. Chỉ đến khi bị lực lượng CA bắt giữ, Hoàng mới ngớ người ra khi biết số hàng trên là những cổ vật bị đánh cắp tại các chùa chiền ở Việt Nam. Xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, ba bát hương được sản xuất từ đời nhà Thanh, đây là những đồ thờ cúng từng được đặt tại chùa Phổ Minh nhưng đã bị kẻ gian đánh cắp.

Bốn bức tranh cổ được xác định có ít nhất từ thế kỷ 15. Đối chiếu hình vẽ và những thông tin thu thập được, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CA Hà Nội có cơ sở nhận định, đây chính là bốn bức tranh trong bộ Thập điện Diêm Vương bị mất trộm năm nào.

Đại tá Nguyễn Đức Chung trao trả tranh quý cho sư trụ trì chùa Trăm Gian

Những năm trước đây, các bảo vật ở chùa Trăm Gian được bọn trộm coi như món mồi ngon béo bở. Trong những năm chưa tìm được những bức tranh cổ thì nhà chùa cũng mất rất nhiều vật quý như lư hương đồng, vạc đồng… những kẻ trộm còn tung tin trong chùa có kho báu nên có rất nhiều kẻ nhòm ngó, nhà chùa phải canh rất vất vả. Sau khi CA Hà Nội trao trả bốn bức tranh cổ trị giá cả hàng trăm nghìn đô, nhà chùa lại tiếp tục bị nhiều kẻ nhòm ngó, do vậy các sư sãi trong chùa phải cắt cử nhau trông nom.

Thấy nhà chùa quá mệt mỏi với công việc giữ bảo vật, một Phật tử thành tâm đã cung tiến cho chùa bộ máy báo động khi có trộm, được mua từ Đức với giá đến 40 triệu đồng.

Có máy báo động loại tốt rồi, những tưởng ni sư Đàm Quang và các sư sãi trong chùa sẽ có được những giấc ngủ yên nhưng rồi lại có những rắc rối khác xảy ra. Một con chim đậu trên mái ngói cũng khiến chuông báo động reo. Tuy vậy, nhờ thiết bị này mà nhà chùa đã bắt được một số đối tượng hay vào cùa trộm vặt và hạn chế được đáng kể tình trạng mất cắp cổ vật ở đây.

Nhưng lòng sư thầy Thích Đàm Quang vẫn chưa yên khi mà còn bốn bức tranh của bộ tranh vẫn chưa biết số phận thế nào, lưu lạc nơi đâu và chân tướng những kẻ đánh cắp vẫn chưa được làm rõ.