Bài viết nhan đề “Góp Ý Với Sư Cô Thích Nữ Thanh Tâm” của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình hiển nhiên là nhiều thiện ý, đã đưa ra các nhận định mang tính xây dựng. Từ đó, tất nhiên có phản ứng, và những ý kiến trái nghịch được đưa ra. Trong mọi trường hợp, tất cả những dị kiến nên xem như chuyện bình thường.
Một ngày sau khi bài của tác giả Thiện Quả Đào Văn Bình lên mạng, tôi nhận được một cú điện thoại từ nhà văn Chân Huyền (một vị giáo thọ Làng Mai) hỏi ý kiến về bài viết trên, và rồi nói một số điểm nhìn từ những gì chị hiểu biết.
Tôi đáp rằng, tôi có cơ duyên được biết tác giả Thiện Quả Đào Văn Bình là một nhà văn nổi tiếng, cũng là một vị tu học rất nghiêm túc, những gì anh viết lên đều từ thiện ý.
Tôi cũng đáp rằng sẽ ghi nhận những lời chị Chân Huyền nói cho minh bạch toàn cảnh về ngộ nhận thường có về “thiền ôm”… Đó là lý do có bài viết này, và sẽ dựa vào chánh pháp để thảo luận.
Trước tiên, xin tâm sự rằng bản thân tôi có giao tình rất mực thân thiết với Thầy Giác Thanh, một học trò lớn đã quá cố của Thầy Nhất Hạnh. Bản thân cũng đã tận lực hỗ trợ cho Làng Mai trong các chuyến đi hoằng pháp tại Việt Nam, và luôn luôn xem anh Chân Văn và chị Chân Huyền vừa là anh chị trong đạo và vừa là hai vị trưởng thượng trong nghề báo hải ngoại.
Đồng thời, tôi cũng luôn luôn nhìn Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình như một vị đại sĩ hộ pháp rất mực tôn quý. Do vậy, bài viết này sẽ thảo luận về vấn đề rộng hơn: rằng mỗi người sẽ có một pháp thích nghi riêng, rằng không phải pháp nào cũng thích nghi với tất cả mọi người.
Trước tiên, xin ghi lời nhà văn Chân Huyền:
— Không hề có chuyện “ôm nhau ngồi thiền” tại Làng Mai.
— Sau khi Thầy Nhất Hạnh được góp ý từ một số vị tôn túc tại Việt Nam, “Thiền ôm” chỉ còn là một pháp ứng xử giữa cư sĩ, trong khi các tu sĩ Làng Mai không còn dùng nữa.
— Thầy Nhất Hạnh không ưa chuyện thị phi, và Thầy không hề có ý vướng vào các chuyện tranh cãi. Chị Chân Huyền kể rằng Thầy Nhất Hạnh thường nói với học trò chuyện Sư Cụ Thanh Quý (Chùa Từ Hiếu) truyền đăng cho Thầy Nhất Hạnh năm 1960 qua bài kệ 4 câu, với hai câu đầu là “Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành / Hành đương vô niệm diệc vô tranh” trong đó pháp tự của Thầy Nhất Hạnh là Phùng Xuân…
Và bây giờ, xin phép thảo luận rộng hơn.
*
Thầy Nhất Hạnh đã nghĩ ra nhiều chữ gây chú ý: Thiền lạy, Thiền lái xe, Thiền ăn, Thiền quít, Thiền rửa chén, Thiền tắm, Thiền ôm, và vân vân. Chữ “Thiền” trong các nhóm chữ đó có nghĩa là “Chánh niệm”… Khi dịch sang tiếng Anh, Thầy dùng chữ “mindfulness”…
Thí dụ, “Thiền tắm” được Thầy Nhất Hạnh giải thích như sau, trích:
“Chúng ta có thể đặt tên cho phương pháp này là thiền tắm. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, khi bước vào nhà tắm chúng ta hãy tắm một cách thật chánh niệm, đừng có vội vã tắm cho nhanh để đi ăn tối hoặc đi làm cái khác. Chúng ta phải biến nhà tắm thành thiền đường và hai mươi hay ba mươi phút ấy là những giờ phút rất thiêng liêng. Chúng ta buông thư tất cả những căng thẳng trong thân và trong tâm, mỉm cười để cho những tia nước mát hoặc những tia nước ấm phả vào người mình, gột sạch đi những bụi bặm trên thân và làm lắng dịu những lao xao trong tâm. Sau khi bước ra khỏi nhà tắm ta sẽ trở nên tươi mát, sảng khoái vì trong lúc tắm những trị liệu đã xảy ra.
Chánh niệm là một loại năng lượng mình có thể chế tác ra được trong mỗi giây phút, trong khi đi, khi ngồi, khi ăn cơm, khi làm việc… Có chánh niệm rồi thì ta mới có khả năng nhận diện, chăm sóc, chữa trị cho những nỗi khổ niềm đau.” (1)
Như thế, là để “chữa trị cho những nỗi khổ niềm đau.”
Có phải, nếu chỉ như thế, tất cả các tín đồ tôn giáo khác đều có thể ứng dụng được? Hình như thế, vì trong sách “An Lạc Từng Bước Chân” Thầy Nhất Hạnh có viết về chánh niệm trong “Bí tích Thánh thể” do Chúa Jesus thiết lập cho các linh mục Thiên Chúa Giáo. Nghĩa là, Thầy Nhất Hạnh giản lược các yếu tố Phật Giáo để chỉ còn yếu tố “tỉnh thức” cho tất cả mọi người ứng dụng trong mọi trường hợp.
Tương tự, Thầy Nhất Hạnh viết về “Thiền ôm” với nhịp ba hơi thở trên trang Làng Mai tiếng Anh, trích:
“We may practice hugging meditation with a friend, our daughter, our father, our partner or even with a tree. To practice, we first bow and recognize the presence of each other. Then we can enjoy three deep conscious breaths to bring ourselves fully there. We then may open your arms and begin hugging. Holding each other for three in-and-out breaths. With the first breath, we are aware that we are present in this very moment and we are happy. With the second breath, we are aware that the other is present in this moment and we are happy as well. With the third breath, we are aware that we are here together, right now on this earth, and we feel deep gratitude and happiness for our togetherness. We then may release the other person and bow to each other to show our thanks.” (2)
Nơi đây, xin phép dịch như sau: “Chúng ta có thể thực tập Thiền ôm với một người bạn, với con gái của mình, với bạn tình (hay phối ngẫu), hay ngay cả với một thân cây. Để thực tập, chúng ta trước tiên cúi đầu chào và nhận diện sự có mặt của nhau. Rồi chúng ta vui trong ý thức về ba hơi thở sâu để tỉnh thức tròn đầy nơi đó. Ôm nhau trong ba hơi thở vào và ra. Với hơi thở đầu tiên, chúng ta ý thức rằng chúng ta hiện diện trong khoảnh khắc này và chúng ta hạnh phúc. Với hơi thở thứ nhì, chúng ta ý thức rằng người kia có mặt trong khoảnh khắc này và chúng ta hạnh phúc. Với hơi thở thứ ba, chúng ta ý thức rằng chúng ta cùng nhau có mặt nơi đây, ngay lúc đó trên mặt đất, và chúng ta cảm nhận ơn sâu và hạnh phúc vì cùng bên nhau. Rồi chúng ta có thể buông người kia ra và cúi chào nhau để bày tỏ lòng cảm ơn.”
.
Thực ra, giữ Chánh niệm trong mọi trường hợp – nghĩa là, trong khi đi đứng nằm ngồi – là lời Đức Phật và chư Tổ dạy. Nghĩa là, Thiền suốt ngày, cả sáng trưa chiều tối, là hạnh tinh tấn. Tuy nhiên, các Tổ sư không định danh về nhiều thứ Thiền như thế. Vì bất kỳ ngôn ngữ nào hiện lên đều dựng thêm một bức màn ý thức ngăn che thực tại. Còn chuyện thường định là tất nhiên của hạnh người tu Thiền.
Thí dụ, trong Chương Ngộ Tánh Luận, trong sách Thiếu Thất Lục Môn, bản dịch HT Thích Thanh Từ, nơi trang 129-130 trên bản PDF, trích như sau:
“Nếu người biết sáu căn không thật, ngũ uẩn là giả danh, toàn thể mà cầu ắt không có định xứ (tức là không có chỗ nhất định), phải biết người này hiểu được lời Phật nói. Kinh nói rằng: “Ở trong nhà ngũ uẩn ấy là Thiền viện. Ở trong chiếu soi mở sáng, tức là cái cửa Đại thừa. Chẳng nhớ tất cả pháp mới gọi là Thiền định.” Nếu rõ được lời nói này thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền định. Biết tâm là không [thì] gọi là thấy Phật.” (3)
Bản phiên âm Hán Việt là: “Nhược liễu thử ngôn giả, hành, trụ, toạ, ngoạ giai thị thiền định. Tri tâm thị không, danh vi kiến Phật.” (Nếu hiểu được lời nói đó, thì đi đứng nằm ngồi đều là thiền định. Biết tâm là Không, thì gọi là Thấy Phật.) Đây cũng là lời Đức Phật dạy trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, được tứ chúng tụng kinh hàng ngày trong khi Đức Phật sinh tiền.
.
Có một thực tế, chúng ta nên thấy rằng không nên ứng dụng “Thiền ôm” với bất kỳ ai. Vì không phải ai cũng cầm lòng đặng trong ba hơi thở khi ôm người khác phái. Thêm nữa, tâm phân biệt sẽ khởi lên. Thí dụ, ôm em bé hôi mùi sữa, sẽ khác với ôm một ông cụ nằm bệnh nhiều ngày chưa tắm gội. Trong khi đó, nếu nam và nữ thực tập ôm nhau, dị tâm sẽ sinh khởi: mùi hương tóc, mùi nước hoa, làn da mịn khi áp mặt vào nhau, vòng tay sau lưng sẽ nhận ra các lằn áo nịt ngực, và vân vân. Nếu có ai không khởi dị tâm, hẳn là bậc thánh hay đã mấp mé bậc thánh rồi.
Thực sự, khi ôm một người thân (như ba mẹ, con cháu, người hôn phối…) sẽ sinh ra thọ lạc (cảm thọ về vui sướng), và cảm thọ này có thể giúp tạm thời xoa dịu các nỗi đau, giúp tạm thời tạo được sự cảm thông giữa các quan hệ tình cảm (như tình bạn, tình mẹ con, cha con…). Nhưng thọ lạc về thân có thể sẽ dẫn tới nguy hiểm.
Trong Trung Bộ, Kinh MN 22, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy rằng khi thọ dụng các dục (niềm vui các căn ở thân xác: mắt thấy đẹp, tai nghe du dương, mũi ngửi hương thơm…) tất nhiên sẽ khởi ra các dục tưởng (sensual perception) và dục tầm (sensual thinking). Đức Phật nói không thể nào thọ dụng dục (sensual pleasures, vui sướng với các căn) mà không niệm về dục (dục tưởng) cũng như không nghĩ ngợi lan man về dục (dục tầm).
Trích Kinh MN 22, bản dịch Thầy Minh Châu, nói về bất khả này: “Thật sự, này các Tỷ-kheo, sự kiện này không xảy ra, người ta có thể thọ dụng các dục ngoài các dục, ngoài các dục tưởng, ngoài các dục tầm.” (4)
Kinh MN 22, bản Anh dịch của Sujato, nói về bất khả này: “Truly, mendicants, it’s not possible to perform sensual acts without sensual pleasures, sensual perceptions, and sensual thoughts.” (4)
Kinh MN 22, bản Anh dịch của Bodhi, nói về bất khả này: “Bhikkhus, that one can engage in sensual pleasures without sensual desires, without perceptions of sensual desire, without thoughts of sensual desire—that is impossible.” (4)
Kinh MN 22, bản Anh dịch của Thanissaro, nói về bất khả này: “For a person to indulge in sensual pleasures without sensual passion, without sensual perception, without sensual thinking: That isn’t possible.” (4)
Đặc biệt, Đại sư Thanissaro trong ghi chú số 4 dưới Kinh MN 22 đã viết rằng có một Luận thư ghi rằng các hành vi bày tỏ ưa muốn tính dục như ôm và vỗ về đều bị cấm (the Sub-commentary adds that other acts expressing sexual desire — such as hugging and petting — should be included under this phrase as well).
Hiển nhiên, Thầy Nhất Hạnh không có ý vẽ đường cho hươu chạy, vì Thầy trong phần hướng dẫn “Thiền ôm” dịch ở trên đã gạt bỏ yếu tố “sexual desire.” Nhưng lằn ranh sẽ rất là mong manh đối với người đời thường.
.
Có một yếu tố nữa nên thấy: trong khi giữ tâm tỉnh thức cao độ, các vui sướng ở các căn sẽ tăng cao độ. Và đó là lý do các bác sĩ tâm lý đang viết các loại sách về, kiểu như, “Tỉnh thức trong tình dục” để tăng cảm thọ cao độ nơi các căn. Và cũng mở các khóa hướng dẫn dùng Thiền tỉnh thức để tăng thọ lạc.
Nếu vào trang Amazon, chọn “Books” (Sách) và gõ nhóm chữ “mindfulness for sex” (tỉnh thức để vui sex) sẽ thấy có 905 cuốn sách có bìa có các chữ liên hệ:
— 1-16 of 905 results for Books: “mindfulness for sex”…
Do vậy, chúng ta nên tránh để người đời thường chỉ nghe qua tin đồn “Thiền ôm” rồi suy nghĩ sai trái về tứ chúng nhà Phật. Thậm chí, thời này, ai cũng có điện thoại thông minh, chỉ cần một tấm ảnh “ôm nhau” cũng sẽ gây sóng gió ngộ nhận.
.
Tới đây chúng ta cũng nên nói rằng những người chưa hiểu sâu giáo lý, trong khi Thiền định, đặc biệt là Niệm Thọ, có thể dễ dàng ngộ nhận khi gặp ảo cảnh. Như trường hợp cô Megan Vogt, 25 tuổi, khoảng 10 tuần sau khi tham dự khóa Thiền 10 ngày theo phương pháp của ngài Goenka đã tự sát vì có ảo tưởng rằng cô cần chết để cứu mạng gia đình cô. Và cô không phải trường hợp duy nhất tự sát sau khi dự khóa Thiền.
Sau đó là những cuộc thảo luận bùng nổ trên các mạng về Thiền tập. Bản tin về cô Vogt và thảo luận của các mạng Thiền tập có links ở (5).
Thực ra, chúng ta không thể kết luận tổng quát, vì mỗi trường hợp đều có những yếu tố cá biệt. Nhưng nếu theo đúng lộ trình Văn (Học giáo pháp), Tư (Suy nghĩ, biện biệt) và Tu (Giới, Định, Huệ) thì không bao giờ trở ngại. Chưa hiểu giáo lý, chưa tin nhân quả, chưa tin Tam bảo, chưa quy y thọ giới, thì không nên vào thẳng các Thiền thất. Trong mọi trường hợp, điều chúng ta cần nhất là: ly dục. Thà tránh xa, hơn là thử nghiệm.
Nguyên Giác
GHI CHÚ:
(1) Thiền tắm: https://langmai.org/thien-duong/hanh-phuc-la-con-duong/thien-tam/
(2) Hugging Meditation: https://plumvillage.org/extended-mindfulness-practises/
(3) Thiếu Thất Lục Môn: https://thuvienhoasen.org/images/file/0P2hpp1G0QgQAHwt/thieuthatlucmon.pdf
(4) Kinh MN 22, bản của HT Minh Châu: https://suttacentral.net/mn22/vi/minh_chau
Bản Sujato: https://suttacentral.net/mn22/en/sujato
Bản Bodhi: https://suttacentral.net/mn22/en/bodhi
Bản Thanissaro: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.022.than.html
(5) — Did 10-day meditation retreat trigger woman’s suicide?
https://www.pennlive.com/news/2017/06/york_county_suicide_megan_vogt.html
— Discussion after the suicide:
https://www.dharmaoverground.org/discussion/-/message_boards/message/6387143
— Discussion on Vipassana forum: Bad experience at Goenka retreat
https://www.vipassanaforum.net/forum/index.php?topic=672.0