Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Tìm hiểu về nghiệp

Tìm hiểu về nghiệp

331

Khái niệm về Nghiệp

Các bạn có biết không? Phật dạy, khi chết chúng ta không mang theo được bất cứ vật gì có hình tướng như nhà cửa, vật chất, tiền của hay người thân v.v… Mà chỉ mang theo nghiệp để ra đi mà thôi! Nghiệp sẽ dẫn dắt chúng ta đi trong sáu nẻo của luân hồi sanh tử. Thật sự bản thân chúng ta chưa bao giờ chết, mà chỉ là một sự thay đổi báo thân. Chết chỗ này sanh chỗ kia, mất thân này liền thọ thân khác. Thân sau tốt hay xấu hơn thân trước đều là do nghiệp dẫn mà thành. Ngày xưa, trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm khi nghe Đức Phật chỉ ra rằng, chúng ta sẽ không bao giờ chết thì vua Ba Tư Nặc là người rất mộ Đạo Phật cùng tất cả đại chúng ai nấy đều nhảy lên vui mừng như thể chưa từng có.

Vậy nghiệp là gì? Thật rất khó có thể thấu hết được khái niệm về nghiệp. Tuy nhiên, trong phạm vi nhỏ hẹp, chúng ta có thể hiểu Nghiệp hình thành là do sự tạo tác từ Thân, Khẩu, Ý, thường thì lặp lại nhiều lần thành thói quen. Cơ bản, có hai loại nghiệp sau đây:

1. Nghiệp ác: Là một hành động, lời nói, ý nghĩ ác, bất thiện, thường thì được lặp lại nhiều lần thành thói quen gọi là nghiệp ác. Ví dụ: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, cờ bạc, uống rượu, nói láo, thêu dệt, ác khẩu…

2. Nghiệp thiện: Là một hành động, lời nói hay ý nghĩ thiện, thường thì nó được lặp lại nhiều lần thành thói quen thường hay làm việc thiện thì gọi là nghiệp thiện. Ví dụ như cúng dường Tam Bảo, làm từ thiện phúc lợi xã hội, hay giúp đỡ mọi người, nói lời chân thành, thật thà dễ nghe, không tham, không sân, không si v.v…

Nói về nghiệp, Kinh Phật có câu chuyện một ông Trưởng giả có bốn người vợ. Người thứ nhất rất trung thành và chung thuỷ với ông, nhưng suốt ngày ông không để ý tới. Người vợ thứ hai ông thường quan tâm. Người vợ thứ ba thì cũng luôn được ông chú ý quan tâm nhắc nhở. Người vợ thứ tư thì ông đặc biệt quan tâm hơn, ông đi đâu bà đều có mặt ở đó. Một hôm ông lâm bệnh nặng sắp chết nên gọi cả bốn bà vợ đến hỏi:

– Tôi sắp chết rồi! Trong bốn bà có bà nào tình nguyện chết theo tôi không?

– Người vợ thứ tư lên tiếng trước: Hằng ngày ông ở đâu thì tôi có mặt ở đó, vì vậy tôi xin đưa ông tới cửa.

– Người vợ thứ ba đáp: Hằng ngày, tôi luôn được ông quan tâm để ý luôn miệng nhắc nhở. Bây giờ, nếu ông chết, tôi xin đưa ông tới cổng.

– Người vợ thứ hai nói: Hằng ngày tôi cũng được ông quan tâm. Nếu ông chết tôi xin đưa ông ra đến mộ.

Đến lượt người vợ thứ nhất trả lời: Hằng ngày tuy ông không hề nghĩ gì đến tôi, nhưng bây giờ ông chết tôi sẽ chết theo ông.

Qua câu chuyện trên, Đức Phật có ý dụ cho chúng ta rằng, ông Trưởng giả bất công và phụ bạc kia chính là mỗi chúng ta. Người vợ thứ tư, Phật dụ cho tiền bạc. Chúng ta ở nhà hay mỗi khi đi đâu thường mang theo tiền bạc trong túi không thể thiếu nó, nhưng khi chết thì nó nằm trong tủ hay chỉ phạm vi trong nhà nên nói là đưa đến cửa. Người vợ thứ ba dụ cho của cải, tài sản, nhà cửa vì nằm trong phạm vi hàng rào nên nói là đưa tới cổng. Người vợ thứ hai dụ cho công danh chức tước, địa vị, sự nghiệp. Vì khi chết, đưa tang đến mộ người ta thường đọc điếu văn kể công trạng trước khi hạ huyệt nên nói là đưa đến mộ. Cuối cùng, người vợ thứ nhất Phật dụ cho Nghiệp của mỗi chúng ta. Dù là ác nghiệp hay thiện nghiệp đã tạo tác thì chúng cũng sẽ luôn luôn bám theo chúng ta như hình với bóng nên nói là sẽ chết theo cùng. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Không trên trời dưới biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.”

Ý nghĩa của việc nhận biết được nghiệp
 
Việc nhận biết được nghiệp và biết được bản thân chúng ta chưa bao giờ chết mà sinh tử chỉ là một sự thay đổi báo thân như thay một bóng đèn điện, nhưng dòng điện (linh hồn, thần thức) thì không mất sẽ giúp chúng ta biết loại bỏ các nghiệp ác, làm các việc lành để khi lâm chung, nghiệp lực nào mạnh hơn thì thần thức sẽ nương theo đó mà sanh về cõi ấy. Riêng cảnh giới Phật thì đòi hỏi bên cạnh việc đoạn ác, tu thiện còn phải tu pháp môn phù hợp mà Phật dạy nữa thì mới có thể tự mình bức phá để viên mãn thành Phật. Hoặc phát nguyện vãng sanh và niệm Phật thì đến lúc lâm chung sẽ nhờ vào Tự lực là lực tu hành đoạn ác tu thiện, niệm Phật huân tu mà có. Cộng với Tha lực là lực gia trì, tiếp dẫn của Phật thì khi lìa bỏ báo thân này sẽ được vãng sanh về cõi Phật và thọ thân Bồ-tát, tuổi thọ vô lượng và có đầy đủ Tam minh, Lục thông, tự tại trong mười phương thế giới không hề chướng ngại. Gặp Phật, nghe pháp và tiếp tục tu hành để viên mãn thành Phật, vĩnh viễn sẽ không còn trở lại trong sanh tử luân hồi.
 
Vãng sanh cũng có thể hiểu như việc di dân vậy! Trên trái đất này cũng có nơi khổ đau đói kém, cũng có nơi giàu có sung túc. Trong vũ trụ có hành tinh này, hành tinh khác thì trong pháp giới mênh mông bao la này cũng có những cõi Phật, nước Phật hay các tầng Trời, Địa ngục v.v…

Song, do các tầng không gian bất đồng nên chúng ta chưa nhìn thấy bằng mắt thường. Cũng như hiện nay, các làn sóng điện thoại hay truyền hình, mặc dù không thể nhìn thấy nhưng chúng ta vẫn tin là có vì khi ti-vi bật lên thì liền nhận được ngay tín hiệu đài này đài nọ.

Các cảnh giới, quốc độ khác nhau và linh hồn cũng như vậy! Linh hồn như dòng điện, chúng ta không thể thấy bằng mắt thường, nhưng khi có bóng đèn thì liền nhận ánh sáng, có quạt máy thì nhận hơi mát…

Do vì chúng ta chưa thấy nên chưa tin nhưng các cảnh giới, quốc độ và linh hồn tồn tại thế nào thì vẫn cứ y như thế đấy, không cần chúng ta phải tin hay không tin.

Vấn đề ở chỗ, chiếc ti-vi của chúng ta đã bị bụi bặm phủ kín màn hình và hư hỏng nặng từ rất lâu lắm rồi nên không thể tiếp xúc qua lại được với các cảnh giới ấy. Tất cả chỉ do vô minh nên sanh tâm vọng tưởng, chấp trước, hơn thua, phải quấy, giận hờn, thương ghét thái quá như những đám mây dày đặc che lấp hết cả mặt trời trí tuệ, chân tâm bổn tính, Phật tính của mình.

Vậy, tu hành không gì khác là phải đẩy các đám mây vọng tưởng, chấp trước ấy ra thì liền có thể thành Thánh nhân, Bồ-tát, Phật. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về một số pháp môn tu hành giải thoát trong phần “Một số pháp môn cơ bản” sau. Đó cũng là phần quan trọng nhất mà cuốn sách nhỏ này muốn hướng tới vậy!

Mười phương ba đời chư Phật thị hiện dùng vô lượng pháp môn, phương tiện cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là chỉ cho chúng ta biết: Bất cứ ai ai cũng có Phật tánh và cũng có thể thành Phật. Chư Phật không muốn chúng ta tu hành để trở thành đệ tử các Ngài mà muốn chúng ta phải vươn lên bằng với chư Phật. Đây cũng là một đặc điểm bình đẳng cao tột của Đạo Phật vậy!

Trích từ sách Khuyên người học Phật