Khi xem chương trình đại lễ Vu Lan có phần cúng Mông Sơn Thí Thực, nhiều em trong gia đình Phật tử luận bàn với nhau, rồi đưa một em hỏi chúng tôi về xuất xứ và xin giảng giải về điển tích “Mông Sơn”, bởi lẽ người hay đi chùa chỉ nghe nói cúng Mông Sơn, đương nhiên họ đã tạm hiểu rồi, nhưng sao người ta không nói cúng Tịnh Thủy để thêm ý nghĩa thanh đạm tự nhiên, hay nói “cúng thí” như ngày xưa cho dễ hiểu, mà phải dùng từ lạ lại thêm phiền?
Nhớ lại năm xưa viết về Giai Tiết Vu Lan, tôi có sơ lược về cúng Âm Linh Cô Hồn, tác tạo phước duyên, cầu âm siêu dương thái. Tôi tìm hồ sơ lưu và đọc thêm các tài liệu ngoài đời, chúng tôi viết bài bổ túc về hậu Vu Lan để cống hiến chư đồng hương, đồng đạo thưởng lãm, đồng thời đáp ứng nhu cầu học hỏi của giới trẻ rất ngộ nghĩnh kỳ thú, nhưng hàng phụ huynh lắm lúc ít quan tâm.
Theo nghi lễ Á Đông, khi chiến cuộc kết thúc, kẻ được ca khúc khải hoàn thường tế lễ các bậc anh hùng đã xả thân vì quốc gia dân tộc, truy điệu các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn, chẳng hạn như Vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) đã hạ chiếu làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hữu công và tiến cúng cô hồn, kể cả mấy vạn quân Thanh đã thành ra oan hồn uổng tử. Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết tràng siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn vì chiến cuộc do ông Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng Trấn Bắc Thành soạn bài văn tế Tướng Sĩ Trận Vong và Cô Hồn Thập Loại bằng quốc âm là một áng văn kiệt tác trong nền quốc văn cận đại (1802).
Bộ Lễ của tiền triều cũng có phần tế cô hồn vào tiết tháng 7 mà những áng văn của các danh nhân biên soạn như Phan Huy Ích nguyên là sứ thần của Tây Sơn sang thăm xã giao, đã xướng họa thi văn với vua Càn Long, được Thanh triều trọng vọng. Lúc về nước ông được gia phong Thượng Đại Phu Thị Trung Ngự Sử, hay cụ Nguyễn Du, tác giả tập Đoạn Trường Tân Thanh còn lưu lại Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh bằng chữ Nôm, được tìm thấy ở Chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, sau này được in trong quyển “Ứng Phó Dư Biên Tổng Tập”.
Cụ Lê Thước cũng tìm được một bản nôm khác của soạn giả Nguyễn Tiên Điền ở Chùa Diệc miền bắc Nghệ An, cụ phiên âm sang quốc ngữ và ấn hành vào năm 1924. Năm 1926 Trần Trung Viên cho in vào tập I, trong Văn Đàn Bảo Giám và năm 1927 lại xuất hiện trên Nam Phong Tạp Chí số 178, Tạp Chí Văn Học số 2 năm 1977 cũng đăng lại bản hiệu đính của cụ Hoàng Xuân Hãn với 8 câu đầu:
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Gió heo may lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Đường bạch dương, bóng chiều mang mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Làng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!”
Chư độc giả đồng hương muốn rõ Thập Loại Cô Hồn là những ai, xin vui lòng đọc tiếp:
“Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Chút khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay Thập Loại Chúng Sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người,
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai khá, ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngụ”
“Thế sự nhược đại mộng”, khi thăng hoa, lúc thất bại đôi khi cũng cận kề, có ai ngờ nhà văn Phan Huy Ích, một danh sĩ lỗi lạc được trích dẫn vừa rồi và em vợ là Ngô Thời Nhiệm, nhà văn học lẫy lừng, nhà chính khách có biệt tài và nhiều sáng tạo, cả hai đều thi đỗ Tiến Sĩ từ lúc tuổi xuân, vang danh một thuở, nhưng chung cuộc với cái chết lạnh lùng đơn bạc của hai ông khác gì sự ra đi âm thầm của vị cựu Thủ Tướng tài ba Phan Huy Quát tại Sàigòn năm 1979!
Người nằm xuống, thì người còn lại phải khói hương truy niệm, nhất là nhờ uy đức của Tam Bảo giải oan bạt độ cho hương linh được cao siêu tịnh giới, chứ phẩm vật tiến cúng chỉ là ý niệm của thế nhân, tưởng không cần thiết lắm, nên soạn giả viết tiếp:
“Tiết đầu Thu lập đàn giải thoát,
Nước Tịnh Bình rưới hạt Dương Chi,
Muốn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan cưù khổ, hồn về Tây phương.”
Trước đây từ phố thị đến thôn trang, đâu đâu cũng thấy có “đàn âm linh” hay “am chúng sinh”, nơi tương đối hoang vu tịch mịch hoặc tại các vùng mộ địa tha ma, với tập tục hằng năm nhân dân địa phương chọn ngày thuận tiện để cùng nhau sửa chạp những mồ vô chủ và tiến cúng âm hồn. Sau phần cúng vái thì bánh quà, phẩm vật… dành cho người nghèo khó neo đơn, hay các trẻ em được tự do chung hưởng.
Nhiều nơi, nhiều vùng được quân dân dấy nghĩa chống xâm lăng, nhưng việc không thành, có người tuẫn tiết, hay nhiều kẻ vong nhân! Do sự kính ngưỡng tôn vinh người hy sinh vì đại nghĩa, nên nhân dân khói hương tưởng nhớ, sau cúng vái quân binh các ngài, thành ra mỹ tục từng địa phương, như tại vùng Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, rộng ra là 6 tỉnh Nam Kỳ có tục lệ truy niệm vị anh hùng chống Pháp Trương Công Định và các nghĩa quân của ông vào mùa ông đền nợ nước năm 1864. Trong thơ ai điêù Trương Tướng Quân, cụ Đồ Chiểu viết:
“Trăm nấm mộ binh, vầy lớn nhỏ.
Một gò cô lũy, chống hôm mai!
rồi cụ kết luận:
Hay dở phải chăng trời đất biết?
Một tay chống đỡ mấy năm dài?
Nhà văn Nguyễn Đình Chiểu, bậc lão thành trung dũng còn lưu lại mấy bài văn tế nổi tiếng như “Văn Tế Sĩ Dân Lục Tỉnh” và “Văn Tế Vong Hồn Mộ Nghĩa”.
Cùng một ý nghĩa trên, tại vùng Kiên Giang, Rạch Giá có tập tục truy niệm ông Nguyễn Trung Trực và quân binh tử sĩ, đồng bào nạn vong gần thập niên 1861 – 1868 trong phong trào anh dũng chống Pháp của nhà chiến sĩ ái quốc Kiên Giang, đã hy sinh tại Rạch Giá. Mỹ tục này đã lan ra hải ngoại, nơi có đông người Kiên Giang – Rạch Giá định cự Đặc biệt ở Thừa Thiên – Huế sau khi vua Tự Đức băng hà, trong triều có phe “chủ hòa” với nhiều quan lại và nhóm hoàng thân quốc thích muốn cầu an thụ hưởng, ngược lại nhóm “chủ chiến” do vị Phụ chính đại thần kiêm Binh Bộ Thượng Thư Tôn Thất Thuyết cầm đầu, ông lo huấn luyện quân binh, thành lập đội quân “Đoàn Kết” và “Phấn Nghĩa” trong hoàng thành, lập Tân Sở ở Quảng Trị làm hậu cứ chống Pháp. Thực dân Pháp ngày càng gây áp lực với Nam Triều. Khi Trung tướng De Courcy vào hoàng thành, đòi mở cửa Ngọ Môn cho quân Pháp cùng vào là điều nhục quốc thể, buộc lòng ông Tôn Thất Thuyết tạo ra cuộc binh biến chống Pháp lúc giờ Tý ngày 23/5 năm Ất Dậu (05/7/1885). Đại sự bất thành, Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở, rồi tiến về Hà Tỉnh xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân chống Pháp.
Cuộc hưng binh chống Pháp đền nợ non sông của vua Hàm Nghi, ông Tốn Thất Thuyết và quân chủ chiến có chính nghĩa, nên được nhiều nhân sĩ khắp nơi hưởng ứng. Thường những cuộc chiến chinh đương nhiên phải đổ maù, phần đông là lương dân lúc bấy giờ nghe tiếng súng ì ầm với việc động binh là mạnh ai nấy chạy không cần biết đường lối nào cả, nhất là khi quân Pháp vào hoàng thành càn quét thanh toán, lại gây ra chuyện tổn thương nhân mạng không sao kể xiết!
Từ đó về sau, nhân dân Thừa Thiên – Huế có tập tục cúng Cô Hồn Tử Sĩ, kỷ niệm ngày “Kinh Thành Thất Trận Ất Dậu Niên Gian”. Ở Huế có rất nhiều văn tế của giới trí thức và những bài vè trường thiên khích lệ tinh thần chống Pháp rất lâm ly tha thiết, nên nhiều người đã thuộc lòng.
Ai cũng nghĩ rằng có cô hồn vất vưởng nên cần các thức ăn, đồ mặc, tiền bạc để chi tiêu… tạo ra tập tục đốt vàng mã, áo giấy tốn kém khá nhiều. Lúc Phật giáo chấn hưng, chùa chiền không cần đồ giấy cúng vong linh nữa, nên nhiều nơi đã thay vì chi tiền mua vàng mã cúng đốt vu vơ, để mua ít vải vóc, gạo bánh hay vật dụng phân cấp cho các bạn nghèo với dụng ý là cầu “âm dương đều lợi lạc”.
Luận bàn về việc tế tự người đã khuất, tưởng không nên nặng về “sự việc” tức là chuộng hình thức, rồi sinh ra tập tục cúng bái dị đoan mà chỉ xét về “ý nghĩa”, lấy tinh thần làm căn bản là hơn. Nói rộng ra, chẳng những người Phật tử thường tỏ lòng hiếu kính với nội ngoại tôn thân, nêù có thể được họ còn thể hiện hạnh từ ái, vị tha, giúp đỡ được chút gì cho các đồng hương, đồng loại là thiết thực. Qua truyền thống Vu Lan, người Á Đông còn ghi ân các chiến sĩ trận vong, truy niệm đồng bào tử nạn, tiến cúng Thập Loại Cô Hồn như đã nói trên, tốt nhất là phần nguyện cầu để chuyển nghiệp cho nhau, do đó ta thấy phẩm vật tiến cúng Âm Linh rất đạm bạc, giản đơn, nói chung là không cần mỹ vị cao lương cho khó kiếm, mà chỉ dùng hương hoa trà quả, thêm xôi chè bánh mứt, ít cháo hoa, chén cơm trắng, tượng trưng về trai phạn nhà chùa là tốt.
Việc thiết cúng Mông Sơn hay chẩn tế cô hồn với hậu ý bày tỏ chân tình với đồng loại, chứ người đã khuất bóng, thì ngũ uẩn tuồng như mất hết! Thân uẩn tức là sắc tướng không còn, thì có đâu lớn bé rộng hẹp mà ta lo may áo xống, sắm xe cộ gởi về cho hương linh? Suy ra, 3 uẩn tiếp theo tức là thô, tưởng, hành uẩn cũng không có, chỉ còn thức uẩn mịt mờ mênh mang, khiến cho linh hồn hay thần thức cảm nhận sự vui buồn, no đói hay thanh thoát, tủi hờn… là do nghiệp lực đã tạo ra từ lúc sinh tiền vậy thôi, chứ không thực hữu. Tỉ như ban ngày ta tiếp bà con từ xa đến, ăn uống vui vẻ, chuyện vãn thân thương … sự việc ấy lắng đọng trong tiềm thức, khi gặp thuận duyên có thể tái phát trong giấc mơ với đầy đủ chương trình thứ lớp, nào là tiếp khách trong phòng sang trọng, nhận tặng phẩm đẹp, mừng vui được ăn ngon, uống trà thơm…
Trong cơn mộng đẹp đó, nêù có tiếng động mạnh làm ta thức giấc, thử hỏi có còn gì chăng? Tất cả đều không thực hữu, chỉ còn chút thức uẩn cảm nhận lờ mờ, vì vậy mà có giấc mơ ta còn nhớ lâu, vài chuyện không cần thiết sẽ quên luôn. Nói cách đơn giản thì hương linh cũng vậy thôi, nêù sinh thời không gây nghiệp sát sinh, thì thần thức hòa ái tự nhiên. Không bỏn sẻn hay tham lam tiền tài vật thực, thì thức uẩn rất bình thản về vật chất. Sinh thời không tị hiềm, đố kỵ thì linh hồn luôn hỉ xả thanh cao. Bởi lẽ đó nên nói chung việc tiến cúng người đã khuất, cần thể hiện lòng thành khẩn cầu nguyện, để chư hương linh cởi bỏ phàm tâm thâm nhập Phật tánh, như kẻ lầm đường lạc lối được thiện hữu dẫn dắt đưa về hướng quang minh thật là hợp lý.
Việc siêu độ cô hồn có thể phát xuất từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây Du, lập đàn siêu độ cho tứ sanh đang luân hồi trong lục đạo. Qua đời Tống, ngài Bất Khinh Tam Tạng chuyên tu Mật Giáo ở Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu cầu cần thiết, nên Ngài vận dụng pháp lực để cung ứng và siêu độ cho họ.
Việc cúng Mông Sơn thí thực tại chùa hay bạt độ chẩn tế cô hồn có thể khởi đầu từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, Tứ Xuyên nên trong khoa nghi mệnh danh là “MÔNG SƠN THÍ THỰC”, hiện nay ở các tự viện thường có bàn thờ đức Hộ Pháp Bồ Tát, ngụ ý là vọng bái các vị thiện thần, hàng phục tà ngụy, hộ trì chánh pháp lợi lạc sinh linh, đối diện với án thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, thống lĩnh chư âm linh cô hồn văn kinh thính pháp thọ cam lồ vị vào mỗi buổi chiều, là giờ ăn của ma quân ngạ quỷ, hay là sau những tiết lễ long trọng có phần Mông Sơn Thí Thực trước khi hoàn mãn, nhất là trong tiết Thu lá rụng mưa ngâu, mùa rét lạnh đến… người ta dễ chạnh lòng tưởng nhớ đến các cô hồn còn phảng phất bên chân trời góc biển mù khơi mà lập đàn tiến bạt cầu siêu, với chân tâm thành ý:
“Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Người còn với kẻ khuất,
Đều trọn thành Phật Đạo.”
Hình ảnh lễ Mông Sơn Thí thực tại chùa Quán sứ ngày 13/7 Bính Tuất