Trang chủ Tin tức Tìm hiểu kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (Phần 3)

Tìm hiểu kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (Phần 3)

255

CHƯƠNG VI: ĐỨC HẠNH CĂN BẢN CỦA HỌC PHẬT

 

[Long Vương đương tri: Bồ Tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chủ ác đạo khổ. Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ, thường niệm tư duy, quán sát thiện pháp, linh chư thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp. Thị tức năng linh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn, thượng đắc thân cận chư Phật Bồ Tát cập dư thánh chúng. Ngôn thiện pháp giả, vị Nhân Thiên thân, Thanh Văn, Bồ Đề, Độc Giác Bồ Đề, Vô Thượng Bồ Đề, giai y thử pháp, dĩ vi căn bản nhi đắc thành tựu, có danh thiện pháp. Thử pháp tức thị thập thiện nghiệp đạo. Hà đẳng vi thập? Vị năng vĩnh ly sát sanh, thâu đạo, tà hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến]

[Long Vương đương tri, Bồ Tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ] Đức Phật nói cho Long Vương biết đối với người tu tập Bồ Tát đạo có một pháp môn có thể đoạn trừ tất cả nỗi khổ của ác đạo.

       “Chư ác đạo” chỉ cho tam ác đạo. Phật Giáo cho rằng nơi chốn sanh tồn của chúng hữu tình chủ yếu có lục đạo là: Thiên, Nhân, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Trong đó Thiên Nhân, A Tu La thuộc tam thiện đạo, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là tam ác đạo vì hoàn cảnh nơi ấy thật là hiểm ác, chúng sanh ở đó phải chịu vô lượng khổ sở, sống lại chết đi liên tục không ngừng.

       [Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ thường niệm tư duy, quán sát thiện pháp] Nỗi khổ trong đường ác đạo làm cho người người phải sợ. Chúng ta phải tu pháp môn gì để lìa xa ác đạo, đoạn trừ chư khổ? Đó chính là phải ức niệm, tư duy, quán sát thiện pháp. Bất luận là ngày hay đêm đều phải giờ giờ nhớ nghĩ không được quên sót. Trong quá trình học Phật kiểm soát niệm khởi vô cùng quan trọng đó là điểm mấu chốt của việc tu hành. Sự sai biệt của thế gian, của nhân sanh cho đến việc luân chuyển sanh tử của chúng sanh căn nguyên đều ở nơi chỗ này. Cũng chính là ở đoạn kinh trước đã nói “tâm tưởng dị cố” vì do tâm niệm sai biệt dẫn đến hành vi sai biệt nên chỗ sanh xứ tồn tại của hữu tình cũng từ đó mà sai biệt cho nên nói “Nhất thiết thiện ác nghiệp báo, Phàm thánh chi biệt, vô tất tại ư tâm niệm sai biệt” Vậy nhìn từ góc độ khác tuy tâm niệm của chúng sanh thiên sai vạn biệt nhưng tựu trung cũng chỉ là sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp, chỉ là y, thực, trụ, hành, chỉ là danh lợi tiền tại, chỉ là nhân ngã thị phi. Chúng ta tự quán sát mỗi khởi tâm động niệm của chính mình thì sẽ thấy rằng tất cả mọi hoạt động đều không vượt khỏi các phương diện ấy. Học Phật tu hành là phải luyện tập và cải tạo tâm niệm của mình. Phật và chúng sanh khác nhau là ở chỗ này. Lục tổ Đàn kinh nói “ Tiền niệm mê tức chúng sanh, hậu niệm ngộ tức Phật” từ thiên nhơn đạo sư viên mãn bi trí nhị đức đến chúng sanh muôn loại trong lục đạo nhìn thấy đều có sự khác biệt nhưng điểm quan trọng mấu chốt của sự sai khác này, cũng chính là sự sai khác giữa Mê và Ngộ.

      [Linh chư thiện pháp, niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp] Bởi tâm chúng ta luôn tương ứng với thiện pháp nên làm cho thiện pháp ngày một lớn mạnh và ngược lại cũng làm cho phiền não, tham, sân, si, các loại dục vọng cũng sẽ giảm đi. Đến cuối cùng không còn một tâm bất thiện tạp nhiễm nào nữa. Chúng ta có thể quán sát thống kê xem trong tâm niệm của chính mình mỗi một giờ trải qua có bao nhiêu niệm khởi tương ứng với phiền não tham, sân, si có bao nhiêu niệm khởi khế hợp với các thiện pháp giới, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả. Nếu thường quán sát sự biến chuyển của niệm đầu thì sẽ sớm phát hiện được phiền não ngay từ khi chớm phát sanh để khắc chế sự phát triển của nó. Thông qua thời gian dài trường kỳ luyện tập làm cho các niệm thiện không ngừng tăng trưởng cuối cùng đạt đến niệm niệm tương tục, và hiệu quả [Bât dung hào phân, bất thiện gián tạp]

       [Thị tức năng linh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn, thường đắc thân cận Chư Phật Bồ Tát cập dư thánh chúng] Khi tâm niệm thường hằng tương ứng với Phật Pháp, ác niệm theo đó tự nhiên tiêu trừ và được hằng phục, làm cho thiện pháp được viên mãn, thời thường thân cận chư Phật Bồ Tát và các vị thánh hiền.

       [Ngôn thiện pháp giả: Vị Nhân Thiên thân, Thanh Văn Bồ Đề, Độc Giác Bồ Đề, Vô Thượng Bồ Đề, giai y dĩ thử pháp dĩ vi căn bản nhi đắc thành tựu, cố danh thiện pháp] Chúng ta đã nói đến thiện pháp rất nhiều lần, vậy thiện pháp là gì? Đoạn kinh văn đã định nghĩa thiện pháp một cách đơn giản là thiện pháp được xác định chủ yếu từ nơi quả báo chiêu cảm nên để xác định hành vi thuộc về thiện hay ác phàm những hành vi khiến cho chúng ta thành tựu quả báo nhân thiên và quả vị tam thừa thì đều thuộc về thiện pháp cũng chính là hành vi làm cho đời sau tiếp tục làm người, sanh về cõi trời, thành tựu quả Thanh Văn, A La Hán, thành tựu quả Độc Giác Bích Chi Phật, hoặc thành tựu viên mãn quả vị Bồ Đề. Ngược lại các pháp làm cho chúng ta đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều thuộc về ác pháp.

       Trong Thành Duy Thức Luận cũng có định nghĩa về Thiện Pháp là: “Năng vi thứ thế tha thế thuận ích cố danh vi thiện” là từ tiêu chuẩn lợi ích trước mắt và lâu dài để đo lường về thiện ác. Hành vi thiện không chỉ đem lại lợi ích cho hiện tại mà đồng thời cũng có lợi ích ở tương lai. Một số hành vi tuy có thể đem đến khoái lạc trước mắt, nhưng có hại trong tương lai thì không thể gọi đó là thiện pháp được. Ví như ăn một bữa tiệc đầy sơn hào mỹ vị có thể là rất vui vẻ lúc ấy nhưng chẳng được lợi lạc gì ở tương lai thì không thuộc về thiện pháp nếu vì đó mà còn tạo ra  các nghiệp sát nữa thì thuộc về phạm vi của ác pháp. Cho nên nói thiện pháp phải từ lưỡng thế (đời này, đời sau) để lý giải. Như việc bố thì để giúp đỡ người khác trước mắt thì có thể thành tựu thiện tâm của bản thân. Đồng thời, hành động đó không những có lợi ích cho đời sống hiện tại mà còn đem lại kết quả tốt cho đời sống vị lai. Những hành vi này đều thuộc về thiện pháp.

       [Thử pháp tức thị thập thiện nghiệp đạo. Hà đẳng vi thập? Vị năng vĩnh ly sát sanh, thâu đạo, tà hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến] Cái gì là thập thiện tháp? Đó chính là phải triệt để vĩnh ly sát sanh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến. Ở đây mấu chốt là ở chỗ phải “Vĩnh ly” nghĩa là phải vĩnh viễn không làm. Trong cuộc sống tu tập biết “Vĩnh ly” là điều khó nhưng phải thực hiện cho được vì đó là đức hạnh căn bản của người học Phật.

       Tuy bộ kinh nhấn mạnh về “Thập thiện nghiệp đạo” nhưng không có nghĩa là ngoài thập thiện ra không còn có thiện pháp nào khác nữa. Thật ra, tất cả các hành vi tương ứng với Bồ Đề đạo thì đều là thiện pháp như Lục Độ, Tứ nhiếp, Tứ vô lượng tâm, Phổ Hiền Bồ Tát thập nguyện vương…đều là thiện pháp.

 


 

CHƯƠNG VII: MƯỜI HÀNH VI

XÂY DỰNG HẠNH PHÚC NHÂN SANH

 

1. Không sát sanh

       [Long Vương! Nhược ly sát sanh, tức đắc thành tựu thập ly não pháp. Hà đằng vi thập? Nhất, ư chúng sanh, phổ thí vô úy; Nhi thường ư chúng sanh khởi đại từ tâm; Tam, vĩnh đoạn nhất thiết sân nhuế tập khí. Tứ, thân thường vô bệnh. Ngũ, thọ mạng trường viễn. Lục, hằng vi phi nhơn chi sở thủ hệ. Thất, thường vô ác mộng, tẩm giác khoái lạc. Bát, diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải. Cửu, vô ác đạo bố. Thập, mạng chung sanh thiên. Thị vi thập. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành phật thời, đắc Phật tùy tâm tự tại thọ mạng.] Đoạn kinh giới thiệu về lợi ích của không sát sinh. Trước khi giới thiệu lợi ích giới sát cần tìm hiểu rõ thế nào là sát sinh. Nhiều người đối với nội hàm của sát sinh không thể lý giải chính xác, hoặc cho rằng, động vật sanh ra là để cho con người ăn cho nên việc ăn thịt động vật là điều hiển nhiên, không có gì đáng phải suy tư cả, hoặc lại cho rằng cây cỏ cùng có sinh mệnh, nên ăn chay cũng là sát sanh, nên nếu không sát sanh để ăn thì con người làm sao mà sống. Quan điểm này có sai lệch, không chính xác.

       Từ quan điểm của Phật, trâu, bò, dê, lợn. cũng như con người đều là chúng sanh trong lục đạo, chỉ khác nhau ở tầng thứ sanh mạng, nếu đời này chúng ta không biết chỉ ác hành thiện, không trồng nhân thiện, không tu nhân thiên thừa thì kiếp sau vẫn có thể bị đọa vào đường súc sanh. Phật giáo đem sanh mạng có cảm giác, có tư duy, có tình thức liệt vào hữu tình chúng sanh, còn cây cỏ thực vật liệt vào vô tình chúng sanh. Hành vi làm thương hại đến hữu tình sinh mạng đều thuộc về sát sinh.

       Một vấn đề cần đề cập khác nữa là người học Phật có phải ăn chay không? Vấn đề này tuy trong ngũ giới không quy định rõ. Nhưng trong ngũ giới và thập thiện giới thì giới sát luôn đứng hàng đầu. Nếu biết dùng tâm bình đẳng để nhìn chúng sanh thì mới căn bản đoạn nghiệp sát được. Còn khi đã là Phật Giáo Bắc Tông thì nhất định phải ăn chay vì đó là truyền thống được truyền thừa từ nghìn đời. Còn đối với Phật giáo nam Tông thì ăn ngũ tịnh nhục. Không bảo giết, không thấy giết, không nghe giết, con vật tự chết, động vật khác ăn còn sót lại.

       Sát sinh được định nghĩa là hành vi ác tâm đoạn trừ sanh mệnh hữu tình, và hội đủ bốn điều sau thì sẽ tạo thành sát nghiệp.

  1. Cố ý sát sanh là cố tâm sát hại chúng sanh, không phải là ngộ sát.
  2. Sát tha hữu tình, giết hại sinh mạng chúng hữu tình khác.
  3. Biết rõ mà cố phạm, biết rõ đó là sinh mệnh cũng giống con người tham sống sợ chết, có ý thức bảo vệ mạng sống nhưng vẫn tiến hành sát hại.
  4.  Chế tạo các dụng cụ sát sanh như vũ khí, bẫy, lồng, lưỡi câu, lưới đánh…

       [Long Vương! Nhược ly sát sinh, tức đắc thành tựu thập ly não ác, hà đẳng vi thập] Phật bảo Long Vương nếu viễn ly các hành vi sát sinh trên thì có thể thành tựu mười loại thiện pháp viễn ly phiền não cũng chính là đạt được mười loại kết quả an vui, hạnh phúc của nhân sanh. Mười kết quả ấy là:

  1. “Nhất ư chư chúng sanh phổ thí vô úy”: Không sát sanh chính là vô úy thí cho chúng sanh. Tức đem đến cho chúng sanh cảm giác an toàn. Người thích sát sinh sẽ đem đến cảm giác lo sợ không chỉ con người mà cho cả động vật nữa. Đạo Phật nhận định thọ trì ngũ giới cũng chính là thực hành năm loại bố thí. Không sát sanh, thì chúng sanh không sợ bị thương hại mạng sống. Không trộm cắp, chúng sanh không sợ bị trộm cướp tài sản, Không tà dâm chúng sanh không sợ bị cưỡng bức, hạnh phúc gia đình không sợ bị phá hoại, Không vọng ngữ, chúng sanh không sợ bị lừa gạt, Không uống rượu chúng sanh không sợ bị kết bạn với những người tham nhậu, bất tín. Cho nên trì giới không phải chỉ là tiêu cực chỉ ác mà còn là phương thức hành thiện.
  2. “Nhị thường ư chúng sanh khởi đại bi tâm” Không sát sanh tức là đối với tất cả chúng sanh thường hành từ bi. Vì sao con người sát sanh bởi vì thiếu lòng từ bi nên đã nhẫn tâm sát hại mạng sống của người, của vật.
  3. “ Tam, vĩnh đoạn nhất thiết sân nhuế tập khí” không sát sanh có thể đoạn trừ hết thảy sân tâm và tập khí. Các khí trong tâm tánh của mỗi người không phải do thiên sanh như vậy mà do quá trình lưu chuyển của sanh mệnh tích tập nên. Người quen sát sinh thường có lòng sân rất nặng đối với chúng sanh thiếu sự đồng tình, thiếu lòng bao dung, thiếu sự nhẫn nại.
  4. “Tứ thân thường vô bệnh” Không sát sinh sẽ có được sức khỏe dồi dào, thiện báo không bệnh, không tai.
  5. “Ngũ thọ mạng trường viễn” Không sát sinh chiêu cảm thiện báo trường thọ. Tục ngữ nói “仁者寿” nhân giả thọ, người hiền sống lâu. (Kinh tỷ dụ câu chuyện “Cứu đàn kiến”).
  6. “Lục hằng vi phi nhơn chi sở thủ hộ” Người không sát sinh được Thiên Long Bát Bộ hộ trì. Trong vũ trụ ngoài loài người động vật mắt thường chúng ta nhìn thấy được còn có các tầng thứ sanh mạng khác nữa, Thiên Long Bát Bộ là một trong những tầng thứ sanh mạng ấy, thường thưởng thiện phạt ác, bảo hộ người quảng hành thiện sự, đạo đức cao thượng. Trong quyển 20 Kinh Trường A hàm nói “Tu hành thiện pháp, kiến chánh tín hành, Cụ thập thiện nghiệp, như thị nhất nhơn hữu bách thiên thần hộ”
  7. Thất thường vô ác mộng tẩm giác khoái lạc” Người không sát sinh có được giấc ngủ an ổn tường hòa không có nỗi lo, và ác mộng vì không có điều lo âu khuất tất trong lòng, sống rất đàng hoàng ung dung tự tại.
  8. “Bát, diệc trừ oán kết chúng oán tự giải” người giữ được giới sát sẽ lần lần hóa giải và diệt trừ được các oán hận. Vì tàn sát sẽ đem đến cừu hận không đội trời chung.
  9. “Cửu, vô ác đạo bố” Không sát sanh thì không trồng nhân đọa ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nên không có nỗi lo sợ tội nghiệp luân lạc ác đạo.
  10. “Thập mạng chung sanh thiên” Giữ giới sát sẽ được sanh lên cõi trời hưởng lạc phước báo.

        [Thị vi thập, nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật tùy tâm tự tại thọ mạng] nếu đem công đức tu tập thập thiện hồi hướng vô thượng Phật quả. Như trên đã nói, nếu không sát sanh thì bất kể đối với sự tu dưỡng của tự thân hay sự phát triển sanh mạng ở tương lai đều có lợi ích rất lớn.

2. Không trộm cướp

       [Phục thứ Long Vương, nhược ly thâu đạo, tức đắc thập chủng khả bảo tín pháp. Hà đẳng vi thập? Nhất giả, tư tài doanh tích, vương, tặc, thủy hỏa cập phi ái tử, bất năng tán diệt. Nhị đa nhân ái niệm. Tam, nhân bất khi phụ. Tứ, thập phương tán mỹ. Ngũ, bất ưu tổn hại. Lục, thiện danh lưu bố. Thất, xử chúng vô úy. Bát , tài mệnh sắc lực an lạc, biện tài cụ túc vô khuyết. Cửu, thường hoài thí ý. Thập, mạng chung sanh thiên. Thị vi thập. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, đắc chứng thanh tịnh đại Bồ Đề trí]. Đoạn kinh văn giới thiệu mười lợi ích của không trộm cướp.

       Thâu đạo là không cho mà lấy, là giới thứ 02 trong 05 giới. Phàm chiếm làm của mình những vật mà chủ nhân chưa cho đều thuộc về trộm cướp, như: lừa gạt, cưỡng đoạt, trộm cắp, cướp, chiếm đoạt… Phải đầy đủ 05 điều kiện sau mới tạo thành nghiệp lực của trộm cướp. Một cố ý khởi tâm trộm, hữu ý trộm cướp mà không phải là vô tâm, hai đồ đạc thuộc của người khác mà không phải của chính mình, nếu lấy đồ của chính mình không còn gọi là trộm cướp nữa, ba biết rõ là của người khác vẫn rắp tâm chiếm đoạt đây chính là hành vi lừa gạt. Bốn đã có động cơ và sự sắp đặt kế hoạch trộm cướp từ trước như kế hoạch thực hiện, cương lĩnh hành động. Năm không phải lấy nhầm. Đủ năm điều kiện trên sẽ tạo nên nghiệp trộm cướp.

       [Phục thứ, Long Vương! Nhược ly thâu đạo, tức đắc thập chủng khả bảo tín pháp. Hà đẳng vi thập?] Phật nói Long Vương rằng nếu xa rời hành vi trộm cướp sẽ đạt được mười loại kết quả cuộc sống được người tin tưởng.

  1. “Nhất, tư tài doanh tích, vương tặc thủy hỏa cập phi ái tử bất năng tán diệt”. Xa rời hành vi trộm cướp có thể làm cho tài sản không ngừng thêm lớn và cả đời được an toàn thọ hưởng không gặp sự biến động ngoài ý muốn, không bị quốc vương, kẻ cướp, nước lục, hỏa hoạn, con cháu hư đốn xâm hại. Thế gian người giàu có nhiều của cải tuy nhiều nhưng giữ vững được tài sản ấy thật không dễ, nhiều người tiền kho bạc bể nhưng rồi cũng trắng tay thậm chí phải đi ăn xin. Kinh Phật cho rằng tài phú là “của năm nhà”.
  2. “Nhị, đa nhân ái niệm”. Xa rời hành vi trộm cướp khiến chúng ta được nhiều người hoan nghênh quý mến.
  3. “Tam, Nhơn bất khi phụ”. Xa rời hành vi trộm cướp sẽ không bị mọi người khinh khi, ruồng bỏ. Nếu không sẽ đánh mất lòng tín nhiệm của mọi người, tự nhiên cũng sẽ không được xã hội chấp nhận, muốn tìm một việc làm kiếm sống cũng khó.
  4. “Tứ, thập phương tán mỹ”. Xa rời hành vi trộm cướp được mọi người ca ngợi`. Xã hội hiện nay tuy nhiều hành vi bất chánh nhưng lương tri và đạo đức truyền thống vẫn còn tồn tại, trong lòng mọi người vẫn còn đó những chuẩn mực đạo đức tương ưng nên việc tốt vẫn luôn được tán ngưỡng, người tốt vẫn luôn được kính trọng.
  5. “Ngũ, bất ưu tổn hại”. Xa lìa hành vi trộm cướp, kiếm tiền bằng con đường hợp pháp, tâm hồn an nhiên tự tại để hưởng phước giàu sang không phải lo âu sợ hãi đúng như người xưa đã nói “Không làm việc sai trái, nửa đêm không thức giấc vì sợ quỉ gọi cửa”.
  6. “Lục, thiện danh lưu bố”. Xa rời hành vi trộm cướp danh tốt sẽ lưu truyền khắp nơi. Danh dự tuy không phải là cái có thật nhưng danh tiếng tốt xấu cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc nhơn sanh. Có tiếng thơm sẽ được mọi người ái kính.
  7. “Thất, xứ chúng vô úy”. Xa rời hành vi trộm cướp dù đến bất cứ nơi đâu cũng đường đường chính chính.
  8. “Bát, tài, mệnh, sắc, lực an lạc, biện tài cụ túc vô khuyết”. Xa rời hành vi trộm cướp, nên tài phú tăng trưởng sức khỏe trường thọ, môi trường sống tốt đẹp và biện tài vô ngại.
  9. “Cửu, thường hoài thí ý”. Xa rời hành vi trộm cướp nên luôn có tâm bố thí đối với chúng sanh, nhân cách đặc trưng của con người là do quá trình tích lũy lâu dài mà có, hành vi tạo thành thói quen, nên khi khởi ý trộm cướp tức là muốn chiếm đoạt của người làm của mình thì khó có tâm bố thí được. Chỉ khi từ bỏ hành vi trộm cướp thì mới có thể nuôi lớn được tâm từ bi hỷ xả, sẵn lòng đem tiền của giúp cho người cần giúp.
  10. “Thập, mệnh chung sanh thiên”. Xa rời hành vi trộm cướp, bố thí trì giới, mạng chung sẽ được sanh về cõi trời Dục giới hưởng thọ thiên phước.

       [ Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam miệu Tam Bồ Đề giả Hậu thành Phật thời, đắc chứng thanh tịnh đại bồ đề trí ]

       Như trên đã nói mười công đức lợi ích trong đời sống hiện tại, và lợi ích ở kiếp sau của hành vi thiện không trộm cướp. Nếu biết đem công đức ấy hồi hướng vô thượng Phật quả, chính là lấy bồ đề tâm để thực hiện tịnh giới không trộm cướp, thì khi thành Phật sẽ chứng đắc trí tuệ Bồ đề thanh tịnh không ô nhiễm.

3. Không tà hạnh

       [ Phục thứ Long Vương! Nhược ly tà hạnh, tức đắc tứ chủng tối sổ tán pháp. Hà đẳng vi tứ? Nhất, chư căn điều thuận. Nhị vĩnh ly huyên trạo. Tam, thể sở xưng tán. Tứ, thê mạc năng xâm. Thị vi tứ. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miêu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật trượng phu ẩn mật tàng tướng ]

       Tà hạnh là mối quan hệ nam nữ không được pháp luật của đất nước và đạo đức xã hội thừa nhận còn gọi là tà tâm. Tà hạnh chủ yếu do bốn nhân tố cấu thành. Một phi cảnh, hành vi tà dâm nam nữ ngoài quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận đều thuộc về tà dâm. Hai phi đạo, hành vi giao cấu không bằng bộ phận sinh dục thông thường mà bằng bộ phận khác cũng thuộc về tà dâm. Ba phi thời, quan hệ khi có mang thai, khi giữ giới… đều thuộc về tà dâm. Bốn phi xứ, những nơi tôn nghiêm chùa viện, Phật tháp… mà quan hệ đều thuộc về tà dâm.

       [ Phục thứ, Long Vương! Nhược ly tà hạnh, tức đắc tứ chủng trí sở tán pháp. Hà đẳng vi tứ? ] Đức Phật bảo Long Vương: Nếu viễn ly tà dâm thì sẽ được bốn loại lợi ích được người trí xưng tán ca ngợi là:

  1. “Nhất, chư căn điều thuận”. Chư căn tức là lục căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỳ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn. Nếu tà dâm quá độ sẽ khiến cho lục căn bất điều, các vua chúa ngày xưa thường quá dâm độ nên thường yểu mạng. Xã hội ngày nay cũng vì tà dâm tạo nên bao bệnh thời đại uy hiếp an lạc xã hội và cuộc sống loài người.
  2. “Nhị, viễn ly huyên trạo”. Huyên trạo ở đây là chỉ cho sự bất an trong tâm lý vì tà hạnh đã dẫn đến ngoại tình và hành vi bất chánh nên trong lòng luôn phiền muộn âu lo không thể yên tịnh được, làm việc không tập trung. Tà hạnh trong thời đại xem nhẹ công dung tiết hạnh và dễ dãi trong tình dục hiện nay đã gây nên bao vấn đề xã hội, bao nhiêu gia đình đổ vỡ, tạo ra bao nhiêu trẻ em có vấn đề dễ phạm tội trong xã hội. Chỉ khi viễn ly tà hạnh nội tâm mới an bình, yên ổn tự tại được.
  3. “Tam, thế sở xưng tán”. Người tâm tà vạy làm việc tà hạnh người người khinh rẻ, viễn ly tà hạnh phẩm hạnh đoan chánh, tác phong đàng hoàng sẽ được người đời khen ngưỡng.
  4. “Tứ, thê mạc năng xâm”. Người làm tà hạnh vì xâm phạm đến hạnh phúc người khác nên đã trồng nhân xấu nên thường lo sợ việc ấy lại đến với mình, lo sợ vợ hay chồng mình cũng không đoan chánh. Lo sợ vợ mình cũng bị người khác xâm hại… Nếu không trồng nhân ấy thì sẽ không lúc nào vợ mình ngoại tình hay bị người khác xâm hại.

       [ Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, Hậu thành Phật thời đắc Phật trượng phu ẩn mật tàng tướng ]. Người phát tâm hồi hướng công đức ấy đến đạo quả Bồ Đề thì sau khi thành Phật sẽ có được tướng tốt thứ 32 của Phật chính là tướng mã Âm tàng.

4. Bất vọng ngữ

       [ Phục thứ, Long Vương! Nhược ly vọng ngữ tức đắc bát chủng thiên sở tán pháp. Hà đẳng vi bát? Nhất, khẩu thường thanh tịnh ưu bát hoa hương. Nhị, vi chư thể gian chi sở tín phục. Tam, phát ngôn thành chứng , nhân thiên kính ái. Tứ, thường dĩ ái ngữ, an ủy chúng sanh. Ngũ, đắc thắng ý lạc, tam nghiệp thanh tịnh. Lục, ngôn vô ngộ thất tâm thường hoan hỷ. Thất, phát ngôn tôn trọng, nhân thiên phụng hành. Bát, trí tuệ thù thắng, vô năng chế phục, thị vi bát. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành phật thời, tức đắc Như Lai chân thật ngữ ].

       Vọng ngữ là lời nói không chân thât. Trong Phật Giáo vọng ngữ lại có đại vọng ngữ, tiểu vọng ngữ, phương tiện vọng ngữ. Đại vọng ngữ là tuy chưa chứng đắc thánh quả nhưng vì lợi dưỡng, danh tiếng… mà mạo xưng mình đã chứng đắc. Phương tiện vọng ngữ tức vì cứu độ, giúp đỡ, an ủi chúng sanh mà đành phải nói sai với sự thật nhưng phải trên nguyên tắc là vì chúng sanh chứ không phải vì lợi ích của bản thân. Còn lại các hình thức nói sai sự thật khác đều thuộc tiểu vọng ngữ.

       Vọng ngữ ngoài sự khác biệt về thuộc tính ra, lại còn khác biệt về phương thức như dùng lời gian dối lừa người, dùng văn tự bóp méo sự thật, hoặc bôi nhọ, hoặc ám chỉ để đưa đến sự nhận biết sai lạc, hoặc mượn lời người khác để đạt được mục đích lừa dối. Bất kể là dùng hình thức nào nếu cố ý để đạt được mục đích lừa gạt người khác đều là vọng ngữ.

       Nghiệp vọng ngữ được xác lập khi hội đủ bốn yếu tố sau:

  1. Dùng lời nói sai với sự thật để lừa dối đối phương, như thấy nói không thấy, nghe nói không nghe.
  2. Đối phương phải nghe hiểu được lời mình nói. Nếu đối phương ngôn ngữ bất đồng không hiểu được lời nói thì không tạo nên nghiệp vọng ngữ.
  3. Phải cố tâm lừa gạt nếu chỉ là sự truyền đạt thông tin sai lạc mà không có tâm lừa dối thì cũng không tạo nên nghiệp vọng ngữ.
  4. Đối phương tiếp nhận lời nói của mình và tin đó là sự thật thì mới tạo thành nghiệp vọng ngữ.

       [ Phục thứ Long Vương! Nhược ly vọng ngữ, tức đắc bát chủng thiên sở tán pháp. Hà đẳng vi bát? ]. Đức Phật bảo Long Vương nếu xa lìa vọng ngữ sẽ thành tựu tám loại thiện pháp trời người xưng tán là:

  1. “Nhất, khẩu thường thanh tịnh ưu bát hoa hương”. Ưu bát hoa sen xanh. Người xa rời vọng ngữ miệng thường có mùi thơm thuần tịnh của hoa sen xanh. Còn người vọng ngữ miệng sẽ hôi thối khiến người khó gần gũi.
  2. “Nhị, vi chư thế gian chi sở tín phục”. Người không vọng ngữ sẽ được mọi người tin tưởng. Con người sống với nhau cần nhất là sự thành thật không điêu ngoa, phải giữ tròn chữ tín mới có thể xây dựng được niềm tin với mọi người.
  3. “Tam, phát ngôn thành chứng, nhân thiên kính ái”. Người không vọng ngữ được trời người tôn trọng, kính quí. Người nói một đường làm một ngả sẽ không được người khác tín phục.
  4. “Tứ, thường dĩ ái ngữ, an ủy chúng sanh”. Ái ngữ là lời nói được nói ra từ lòng thương yêu thật sự. Người xa rời vọng ngữ mới có thể thường dùng tâm yêu thương để an ủy chúng sanh vì họ luôn nói lời thành thật, lợi tha, luôn nghĩ đến người khác mà nói.
  5. “Ngũ, đắc thắng ý lạc, tam nghiệp thanh tịnh”. Thắng là thù thắng, ý lạc là tâm thái và thói quen. Người không vọng ngữ thì có được tâm thái cùng thói quen tốt. Vì vọng ngữ là nhân của hư vọng nên sẽ xa rời con đường chân thật, đánh mất sự thanh tịnh và thù thắng ý lạc.

6. “Lục, ngôn vô ngộ thất, tâm thường hoan hỷ”. Người không vọng ngữ thường có thể nói rõ suy tư của mình một cách trực tiếp rõ ràng khiến cho người nghe dễ dàng lĩnh hội được ý kiến của mình và sanh tâm hoan hỷ.

7. “Thất, phát ngôn tôn trọng, nhân thiên phụng hành”. Người không vọng ngữ lời nói luôn được mọi người tôn trọng, hoan hỷ tiếp nhận và theo đó để thực hiện vì lời nói của họ luôn có uy tín với người khác.

  1. “Bát, trí tuệ thù thắng, vô năng chế phục”. Người không vọng ngữ vì trồng nhân chân thật nên thành tựu được trí tuệ thù thắng, biện tài vô ngại, chế phục được các loại tà thuyết.

       [ Thị vi bát, nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, tức đắc Như Lai chân thật ngữ ]

       Trên đây là tám loại thiện báo mà người xa rời vọng ngữ sẽ có được. Nếu dùng Bồ Đề tâm giữ giới không vọng ngữ rồi đem tất cả công đức giữ giới ấy hồi hướng về Phật quả trong tương lai khi viên mãn vô thượng Bồ Đề thì sẽ thành tựu chân thật ngữ như chư Phật.

5. Bất lưỡng thiệt

       [ Phục thứ, Long Vương! Nhược ly lưỡng thiệt, tức đắc ngũ chủng bất khả hoại pháp. Hà đẳng vi ngũ? Nhất, đắc bất hoại thân, vô năng hại cố. Nhị, đắc bất hoại quyến thuộc, vô năng bạt cố. Tam, đắc bất hoại tín, thuận bổn nghiệp cố. Tứ, đắc bất hoại pháp hành, sở tu kiên cố cố. Ngũ, đắc bất hoại thiện tri thức, bất cuống hoặc cố. Thị vi ngũ, nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, đắc chánh quyến thuộc, chư ma ngoại đạo bất năng trở hoại ]

       Lưỡng thiệt là những lời nói tạo điều thị phi, gây sự ly gián phá hoại sự đoàn kết, hòa hợp giữa mọi người và đoàn thể. Như tới người A nói chuyện người B, để tạo sự mâu thuẫn giữa hai người, tạo sự nghi vấn thậm chí dẫn đến sự tranh đấu giữa họ để đạt được mục đích không thể cho người khác biết của mình, cũng có người chỉ vì tính nhiều chuyện của mình mà tạo nên sự mâu thuẫn, thị phi làm tổn người mà cũng chẳng lợi gì cho mình.

       Tạo nghiệp lưỡng thiệt phải hội đủ bốn yếu tố sau:

  1. Thông qua kích bác, chia rẽ, ly gián để phá hoại mối giao hảo của người khác.
  2. Tạo nên lời nói mâu thuẫn.
  3. Đối phương hiểu rõ được lời mình nói.
  4. Đối phương hoàn toàn tin vào lời mình nói.

       [ Nhược ly lưỡng thiệt đắc ngũ chủng bất khả hoại pháp, hà đẳng vi ngũ ]. Lưỡng thiệt sẽ phá vỡ mối quan hệ hòa hợp giữa người với người. Ngược lại không lưỡng thiệt sẽ đem đến lợi ích cho tha nhân và thành tựu nên quả lành là những gì chúng ta làm không bị người khác phá hoại. Đức Phật bảo với Long Vương rằng xa lìa lưỡng thiệt sẽ có được năm thiện pháp bất hủy hoại là:

  1. “Nhất, đắc bất hoại thân, vô năng hoại cố”. Người không hai lưỡi có thể được sức khỏe và trường thọ không bị quả báo bị người hãm hại hoạnh tử.
  2. “Nhị, đắc bất hoại quyến thuộc, vô năng bạt cố”. Quyến thuộc gồm lục thân cha, mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái bao gồm cả những học trò, môn đệ. Trong cuộc sống có được quyến thuộc hòa thuận là điều không dễ. Người không lưỡng thiệt sẽ có được mối quan hệ hòa mục, gia đình hòa hợp, bạn bè thân thiết, đồng sự tương thân.
  3. “Tam, đắc bất hoại tín, thuận bổn nghiệp cố”. Người không hai lưỡi trên con đường tâm linh chọn lựa tín ngưỡng sẽ gặp nhiều thuận duyên không bị chướng ngại, bị cản trở từ người thân, hay bị sự dẫn dụ của ngoại đạo làm lung lạc niềm tin tín ngưỡng tâm linh.
  4. “Tứ, đắc bất hoại pháp hành, sở tu kiến cố cố”. Người không hai lưỡi trên chặng đường tu tập sẽ gặp nhiều nhân duyên thù thắng, việc chọn lựa pháp môn tu tập cũng được thuận lợi không bị chướng duyên ảnh hưởng cho đến khi thành tựu.
  5. “Ngũ, đắc bất hoại thiện tri thức, bất cuống hoặc cố”. Người không lưỡng thiệt vì không bao giờ lừa người nên trong quá trình học Phật sẽ gặp được Thiện tri thức giúp đỡ, hướng dẫn nên việc tu tập sẽ được viên mãn hơn.

[ Thị vi ngũ. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, đắc chánh quyến thuộc, chư Ma ngoại đạo bất năng trở hại ]. Nếu dùng Bồ đề tâm để tu bất lưỡng thiệt còn đem công đức lợi ích đó hồi hướng về vô lượng Phật quả, trong tương lai sau khi thành Phật sẽ được quảng đại vô biên quyến thuộc giúp đỡ hoằng pháp, khiến cho ma quỷ và ngoại đạo có tâm muốn hại cũng không làm được.

6. Bất ác khẩu

[ Phục thứ, Long Vương! Nhược ly ác khẩu, tức đắc thành tựu bát chủng tịnh nghiệp. Hà đẳng vi bát? Nhất ngôn bất quai độ, nhị ngôn giai lợi ích, tam ngôn tất khế lý, tứ ngôn từ mỹ diệu, ngũ ngôn khả thừa lĩnh, lục ngôn tắc tín dụng, thất ngôn vô khả cơ, bát ngôn tận ái lạc. Thị vi bát. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, cụ túc Như Lai phạm âm thanh tướng].

Đoạn kinh văn giới thiệu tám loại lợi ích mà người không ác khẩu có được. Ác khẩu còn gọi là lời thô ác. Những lời nói nhằm phỉ báng, công kích, chê bai, bới móc làm tổn hại người khác đều thuộc phạm trù ác khẩu.

Nghiệp ác khẩu được tạo thành khi hội đủ bốn yếu tố sau:

  1. Dụng tâm làm thương hại đến người khác, nếu không ác ý thì dù có dùng ngôn từ không hay nhưng đối phương chỉ cho rằng đó là lời chê cười thôi thì không tạo thành nghiệp ác khẩu.
  2. Nói lời phi ái ngữ, lời thô mắng không có tâm từ bi để thương hại đến người khác.
  3. Đối phương nghe và hiểu được.
  4. Đối phương tiếp nhận trọn vẹn.

[ Phục thứ, Long Vương! Nhược ly ác khẩu, tức đắc thành tựu bát chủng tịnh nghiệp. Hà đẳng vi bát]. Phật Bảo Long Vương nếu người xa lìa hành vi ác khẩu có thể thành tựu tám loại thiện nghiệp thanh tịnh:

  1. “Nhất, ngôn bất quai độ”.  Người không ác khẩu hiểu được nghệ thuật ăn nói nên mỗi một lời nói ra đều rất hợp thời, hợp lúc. Điều này rất quan trọng, nếu không có được năng lực này thì sẽ gặp nhiều trắc trở, người có năng lực ấy tự nhiên sẽ khiến người khác muốn giao tiếp với mình.
  2. “Nhị, ngôn giai lợi ích”. Người không ác khẩu luôn đem tâm yêu thương, lòng từ bi để giao tiếp với người. Lời nói luôn nhu hòa thân thiết. Tất cả những gì nói ra đều vì lợi ích cho người. Lời nói thô ác như lưỡi đao trong miệng. Trong thực tế dùng lời nói để giết người nhiều khi còn hơn cả đao súng, vì đao súng chỉ làm đau ở thân thể, còn lời nói tạo nên nội thương trong tâm hồn, nhiều khi rất khó hàn gắn chữa lành.
  3. “Tam, ngôn tất khế lý”. Người không ác khẩu mọi lời nói đều hợp tình, hợp lý, hợp với tư cách.
  4. “Tứ, ngôn từ mỹ diệu”. Người không ác khẩu lời nói luôn xuất phát từ tình thương và lòng từ bi nên âm thanh nhu hòa uyển chuyển, ngôn từ cũng mỹ diệu khiến động lòng người, làm cho người nghe sanh tâm hoan hỉ.
  5. “Ngũ, ngôn khả thừa lĩnh”. Người không ác khẩu tất cả lời nói đều được đối phương lãnh hội, tiếp nhận.
  6. “Lục, ngôn tắc tín dụng”. Người không ác khẩu lời nói luôn xuất phát từ trạng thái bình tâm định tĩnh, tự nhiên sẽ khiến cho lời nói tràn đầy niềm tin, làm cho người nghe tin tưởng không sanh hoài nghi.
  7. “Thất, ngôn vô khả cơ”. Cơ tức là trong ngôn từ xuất hiện những lỗ hổng làm cho người khác chê cười. Người không ác khẩu lời nói thường rất cẩn thận, có lý có tình, khó bị người khác bắt bẻ.
  8. “Bát, ngôn tận ái lạc”. Người không ác khẩu tất cả lời nói đều khiến người nghe cảm thấy dễ chịu, sanh lòng hoan hỉ, khiến người thích nghe.

[Thị vi bát. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, cụ túc Như Lai phạm âm thanh tướng]. Phạm âm thanh tướng là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, chỉ cho âm thanh của Phật có năm tướng thanh tịnh là chính chực, hòa nhã, rõ ràng, tròn đầy, vang xa. Đó là tám loại lợi ích mà người xa lìa ác khẩu có được. Nếu biết đem tất cả công đức ấy hồi hướng vô thượng Phật quả thì sau khi thành Phật sẽ đầy đủ tướng phạm âm vi diệu viên mãn như chư Phật.

7. Bất ỷ ngữ

[Phục thứ, Long Vương! Nhược ly ỷ ngữ, tức đắc thành tựu tam chủng quyết định. Hà đẳng vi tam? Nhất, định vi trí nhân sở ái; nhị, định năng dĩ trí như thật đáp vấn; tam, định ư nhân thiên uy đức tối thắng, vô hữu hư vọng. Thị vi tam. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, tức đắc Như Lai chư sở thọ ký, giai bất đường quyên].

Ỷ ngữ còn gọi là tạp uế ngữ, tức là những lời nói nhiễm ô, còn gọi là vô nghĩa ngữ, chỉ cho những lời tán gẫu vô nghĩa. Những lời nói này không có ích lợi gì cho việc tu tâm dưỡng tính, thậm chí còn đem đến những ảnh hưởng không tốt, làm tăng trưởng sự phiền não vô minh của chúng ta.

Nghiệp ỷ ngữ được tạo nên khi hội đủ hai yếu tố sau:

  1. Có tâm nhiễm ô. Khi nói lời ỷ ngữ thường được kiến lập trên nền tảng của tâm nhiễm ô, mang theo tâm tham, tâm sân và những trạng thái tâm lí không tốt.
  2. Lời nói không có ý nghĩa. Trong cuộc sống có vô vàn những lời nói không có ý nghĩa như những bản tình ca sướt mướt bi lụy, những lời tán gẫu chuyện nam bắc đông tây, những tà luận tà kiến đi ngược lại với chính kiến đều thuộc về phạm trù ỷ ngữ.

[Phục thứ, Long Vương! Nhược ly ỷ ngữ, tức đắc thành tựu tam chủng quyết định]. Đức Phật bảo Long Vương nếu trong quá trình tu tập có thể xa lìa ỷ ngữ thì sẽ thành tựu ba loại lợi ích quyết định.

  1. “Nhất, định vi trí nhân sở ái”. Người không ỷ ngữ những lời nói đều có ích cho cuộc sống, đều có ích cho việc cải thiện đời sống, không nói những điều vô nghĩa, cho nên sẽ được người trí ưa thích.
  2. “Nhị, định năng dĩ trí như thật đáp vấn”. Người không ỷ ngữ đối với những vấn đề mà người khác nêu ra đều có thể dùng trí tuệ trả lời một cách như thật.
  3. “Tam, định ư nhân thiên uy đức tối thắng, vô hữu hư vọng”. Người không ỷ ngữ bất kể là ở thiên đường hay trong nhân gian đều có đầy đủ uy đức, được người kính trọng yêu mến.

[Thị vi tam. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, tức đắc Như Lai chư sở thọ ký, giai bất đường quyên]. Trên đây là ba loại công đức mà người không ỷ ngữ có được. Nếu trên cơ sở của phát Bồ Đề tâm mà tu tập không ỷ ngữ thì trong tương lai sau khi thành Phật bởi do công đức của không ỷ ngữ mới có thể như Phật mà thọ ký cho chúng sinh. Thọ ký là lời dự ngôn mà Đức Phật nói với những chúng sinh phát đại tâm lớn như trải qua thời gian bao lâu, ở tại chỗ nào sẽ được thành Phật.

8. Bất tham dục

[Phục thứ, Long Vương! Nhược ly tham dục, tức đắc thành tựu ngũ chủng tự tại. Hà đẳng vi ngũ? Nhất, tam nghiệp tự tại, chư căn cụ túc cố; nhị, tài vật tự tại, nhất thiết oán tặc bất năng đoạt cố; tam, phước đức tự tại, tùy tâm sở dục vật giai bị cố; tứ, vương vị tự tại, trân kì diệu vật giai phụng hiến cố; ngũ, sở hoạch chi vật, quá bổn sở cầu bách bội thù thắng, do ư tích thời, bất xan tật cố. Thị vi ngũ. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, tam giới đặc tôn, giai cộng kính dưỡng].

Tham dục là một trong ba độc làm tổn hại đến thân tâm của chúng hữu tình, ngoài tham dục còn có sân hận và si mê. Tất cả phiền não đều nơi đây mà phát sinh, cũng là ba hình thức biểu hiện của ba loại phiền não gọi là căn bản phiền não. Phiền tức là ưu, não t