Trang chủ PGVN Nhân vật TIỂU SỬ NI TRƯỞNG THÍCH ĐÀM NHƯƠNG

TIỂU SỬ NI TRƯỞNG THÍCH ĐÀM NHƯƠNG

277

I.   THÂN THẾ

Ni trưởng Thích Đàm Nhương tự NHƯ HẢI, đạo hiệu Chuyên Cần thế danh Nguyễn Thị Trừng, sinh năm 1925 tại thôn Trà Dương Tống Trân huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên. Ni trưởng là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh chị em. Từ khi sinh ra đến ngày xuất gia, Ni trưởng luôn là người con hiếu thuận, tính tình vui vẻ, hoà nhã, nhanh nhẹn, thông minh, ham học.

II. THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH VÀ XUẤT GIA TU HỌC

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, tin kính Tam Bảo, truyền thống Nho giáo và Phật giáo, lại gặp buổi giao thời giữa hai nền văn hoá Đông Tây, trong lúc Phật giáo ba miền đang chấn hưng mạnh mẽ. Ni trưởng được thấm nhuần Phật Pháp từ rất sớm qua song thân và phong trào trấn hưng Phật giáo tỉnh nhà.

Năm 1941 khi vừa tròn 16 tuổi, được sự đồng ý của song thân, Ni trưởng đã tam biệt gia đình, quê hương xuất gia tu học với chí nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.

Người đến bái yết Ni trưởng Tổ đình Cầu Vóc thượng Đàm hạ Chỉnh (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) làm thầy nghiệp sư. Với đức tính cần mẫn học tập, chấp lao phục dịch, “phụng Phật, sự sư”, Nhận thấy Ni trưởng là người hiền lành siêng năng chất phác, với tư chất thông minh, tính tình hoà nhã, thiết tha cầu đạo nên thầy nghiệp sư đã làm lễ thế phát và trao truyền giới Sa Di tại giới đàn chùa Châu Luân.

Đến năm 1955 trong khoá an cư kiết hạ tại Tổ đình Ni Đa Cốc (Nam Bình, Kiến Xương), Ni trưởng được đăng đàn thụ giới cụ túc. Đàn giới này do Sư Tổ Thích Tâm Tịnh làm Hoà Thượng chủ đàn và chư vị giới sư cao thiền thạc đức trong các sơn môn lớn ở Thái Bình chứng đàn. Từ đây người thực sự dự vào hàng Tăng Bảo là sứ giả của đức Như Lai với trọng trách “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.

Ni trưởng đã tu học tại chùa Cầu Vóc 6 năm và sau đó là chùa Giật 2 năm. Đến năm 24 tuổi, Ni trưởng về chùa Châu Luân xã Quỳnh Châu và tu ở đây 4 năm. Những năm 1948-1952, chùa Châu Luân bị giặc Pháp đốt phá, Người lại về chùa Giáp, qua Hàm Rồng, Thanh Hóa tu ở đây trong 8 năm. Đến năm 1960, Hàm Rồng bị giặc Mỹ bắn phá, Ni trưởng chuyển về tu học tại chùa Đế xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình trong 22 năm. Đến năm 1983, Người chuyển về chùa Nghiễm, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, hướng dẫn Phật tử nơi đây tu học. Từ năm 1992 đến nay, Ni trưởng trở lại chùa Châu Luân và giữ cương vị trụ trì cho đến ngày viên tịch. Cũng trong năm này, Ni trưởng được Giáo hội tấn phong giáo phẩm Ni trưởng.

Sau khi thụ đại giới do tính tình khiêm cung hiếu học, tận tuỵ trong Phật sự, Ni trưởng được chư Tôn đức rất mực yêu quý, pháp lữ đồng tu kính nể và giao phó các Phật sự quan trọng.

III. QUÁ TRÌNH HÀNH ĐẠO

Từ vùng quê Tống Trân (Phù Cừ, Hưng Yên), người đã đi khắp miền Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Dù ở nơi đâu, Ni trưởng luôn sống, giản dị, ham học hỏi, chuyên cần tu học.

Là bậc tôn túc trưởng lão ni đạo cao lạp trọng, giới luật tinh cần khiêm cung giản dị nên khoá hạ an cư năm nào Ni trưởng cũng được thỉnh làm ngôi thủ chúng, làm tùng lâm thạch trụ cho ni chúng nương theo tu học. Khi Ban đại diện Phật giáo huyện Quỳnh Phụ được thành lập, Ni trưởng đã tham gia vận động Tăng, Ni tham gia tổ chức Giáo hội.

Ngoài việc phụng hành Phật sự ra Ni trưởng còn tham gia các công tác xã hội như uỷ viên UBMTTQVN xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ.

Do có nhiều công lao đóng góp cho giáo hội và xã hội nên Ni trưởng  đã nhiều lần vinh dự đón nhận:

     Bằng tuyên dương công đức của các cấp giáo hội.

     Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cùng nhiều bằng khen khác.

Mặc dù Phật sự đa đoan, nhưng Ni trưởng vẫn không quên nghiên cứu kinh điển, niệm Phật tham thiền, hướng về chân lý giải thoát giác ngộ. Có lẽ do hạnh nguyện mang thân nữ để độ chúng sinh mà đi đến đâu người cũng được, già trẻ, lớn bé, giáo dân cũng như lương dân quý trọng. Lại nhờ am hiểu sâu xa giáo lý Phật Đà, tuỳ cơ giáo hoá, biện tài vô ngại, và vượt trên tất cả là tâm hồn bao dung quảng đại, vô ngã vị tha, bình đẳng với người xa cũng như gần, thân cũng như sơ. Với bản thân Ni trưởng luôn sống giản dị, khắc kỷ làm gương sách tiến cho đại chúng. Với chư Tăng Ni trưởng luôn thực hành theo đúng Bát kính pháp. Với chư Ni, Ni trưởng là bạn thân của tất cả mọi người, với đệ tử người daỵ bảo cặn kẽ nghiêm khắc, giữ gìn uy nghi giới luật. Với Phật tử hàng năm Ni trưởng thường mở giới đàn truyền thụ Tam quy, ngũ giới, tuyên giảng đạo lý cho Phật tử gần xa và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng nhân dân.

IV. VIÊN TỊCH

Những tưởng trên bước đường phục vụ đạo pháp và chúng sinh Ni trưởng còn đóng góp nhiều hơn nữa, thế nhưng trong một thời gian lâm trọng bệnh. Mặc dù đã được sự chăm sóc của các cấp giáo hội, của sơn môn pháp phái, thân quyến Phật tử và các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng Ni trưởng đã thuận lý vô thường thâu thần an nhiên thị tịch vào lúc 19 giờ, ngày 03 tháng 04 năm 2015 (tức ngày mồng 15 tháng 2 năm Ất Mùi). Trụ thế 91 năm, hạ lạp 60 năm. Thế là Ni trưởng đã từ bỏ huyễn thân trở về với thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Ni trưởng vẫn còn lưu lại thế thế gian trong tâm tư ký ức của Tăng Ni, Phật tử Thái Bình.

Nam Mô An Châu Bảo Tháp Lâm Tế Chính Tông Ma Ha Sa Môn Tỳ Khiêu Ni Bồ Tát giới Nguyễn tộc Tính Pháp Huý Thích Đàm NHƯƠNG, hiệu CHUYÊN CẦN Giác Linh Thuyền Toạ Hạ.