Trang chủ PGVN GHPGVN Tiểu sử Hoà thượng Thích Thiện Nguyện

Tiểu sử Hoà thượng Thích Thiện Nguyện

594

Hòa thượng THÍCH THIỆN NGUYỆN

– Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN

– Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng

– Ủy viên UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng

– Nguyên Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII,VIII

– Trú trì chùa Linh Ứng, thành phố Đà Nẵng.

I. THÂN THẾ:

Hòa thượng họ Hồ, thế danh Hồ Tân – pháp danh Đồng Nguyện, pháp tự Thiện Nguyện, pháp hiệu Bảo Tịnh, nối pháp đời thứ 43 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Hòa thượng sinh năm Bính Tuất (1946) tại làng Hòa Bình, thôn Hóa Khuê Đông, xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, nay là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, trong một gia đình thâm Nho, tín Phật.

Thân phụ của Ngài là cụ ông Hồ Văn Tích, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sửu. Hòa thượng là con út trong gia đình gồm có 10 anh chị em.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

Được sinh ra trong một gia đình Nho giáo, thấm nhuần Phật pháp, sinh thời lúc còn bé nhà Hòa thượng ở gần chùa Vân Long, ngày ngày đến chùa lễ Phật, tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử Non Nước (lúc bấy giờ gồm 4 xã Hòa Long, Hòa Lân, Hòa Phụng, Hòa Hải).

Lên năm 19 tuổi (1964) túc duyên hội đủ, trong một lần viếng thăm danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, trước vẻ đẹp thiên nhiên, hùng vỹ Ngài tự khấn nguyện và thốt lên rằng: “Cảnh đẹp quá hử? Ước gì mình được ở nơi đây!”. Sau đó không lâu, cũng trong năm này, duyên lành đã đến, được sự ái hộ của song thân, Ngài phát tâm xuất gia cầu Đạo với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hữu, Trú trì Tổ đình Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn và được bổn sư thế độ, ban pháp danh là Đồng Nguyện.

Sau một thời gian theo hầu Hòa thượng Bổn sư, Ngài chuyên tâm tu học, trao dồi Giới đức dưới sự giáo dưỡng của Hòa thượng ân sư.

Năm 1967-1968, Hòa thượng Bổn sư xây dựng Trường Tiểu học Bồ Đề, Ngài cùng với ân sư dạy lớp vỡ lòng cho các em thiếu nhi mù chữ (do hoàn cảnh chiến tranh). Cũng trong thời gian này Ngài thành lập Gia đình Phật tử Non Nước và đích thân làm Cố vấn giáo hạnh cho gia đình này.

Năm 1970, được sự đồng ý của Bổn sư, Ngài thọ Sa di tại Đại Giới đàn Vĩnh Gia do Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn Đầu – tổ chức tại Phật Học viện Phổ Đà (nay là chùa Phổ Đà).

Năm 1971, Hòa thượng Bổn sư gởi Ngài vào Sài Gòn tu học tại Trường Phật học Huỳnh Kim, Gia Định (nay là quận Gò Vấp), trong thời gian tu học tại đây, gặp nhiều thuận duyên Ngài khai sơn Chùa Bảo Tịnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1974, nhân duyên hội đủ, Hòa thượng được thọ Cụ Túc giới Đại Giới đàn Khánh Anh tổ chức tại Chùa Bồ Đề, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang do Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm Đàn Đầu.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:

1. Tham gia công tác Phật sự:

– Năm Nhâm Thân-1992: Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng công cử Ngài giữ chức vụ Phó Ban đại diện Phật giáo huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 1992-1997.

– Năm Bính Tý-1996: Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam–Đà Nẵng tổ chức Đại giới đàn Phước Huệ tại Đà Nẵng, cung thỉnh Ngài giữ Quản Giới tử tổ chức tại chùa Phổ Đà thành phố Đà Nẵng.

– Năm Đinh Sửu-1997: tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Quận Ngũ Hành Sơn được thành lập, Ngài được Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo thành phố Đà Nẵng quyết định công cử Ngài giữ chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn liên tiếp 3 nhiệm kỳ 1997-2002; 2002-2007; 2007-2012.

– Năm 1997-2008: Ngài được mời tham gia Ủy viên UBMTTQVN quận Ngũ Hành Sơn.

– Năm Nhâm Ngọ-2002: tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 5, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng Tọa.

– Năm 2002-2007: Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Thành hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng.

– Năm 2007: tại đại hội đại biểu Phật giáo thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 4, Hòa thượng được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự nhiệm kỳ 2007-2012.

– Năm 2007 tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 6, Hòa thượng được suy cử vào Ủy viên HĐTS GHPGVN.

– Năm 2008: Ban Trị sự Thành Hội Phật Giáo thành phố Đà Nẵng tổ chức Đại Giới Đàn Trí Thủ, Cung thỉnh Ngài làm Đệ lục tôn chứng tại Giới đàn.

– Năm 2011: Hòa thượng được cung thỉnh vào hàng giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận Ngũ Hành Sơn nhiệm kỳ 2011-2016; 2016-2021.

– Năm 2012: tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 7, Ngài được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và được suy cử chức vụ Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN.

– Năm 2013: GHPGVN thành phố Đà Nẵng tổ chức Đại giới Đàn Phước Trí, Hòa thượng làm Chánh Chủ đàn kiêm Giáo thọ A xà lê. Cũng trong năm này, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN phê chuẩn Ngài giữ chức vụ Quyền Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng.

– Năm 2014: Hội Đồng Trị Sự Trung ương GHPGVN quyết định chuẩn y Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng.

Ngoài những công tác Phật sự được nêu trên, với cương vị Trưởng Ban Trị sự, Hòa thượng đã sách tấn Tăng, Ni Phật tử tu học đúng Chánh pháp, chứng minh, tham dự các Phật sự như: Lễ hội Quán Thế Âm, Thành đạo, Phật Đản, Vu Lan, các lễ đặt đá và khánh thành các ngôi tự, viện…

Với sự đóng góp to lớn của Hòa thượng đối với Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng được Hội đồng Trị sự GHPGVN tặng nhiều bằng tuyên dương công đức và UBND, UBMTTQVN thành phố tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

2. Công tác xây dựng trùng tu:

Năm 1975, Ngài trở về Tổ đình Linh Ứng, tiếp tục tu học, chăm lo Phật sự giúp Hòa thượng bổn sư đang bị bệnh duyên. Cũng trong năm này, Hòa thượng bổn sư viên tịch đã giao phó cho Ngài đảm nhiệm trú trì Tổ đình Linh Ứng.

Trong thời gian trú trì Tổ đình Linh Ứng, thực hiện theo di ngôn của Hòa thượng Bổn sư, năm 1989 Ngài phát nguyện Đại trùng tu Chánh điện, Hậu tổ, xây dựng thêm Tăng xá, bảo tháp Xá Lợi như sở nguyện của Ngài:

Linh Ứng sở cầu, như ý nguyện

Ngũ Hành đệ nhất, thắng danh lam

Năm 1999, Hòa thượng xây dựng Chùa Linh Ứng – Bà Nà, đến năm 2004 tổ chức Lễ Khánh thành. Trong khuôn viên chùa Linh Ứng – Bà Nà, ở độ cao khoảng 1.400 m, Hòa thượng xây dựng Thích Ca Phật đài cao 27m. Tượng Phật uy nghi giữa bốn bề lồng lộng mây trời, gió núi.

Năm 2004, được Ủy ban nhân dân thành phố cấp đất, Hòa thượng tiếp tục xây dựng Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt hiện được xem là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng cả về quy mô cũng như kiến trúc nghệ thuật. Ngôi chùa mang một phong cách hiện đại kết hợp với tính truyền thống vốn có của chùa Việt Nam. 

Đặc biệt, tại chùa Linh Ứng – Bãi Bụt đã xây dựng tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao 64m, tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa.

Linh Ứng sở cầu, như ý nguyện

Sơn Trà Bãi Bụt, thật hiển linh

Sau 6 năm xây dựng, vào ngày 19.6.Canh Dần (30/7/2010), Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo TP Đà Nẵng cùng chùa Linh Ứng-Bãi Bụt đã long trọng tổ chức Lễ Khánh thành.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Bá Thanh, Cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã nhấn mạnh: “Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng và chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn và nâng cao đời sống tín nguỡng và tâm linh của nhân dân.

Và sự ra đời của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt  đã một lần nữa khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nuớc ta, đồng thời góp phần tôn thêm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.”

3. Nhiếp hóa độ chúng:

Với tinh thần tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã hướng dẫn đồ chúng tu học, tiếp nhận lớp đệ tử kế thừa, hầu hết các đệ tử của Hòa thượng đều được cho học hành đàng hoàng, có trình độ Phật học lẫn thế học, trong đó có những vị đã trưởng thành và tiếp tục tâm nguyện của Hòa thượng hoằng pháp lợi sanh.

III. NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI:

Trong những năm cuối đời, tuy bị bệnh duyên, Hòa thượng vẫn động viên chư tôn đức trong Ban Trị sự cố gắng hoàn thành các Phật sự, nhắc nhỡ chư Tăng Ni, Phật tử tu học, trao dồi giới đức, tích cực tham gia các công tác từ thiện để lợi đạo ích đời. Thế rồi sau mùa an cư kiết hạ, bệnh tình của Hòa thượng trở nặng, mặc dù đã được chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng, các cơ quan Ban ngành thành phố, các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện Việt-Pháp, Bệnh viện 115 thành phố Hồ Chí Minh, và môn đồ Pháp quyến tận tình chăm sóc nhưng sức khỏe đã kiệt, hạnh nguyện đã mãn. Vào lúc 16 giờ 15 phút, ngày 19 tháng 8 năm Bính Thân (nhằm ngày 19/9/2016), Hòa thượng đã thuận thế vô thường, an nhiên thâu thần viên tịch, để lại biết bao niềm kính tiếc cho Tăng Ni Phật tử.

Với 71 tuổi đời, 42 hạ lạp, cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương sáng về đạo hạnh, hết lòng vì đạo với tâm nguyện giữ đạo kiên cố, đặc biệt có công lao lớn trong việc xây dựng Phật giáo thành phố trên 40 năm hành đạo, trong đó có đến 20 năm giữ các chức vụ quan trọng của GHPGVN tp. Đà Nẵng. Hòa thượng đã dày công xây dựng Phật giáo thành phố Đà Nẵng có một sức sống mãnh liệt. Tinh thần phục vụ Đạo pháp và dân tộc, tinh thần hoằng pháp lợi sanh của Hòa thượng đã ở trong lòng Tăng Ni Phật tử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước.

Tăng Ni mãi nhớ ơn Người

Linh Ứng Bãi Bụt, Bà Nà trang nghiêm

Dấu xưa còn đọng bên thềm

Người nay kính vọng tỏ niềm tri ân.

Sáu ngày Tang lễ đi qua, biết bao niềm thương, bao nỗi nhớ chan hòa, giờ còn đọng lại trong lòng môn nhơn pháp quyến một đời kính tiếc, vạn kiếp tri ân; còn lưu lại trong lòng pháp lữ, đồng hành đồng sự một tình cảm thiêng liêng trân quý, một tấm gương đạo hạnh sáng ngời mà Hòa thượng đã cống hiến trọn đời cho Đạo pháp và Dân tộc.

Nay Hòa thượng đã đi vào cõi vô tung bất diệt, để lại vô vàn thương tiếc cho Phật giáo Đà Nẵng, môn đồ pháp quyến và Tăng Ni Phật tử. Thành kính nguyện cầu Giác linh cố Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP TAM THẾ, GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ THƯỜNG TRỰC ỦY VIÊN, ĐÀ NẴNG THÀNH PHỐ TRỊ SỰ BAN TRƯỞNG BAN, KHAI SƠN TRÚ TRÌ LINH ỨNG TAM TỰ, HÚY THƯỢNG ĐỒNG HẠ NGUYỆN, TỰ THIỆN NGUYỆN, HIỆU BẢO TỊNH, HỒ CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.