Trang chủ PGVN Nhân vật Tiểu Sử Đại Lão Hoà Thượng Thích Thiện Duyên – Đương Kim...

Tiểu Sử Đại Lão Hoà Thượng Thích Thiện Duyên – Đương Kim Phó Pháp chủ HĐCM TW GHPGVN

2523

HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN DUYÊN
Đương kim phó Pháp chủ Hội Đồng chứng Minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam!
Nguyên phó chủ tịch HĐTS trung Ương GHPG Việt Nam!
Nguyên trưởng Ban Hướng Dẫn Phật Tử TW GHPGVN
Nguyên trưởng Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Quảng Nam
Khai sơn – viện chủ chùa Đạo Nguyên – TP Tam Kỳ Tỉnh Quảng Nam

I. THÂN THẾ:

Hòa thượng Đạo hiệu Thích Thiện Duyên, thế danh Võ Đình Như, sinh ngày 20/10/1926 tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ngài là con thứ 3 trong gia đình. Thân phụ và thân mẫu của Hòa thượng là cụ ông Võ Toản pháp danh Nhựt Toàn và cụ Bà Đặng Thị Chức pháp danh Diệu Phát. Gia đình Ngài có truyền thống Phật giáo thuần thành.

Với túc duyên nhiều đời, từ nhỏ, Ngài thường được bà nội dẫn đến chùa làng tụng kinh niệm Phật. Gặp lúc Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hòa từ chùa Trà Can, Tháp Chàm – Phan Rang về tổ chức lễ truyền Tam Quy Ngũ giới tại chùa Tịnh An, Phù Cát, Bình Định, Ngài sớm thọ Tam quy Ngũ giới trong dịp này.

II. XUẤT GIA TU HỌC

Năm 1941, cơ duyên thuần thục, lòng cảm mến Phật Pháp dâng cao, được sự chấp thuận của song thân, Ngài dõng mãnh phát tâm xuất gia khi vừa 15 tuổi. Ngài rời gia đình đến đầu sư nơi Hòa thượng Giáo thọ Thích Quảng Đức chùa Tịnh An, mong được nương bậc minh sư suốt đời tu học. Nào ngờ, chỉ mới 5 năm, Hòa thượng giáo thọ đã chích lý Tây quy, cao đăng thượng phẩm. Trước sự mất mác to lớn trong buổi đầu hành điệu, Ngài ở lại Tịnh An một thời gian để thù ân báo đáp công ơn khai thị.

Thời gian luống qua, lúc 21 tuổi, xót mình giáo pháp chưa thấm, thầy hướng dẫn lại không, Ngài quyết định lên đường cầu thầy học đạo để được chỉ dạy chỗ đến đi. Được biết, Đại lão Hòa thượng Thượng Giác hạ Tánh, viện chủ tổ đình Hưng Long, xã An Nhơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, là một trong những ngọn Hải đăng của tỉnh thời bấy giờ, Ngài tìm đến đảnh lễ cầu thọ Pháp. Tại đây, Ngài được Đại Lão Hòa thượng Hưng Long nhận làm đệ tử và ban cho pháp danh là Quảng Thành. Sau một năm hầu thầy, học đạo, Ngài được bổn sư cho thọ giới Sadi với pháp tự là Thiện Duyên.

Phong trào chấn hưng Phật giáo lúc này đã lan rộng, khí thế học Phật bừng dậy từ Bắc chí Nam, các Phật Học Viện mở ra cùng khắp. Năm 1953, Phật Học Đường Nha Trang thành lập, Ngài được Hòa thượng bổn sư cho vào theo học tại đây. Năm 1956, Phật Học Đường Báo Quốc – Huế chuyển vào Nha Trang và nhập cùng với Phật Học Đường Nha Trang thành Phật Học Viện Trung Phần đặt tại chùa Hải Đức, do cố Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện. Trong thời gian theo học tại đây, Ngài là một trong những học tăng sáng giá của khóa học đầu tiên này.

Năm 1957, Ngài được Hòa thượng bổn sư cho thọ đại giới và ban cho Pháp hiệu là Quán Ngôn. Đại giới đàn Hộ Quốc này do Hòa thượng Giám viện tổ chức và Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên (đệ nhị Tăng thống GHPGVNTN) làm Đường đầu Hòa thượng. Giới thể châu viên, Ngài gia tâm nhiều vào hành trì Giới luật và bắt đầu cho sự nghiệp hoằng hóa sau này.

III. HOẰNG PHÁP LỢI SANH

Sau khi tốt nghiệp khóa học tại Phật Học Viện Hải Đức, Ngài được Tổng hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm làm giảng sư trong giảng sư đoàn Trung phần. Trong thời gian này, Ngài đã đi giảng thuyết giáo lý khắp các tỉnh thuộc Trung phần như Nha Trang, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Phú Yên, Quảng Ngãi và nhất là Quảng Nam.

Tại Quảng Nam, Ngài đã không quản gian lao, vượt thác trèo đèo, đến tận các vùng trung du hẻo lánh như Hiệp Đức, Hậu Đức, Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc,…cho đến các vùng đồng bằng ven biển như Tam Hải (Núi Thành), Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình),… Trong thời gian hoằng pháp tại Quảng Nam, Ngài thường dừng chân ở lại tại các trú xứ Pháp Bảo (Hội An), Hòa An (Tam Kỳ),… là những hội quán cơ sở Tổng hội Phật giáo thời bấy giờ.

Với lý tưởng dấn thân, hoằng pháp vi gia vụ, bằng tất cả nhiệt huyết đem giáo pháp vào đời, Ngài luôn tận tụy với sứ mệnh tại đất Quảng như một nhân duyên bổ xứ trong giai đoạn lịch sử xã hội biến động đầy khó khăn này

IV. PHỤNG SỰ GIÁO HỘI

Năm 1962, tỉnh Quảng Nam được chia thành 2 đơn vị là tỉnh Quảng Tín và Quảng Nam. Cuối năm 1962, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Tín được thành lập. Tổng hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Ngài làm Hội trưởng, trụ sở tạm thời đặt tại Hội quán chùa Hoà An.

Năm 1963, khi pháp nạn bùng nổ, Ngài đã lãnh đạo, kêu gọi và cùng Chư Tăng Ni trong tỉnh chung lưng đấu cật bảo vệ đạo Pháp, đem lại an bình cho Phật giáo địa phương. Ngày 01/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, Pháp nạn tạm qua, sự sinh hoạt tu học của Tăng Ni trong tỉnh dần dần đi vào ổn định.

Xét thấy Giáo hội tỉnh nhà chưa có một cơ sở Tỉnh hội để làm việc, Ngài đã gia tâm thương thuyết với chính quyền thời bấy giờ, xin khu đất tại thôn Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương (nay là phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ) để làm trụ sở Tỉnh hội. Ngài chủ trì và vận động khởi công xây dựng ngôi chùa vào ngày 17/11/1963, do Hoà thượng Thích Đôn Hậu chứng minh lễ đặt đá. Năm 1965, công tác xây dựng trụ sở Tỉnh Giáo hội tạm hoàn thành, đặt tên là chùa Đạo Nguyên.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Ngài được Viện Hoá Đạo cử làm chánh đại diện tỉnh Quảng Tín cho đến ngày thống nhất đất nước (4/1975). Trong thời gian này, ngoài việc chăm lo công tác hành chánh của Giáo hội, Ngài còn chú trọng đến việc thiết lập hoằng pháp cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho tín đồ tu học, hình thành nên hệ thống Niệm Phật đường tự viện tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Bên cạnh đó, Ngài luôn chú tâm đến việc đạo tạo Tăng tài nhân sự, nên thường xuyên mở khóa giảng dạy Kinh Luật Luận cho Tăng Ni trong các khóa An cư kiết hạ.

Năm 1977, tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Đà Nẵng sát nhập làm một, Chư Tăng Ni 3 tỉnh họp lại, thành lập Ban đại diện Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng, Ngài giữ chức vụ phó đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được tổ chức và Ngài được Đại hội cử làm Phó Thường trực Ban Trị Sự mãi cho đến ngày chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Cùng lúc đơn vị hành chánh tỉnh Quảng Nam được thiết lập năm 1997, Trung ương Giáo hội đã giao nhiệm vụ cho Ngài làm trưởng ban vận động thành lập Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam. Nhờ nhiệt tâm vì đạo Pháp và đức tính khiêm hạ của mình, Ngài đã tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất thành tựu tốt đẹp. Tại đại hội này, Ngài được suy cử làm Trưởng Ban Trị Sự. Sau khi thành lập Tỉnh hội, Ngài liền thúc đẩy thành lập Trường cơ bản Phật học Quảng Nam và đảm trách Giáo thọ các môn Luật học. Bên cạnh đó, Ngài tiến hành tổ chức các kỳ Đại Giới đàn vào những năm 2000, 2004 để truyền trao giới cho Tăng Ni sinh đang theo học, ngõ hầu tạo tiền đề phát triển nhân lực cho Giáo hội tỉnh nhà.

Là một trong những vị thạch trụ của Phật giáo Miền Trung, năm 1981, Ngài được Giáo hội tín nhiệm cử vào chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN. Năm 1996, Ngài được thỉnh cử làm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TW GHPGVN và phụ trách qua các nhiệm kỳ cho đến nay. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012 – 2017, Ngài được suy cử vào thành viên Hội đồng Chứng minh và chức vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

V. HOẰNG TRUYỀN GIỚI LUẬT

Về phương diện Giới luật, là một Tăng sĩ tinh thông học giới, Ngài luôn lấy Giới làm trọng, tích cực phát huy vai trò hàng đầu của Giới luật. Vì thế, Ngài thường được các nơi cung thỉnh tham gia công tác truyền giới hoằng luật như: làm Giáo thọ trong các trú xứ an cư kiết hạ của Chư Tăng địa phương, làm dẫn thỉnh sư Đại Giới Đàn Vĩnh Gia (Đà Nẵng, 1970), Ban khảo hoạch Đại Giới đàn Thiện Hoà (Sài Gòn, 1980), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới đàn Phước Huệ (Đà Nẵng, 1996), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới Đàn Tịnh Khiết (Huế – 2000), Đàn đầu Hoà thượng Đại Giới đàn Minh Giác (Quảng Nam, 2000), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới đàn Khánh Anh (Bình Định, 2000), Đàn đầu Hoà thượng Đại giới đàn Ân Triêm (Quảng Nam, 2000), Chứng Minh Đại Giới Đàn Trí Thủ (Đà Nẵng, 2008) và được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Phước Trí (Đà Nẵng, ngày 17,18,19 tháng 6 năm 2013), Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Kế Châu (Bình Định), ngày 21 – 23/09/2013, Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Vĩnh Gia (Quảng Nam), ngày 26 – 28/09/2015. Có thể nói, dù bất cứ lĩnh vực nào, thời kỳ nào Hoà thượng luôn là người hết mình cho công việc. Ngài luôn đặt sự tồn vong của đạo pháp lên hàng đầu, lấy hoằng pháp làm sự nghiệp, xem Giáo dục Tăng Ni là nền tảng của sự phát triển đạo Pháp, xem Giới luật là giềng mối của sự lớn mạnh Tăng già, Ngài là tấm gương về sự tận tuỵ, khiêm hạ, đạm bạc xứng đáng cho hàng hậu tấn noi theo
Hiện tại ngài đương kim Phó Pháp Chủ Hội đồng chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam .

Đức Trưởng Lão Hoà thượng ngôi Đường đầu Hoà Thượng