Trang chủ Tin tức TIỂU SỬ CUỘC ĐỜI HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẮC PHÁP

TIỂU SỬ CUỘC ĐỜI HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẮC PHÁP

1394

 


Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long

Hiệu trưởng Sáng lập Trường Trung cấp Phật học Vĩnh Long

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long

Nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa III

Cố vấn Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm

Viện chủ Thiền viện Sơn Thắng.

Hòa Thượng Thích Đắc Pháp, thế danh Thái Hồng Điệp, sinh năm 1938 tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ của Hòa Thượng là ông Thái Văn Hai và thân mẫu là bà Bùi Kim Loan. Năm 1947, thân phụ Hòa Thượng hy sinh trong khi bị giam cầm tại nhà lao Côn Đảo. Những tưởng được nương bóng mẹ hiền đến lúc lớn khôn, nhưng thật không may, hai năm sau lúc Hòa thượng 12 tuổi, mẫu thân lại quy tiên. Mặc dù không còn cha mẹ cận kề dạy bảo, nhưng với sự thông minh vốn có, tinh thần hiếu học cùng với nền nếp đạo đức gia đình từ xưa, Hòa Thượng đã tự rèn luyện bản thân về cả tri thức và đạo đức cho đến lúc trưởng thành.

Năm 1957, sau một cơn trọng bệnh, Hòa thượng về chùa Sơn Thắng của Sư bà Diệu Tánh để điều dưỡng và công quả. Tại đây cơ duyên đến với Phật pháp của Hòa Thượng được phát khởi. Trong thời gian này, Hòa Thượng đã đọc rất nhiều kinh sách Phật giáo sẵn có trong chùa. Nghiên cứu Phật pháp kết hợp với thân bệnh, Hòa Thượng càng nhận chân rõ hơn giáo lý vô thường trong nhà Phật.

Sau khi thấy rõ cuộc đời vốn là vô thường tạm bợ, thấy rõ Phật pháp là con đường duy nhất đưa con người đi đến an lành giải thoát. Năm 1958, Hòa Thượng đến Học đường Nam Việt (chùa Ấn Quang) quy y làm đệ tử cư sĩ với Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Cũng trong năm này, Hòa Thượng được Hòa thượng Thích Thiện Hòa gửi xuống Trà Vinh và cho xuất gia tại Chùa Phước Hòa Tỉnh Trà Vinh làm đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Sau khi xuất gia, Hòa Thượng đã được thọ giới Sa di năm 1959 tại giới đàn chùa Long Sơn và học Sơ đẳng Phật học tại chùa Phước Hòa tỉnh Trà Vinh. Năm 1962, thọ giới Tỳ Kheo tại Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Sau khi mãn khóa Sơ Đẳng tại Trà Vinh, Hòa Thượng cùng Hòa thượng Thích Ngộ Chơn và Hòa thượng Thích Phước Thọ theo Hòa Thượng Huệ Hưng về Mỏ Cày Bến Tre học thiền với Thiền sư Đức. Học thiền hơn một năm, Hòa Thượng cùng hai Hòa thượng Thích Ngộ Chơn và Hòa thượng Thích Phước Thọ lên chùa Tập Thành ở Sài Gòn, định mở mang thiền học. Nhưng cơ duyên chưa đủ, cũng vào thời điểm đó, Hòa thượng Thích Thanh Từ từ Phương Bối Am trở về thành lập Phật học viện Huệ Nghiêm và gọi các Hòa Thượng về nhập học, thế là kế hoạch tạm thời bị gián đoạn.

Sau khi bế giảng lớp Trung đẳng khóa I tại Phật học viện Huệ Nghiêm, các Hòa Thượng trong ban lãnh đạo nhận thấy: muốn Phật pháp phát triển thật sự thì phải đi sâu vào vấn đề tu tập nội tâm, nên Hòa thượng Thích Thiền Tâm về Đại Ninh chuyên tu Tịnh Mật, Hòa thượng Thích Thanh Từ nhập thất chuyên tu Thiền và Hòa thượng Thích Bửu Huệ thì về tại Long An. Trong thời gian này, Hòa Thượng cùng Hòa thượng Thích Phước Hảo được đề cử làm Giám học tại Phật học viện Huệ Nghiêm.

Sau khi Hòa thượng Thích Thanh Từ tìm ra con đường Thiền Tông và tuyên bố tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp, năm 1970, Hòa Thượng về Vũng Tàu tham gia khóa Thiền đầu tiên cùng 10 vị tăng nội trú và khoảng 40 vị ngoại trú tham học. Trong khóa tu 3 năm này, Hòa Thượng đã nỗ lực hạ thủ công phu, lại phụ giúp Hòa thượng Ân Sư phiên dịch một số tác phẩm Thiền tông, trong đó tiêu biểu là tác phẩm CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT và TU TÂM QUYẾT. Mãn khóa đầu tiên, được sự ấn chứng Thiền Tông của Hòa Thượng Ân Sư nên Hòa Thượng về lại chùa Sơn Thắng vào năm 1975 để tu tập và hoằng pháp.

Trong thời buổi đất nước mới giải phóng, kinh tế còn khó khăn, Hòa Thượng đã tổ chức làm meo nấm rơm và làm tương để tự túc kinh tế, không trông chờ sự cúng dường của đàn việt. Đến năm 1977, Hòa Thượng bắt đầu tiếp Tăng độ chúng, và những vị đệ tử xuất gia đầu tiên là Thượng Tọa Thích Trí Hải, Thượng Tọa Thích Minh Đạo, Thượng Tọa Thích Trí Thông, đây là những vị có công rất lớn và hỗ trợ đắc lực cho Hòa Thượng trong mọi công tác Phật sự nơi Bổn tự cũng như ngoài xã hội. Tính đến nay, số đệ tử xuất gia của Hòa Thượng là 61 vị và trên 5000 đệ tử tại gia.

Năm 1981, tại Đại hội Thống nhất Phật giáo toàn quốc, Hòa Thượng là người đại diện Phật giáo tỉnh Vĩnh Long đi tham dự và được suy cử làm thành viên trong Hội đồng Trị sự Trung ương. Đồng thời, Hòa Thượng cũng là thành viên Ban vận động Thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long. Năm 1983, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long chính thức được thành lập, Hòa thượng giữ cương vị là Phó ban Thường trực Ban Trị sự nhiệm kỳ I và từ năm đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Trị sự các nhiệm kỳ II, III, IV, V và VI.

Bên cạnh trọng trách nặng nề trong Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà, Hòa Thượng còn là Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long liên tiếp 4 nhiệm kỳ (từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ VI).


Nhằm nâng cao trình độ Phật học cho Tăng Ni, cũng như đào tạo thế hệ Tăng tài cho Giáo hội, Hòa Thượng cùng chư Tôn đức trong Ban Trị sự thống nhất ý kiến xin thành lập Trường Cơ Bản Phật Học (nay là Trung cấp Phật học tỉnh Vĩnh Long). Năm 1990, khi trường được thành lập thì Hòa Thượng được đề cử làm Hiệu trưởng. Hiện nay, trường Trung cấp Phật học tỉnh Vĩnh Long đã đào tạo được 5 khóa với tổng số Tăng Ni hơn 300 vị và tiếp tục đào tạo khóa 6 với hơn 130 Tăng Ni theo học.

Hòa Thượng suốt đời tận tụy vì sự nghiệp phục vụ cho Giáo hội một cách trọn vẹn. Mặc dù nhiều lúc không được khỏe, nhưng Hòa Thượng không khi nào quên nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh. Hòa Thượng từng làm Hòa thượng Đàn đầu của nhiều Giới đàn trong và ngoài tỉnh. Ngài thường nhắc nhở Tăng Ni cần phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, phụng sự, để tiến tu trên con đường đạo pháp. Ngài rất chú trọng đến truyền thống An cư kiết hạ hàng năm, và luôn khuyến khích Tăng Ni trau giồi Giới Định Tuệ để xứng đáng là bậc mô phạm của cuộc đời. Cho đến mùa Đông năm Nhâm Thìn (2012), Hòa Thượng lâm trọng bệnh. Mặc dù đã dốc lòng chữa trị cùng sự hỗ trợ của các đệ tử, Phật tử và các Y, Bác sĩ… nhưng sức khỏe vốn yếu, thân xác lại vô thường, nên Hòa Thượng đã quyết định về Phật.

Hòa thượng đã xả báo thân huyễn mộng để vào cõi Niết bàn tịch diệt, làm tròn bổn phận một vị tăng già bằng tinh thần “Thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Hòa Thượng xứng đáng là bậc Thạch Trụ Tòng Lâm, một bậc cao tăng của GHPGVN.