Trang chủ Văn hóa Tiểu luận về Thiền trà

Tiểu luận về Thiền trà

240

Nhà thơ nổi tiếng đời nhà Tống là Lý Quý Khanh đã phải buồn lòng mà nhận thấy có ba điều thương tâm nhất ở đời đó là:


– Tuổi thanh niên hư hỏng vì bị giáo dục sai lầm,


– Những bức danh họa phi giá đi vì bị kẻ phàm tán thưởng,


– Và phung phí trà vì không biết pha chế.


          


Ở Trung Hoa


Chế biến trà bằng cách bánh trà đun lên, bột trà nghiền ra, lá trà pha với nước, đánh dấu những xúc động tình cảm khác nhau của các triều đại Đường, Tống, Minh  ở Trung Quốc. Người ta gọi theo thứ tự trên là các môn phái cổ điển, lãng mạn và tự nhiên về trà.


Sinh ra ở miền nam Trung hoa, cây trà đã được người ta biết đến từ lâu đời. Trong y học và thảo mộc học trà được ưa thích vì tính chất bồi dưỡng lúc ta mệt mỏi, làm sảng khoái tinh thần, tăng cường ý chí và minh mẫn thị giác. Các tín đồ đạo Lão coi trà là một thứ trường sinh linh dược và những người theo đạo Phật thường dùng trà cho tỉnh ngủ trong những giờ thiền định lâu dài.


Đến giữa thế kỷ thứ VIII, đời nhà Đường, xuất hiện Lục Vũ- vị truyền giáo đầu tiên của trà đạo. Ông có rất nhiều môn đồ. Quyển Trà kinh của ông được coi là Thánh Kinh của Trà Đạo. Sách này gồm ba quyển, mười chương, giải thích về tính chất của cây trà, mô tả dụng cụ hái trà, cách lựa chọn lá trà, mô tả hai mươi bốn bộ phận của bộ đồ trà, phương pháp pha trà,phân biệt cách uống trà thanh với tục, nêu lên tiểu sử của những trà sư danh tiếng, những nơi trồng trà có tiếng ở Trung Quốc, sự phát triển của cách thức trình bày bữa trà v.v.


Theo Lục Vũ, lá trà ngon phải là lá trà có nếp gấp như trên ủng da của một kỵ binh Hung nô, có đường vòng như yếm của một con bò, bóng như mặt hồ gợn sóng… Màu xanh là sắc thanh tú nhất cho một chiếc tách uống trà vì nó kết hợp với nước trà thành sắc xanh lá cây rất ưa nhìn. Theo ông, pha trà bằng nước chảy ở núi ra là tốt hơn cả, sau đó mới đến nước sông và nước giếng. Ông không dùng bất cứ gia vị nào khác để pha trà trừ muối. Nước sôi có ba loại, thứ nhất có tăm nhỏ bằng mắt cá nổi lên ở mặt nước, thứ nhì là có tăm nổi lên lăn tăn tựa hạt ngọc trai, thứ ba là nước sủi trào sóng ầm ĩ.


Đời Đường người ta chế trà thành những phong bánh. Đầu tiên người ta hơ bánh trà lên lửa cho mềm như cánh tay của một em nhỏ rồi tán ra giữa hai tờ giấy. Tra muối vào nước sôi ở độ thứ nhất, chế trà vào ở độ thứ hai, nước sôi tới độ thứ ba thì rót vào một môi nước lạnh để giữ trà lại và gây sự tươi mát cho nước. Đoạn đổ trà vào tách.


 “Ôi cam lộ! Những cánh nhỏ li ti, dường như mây vẩy tê tê trên bầu trời hay như những cánh sen trắng trôi nổi trên mặt hồ ngọc bích. Ta uống. Tách đầu thấm vào lưỡi và cổ họng ta. Tách thứ hai đánh tan cảnh cô đơn. Tách thứ ba nhập vào gan ruột và khuấy lên muôn vàn ý niệm kỳ diệu. Tách thứ tư làm thoát ra một chút mồ hôi và tất cả cái tục của đời ta bị cuốn ra ngoài theo các lỗ chân lông. Tới tách thứ năm ta đã thấy thanh thoát. Tách thứ sáu đưa ta lên tới cảnh thần tiên bất tử. Tách thứ bảy, chà! thôi ta không uống thêm được nữa. Ta cảm thấy có luồng gió thổi vào trong tay áo. Thiên đường là đâu? Ta cưỡi lên cánh gió nhẹ để chơi vơi đưa ta đi”.


Đời Tống, trà tán thành bột được ưa chuộng hơn và người ta bỏ muối đi, tạo nên môn phái trà thứ hai.Tới đây, trà không chỉ còn là một thứ tiêu khiển nên thơ nữa mà còn trở nên một phương pháp tu luyện cá nhân. Tô Đông Pha tán dương sự thanh sạch vô ngần của trà.


Thiền phái Nam tông thấm nhuần giáo lý đạo Lão đã đặt ra các qui tắc đầy đủ cho nghi lễ uống trà. Các thiền sư ngồi trước tượng Quán thế âm Bồ tát và uống trà bằng chiếc bát độc nhất với tất cả thể thức trầm lặng của một buổi thánh lễ. Từ nghi lễ thiền đạo đó đã làm nảy sinh và phát triển nghi lễ trà đạo ở Nhật bản vào thế kỷ XV.


Sau nhà Tống, chiến tranh và sự đô hộ của ngoại bang đã làm cho tập quán uống trà bị mất cả dấu tích, thậm chí các nhà chú giải đời Minh đã không còn nhớ được hình thức của chiếc que để đập lá trà đã được các tác giả cổ điển đời Tống mô tả trong thơ văn. Do vậy đời Minh người ta uống trà bằng cách pha trà lá vào nước sôi, rồi rót ra chén hay bát mà uống. Phương Tây không biết gì về cách uống trà cổ xưa mà chỉ biết đến trà từ cuối đời nhà Minh mà thôi.


Ngày nay ở Trung Quốc trà vẫn được coi là thứ đồ uống thú vị nhưng không phải là thứ lý tưởng nữa. Trà vẫn ngon nhưng thi tứ và điển lễ thì đã rời xa chén trà rồi.


 


Ở Nhật Bản     


Người Nhật biết đến trà của Trung Quốc từ đời nhà Đường. Năm 729 vua Shomu đã tặng trà cho 100 đạo sĩ tại điện Nara. Trà ấy được sứ giả mang từ nhà Đường về và được pha chế theo lề lối thời bấy giờ. Năm 801 đạo sĩ Saicho đã mang hạt trà về trồng ở Yeian và phát triển thành nhiều vườn trà.


Năm 1191 thiền sư Yeisaizenfi đã mang giống trà từ Nam Tống về Nhật, trồng ở ba nơi đều tươi tốt, nhất là ở vùng Ugi – Vũ di gần Kyoto- Tây kinh, hiện còn nổi tiếng sản xuất được thứ trà ngon nhất thế giới. Lúc này thiền đạo, nghi lễ và tư tưởng trà đạo đời Tống đã lan tràn nhanh chóng ở Nhật bản.


Đến thế kỷ XV, thời Ashikaga – Yoshimasa thì trà lễ đã được phát triển hoàn hảo và được ghi chép ra dưới hình thức đời đời biệt lập. Trà đạo được xây dựng hoàn toàn. nhờ trà lễ mà các ý tưởng về trà được hiện thực tới trình độ cao nhất. Trà thành một phương pháp cao hơn sự lý tưởng hóa cách uống: một tôn giáo trong nghệ thuật sống.


Phòng trà- Sukiya không khác gì gian nhà giản dị của dân quê, một túp lều tranh như ta thường gọi. Nó được làm trong một khu vườn nhỏ, gồm có:- một phòng trà tiếp tân, dành cho năm người là cùng “ít hơn các nhã tiên và nhiều hơn các thi tiên”; – một phòng ngoài là nơi rửa và sửa soạn dụng cụ pha trà; – một trụ lăng là nơi ẩm khách chờ đợi người ta mời vào phòng trà; – một con đường đi-roji chạy từ trụ lăng vào phòng trà.


 Sukiya có vẻ rất giản dị và gây ra cảm tưởng về cảnh nghèo thanh bạch, là kết quả của lòng cảm khích của các tịnh xá thiền gây nên. Hết thảy các đại trà sư đều là các giáo đồ thiền, vì vậy phòng trà, các dụng cụ cần thiết trong trà lễ đều phản chiếu lý thuyết thiền.            


Thiên Tôn Dịch, danh hiệu cuối cùng của ông là Lợi Hưu, là người đầu tiên xây dựng phòng trà biệt lập vào thế kỷ XVI. Ông hoàn chỉnh lễ điển về trà và đưa nó tới trình độ tinh vi cùng tột. (trước đó, vào thế kỷ XV, trà sư Vũ Gia Thiêu Âu ấn định phòng trà vẻn vẹn chỉ là một khu trong phòng khách thường, được ngăn bằng bình phong mà chưa phải là công trình độc lập.)


Con đường roji chạy ngang qua khu vườn từ trụ quán tới phòng trà tượng trưng cho thời nhập định ban đầu và sự chuyển tới sự tự kỷ thần cảm. Trụ quán để cắt đứt liên lạc với ngoại vật và soạn sửa bằng một cảm giác tươi mát cho khách đến thăm  hưởng lạc thú thẩm mỹ thanh cao đang chờ đợi khách trong phòng trà. Con đường thiền đó cho ta cảm giác như ở giữa rừng xa bụi mờ tạo nên cảm xúc:


Ta nhìn ra xa


Không một bóng hoa


Không một chiếc lá


Trên bờ biển


Một căn nhà dân quê cô lánh


Trong ánh tàn


Chiều thu        


Hay diễn tả bằng một bài cổ thi khác:


Một lùm cây, mùa hạ


Một mảnh biển cả


Một vùng trăng mờ đêm hôm.


Từ đó khách sẽ lẳng lặng tiến về phòng trà, gác gươm vào giá rồi nghiêng mình đi lướt vào phòng qua một cửa nhỏ cao không quá ba thước, nhằm cho họ ghi nhớ đức khiêm tốn. Khách lần lượt vào. Sau khi cúi chào bức họa phẩm và hoa kết bày sẵn, họ ngồi vào chỗ. Chủ nhân lặng lẽ vào sau cùng. Không một tiếngđộng, trừ tiếng reo ca của những miếng sắt trong ấm nước đang sôi. Qua đó, người ta có thể nghe thấy âm vang dịu nhẹ của mây bay, tiếng thác nước réo, biển xa vỗ vào đá, cơn mưa quét một rừng tre, hay tiếng than thở trên đồi thông xa xôi.


Ngay giữa ban ngày ánh sáng trong phòng cũng được giảm bớt đi. Toàn cảnh đều một màu giản dị, y phục của khách cũng đều một màu giản dị, mang sắc nước của thời gian, trừ chiếc thìa bằng tre dài và chiếc khăn bông phải mới và trắng tinh. Hết thảy mọi vật đều phải triệt để sạch sẽ, dù ở góc nhà tối tăm nhất cũng không dễ tìm thấy một hạt bụi.


Phòng trà được làm hợp theo cốt cách của trà sư, không phải trà sư dành cho phòng trà. Phòng ấy cũng chẳng để lưu lại cho đời sau. nó chỉ biểu hiện ý niệm tạm thời mà thôi. nhà ở chỉ là nơi tạm trú của thân thể. Thân thể cũng chỉ là túp lều trống trải trong cảnh đìu hiu, một mái tre nhẹ nhàng, cỏ mọc xung quanh. Khi cỏ và lều không còn liên lạc với nhau nữa thì tiêu tan trong hư vô nguyên thủy.


Chúng ta cứ yêu chuộng một ngày một như người xưa, nhưng hãy sao chép theo họ ít đi. Người ta trở nên vĩ nhân vì họ không rút lấy gì của người xưa.


Phòng trà còn gọi là không gia, vừa bao hàm ý nghĩa của Lão giáo về cái chứa đựng toàn thể vừa ngụ ý về nhu cầu luôn phải thay đổi các đề tài trang trí. Phòng trà hoàn toàn trống rỗng, trừ xếp đặt tạm vật gì vào đó để thỏa mãn một thị hiếu thẩm mỹ nào thôi. Người ta có bao giờ đồng thời nghe nhiều bản nhạc hay không?


 Sự giản dị về trang trí và sự luôn luôn thay đổi của hoàn cảnh biểu hiện bản chất của trà đạo.Trong phòng trà, điều e ngại nhất là nhữg cái nhắc đi nhắc lại, làm sao để không nét vẽ nào, màu sắc nào  nhắc lại cả. nếu đã có một bông hoa thật thì mọi bức họa có hoa phải bị cấm hẳn, nếu ấm tròn thì bình đựng nước phải có góc cạnh, chén đen không để cạnh hộp trà sơn đen v.v. ở đây tính cách nhàm được phá bỏ triệt để.


 


 Ở Việt Nam


Tổ tiên chúng ta biết đến trà từ rất sớm. Mở đầu sách Dư địa chí năm 1435, Nguyễn Trãi đã viết: Nước ta mới mở gồm có sông núi, phía đông giáp biển, phía tây đến nước Thục, phía nam đến Chiêm thành, phía bắc đến hồ Động đình.(trong hồ có hai quả núi: một núi gọi là Quân sơn, núi ấy sản thứ hồng quất, thứ trà tước thiệt, thứ trúc đồi mồi).Trà tước thiệt là thứ trà nhỏ như lưỡi chim sẻ, đã nổi tiếng từ thời cổ và đã được coi là sản vật quí của nước Việt cổ. Chỉ có điều những sách chuyên bàn về trà, về cách chế biến, cách pha chế, cách uống trà thì không được lưu lại.


Trong Quốc âm thi tập, những câu nhàn ngâm của Nguyễn Trãi về thú uống trà đượm màu Thiền vị có rất nhiều:


Cởi tục chè thường pha nước tuyết


Tìm trong thanh vắng tịn(1) chè mai.


                                       (Ngôn chí 1)


Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng


Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu


                                             (Ngôn chí 2)


Say minh nguyệt, chè ba chén


Thú thanh phong, lều một gian


                               (Mạn thuật 5)


Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng


Chè tiên nước ghín (2) nguyệt đeo về.


                                    (Thuật hứng 3)


Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt


Mai rụng hoa đeo bóng cách song


                                (Thuật hứng 6 )


Say mùi đạo, chè ba chén


Tả lòng phiền, thơ bốn câu.


                       (Thuật hứng 13)


Bàn bạc lòng nhàn cái quýt chè(3)


Đòi thuở khó khăn chăng xuýt ải(4)


                                            (Tự thán 9)


 


Sau Nguyễn Trãi hơn ba trăm năm, Phạm Đình Hổ (1768-1839), trong Vũ trung tùy bút, có viết cả một thiên bàn về cách uống chè, bên cạnh các thiên bàn về hoa cỏ, học thuật, thư pháp v.v.


Theo ông, cách thức uống trà của người Trung hoa (Tàu) đã được người Việt Nam biết đến và sử dụng từ xa xưa. Thị hiếu của ta cũng hơi giống người Tàu.


Thời Cảnh Hưng (1740-1786), trong nước vô sự, các nhà quí tộc, công hầu, quí thích đều đua xa xỉ, có khi phí tổn đến vài mươi lạng bạc để mua một bộ ấm chén. Lúc ngồi rỗi, pha trà uống với nhau, đánh cuộc xem năm nay trà xuân sớm hay muộn, giá cao hay hạ. Kẻ ưa hương thanh, người kén hậu vị, đặt mua trà chính hiệu, gửi tàu buôn đặt kiểu ấm chén mới lạ v.v. Song cái thú uống trà Tàu có phải ở chỗ đó đâu!


Trà thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Sớm gió mát, chiều trăng trong với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà thung dung pha ấm trà thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục.Cổ nhân chuộng trà là vì vậy.


Càng ngày thưởng thức trà càng tinh, chế biến trà càng ngon, phân biệt càng kỹ, lò siêu ấm chén ngày càng có nhiều kiểu thích dụng. Kẻ thức giả cho điều đó là phiền phức.Trà mà phải nếm ở trong đám ruồi nhặng, bày ấm chén ở nơi bụi bặm, lúc ồn ào, lòng bận vơ vẩn thì dẫu ấm cổ đẹp đẽ, trà ngon ngát lừng cũng có còn thú vị gì không?


Tâm thanh thản, cảnh trí u tịch, ta tự tay pha ấm trà hưởng cái vui về non nước với bầu bạn. Cái vui này tạo vật chưa dễ đã cho mọi người đều được hưởng.Sự hưởng thụ đó có phần lại khó hơn lợi lộc và công danh.


Từ đời Khang Hy ở Tàu uống trà đổi ra pha từng chén nhỏ có nắp  mà không pha vào ấm to uống chung nữa. Kiểu này không phổ biến ở dân ta.


Nhiều người tỏ vẻ quyền quí kiểu cách khi uống trà lại lười không muốn pha lấy, họ giao cho tiểu đồng pha chế tất cả. Thật không phải bàn chi nữa.


Sau Phạm Đình Hổ một thế kỷ, trong tác phẩm Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân (1910-1987), có hẳn hai thiên truyện ngắn Những chiếc ấm đất Chén trà sương bàn về trà Việt trong khung cảnh u hoài Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Dưới đây là một vài đoạn viết về trà trong hai áng văn đó.


I- “Cụ Sáu đến xin nước ở chùa đây đã gần mười năm, cứ nước giếng chùa đây cụ mới chịu pha trà. Không biết cái tiền thân của cụ là gì? Nhân duyên của cụ với chùa đây thực cũng là bền và kỳ lắm”.


 “Ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao nhỏ ra từ gánh nước đi xin về để pha trà kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu đường về của khách tục trở lại trần”.


 “Bóng cụ Sáu in trong lòng đáy giếng sâu. Nước giếng mát lạnh, chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch đá tổ ong thánh thót rớt xuống. Giếng chùa này quí lắm. Nước rất ngọt. Cụ Sáu nghiện trà tàu vì nước giếng chùa này. Cụ sở dĩ không nghĩ đến đi đâu xa là vì không đem theo được nước giếng chùa này đi để pha trà. Chỉ nước giếng chùa đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Đã mươi năm nay, bao giờ uống trà của chùa, cụ Sáu cũng được cái vinh dự pha trà và chuyên trà thay nhà chùa”.


 “Cụ Sáu nếu không đam mê cái phong vị trà, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi ông ta không màng. Phá hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái quí nhãn tiền không bằng một ấm trà tàu”.


 “Cụ Sáu nghe kể đến đấy thì thích quá vỗ đùi kêu to lên: Giá cái lão ăn mày sành trà ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời lão đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà tôi phần nhiều toàn ấm song, rất quí”.


 “Bây giờ cụ Sáu đã sa sút lắm rồi, lo lấy bữa cơm còn khó, chứ đừng nói chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quí lắm, gói giấy dắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ mới đem ra pha uống”.


II-  “Buổi sớm mùa đông nào cụ Kép cũng dậy từ lúc còn tối đất.


Trên chiếc chiếu cạp điều đã sờn cạnh cụ đã bày ra đấy nào là khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất. Cái điếu bát vẽ mai hạc kêu vang lên một hồi rất dòn, rất đều. Khói thuốc lào đặc sánh bao trùm lấy ánh sáng yếu ớt của một ngọn đèn dầu”.


 “Trong cảnh trời đất lờ mờ chưa đủ phân rõ phần đêm và phần ngày, ông cụ có cái phong thái một triết nhân ngồi tính bước đi của thời gian. Cuộc đời hồi tỉnh lại dần dần”.


 “Cụ phẩy quạt nan phành phạch theo một nhịp nhanh chóng trước cửa hỏa lò. Hòn than tàu lép bép nổ nghe vui tai. Một lát, từ ruột ấm đồng nung nấu đã lâu, có tiếng thở dài của khối nước sắp biến thể. Nước đã lên tiếng để nhắc người ta nghĩ đến nó”.


 “Cụ cũng thở đánh phù một cái, như khi người ta được gặp lại bạn cố nhân sau nhiều giây phút mong chờ”.


 “Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quỳ. Cụ thong thả sửa soạn kỹ lưỡng. Đến cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng  ngắm nghía mãi”.


 “Nước sôi già lắm rồi. Nhưng theo thói quen cụ vẫn rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, cụ sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai”.


 “Mỗi sáng, với cụ chỉ hai chén con là đủ. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc nhiều quá. Pha trà cho mình cũng như pha mời khách, cụ đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu ấy đã trở nên lễ nghi”.


“Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”.


 “Sau mỗi lần nhỡ gặp phải ông khách tạp, uống trà rất tục, cụ Kép lại thường nói với vài bạn nhà nho: một bộ đồ trà chỉ có đến bốn cái chén quân thì các cụ đủ biết cái thú uống trà không có thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Khi ấy chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất làm lấy cả; không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết thành kính”.


“Bây giờ, mỗi buổi trà sớm, ngồi uống một mình, cụ lại nhớ tiếng ngâm của quan Đốc, thầy học của cụ thời xưa:


 Bán dạ tam bôi tửu           


Bình minh sổ chản trà                        


Mỗi nhật cứ như thử                           


Lương y bất đáo gia”                        


Nghĩa là:


 Mỗi tối ba chén rượu


Sáng sớm mấy tách trà


Hằng ngày cứ như thế


Thầy thuốc không đến nhà”


 


 “Sớm nay cụ ấm cũng ngâm thơ. Cụ tin rằng ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là cách vận động thần khí kỳ diệu nhất của một người sống  bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong và uống trà là để giữ mình cho lành mạnh”./.


Chú thích:  


(1) Tịn: tận, cùng, hết (âm Việt cổ)


(2) Ghín: gánh (âm Việt cổ)


(3) cái=vợ, (âm Việt cổ), khi nhàn chẳng có ai nói chuyện thì có cây  quýt chè làm bạn cho đỡ buồn, ra chơi với cây chè cũng như bàn bạc với vợ.


(4)Xuýt ải: xuýt xoa, phàn nàn, (âm Việt cổ).


 


Viên Minh Tự, nhằm Trung Thu 2006


                                                  Huệ Minh biên soạn


Tài liệu được sử dụng:


– Chén trà Nhật bản- Okakua Kakuzo;


– Nguyễn Trãi Toàn tập


– Vũ trung tùy bút- Phạm đình Hổ;


– Tuyển tập Nguyễn Tuân;


– Trung Quốc nhất tuyệt- Lý duy Côn…