Lời phi lộ: Vào năm 2004 – giữa lúc cuộc tranh cử tổng thống của hai ứng viên George W. Bush (Bush Con) và John Kerry diễn ra gay go, một tài liệu nói rằng George W. Bush đã trốn tránh chiến tranh Việt Nam bằng cách chạy chọt để vào Lực Lương Phòng Vệ Tiểu Bang Texas do Dan Rather tung ra trong chương trình CBS’60 Minutes buổi tối với hằng triệu khán giả.
Tin này có thể làm lật cán cân chiến thắng về phía TNS. John Kerry. Nhưng sau đó CBS đã phải sa thải Dan Rather vì họ không sao chứng minh được tính cách xác thực của tài liệu loan đi, chấm dứt 54 năm sống đế vương và đầy quyền thế trong nghành truyền hình của Dan Rather.
Sau đó CBS cũng sa thải luôn bà Mary Mapes là người chịu trách nhiệm sọan thảo chương trình và 03 producer (người sọan thảo chương trình) khác có liên quan đến bản tin của Dan Rather.
Rồi vào ngày 07 Tháng 06, 2010, bà Helen Thomas- một phóng viên chuyên lấy tin từ Tòa Bạch Ốc cũng đã chấm dứt sự nghiệp đầy vinh quang của mình trong 50 năm chỉ vì những lời tuyên bố về Do Thái gây chỉ trích từ khắp mọi phía.
Hai sự kiện nêu trên khiến tôi thắc mắc tự hỏi không biết các hãng thông tấn, các tòa báo, các hãng truyền hình Hoa Kỳ đã tuân thủ những quy tắc đạo đức nào mà họ sẵn sàng sa thải ngay, chứ không phải chỉ xin lỗi khơi khơi, khi phóng viên, ký giả hoặc người phụ trách chương trình của họ phạm phải lỗi mà công luận Hoa Kỳ không tha thứ. Quy tắc đạo đức đó ra sao? Từ đó tôi tò mò tìm kiếm và may mắn có được, nay xin cống hiến quý vị xem chơi cho biết.
Nhưng trước khi dịch tòan văn tài liệu nhan đề Society of Professional Journalist: Code of Ethics tôi xin mạo muội làm rõ nghĩa hai chữ Professional Journalist. Professional Journalist theo tôi – có nghĩa là những ký giả/thông tín viên/nhà báo chuyên nghiệp, làm việc có trả lương (có khi lên tới vài chục triệu), có thẻ ký giả của một tòa báo, hãng thông tấn, hãng truyền hình nào đó, chứ không phải là những người viết free (không lương), không thẻ hành nghề, hứng thì viết chơi và không chính thức là nhân viên của một tòa báo, hãng tuyền hình hoặc hãng thông tấn nào.
Sau hết, tiêu chuẩn quan trọng nhất của một cơ quan truyền thông có đạo đức là cho phép người bị tố cáo, người bị kết tội có tiếng nói phản biện hay trình bày sự thực ngay trên trang báo hay chương trình truyền hình của mình.
Society of Professional Journalists: Code of Ethics
I – Lời Mở Đầu (Preamble)
Hội viên của Hiệp Hội Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ tin rằng công luận sáng tỏ là điềm báo trước cho công lý và là nền tảng của dân chủ. Chức năng của các ký giả là xúc tiến những mục tiêu đó và cung ứng một bản tường trình công bằng, toàn diện về một biến cố hay một vấn đề. Ký giả có lương tâm của tất cả cơ quan truyền thông hoặc các ngành truyền thông chuyên biệt – nỗ lực phục vụ công chúng một cách hòan hảo và công bằng.
Chính trực trong nghiệp vụ là trụ cột tạo uy tín cho ký giả. Các hội viên của Hội cùng chia xẻ, cống hiến vào tác phong đạo đức, đồng thời chấp thuận và công bố những những quy tắc của Hiệp Hội cùng những tiêu chuẩn hành nghề như sau:
II- Tìm Kiếm Sự Thực Và Tường Trình ( Seek Truth And Report It)
Ký giả phải chân thật, công bằng và can đảm trong việc thu lượm tin tức, tường trình và giải thích nguồn tin. Ký giả/phóng viên phải:
– Kiểm chứng lại tính xác thực của tin tức từ tất cả các nguồn gốc, tránh sơ suất. Không bao giờ được bóp méo tin tức.
– Nỗ lực tìm cho ra chủ thể/nhân vật chính của bản tin để họ có cơ hội trả lời về những cáo buộc.
– Nhận ra các nguồn tin khi nào thấy đáng tin. Công chúng đòi hỏi sự xác tín càng nhiều càng tốt từ nhiều nguồn tin.
– Luôn luôn hỏi động cơ (motives) tức lý do tại sao trước khi ghi “anonymity” tức “người cho tin xin được phép giấu tên”.
– Phải bảo đảm rằng những tin hàng đầu, tin diễu cợt, tài liệu quảng cáo, hình ảnh, video, phát thanh, tranh vẽ/chữ, một đọan của diễn văn/ đọan văn ngắn, lời trích dẫn…không được trình bày sai lạc. Cũng không thể quá đơn giản hoặc “phóng đại tô màu” (highlight) thêm làm sai lạc nội dung.
– Không được bóp méo nội dung của tin lấy ra từ hình ảnh (news photos) hoặc đoạn băng thu hình (video). (1) Luôn luôn phải xin phép khi dùng hình ảnh để làm phong phú thêm cho bản tin. Phải phụ chú các hình ảnh đính kèm theo tin.
– Tránh hướng dẫn sai lạc khi diễn lại các sự kiện xảy ra trong quá khứ (re-enactments) (2). Nếu sự diễn lại là cần thiết thì cần phải phụ chú.
– Tránh giả dạng hoặc dùng những phương pháp lén lút để thu lượm tin, ngọai trừ khi nào những phương thức công khai thường lệ không thể khai thác tin rất cần thiết cho công luận. Khi dùng tới phương thức này thì phải giải thích trong bản tường trình.
– Không bao giờ được ăn cắp tin (của người khác)
– Can đảm tường trình khi tin tức có tính cách đa chủng hoặc có tính cách nghiêm trọng cho dù có trái với ý muốn của công chúng đi nữa.
– Xem xét giá trị văn hóa của bản tin và tránh gán ghép những giá trị văn hóa đó cho người khác. (3)
– Tránh thiên kiến về chủng tộc, phái tính, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, địa lý, khuynh hướng về dục tính, khuyết tật, hình dáng con người và địa vị xã hội.
– Hỗ trợ cho việc đổi chất công khai các quan điểm, cho dù các quan điểm đó mình không thích (ghét).
– Cho người không có tiếng nói được cơ hội nói và những nguồn tin chính thức cũng như không chính thức đều có giá trị ngang nhau.
– Phải phân biệt rõ sự bênh vực và tường trình khách quan. Khi có phân tích hoặc bình luận thêm thì phải nêu rõ và không được trình bày sai lạc sự kiện hay nội dung.
– Phải phân biệt rõ tin lấy ra từ các quảng cáo (4) và tránh lọai pha trộn làm mờ ranh giới giữa hai lọai.
– Phải ghi nhận một trách vụ đặc biệt – nếu là công việc chung (việc công) thì phải được điều hành một cách công khai và các tài liệu/hồ sơ phải được mở cho mọi người xem xét.
III- Giảm Thiểu Tại Hại (Minimize Harm)
Ký giả có lương tâm (đạo đức) phải đối xử với nguồn cung cấp tin tức, người bị đề cập tới (chủ thể của tin), đồng nghiệp như một con người và phải kính trọng họ. Ký giả/phóng viên phải:
– Bày tỏ sự bao dung (compassion) đối với những ai bị ảnh hưởng xấu hoặc bị thù ghét vì bản tin. Phải tế nhị trong khi tiếp xúc với trẻ em, các người cho tin hoặc chủ thể của bản tin thiếu kinh nghiệm. (5)
– Phải tế nhị khi lấy tin, phỏng vấn hoặc chụp hình những ai đang phải trải qua một thảm nạn hoặc tình cảm đớn đau. (6)
– Phải biết rằng khi săn tin rồi tường trình, bản tin đó có thể gây thiệt hại hoặc tạo buồn phiền cho người ta. Thu lượm tin tức không phải là cái bằng để kiêu ngạo (license for arrrogance).
– Phải nhớ rằng công dân thường có nhiều quyền kiểm sóat các dữ kiện liên quan đến cuộc đời họ hơn là các viên chức chính quyền hoặc những người đang vận động tranh cử, hoặc đang tạo ảnh hưởng hoặc đang muốn gây sự chú ý của quần chúng. (7) Chỉ khi nào quyền lợi công cộng cao hơn thì mới có thể biện minh cho sự xâm phạm vào đời tư cá nhân.
– Hãy trình bày đúng mức (good taste). Tránh việc dẫn dắt tới những gì lạ lùng gớm ghiếc.
– Phải thận trọng khi nhận dạng (nêu danh tính) những nghi can vị thành niên hay nạn nhân của những vụ hãm hiếp/xâm phạm tiết hạnh.
– Phải suy nghĩ chín chắn trong việc nói rõ danh tính những can phạm hình sự trước khi có hồ sơ truy tố chính thức.
– Phải quân bình giữa quyền nghi can được xét xử công bằng và quyền của công chúng được biết rõ nội vụ.
IV- Hành Động Độc Lập (Act Independently)
Ký giả/phóng viên không đặt một thứ quyền lợi nào khác hơn là quyền của công chúng được quyền biết sự thật. Ký giả/phóng viên phải:
– Tránh mâu thuẫn về quyền lợi (conflict of interest) trước mắt hay có thể cảm nhận thấy. (8)
– Không dính líu tới các hội đoàn, các họat động để tránh gây tổn thương đến sự chính trực và uy tín của mình.
– Từ chối quà cáp, ưu đãi, chi phí, du lịch miễn phí, đặc quyền đặc lợi, tránh công việc phụ thêm, tham gia vào chính trị, cơ quan công quyền hoặc các dịch vụ của các tổ chức cộng đồng nếu nó làm tổn thương đến sự chính trực của ký giả.
– Công bố các đụng chạm/tranh chấp không thể tránh né được.
– Cảnh giác và can đảm giữ gìn những điều đó với tinh thần trách nhiệm.
– Từ chối đặc ân của các nhà quảng cáo, các nhóm quyền lợi và chống lại áp lực của họ muốn gây ảnh hưởng tới việc loan truyền tin tức.
– Cảnh giác với những người cung cấp tin khi đòi đặc ân hoặc tiền bạc, tránh trả giá để lấy tin.
V- Phải Có Tinh Thần Trách Nhiệm (Be accountable)
Phóng viên/ký giả phải có tinh thần trách nhiệm với độc giả, thính giả, khán giả và với nhau. Ký giả/phóng viên phải:
– Làm sáng tỏ và giải thích sự loan tải tin tức đồng thời mời đối thọai với công chúng về chức năng của ký giả.
– Khuyến khích công chúng không nên than phiền giới truyền thông.
– Thú nhận lỗi lầm và sửa chữa ngay.
– Phơi bày (không dấu diếm) lối hành xử thiếu đạo đức của ký giả và cơ quan truyền thông.
– Cam kết tôn trọng những tiêu chuẩn cao mà những tiêu chuẩn này ứng dụng cho người khác.
* * *
Tiêu Chuẩn Đạo Đức Của Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ được hằng chục ngàn ký giả tự nguyện tôn trọng không phân biệt nơi chốn hay chỗ đứng và được áp dụng rộng rãi trong phòng làm tin và lớp học như là một tiêu mẫu cho hành vi đạo đức. Bản tiêu chuẩn không phải là một lọat những” luật lệ”mà là nguồn tham khảo cho việc quyết định có tính cách đạo đức. Nó không phải – và không nằm dưới Tu Chính Án Số Một- có tính cưỡng hành pháp lý.
Bản sao của văn bản này được chấp thuận trong Đại Hội Tòan Quốc Của Ký Giả Hoa Kỳ năm 1996, sau nhiều tháng nghiên cứu và thảo luận giữa các hội viên. Tiêu Chuẩn Đạo Đức Đầu Tiên của Sigma Delta Chi (tên khác của Hiệp Hội Ký Giả Chuyên Nghiêp Hoa Kỳ) được vay mượn từ Hiệp Hội Các Nhà Biên Tập Báo Chí Hoa Kỳ năm 1926. Năm 1973, Sigma Delta Chi tự soạn lấy bản tiêu chuẩn đạo đức, sau đó bản này được duyệt lại vào các năm 1984, 1987 và 1996.
Người dịch: Thiện Quả Đào Văn Bình (9)
Chú thích của người dịch:
(1) Ví dụ hai nguời đàn ông và đàn bà nói chuyện riêng với nhau bên lề một cuộc họp, hội nghị, không thể bóp méo bằng cách ghi chú dưới bức hình rằng hai người đang tình tự với nhau.
(2) Diễn lại một vụ án giết người
(3) Thí dụ, một người của chủng tộc A ăn cắp, không thể suy diễn là cả chủng tộc của họ ăn cắp.
(4) Như các quảng cáo tranh cử
(5) Ngu ngơ, còn chưa quen với báo chí.
(6) Chẳng hạn một tai nạn máy bay thảm khốc, hoặc gia đình người ta đang đau đớn vì có người bị giết chết v.v…
(7) Muốn nổi tiếng bằng cách đưa tin giật gân ngày nay gọi là “giựt tít”..
(8) Ví dụ làm một phóng sự tố cáo sự bê bối của một thẩm mỹ viện trong khi vợ mình đang làm chủ một thẩm mỹ viện khác và là đối thủ của thẩm mỹ viện nói trên.
(9) Chắc chắn bản dịch không hòan hảo. Nếu vị nào có bản dịch chính xác hơn xin gửi cho trong tinh thần khiêm tốn học hỏi. Chân thành cảm tạ.