Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Tiêu chuẩn cho người Phật tử Việt Nam

Tiêu chuẩn cho người Phật tử Việt Nam

729

Nếu không, chúng ta sẽ hoạt động với tính chất cục bộ và giậm chân tại chỗ. Như vậy, ngay từ bây giờ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần thực hiện ngay công tác thống kê và đưa lên trang web hoặc thông tin trên báo.


 


Tuy nhiên, trong một số báo Giác Ngộ cách đây khoảng hơn một năm, chúng tôi có đọc được bài viết của HT. Trí Quảng, trong đó có một chi tiết là Phật giáo Việt Nam hiện nay có khoảng 40.000 Tăng Ni với 10 triệu tín đồ, trong khi Thiên Chúa giáo có khoảng 2000 tu sĩ với 8 triệu tín đồ, từ đó có sự so sánh và chúng ta đông tu sĩ nhưng quản lý tín đồ yếu hơn. Thông tin này Hòa thượng khai thác từ nguồn nào? Có chính xác? Như vậy, cần đối chiếu để tìm ra con số chính xác nhất.


 


Liệu có thể thống kê từ các tự viện, tổng hợp thành số liệu của Tỉnh hội Phật giáo, rồi tổng hợp thành số liệu cả nước. Nhưng quan trọng là cách tính như thế nào để con số tương đối chính xác?


 


Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều tự viện, hỏi thử tín đồ là bao nhiêu, thì quý trụ trì nói rất mơ hồ. Có vị trả lời là không biết. Có vị căn cứ trên số người đi chùa vào lễ Phật đản hoặc Vu lan. Có vị căn cứ trên số người đến sám hối, tụng kinh, hoặc căn cứ vào phái quy y đã cấp v.v.v… Thiết nghĩ, tất cả những số liệu này đều không phù hợp.


 


Thứ nhất, người đi lễ Phật đản, lễ Vu Lan có thể chỉ là người theo đạo một cách cảm tính, cha mẹ ông bà hồi trước đi thì nay mình cũng đi, hoặc đi cho vui, y như đi Noel vậy; thậm chí đi để ăn cỗ thôi, cũng có. Xong lễ rồi, quanh năm chẳng bao giờ thấy họ đến chùa nữa, hoặc không hề tụng kinh, nghe pháp, ngay cả thọ Tam quy, ngũ giới cũng chưa, thì làm sao gọi là Phật tử?


 


Thứ hai, người tiến bộ hơn, có đi chùa thường xuyên để công quả, đóng góp tài vật, tụng kinh, lạy sám hối, nhưng không biết tí gì về Tam bảo, Ngũ giới, lịch sử Đức Phật… Nghe qua có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó là sự thật. Họ tụng hết kinh Pháp hoa đến Dược sư, Địa tạng, rồi đọc rất nhiều bài chú phức tạp, vậy mà không nắm được những điều cơ bản nhất. Đa số họ là người lớn tuổi, trung bình từ 50 – 70. Vậy có thể gọi họ là Phật tử?


 


Thứ ba, có người ham học Phật pháp, có trình độ hiểu biết, nhưng lại không có thời giờ rảnh rỗi để đến chùa thường xuyên tụng kinh, sám hối, công quả. Đối tượng này thường là giới trẻ, trí thức, đang tuổi thành đạt hoặc học hành, nên rất bận việc cơ quan, trường lớp. Độ tuổi thường từ 18 – 45.


 


Thứ tư, người được cấp phái quy y nhưng rời quê đi nơi khác làm ăn, hoặc người có phái chùa này sau lại thích đi chùa khác, hoặc người có phái mà không đi chùa, không học pháp, ngược lại người đi chùa, đi học lại chưa làm lễ quy y…


 


Nhìn chung, có bốn đối tượng tín đồ như thế, vậy phải lấy số lượng thống kê từ đâu? Nếu Giáo hội không đặt tiêu chuẩn thống nhất thì sẽ có những con số thống kê sai lệch. Chúng tôi xin gợi ý như sau:


 


Tiêu chuẩn cho người Phật tử


 


Ý kiến của tác giả Nguyễn Kha về một cuốn cẩm nang chung để tín đồ học và vượt qua kỳ sát hạch trước khi cính thức được công nhận là Phật tử quả là một đề xuất hay. Bởi nói thẳng thắn rằng, chất lượng Phật tử chúng ta chưa cao, chưa đều. Vì vậy cần phải bồi dưỡng một cách có hệ thống. Hiện nay chúng ta vẫn đang tự mày mò trong việc giảng dạy cho Phật tử, nghĩa là chùa nào dạy được thì dạy, không thì thôi, và dạy theo sách nào, bài nào thì dạy, chẳng có tiêu chuẩn chung để đánh giá thống nhất.


 


Tuy nhiên, chúng tôi nhận xét rằng:


 


– Tiêu chuẩn ấy khá cao so với mặt bằng dân trí của đa số tín đồ, đặc biệt vùng nông thôn. Trong khi thực tế chúng ta thấy đi chùa phần đông là người già. Nếu chỉ máy móc theo giáo trình đó chắc không còn ai là Phật tử, xem ra đạo Phật sẽ “vắng hoe”!


 


– Tiêu chuẩn ấy cũng đòi hỏi một lực lượng giảng sư khá hùng hậu, có học trường lớp đàng hoàng để giảng dạy, chứ không thể nào cầm sách tự học nổi. Mà thực tế ở nông thôn, thậm chí các quận huyện ngoại thành của thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ… đang rất thiếu giảng sư. Nhiều chùa chỉ có vị trụ trì già yếu, không học hành chi cả. Vậy ai sẽ dạy tín đồ, ai sẽ sát hạch để họ được công nhận?


 


Chúng tôi xin đề xuất phương án chia ra nhiều cấp bậc Phật tử, từ đó soạn nội dung cuốn cẩm nang với trình độ tương ứng.


 


1. Phật tử cảm tình: nghĩa là còn đứng vòng ngoài, chỉ đi chùa, đi lễ cho vui, đôi chút tín ngưỡng nhưng chưa thiết tha, chưa ham công phu, bái sám, chưa ham học Phật pháp. Dạng này không được cấp phái quy y, cũng không có số liệu thống kê, vì muốn thống kê cũng khó, họ đi chùa này một chốc lại ghé chùa khác, có khi một ngày lễ họ ghé 5 chùa, không lẽ 5 chùa báo cáo thì con số sẽ nhân lên gấp 5 lần. Trụ trì chỉ ghi nhận rồi từ đó lên kế hoạch thuyết phục họ vào đạo chính thức.


 


2. Phật tử căn bản: dạng này có thể tính đại trà và hạ thấp tiêu chuẩn xuống. Cụ thể yêu cầu họ nắm được các khái niệm sơ bộ về


 


a-       Bối cảnh Phật giáo: lịch sử Đức Phật; tên tuổi một số vị Hòa thượng nổi tiếng hiện nay (chẳng hạn HT. Thanh Từ, HT. Từ Thông, HT. Trí Quảng…)


b-       Tu học: quy y Tam bảo; ngũ giới; biết tụng kinh Nhật tụng và biết lạy Hồng danh sám hối.


c-       Hành hoạt trong đời sống:


          Thọ lễ quy y, nhận pháp danh, nhận bổn sư


          Ăn chay mỗi tháng tối thiểu 2 ngày


          Đến chùa lễ Phật, tụng kinh nghe pháp tối thiểu mỗi tháng 1 lần


          Cúng dường Tam bảo mỗi năm tối thiểu 2 lần


          Tham gia công tác từ thiện của Giáo hội mỗi năm tối thiểu 2 lần


          Tham gia các ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu Lan, Phật thành đạo


          Tôn trọng pháp luật quốc gia, làm công dân tốt, sống lương thiện


 


3. Phật tử thuần thành: trình độ tu học và hành hoạt đều nâng cao. Bài vở nhiều hơn và chi tiết hơn


a- Bối cảnh Phật giáo


          Lịch sử Đức Phật


          Lịch sủ hình thành và phát triển Phật giáo thế giới


          Lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam


          Lịch sử và ý nghĩa thời đại Lý – Trần


          Phong trào chấn hưng Phật giáo thập niên 1930


          Cuộc vận động bình đẳng tôn giáo tại miền Nam 1963


          Sự nghiệp vài nhân vật Phật giáo và sự tích vài thắng tích Phật giáo nước ngoài


          Sự nghiệp vài nhan vật Phật giáo và sự tích vài cổ tự Việt Nam


          Cơ cấu tổ chức và vài hoạt động quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay


          Chính sách của Nhà nước đối với Phật giáo


          Phật giáo chủ yếu khác với các tông giáo khác ở chỗ nào.


 


b- Tu học


          Nắm rõ những giáo lý cơ bản về Quy y, Tam bảo, Ngũ giới, lý Nhân duyên, lý Duyên khởi, Luân hồi, Nhân quả, Vô thường, Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Tam pháp ấn, Tam vô lậu học…


          Tổng qua về ba tạng kinh điển


          Chọn lọc và suy nghiệm về một hoặc hai kinh Tiểu thừa phù hợp


          Chọn đọc và suy nghiệm về một hoặc hai kinh Đại thừa phù hợp


          Một số nghi thức tụng niệm


          Chọn một pháp môn để tu, như niệm Phật, thiền, trì chú


 


c- Hành hoạt trong đời sống


          Thọ lễ quy y, nhận pháp danh, nhận bổn sư


          Ăn chay mỗi tháng tối thiểu 6 ngày


          Đến chùa lễ Phật, tụng kinh nghe pháp tối thiểu mỗi tháng 2 lần


          Cúng dường Tam bảo mỗi năm tối thiểu 3 lần


          Tham gia công tác từ thiện của Giáo hội mỗi năm tối thiểu 3 lần


          Tham gia các ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu Lan, Phật thành đạo


          Khuyến khích người trong gia đình đi chùa, quy y, tu và học


          Phổ biến kinh sách, báo chí, băng đĩa thuyết pháp, tài liệu, nghệ phẩm Phật giáo đến người khác, hoặc chính mình đi giảng dạy Phật học


          Tôn trọng pháp luật quốc gia, làm công dân tốt, sống lương thiện


 


Ghi chú:




  • Phật tử căn bản chủ yếu tu dưỡng cho bản thân, còn Phật tử thuần thành tiến đến thuyết phục cả những người chung quanh cùng nhau tu học


  • Tất nhiên có sự chia sẻ qua lại giữa các tiêu chuẩn. Ví dụ người chỉ học 50% giáo trình đòi hỏi nhưng bù lại họ tụng kinh, ăn chay, thọ bát nhiều hơn, cũng được gọi là Phật tử thuần thành. Ngược lại, người tụng kinh, ăn chay chỉ 50% yêu cầu nhưng học nhiều hơn, hoặc dụng công niệm Phật, ngồi thiền nhiều hơn, cũng được công nhận thuần thành.


  • Có thể chia Phật tử thuần thành ra 2 hoặc 3 cấp bậc nữa, và soạn sách phù hợp, để họ phấn đấu dần dần, đỡ thối chí.


  • Nếu địa phương không đủ giảng sư dạy và sát hạch bài vở thì nên tận dụng đội ngũ Tăng Ni sinh năm thứ 3, thứ 4 tại các trường Trung cấp Phật học mà tỉnh nào cũng có. Trình độ Trung cấp Phật học đủ sức dạy những kiến thức căn bản ấy. Trước khi Tăng Ni sinh đi dạy, Tỉnh hội hoặc nhà trường nên tập huấn trước cho Tăng Ni sinh về kiến thức trong cẩm nang, về phương pháp đứng lớp, về cách soạn giáo án v.v.. Nên đưa hẳn tiêu chí này vào chương trình ngoại khóa, coi như điểm thực tập. Sinh viên trường sư phạm thì đi thực tập giảng dạy, sinh viên y khoa thì thực tập khám chữa bệnh, trong khi sinh viên Phật giáo chẳng hề thực tập, làm sao ra hoằng pháp cho được. Ngay cả lực lượng Tăng Ni sinh cao đẳng cung cấp mỗi khóa ra trường mấy trăm vị, mà được sử dụng chỉ chừng 10%, trong lúc các địa phương thiếu người giảng dạy trầm trọng, liệu có mâu thuẫn không?


  • Trụ trì có thể cấp phái quy y cho tín đồ, vì phái quy y thể hiện tâm nguyện thiết tha vào đạo. Nhưng từ tâm nguyện phải phấn đấu tu học đàng hoàng mới được gọi là Phật tử. Kinh nghiệm cho thấy, đa số quý trụ trì quy y cho tín đồ quá dễ dãi, có khi chưa biết tam bảo là gì cũng được cấp ngay một tờ phái. Thôi cứ cho rằng trước tiên cấp phái quy y để học phấn khởi đi tiếp con đường, nhưng khi vượt qua kỳ sát hạch căn bản xong, tín đồ mới được cấp Giấy chứng nhận Phật tử căn bản do Tỉnh hội ký, có nghĩa là mới được chính thức công nhận trong số liệu thống kê. Nếu vượt qua những kỳ sát hạch tiếp tục thì được cấp Giấy chứng nhận Phật tử thuần thành cấp 1, cấp 2…


  • Đến kỳ sát hạch, nếu Phật tử ở vùng nông thôn, ở xa, thì Tỉnh hội nên cử giảng sư hoặc chính Tăng Ni sinh xuống tận nơi để tổ chức. Một bài kiểm tra chừng vài tiếng đồng hồ là xong, giảng sư đem về chấm điểm, công bố sau. Như thế tiện cho chùa, đỡ vất vả cho Phật tử.

 


Tóm lại, Phật tử Việt Nam cần được thống kê lại số lượng và chất lượng, để tiến tới một chiến lược bồi dưỡng và phát triển trên diện rộng, đồng bộ. Vậy việc soạn một cuốn cẩm nang là rất cấp bách, vì có những kiến thức không thể tìm đâu ra trong các ấn phẩm đang phát hành tại nhà sách. Ví dụ về cơ cấu tổ chức và vài hoạt động quan trọng của GHPGVN hiện nay, chính sách của Nhà nước VN đối với Phật giáo. Phật tử chúng ta dù có học nhiều bộ kinh đi nữa cũng rất mù mờ và lạc hậu tình hình bởi không có ai cung cấp thông tin. Chúng tôi hi vọng Giáo hội sẽ bắt tay vào khẩn trương, và điều này hoàn toàn khả thi, không hề quá sức.


 


Quảng Pháp (Theo Nguyện san Giác Ngộ 10/2006)


 







Ý kiến độc giả


Quốc Phong – Hải Dương (phonghdvn…@yahoo.com)


Tôi thấy tác giả Quảng Pháp đưa ra tiêu chuẩn Phật tử rất phức tạp, khó khả thi, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay. Tôi nghĩ đa số người Việt Nam đã mang trong mình truyền thống Phật giáo, đã là Phật tử từ nhiều đời nhiều kiếp. Hơn nữa, là một tôn giáo dân gian, gắn với đời sống tâm linh của số đông quần chúng nên nếu quá câu nệ vào tiêu chuẩn thì cũng không để giải quyết vấn đề gì. Theo tôi số lượng Phật tử bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là truyền bá giáo lý Phật đà, đem lại lợi lạc cho mọi người. Và theo tôi, đơn giản là thọ Tam quy, Ngũ giới thì được coi là Phật tử. Không cần phân biệt thuần thành hay cơ bản. Chúng ta có thể tôn vinh Phật tử qua các cuộc thi giáo lý, các việc thiện hàng ngày… Còn muốn thống kê số Phật tử, cách đơn giản nhất là qua thống kê phái quy y, tất nhiên khó chính xác, nhưng chẳng có thống kê nào là hoàn hảo cả. Nhưng điều tôi rất trăn trở giống như tác giả Quảng Pháp là cần có một sổ tay Phật tử, in khổ nhỏ, trong đó có các thông tin cơ bản nhất dành cho người chưa biết đến đạo, rồi phát miễn phí tại các chùa. Giá thành chỉ khoảng 500 – 1000 đồng/quyển.


Lê Vũ Sơn – Australia (sonvic…@gmail.com)


Phật khác với một số các tôn giáo khác, đặc biệt là Thiên Chúa giáo ở chỗ tín đồ Phật giáo không liên hệ chặt chẽ với chùa hay giáo hội. Vì vậy việc thống kê số Phật tử rất khó. Thường chỉ Tổng cục Thống kê mới đủ khả năng làm việc này, tuy nhiên có hiện tượng người theo Phật giáo nhưng khai là tôn giáo không vì nhiều lý do.