Trang chủ Văn học Tùy bút Tiếng gọi đò

Tiếng gọi đò

329

Bao giờ tôi cũng buồn man mác, một nỗi buồn không sao cắt nghĩa được. Dường như tiếng gọi đò cho tôi cảm thấy khiếp người dễ trôi giạt lắm trong khi cuộc đời thì vô cùng vô tận. Sau tiếng gọi đò là tiếng khỏa nước của mái chèo. Chẳng cần nhìn tận nơi, tôi cũng hình dung rõ mồn một vẻ mặt im lìm của chị lái đò. Chị chẳng để ý đến người gọi là ai. Việc của chị là đưa họ qua sông.


Tiếng gọi đò ăn sau vào ký tức tôi. Lâu lâu không nghe được, tự dưng tôi thấy thiếu vắng.


Sau khi công trình thủy điện tỉnh nhà hoàn thành, sông Cù quanh năm cạn trơ đến đáy. Mặt sông phủ kín rau muống bè và bèo Nhật Bản. Nơi bến đò xưa, người ta bắc một chiếc cầu gỗ, trông như chiếc cầu vồng nhưng vô cùng thô kệch. Song, tiện lợi của nó thì không thể phủ nhận. Đám thanh thiếu niên có thể vẫn ngồi nguyên trên xe đạp, xe máy lao vụt qua trong tiếng hét sợ hãi và thán phục của ai đó. Chẳng ai nhớ và hình dung nổi xưa kia, nơi dòng sông nhỏ đến mức có thể lấy đà nhảy qua từng là bến đò. Và như vô số sự lãng quên ở đời, chị lái đò góa chồng cũng biến mất hút khỏi ký ức của mọi người. Nghe đâu cuối cùng chị cũng tìm được một nơi neo đậu mới cho đời mình. Chồng chị bây giờ là ông khách lỡ đò năm nào, quyết chờ đến sáng mà không gọi đò.


Từ ấy, tiếng gọi đò chỉ còn lại trong giấc ngủ chập chờn giật mình vì tiếng động mạnh. Mỗi bận như vậy, tôi thường dỏng tai về phía bến đò xưa. Và lạ thế, chẳng cơn cớ gì cũng cứ thảng thốt, cứ nghĩ ngợi đâu đâu để rồi cứ buồn.


Một đêm mưa nọ, đúng vào đêm tôi ngủ lại căn nhà xưa, chợt vang lên tiếng gọi đò. Tiếng gọi của người đã luống tuổi. Bọn trẻ con cười phá lên. Ông khách nào mà lại ngớ ngẩn đến thế! Tôi chẳng tìm được cớ gì để mắng chúng. Chúng chẳng liên quan gì với nỗi buồn của tôi nhân việc ai đó vừa tha hương trở về…