Trang chủ Bài nổi bật Tiền Giang: Tăng ni, phật tử sát cánh xây dựng vùng quê...

Tiền Giang: Tăng ni, phật tử sát cánh xây dựng vùng quê Tân Phước thêm tươi đẹp

69
Với tinh thần sống tốt đời đẹp đạo, bằng những việc làm cụ thể, các chức sắc, tăng ni, phật tử huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đã và đang sát cánh cùng chính quyền địa phương hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024. Đặc biệt là vận động, đóng góp xây dựng cầu đường nông thôn, hoạt động thiện nguyện, cùng HTX tham gia hình thành các vùng sản xuất chuyên canh.

Cách đây 2 tháng, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Phước phối hợp chính quyền địa phương đã khánh thành, đưa vào sử dụng cây cầu nông thôn có tên gọi là Cầu Mới tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ.

Những tấm lòng thiện nguyện

Cây cầu này với kinh phí 180 triệu đồng, được xây dựng trong hơn 1 tháng, do Sư cô Thích Nữ An Thảo, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Phước, Trú xứ chùa Phú Khánh (xã Phú Mỹ) vận động các nghệ sĩ, cùng các phật tử phát tâm đóng góp.

Cầu Mới ở xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) vừa được đưa vào sử dụng thông qua vận động mạnh thường quân cùng các phật tử phát tâm đóng góp.

Từ khi có cây cầu, việc đi lại và vận chuyển hàng hoá, nông sản của nhân dân địa phương được thuận tiện dễ dàng, góp phần cùng chính quyền địa phương chung tay nâng “chất” về tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Hoặc như hồi năm trước, cũng thông qua sự vận động tích cực của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Phước và Sư cô Thích Nữ An Thảo, đã giúp xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Cát Tường tọa lạc tại ấp Phú Xuân, xã Phú Mỹ với tổng kinh phí 250 triệu đồng.

Bên cạnh những cây cầu nông thôn nêu trên, thời gian qua, Sư cô Thích Nữ An Thảo cùng với phật tử trong và ngoài huyện Tân Phước đã thực hiện nhiều công tác thiện nguyện, an sinh xã hội như xây cầu, cất nhà tình thương, tặng quà các hoàn cảnh khó khăn,…góp phần làm tốt đời đẹp đạo tại xã Phú Mỹ và các xã lân cận thuộc huyện Tân Phước.

Nhất là sư cô đã tích cực vận động, kết nối các mạnh thường quân, phật tử thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, để bà con có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Với phương châm “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, tấm lòng thiện nguyện của Sư cô Thích Nữ An Thảo được chính quyền địa phương đánh giá cao, giúp làm đẹp thêm tinh thần đạo – đời gắn bó.

Thời gian qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Phước đã đạt được nhiều kết quả phật sự quan trọng, nhất là tổ chức xây dựng và phát huy đời sống mới tại các cộng đồng dân cư, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, tích cực tham gia các cuộc vận động: Xây dựng quỹ tình thương, cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai… theo đường hướng mà Giáo hội Phật giáo đã đề ra.

Đồng hành tiến tới mục tiêu huyện nông thôn mới

Như hồi tháng 3/2023, chùa Linh Phước (ở thị trấn Tân Phước, huyện Tân Phước) đã trao 100 phần quà hỗ trợ người khiếm thị và các hoàn cảnh khó khăn trong huyện. Thông qua hoạt động này, chư tăng và Phật tử đạo tràng chùa Linh Phước muốn chia sẻ niềm vui để động viên bà con nghèo đang gặp khó khăn, đặc biệt là người khiếm thị trong huyện nhà cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Những cây cầu nông thôn với sự đóng góp của bà con phật tử giúp vùng quê Tân Phước thêm tươi đẹp.

Ông Phan Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, khẳng định bà con phật tử và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện có nhiều đóng góp quan trọng với địa phương, luôn sát cánh cùng Đảng và Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, góp phần giúp cho huyện Tân Phước tiến tới đạt mục tiêu huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Huyện Tân Phước hiện đang có rất ít cơ sở tự viện Phật giáo (chỉ có 7 ngôi tự viện), thế nhưng tín đồ Phật tử quy y học Phật rất đông. Chính vì vậy, thể theo nguyện vọng của Phật tử địa phương, thời gian gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tân Phước đã thành lập thêm tự viện mới theo quy định của pháp luật và qua đó cũng góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp.

Như hồi tháng 6/2023, chùa Pháp Trí đã được thành lập ở ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh (huyện Tân Phước). Đông đảo bà con phật tử địa phương rất phấn khởi khi có nơi quy ngưỡng tu học Phật pháp và góp phần làm lợi đạo ích đời trong tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.

Cách đây 3 năm, xã Hưng Thạnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, cần ghi nhận công sức đóng góp gần 4,5 tỷ đồng người dân và bà con phật tử địa phương trong việc xây dựng cầu, đường nông thôn.

Hiện, 100% đường trục xã, 3 tuyến đường trục ấp và liên ấp được nhựa hoá. Nhờ bà con phật tử chăm lo phát triển kinh tế, tập trung triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm dưới 1,9%.

Trong xã có HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Thạnh được thành lập cách đây 5 năm với sự tham gia của bà con phật tử, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng trọt và bán buôn nông sản với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2020, HTX đã hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và sau đó mua lại sản phẩm của các thành viên để cung ứng khóm, khoai mỡ cho tiểu thương ở các chợ nông sản ở Tp.HCM như Bình Điền, Thủ Đức và các HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo các hợp đồng đã ký kết với số lượng khoai mỡ cung cấp khoảng 1,2 tấn/ngày và khóm là 1 tấn/ngày.

Cùng HTX hình thành vùng sản xuất chuyên canh

Những năm vừa qua, hoạt động kinh doanh của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Thạnh có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thành viên HTX, tạo ra nguồn cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới ở xã Hưng Thạnh.

Cùng với sự đồng hành của bà con phật tử và HTX đã giúp huyện Tân Phước hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây khóm.

Có thể nói, để tạo nền tảng xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới thì sự đồng hành của bà con phật tử trong phát triển kinh tế hợp tác nhằm tạo sinh kế, nâng cao đời sống là rất quan trọng.

Định hướng sản xuất tập trung, đảm bảo chất lượng và đầu ra ổn định, huyện Tân Phước có 9 HTX và 143 tổ hợp tác hoạt động. Các HTX tập trung hỗ trợ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên; đồng thời nghiên cứu giống khóm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Quyết Thắng ở ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2. Từ sản xuất thủ công với năng suất khóm đạt 1,3 – 1,4 tấn/1.000m2/năm, nay nhờ ứng dụng quy trình VietGAP, năng suất khóm của HTX tăng lên 1,8 – 2 tấn/1.000 m2/năm. Với nguồn cung khóm dồi dào, sản phẩm của HTX hiện đã được cung cấp cho nhiều đơn vị thu mua.

Là một phật tử và cũng là một thành viên của HTX, anh Nguyễn Văn Huệ cho biết nhờ có HTX hỗ trợ rất nhiều như kỹ thuật canh tác, tham gia các hội thảo, tập huấn về khoa học – kỹ thuật, qua đó giúp anh tiếp cận và học hỏi được nhiều kiến thức từ các chuyên gia, kỹ sư.

Bên cạnh tổ chức sản xuất, các HTX trên địa bàn huyện Tân Phước còn liên kết thu mua, tiêu thụ nông sản với nông dân theo mô hình chuỗi giá trị; mở rộng mạng lưới hàng trăm cơ sở thu mua, tiêu thụ, sơ chế sản phẩm cây ăn quả phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Cần nhắc thêm, cùng với vai trò của HTX, huyện Tân Phước đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, toàn huyện đã xây dựng được vùng trồng khóm chuyên canh trên 15.000 ha, với gần 14.000 ha đang cho trái.

Lợi ích kinh tế mà cây khóm mang lại cho người dân, trong đó có bà con phật tử trên địa bàn huyện Tân Phước khá cao và ổn định. Do đó, cây khóm đang được xem là cây trồng chủ lực trên mảnh đất từng được mệnh danh là “rốn phèn, rốn lũ” của vùng Đồng Tháp Mười.

Thanh Loan/VNBUSINESS