Trang chủ Blog chùa Tiền Giang: Pháp hội Mandala tại Ni viện Tịnh Nghiêm

Tiền Giang: Pháp hội Mandala tại Ni viện Tịnh Nghiêm

Sáng ngày 29/10/2016 (nhằm ngày 29/09/năm Bính Thân), tại đạo tràng Ni Viện Tịnh Nghiêm (ấp Mỹ An – xã Mỹ Phong – thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang), NS TN Tịnh Nghiêm – Phó BTS tỉnh, Trưởng Ban Từ Thiện xã hội tỉnh Tiền Giang, cùng Ni chúng và toàn thể quý phật tử đã thiết lễ đàn tràng Dược Sư Mạn Đà La, cầu nguyện phong điều vũ thuận, quốc thới dân an, Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển; đồng thời cầu an cho tất cả bá tánh, vạn dân được tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, thượng đẳng kiết tường.

Buổi lễ dưới sự chứng minh và gia tâm chú nguyện của gần 100 vị Chư tôn đức Tăng già nhị bộ trong toàn tỉnh Tiền Giang.

Cảm nhận được ân đức sâu dày đó và sự hộ niệm cho chúng sinh, vào ngày hoàn đàn Ni sư thiết lập đàn tràng, cung thỉnh Chư tôn đức Tăng Ni đồng niệm Dược Sư hiệu, trì Dược Sư chú, tụng Dược Sư Kinh để tạo một năng lượng, trước hết cùng cầu nguyện quốc thới dân an, thiên tai tiêu diệt, Phật pháp sương minh, Tăng già hoà hợp. Sau nữa, cầu nguyện cho chư tín chủ phát tâm cúng dường Đàn tràng Mạn Đà La Dược Sư hôm nay được vạn sự bình an, cát tường như ý. 

Đúng 8h00” sáng, tại Chánh điện Ni viện Tịnh Nghiêm đã chính thức diễn ra lễ khai đàn Pháp hội Dược Sư Thất Châu Mạn Đà La. 

Quang lâm chứng minh lễ khai đàn có: Chư tôn đức Giáo phẩm chứng minh Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang; Chư tôn đức trong Ban Trị Sự các huyện thị thành; Chư tôn đức Ni thuộc Phân Ban Đặc Trách Ni Giới tỉnh Tiền Giang, cùng Chư tôn Thượng tọa, chư Đại đức Tăng Ni Trụ trì các Tự viện và các phật tử thuộc đạo tràng Pháp Hoa đồng tham dự.

Mở đầu, với 3 hồi chuông trống Bát nhã đúng theo nghi thức tôn giáo để làm lễ tác bạch thỉnh Sư quang lâm đàn tràng. Sau đó là phần nghi thức khai đàn Dược Sư.

Tại buổi Lễ, ĐĐ Thích Nhuận Đức – Phó BTS, kiêm Trưởng ban Hướng Dẫn Phật Tử GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã điều hành chương trình. 

Trước đàn tràng, sau lời tác bạch của NS TN Tịnh Nghiêm, ĐĐ Thích Nhuận Đức cho biết đàn tràng Dược Sư Thất Châu Mạn Đà La không phải dễ thiết lập và không phải dễ mà bắt gặp đàn tràng đúng như đồ hình Mạn Đà La. Cho nên, trước đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, dưới sự chứng minh của Chư tôn đức Tăng già nhị bộ, ĐĐ Thích Nhuận Đức sẽ giới thiệu sơ lược về đồ hình Mạn Đà La cũng như hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nhằm giúp các phật tử hiểu rõ hơn sự lợi lạc khi tham gia lễ đàn này.

Đại Đức cho biết: Đàn tràng được thiết kế theo đồ hình Dược Sư Mạn Đà La với hình ảnh như một hoa sen nở trọn tám cánh. Mỗi cánh sen có một Đức Phật được bố trí theo chiều thuận nghịch như sau:

1. Đức Thiện Danh Xưng Kiết Tường Như Lai, ở quốc độ tên là Quang Thắng, cách thế giới ta bà 4 hằng hà sa Phật độ; 2. Đức Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai, ở quốc độ tên là Diệu Bảo, cách thế giới ta bà 5 hằng hà sa Phật độ; 3. Đức Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Như Lai, ở quốc độ tên là Viên Mãn Hương Tích, cách thế giới ta bà 6 hằng hà sa Phật độ; 4. Đức Vô Ưu Tối Thắng Kiết Tường Như Lai, ở quốc độ tên là Vô Ưu, cách thế giới ta bà 7 hằng hà sa Phật độ; 5. Đức Pháp Hải Lôi Âm Như Lai, ở quốc độ tên là Pháp Tràng, cách thế giới ta bà 8 hằng hà sa Phật độ; 6. Đức Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai, ở quốc độ tên là Thiện Trụ Bảo Hải, cách thế giới ta bà 9 hằng hà sa Phật độ; 7. Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, ở quốc độ Tịnh Lưu Ly, cách thế giới ta bà 10 hằng hà sa Phật độ.

Bảy Đức Phật này đều ở về phương Đông.

Ngụ ý sâu xa ở Pháp hội Dược Sư Thất Châu này là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni muốn dạy cho chúng ta phải hướng về nẻo ánh giác mà tiến tu, quá trình tu tập phải trải qua bảy giai đoạn được tượng trưng mật nghĩa bằng bảy thế giới của bảy Đức Phật ở phương Đông.

Phương Đông là nơi mặt trời xuất hiện, xua tan bóng tối đêm dài. Càng gần ta bà bao nhiêu thì càng cách xa mặt trời bấy nhiêu. Trái lại, càng xa ta bà bao nhiêu thì càng lại gần mặt trời bấy nhiêu. Đó là ý nghĩa vi diệu của Pháp hội Dược Sư mà chúng ta cần phải quán niệm:

Muốn gần ánh sáng giác ngộ thì phải tránh xa với hắc ám vô minh. Học Phật là bắt chước cách sống, cách làm, cách nghĩ, cách nói luôn tỉnh thức của Đức Phật, để chuyển hóa cách sống, cách làm, cách nghĩ, cách nói thường mê lầm của chúng sanh. Tu tập theo đạo Phật là phải đem tuệ giác tỉnh thức của Đức Thế Tôn chiếu soi lại cuộc sống của phàm tình để thấy rõ mình là ai, mình đang bước đi trên con đường nào, con đường đó có đưa mình đến cõi Niết bàn, an vui hạnh phúc không?

Dược Sư là thầy thuốc; Dược Sư cũng có thể hiểu là một phương thuốc.

Lưu Ly Quang là ánh sáng trong suốt như ngọc lưu ly, tượng trưng cho ba nghiệp thân- khẩu- ý hoàn toàn thanh tịnh.

Danh hiệu của bảy Đức Phật chính là bảy phương thuốc để trị liệu thân bệnh, tâm bệnh, nghiệp bệnh của chúng sanh bằng sự thanh tịnh. Nói theo tinh thần Phật học thì hồng danh đức hiệu của mỗi Đức Phật là một phương thuốc; là một pháp hành mà người học Phật phải ứng dụng trong sinh hoạt hàng ngày để chuyển hóa khổ đau đem lại an vui hạnh phúc.

Tu tập theo kinh Dược Sư, hành giả phải lắng lòng thanh tịnh trì niệm danh hiệu của từng Đức Phật cho miên mật, nghĩa là phải thường xuyên uống thuốc (Dược Sư) để đào thải các chất phàm phu hắc ám ở trong mỗi chúng ta, và làm cho ánh sáng lưu ly an lành xuất hiện, càng giảm vô minh si ái tăm tối thì càng tăng ánh sáng lưu ly tươi đẹp.

Pháp môn xưng danh là một phương pháp tự kỷ ám thị, mà hiệu lực không thể đo lường, nếu chúng ta áp dụng một cách chí thành chí khẩn. Nhưng hiệu lực ấy có, cùng không có, ít hay nhiều đều tùy thuộc vào sự hiểu biết của chúng ta đối với ý nghĩa nằm trong đức hiệu của chư Phật.

Tu học theo Pháp môn Dược Sư là phải thắp đèn trí tuệ liên tục.

Treo Thần phan năm sắc (phong độ, cách sống luôn tươi đẹp) để trang nghiêm tự thân, trang nghiêm pháp hội

Đồng thời đem chất liệu từ bi đượm thấm ba nghiệp để lời nói, hành động và ý nghĩa đều có tính dược, hầu chuyển hóa khổ đau của kiếp người và trị liệu những chứng bệnh trầm kha trong cuộc sống. Đó là ý nghĩa về đồ hình Mạn Đà La

Tiếp theo, Ni sư Trụ trì cùng Ni chúng và các phật tử – đã đảnh lễ thất Phật ở phương đông cùng Chư Phật, Chư Bồ tát, Chư vị Thánh chúng trong Pháp hội Dược Sư và mười hai vị Dược Xoa – quang giáng đạo tràng chứng minh công đức cho buổi lễ thập phần viên mãn.

Kế đến, bảy vị Đàn chủ đã cung đối trước Phật đài dâng hương bạch Phật, cầu nguyện cho sự thành tựu của Pháp hội.

Và sau nghi thức niêm hương trang nghiêm của Chư tôn đức Giáo phẩm, HT Thích Hạnh Trân – Trưởng Ban nghi lễ GHPGVN tỉnh Tiền Giang đảm nhiệm Chủ sám đàn Dược Sư đã chính thức khai kinh Dược Sư Bổn Nguyện.  

Pháp Hội Dược Sư Thất Châu không chỉ là nghi thức cầu an, cầu siêu mà đây còn là phương tiện hoằng pháp lợi sinh, tạo cho người phật tử tăng thêm niềm tin Phật pháp, cũng như cơ hội tạo phước nơi những người phát sinh tín tâm. 

Sau cùng, Ni viện Tịnh Nghiêm đã thiết lễ Trai tăng cúng dường trong sự trang nghiêm thành kính, nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của Ni chúng Tịnh Nghiêm đối với Chư tôn thiền đức Tăng Ni đã quang lâm chứng minh, hộ trì cho Pháp Hội Dược Sư Thất Châu Mạn Đà La được khai diễn và hoàn mãn.

Sau lời tác bạch cúng dường của NS TN Tịnh Nghiêm là lời đạo từ của TT Thích Giác Nhân – Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Tiền Giang. Đầu tiên, Thượng tọa tán thán hạnh nguyện và tâm từ bi rộng lớn của Ni sư Trụ trì. Người cho rằng, với vai trò là Trưởng Ban từ thiện  GHPGVN tỉnh Tiền Giang – Ni sư đã lo rất nhiều mặt về an sinh xã hội, chẳng những vậy mà Ni sư còn lo về tinh thần trước thiên tai lũ lụt của miền Trung. Vì cảm được đau khổ của chúng sinh nên Ni sư thiết Đàn tràng Dược Sư Thất Châu để cầu nguyện. Vì nếu càng nhiều người hướng tâm cầu nguyện thì năng lượng tâm linh càng lan tỏa lớn mạnh và góp phần tác động để mọi nhân duyên sẽ tích tụ mà sở cầu được như ý.

Với ý nghĩa đó, Ni sư đã cung thỉnh Chư tôn đức Giáo phẩm quang lâm chứng minh lễ cầu Dược Sư, rồi thành tâm sắm sửa trai diên dâng lên cúng dường mười phương Tam Bảo và hiện tiền Chư tôn đức Tăng Ni, ngưỡng mong quý Ngài hướng tâm cầu nguyện cho bá tánh nhân dân được an vui. Điều đó cho thấy công đức của Ni sư quá lớn lao.

Tuy nhiên, nghiệp của chúng sinh được tạo tác từ nhiều đời trước trong quá khứ hoặc chính trong đời hiện tại  là do thân – khẩu – ý gây ra. Trên thực tế “Thiên tai”  là do cộng nghiệp của chúng sinh chiêu cảm, cho nên chúng sinh bị khổ như vậy, nhưng được lòng từ bi của Ni sư nâng đỡ. Giờ đây, chúng ta cầu xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh gia hộ cho bá tánh vạn dân sớm thức tỉnh con đường chánh pháp của Đức Phật, sớm hồi đầu hướng thiện, giữ gìn thân, khẩu, ý được trong sạch và từ đó sẽ phát sinh công đức mà chúng sinh được an lành. Đức Phật dạy:

Giữ thân trong sạch hạnh phúc biết bao.

Giữ tâm trong sạch hạnh phúc biết bao

Giữ ý trong sạch hạnh phúc biết bao

Thân cùng khẩu, ý rõ ràng

Xa rời tội lỗi gần cành hoa sen

Ai mà thân, khẩu, ý rèn

Giữ theo thiện nghiệp thân bèn đặng an

Ba nghiệp hằng đặng rãnh rang

Thác rồi nhập Thánh là đàng xưa nay.

Đến đây, Đàn tràng Dược sư Thất châu đã hoàn mãn. Nguyện cầu Đức Phật Dược sư thấu đạt tâm ý của những Người thọ trì giới pháp của Như Lai trong Pháp hội này mà gia hộ cho tất cả chúng sinh được tiêu trừ nghiệp chướng, hóa giải tai ương. 

Thật ra, chúng ta có hạnh phúc hay không đều phụ thuộc vào thái độ của mình. Vì vậy mong mọi người ai cũng biết tu tập theo lời Phật dạy, qua đó điều chỉnh cái “Tâm” hướng về chân-thiện-mỹ là rất cần thiết./.