Trang chủ Diễn đàn Tiền đồn văn hóa tâm linh Việt: chùa ở Trường Sa?

Tiền đồn văn hóa tâm linh Việt: chùa ở Trường Sa?

87

Xây một cơ sở tôn giáo ở một địa điểm “nhạy cảm” như vậy, liệu vấn đề đặt ra có nghiêm túc?

Hay bài viết chỉ là một sự hưởng ứng “phong trào”, khi biển đảo đang là một đề tài được phát động tìm hiểu?

Thực ra, vấn đề thoạt trông có vẻ mâu thuẫn, nhưng nếu xét trên quan điểm quyền lợi dân tộc, và trong trường hợp cụ thể, đối với hải đảo, thì không hề có sự mâu thuẫn.

Đối với những nơi xa xôi, vùng biên giới, hải đảo, thì sự hiện diện của những ngôi chùa Việt vừa thể hiện dấu ấn văn hóa Việt Nam, vừa góp phần vào việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, cũng vừa góp phần vào việc thu ngắn khoảng cách địa lý.

Nguyễn Bính có câu thơ rất hay về chùa:

Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

Khi đất đã nên quê, thì nơi đó có chùa.

Từ buổi đầu phát triển và hoàn thiện đất nước, chư tôn túc Phật giáo Việt Nam đã tìm đến lập chùa trên các đảo.

Đảo Lý Sơn, Quãng Ngãi chẳng hạn, trên một diện tích không mấy dư dả của một hòn đảo, đã có đến 4,5 ngôi chùa: chùa Hang, chùa Đục, chùa Từ Quang, chùa Vĩnh Ân, Tịnh xá Ngọc Đức…Trong đó chùa Hang là chùa cổ, di tích lịch sử quốc gia. Còn Tịnh xá Ngọc Đức, như chúng ta có thể đoán qua tên gọi, là chùa hệ phái Khất sĩ, với lịch sử truyền thừa từ đầu thế kỷ XX.

Cù Lao Chàm cũng có rất nhiều kiến trúc đình chùa, trong đó nổi bật là chùa Hải Tạng, có bề dày lịch sử 400 năm, di tích lịch sử quốc gia.

Không hẳn mọi trường hợp xây chùa nơi xa xôi biên giới hải đảo thì đều nhằm vào mục tiêu ẩn tu, tạo khoảng cách. Mà trong nhiều trường hợp, nó phản ánh việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân của chính vùng đất phên giậu của Tổ Quốc. Đã là quê thì phải có chùa. Mà có chùa thì mới nên quê.

Ở nơi càng xa xôi bao nhiêu, thì nhu cầu của người Việt cần có một ngôi chùa càng lớn bấy nhiêu. Ở đảo, ngôi chùa làm ấm lòng những người dân cách xa đất liền.

Trong đời sống tâm linh của mình, người Việt lại có tập quán, chùa càng ở xa, trên núi cao, ngoài biển khơi, thì lại cùng nhau lặn lội đến cúng bái, lễ lạy, nhất là vào dịp tháng giêng, tháng bảy, tháng mười…

Vì vậy, chùa ngoài đảo xa, lại trên núi cao lại có tác dụng thu hẹp khoảng cách địa lý. Người Phật tử dùng chữ “hành hương” không giới hạn để chỉ việc trở về một thánh địa, mà là đi đến chùa trên khắp mọi miền đất nước.

Vượt qua những khoảng cách ở vùng đồng bằng hay đồi núi có thể là không ý nghĩa. Nhưng thu ngắn khoảng cách đối với vùng hải đảo biên cương thì ý nghĩa vô cùng.

Đến hành hương ở những ngôi chùa như vậy, những người giàu có hay khó tính, cũng đều vui lòng với những tấm chiếu, tấm đệm qua đêm, có khi trước sân chùa, ngoài mái hiên…, không buồn cân nhắc đến việc có hay không có khách sạn, giường nệm, máy lạnh… Nói những điều này với nhau, người Việt Nam Phật tử dễ dàng chia sẻ.

Như vậy, dù không có hữu ý những ngôi chùa ở vùng biên giới, hải đảo lại trở thành những cột mốc văn hóa Việt nơi biên cương.

Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Hồn dân tộc đến đâu thì mái chùa che đến đó. Và người Việt cùng nhau đến đó hành hương.

Như vậy, không cớ gì trên Trường Sa, mà ở các đảo của đất nước, đều cần lắm những ngôi chùa, những cột mốc văn hóa Việt Nam, tiền đồn văn hóa Việt Nam, biểu tượng đời sống tâm linh Việt Nam, nơi những người Việt hàng năm lại cùng nhau tìm đến cúng dường, lễ bái, thăm viếng để khơi dậy trong lòng mình những hứng khởi tâm linh gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Vì thế, đảo càng trở nên gần gũi hơn, gắn bó hơn với đất liền.

Ở những khu vực càng “nhạy cảm”, thì chùa Việt càng thể hiện sự đóng góp của mình cho sự ổn định cũng như sự vững vàng của chủ quyền. Chùa xác định đó đã là vùng quê Việt lâu đời, có làng, có cư dân sinh sống ổn định.

Chùa ở đảo xa cũng là nơi thờ phượng chiến sĩ trận vong, đồng bào xin nhai lâu đời với nghề biển, những người đã đóng góp xương máu gìn giữ đất trời biển đảo. Khi đó, khói nhang thành tâm tưởng nhớ, lời kinh phục nguyện cầu siêu anh linh tử sĩ, đồng bào nơi đảo xa cũng trở thành một hình thức của thành trì tiền đồn bảo vệ Tổ Quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Nếu nói đề xuất xây chùa trên đảo là chuyện “phong trào”, thì “phong trào” này đã có từ gần nửa thiên niên kỷ trước và xa hơn thế nữa, khi cha ông chúng ta bắt đầu xây chùa trên đảo.

Trong cách nghĩ như vậy, thiết tưởng, một ngôi chùa ở Trường Sa, ở những hòn đảo xa xôi khắp mọi miền đất nước không chỉ là ước nguyện riêng của tăng ni Phật tử Việt Nam, mà là một nhu cầu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam, nhu cầu về những tiền đồn văn hóa tâm linh.

MT