Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Tiền “đặt cược” ở… cửa Phật

Tiền “đặt cược” ở… cửa Phật

176

  Tiền lẻ nhiều hơn… giấy vụn

Đi chùa những ngày đầu xuân, điều đáng chú ý nhất mà ta có thể bắt gặp ngay là hình ảnh những đồng tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng… xuất hiện khắp nơi. Mặc dù nhiều chùa đã đặt hòm công đức tại nơi quy định nhưng người đi lễ vẫn rải tiền ở bất cứ chỗ nào có thể.

 
Tiền lẻ được rải khắp gốc cây.
 
Tại Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Thánh… người đi lễ tay cầm những sấp tiền lẻ và khi dạo quanh chùa họ đã gài đủ các loại tiền ấy vào gốc cây, cánh cửa, nhét vào tay tượng Phật… Thậm chí ném cả tiền xuống suối, xuống giếng với mong muốn được Đức Phật phù hộ như ở chùa Hương, nhiều đến mức có người đã “giăng lưới” vớt tiền.
Tương tự như ở Văn Miếu, người dân đầu năm đến tham quan nhộn nhịp và không thiếu phần “phóng khoáng” khi đặt tiền khắp chốn thờ tự. Tiền lẻ được rải đầy lên các mái nhà. Thỉnh thoảng có đợt gió thổi qua là “cơn mưa” tiền lẻ rơi xuống.
Chị Hồng Anh (quận Ba Đình – Hà Nội) tâm sự: “Nhiều người mặc dù không thích tiền lẻ nhưng đi lễ hay đổi tiền lẻ vì vào chùa có nhiều ban thờ. Đổi tiền lẻ để đi được nhiều nơi, xin được nhiều lộc”.
Không chỉ chùa ở Hà Nội mới có hiện tượng như thế mà hầu như các chùa ở miền Bắc hiện nay như chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định)… chưa có sự tôn nghiêm đúng mực về việc rải tiền, đặt tiền.
Theo quan niệm người Việt, tượng Phật là hiện thân của những vị Phật, Bồ Tát, La Hán trên cõi Niết bàn. Vì vậy, đến các nơi này tiền lẻ được gài ở mọi chỗ, từ chân, tay đến tai, miệng tượng Phật. Chỉ cần có một đồng tiền ở đó thì sẽ có những đồng tiền tiếp theo được đặt lên. Nhiều người cứ nghĩ càng rải nhiều tiền thì càng thể hiện thành tâm và được chư Phật chứng giám, gia hộ cho may mắn và bình an.
 

… đang biến thành tiền “đặt cược”

 Theo quan điểm của nhà Phật thì tiền “giọt dầu” chính là những phẩm vật bao gồm 6 thứ (lục phẩm – PV): hương hoa, đăng trà, quả thực nhưng việc đặt tiền lễ của nhiều người như hiện nay hoặc là quá thiếu ý thức hoặc là thiếu sự hiểu biết.

 
Tiền được đặt cả vào những bình bát của chư Phật ở chùa Bái Đính
 
Đối với Đức Phật, các giá trị vật chất tầm thường dưới trần thế hoàn toàn không có ý nghĩa, điều quan trọng là cái tâm và sự thành kính mà người đi lễ dành cho chư Phật.
Mặt khác, việc đặt lễ như trên là trái quy định của Bộ Văn hóa – Thế thao và Du lịch ban hành cách đây hơn một năm. Theo quy định thì khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc gài tiền lễ vào đồ lễ, tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.
“Trước đây tiền giọt dầu là trong sáng. Những người tu hành khó có khả năng kiếm tiền, chúng sinh dâng tiền giọt dầu là tiền mua lục phẩm cúng dàng Đức Phật. Đồng thời trợ giúp nhà sư trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng hiện nay, người dân đi lễ Phật, trước vứt tiền lên ban thờ bừa bãi, sau là những lời cần khấn. Như vậy, tiền ở đây không còn là tiền giọt dầu nữa mà là tiền đặt cược với thần linh, mang tính chất hối lộ, khoe mẽ” – Giáo sư Trần Lâm Biền (Nhà nghiên cứu di sản văn hóa) nhấn mạnh.
Hiện nay, người dân đi lễ chùa, ai cũng mang theo một chút tiền để công đức cho chùa, bày tỏ lòng thành kính và cầu xin tài lộc của Đức Phật. Việc làm này là không sai nhưng sai ở cái cách họ đặt tiền lễ.
Trên thực tế, chùa nào cũng có hòm công đức nhưng không hiểu vì sao người dân vẫn thích đặt tiền ở những nơi sai vị trí quy định, dẫn đến hiện tượng người người chen lấn nhau để dâng tiền giọt dầu. Đó cũng là những hành động rất phản cảm và thiếu mỹ quan.
Lý giải cho hiện tượng trên, Đại đức Thích Minh Tiến – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lý giải: Có lẽ vì trong tư duy dân gian xưa thường quan niệm phải “đưa tận tay” để Phật chứng giám lòng thành nên đã ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của không ít người.
“Thật đáng buồn khi chứng kiến cảnh tượng hàng trăm, hàng nghìn người cố tình chen lấn, xô đẩy nhau để tiến lại gần, để được chạm tay và gài tiền vào tượng Phật. Chúng ta cần nhìn nhận rõ sự không hợp lý từ việc mang những tư duy, quan niệm đời thường vào nơi thờ tự để cùng tuyên truyền, giúp người tham gia lễ hội hiểu và điều chỉnh hành vi của mình” – Đại đức Thích Minh Tiến cho hay.
Cũng theo Đại đức thì khi giảng đạo, thuyết pháp cho Phật tử, các nhà sư vẫn tuyên truyền về điều cần thiết nhất khi đến cửa Phật là sự tâm thành. Rải tiền lẻ khắp nơi thờ tự để làm gì? Nếu phát tâm công đức thì cũng chỉ nên đặt tại một nơi, không nhất thiết phải đổi thật nhiều tiền lẻ để rải khắp nơi thờ tự như nhiều người bây giờ vẫn làm.
 Bùi Hiền