Cô Hồ Minh, hướng dẫn viên địa phương, đón chúng tôi tại một nhà khách ven núi thông báo: “Chuyến xe đầu tiên lên núi khoảng 7g mới xuất phát”.
Sau một hồi sắp xếp hành lý, nai nịt gọn ghẽ, tư trang tinh giản như những tay leo núi chuyên nghiệp, chúng tôi náo nức bước vào cuộc chinh phục ngọn núi Nga My huyền thoại.
Trong đầu tôi vẫn đang bay bổng với hình ảnh Nga My của nữ hiệp Quách Tường, của chưởng môn Duyệt Tiệt Sư Thái và của mỹ nữ Chu Chỉ Nhược. Chưa đến Nga My mà đã thấy Nga My gần gũi, nhất là đối với dân ghiền truyện võ hiệp kỳ tình Kim Dung như tôi.
Thực ra, Nga My là đất của Phật, là một trong tứ đại danh sơn Phật giáo của Trung Quốc, cùng với Phổ Đà sơn ở Chiết Giang, Ngũ Đài sơn ở Sơn Tây và Cửu Hoa sơn ở An Huy. Đạo giáo đến Nga My từ thời Đông Hán, sau đó dần nhường chỗ cho Phật giáo phát triển cực thịnh vào thời Đường. Trường phái võ thuật Nga My chính là sự kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo.
Sương tan dần, bây giờ, ngước mặt lên mới thấy được phẩn nào sự hùng vĩ, cao ngất của Nga My. Núi sừng sững, dựng đứng, chọc thẳng vào mây. Mạnh Tử từng nói: “Lên Thái Sơn thấy thiên hạ nhỏ lại”. Thế nhưng, với Nga My cao 3.099m thì Thái Sơn chỉ đứng ở vị trí khiêm tốn với chiều cao 1.545m.
Ngay cả Hoa Sơn của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ cao nhất Ngũ Nhạc cũng chỉ có 2.200m. Chẳng trách gì nhà thơ Lý Bạch đã thốt lời ca ngợi: “Nga My cao hơn cả bầu trời Tây Cực”.
Để lên được núi Nga My mùa tháng 3 tuyết còn đóng băng, xe chở khách phải quấn thêm xích sắt vào bánh xe để tăng độ bám. Xe bò chậm rãi qua từng khúc quanh ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Hành khách cảm nhận được cả từng tiếng nghiến rào rạo của bánh xe quấn xích sắt trên băng đá.
Con đường từ chân núi lên đến đỉnh dài tới trên 50km. Cảnh bên ngoài đẹp… não nùng. Rặng cây gầy guộc, rét mướt trong băng giá, tuyết trắng bám trên đầu cành, phủ trắng con đường, điểm tô cho cảnh sắc thêm phần tương phản, u hoài.
Thấp thoáng những ngôi chùa miếu nép mình bên sườn dốc chênh vênh, hoặc dựng bên suối khe, hoặc ẩn mình bên rặng cây cổ thụ. Đơn lẻ và cô liêu. Nghe nói, suốt thời kỳ cực thịnh của Phật giáo đời Đường, cách đây hơn 1.000 năm, trên núi Nga My có đến 180 ngôi đền, chùa với hơn 1.700 tu sĩ và nhiều bậc cao tăng.
Qua bao năm thăng trầm, dâu bể, đến nay, Nga My sơn chỉ còn 27 đền chùa mở cửa đón khách thập phương với hơn 300 tu sĩ. Tương truyền, núi Nga My là đạo tràng của Phổ Hiền Bồ tát, đệ tử Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chùa Vạn Thọ trong núi có ngôi điện thờ bên trong không cột xà, hình vuông mái vòm, thờ pho tượng Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà, đúc bằng đồng thời Bắc Tống, cao 7,3m, nặng 62 tấn. Trong núi còn có ngôi chùa mang tên Tẩy Tượng Trì (Ao Tắm Voi), chắc cũng có liên quan đến con voi 6 ngà của Bổ tát Phổ Hiền.
Xe đỗ lưng chừng núi để chúng tôi tham quan. Muốn lên tới đỉnh phải đi bộ khoảng 2 cây số nữa để đến trạm cáp treo. Cô hướng dẫn viên khuyên chúng tôi nên mua đế hài cỏ hoặc móng đinh sắt cột dưới đế giày mới có thể đi được trên con đường phủ đầy tuyết băng trơn trượt.
Tạm dừng chân để tự trang bị cho hoàn chỉnh với bộ móng đinh sắt và gậy đi đường, chúng tôi tiếp tục chinh phục con đường nhỏ đầy băng tuyết dưới cánh rừng thông rậm rạp. Trời rét căm căm. Mặt trời chỉ còn là những tia sáng chợt lóe qua những tán lá kim dày đặc trên đầu. Sự di chuyển diễn ra chậm chạp vì thân người rất dễ té ngã. Càng lên cao tuyết càng dày.
Thỉnh thoảng lại lạc nhau trong mây mù. Mây bay qua, cảnh tượng thay đổi theo góc nhìn mới. Bất giác nhớ đến chuyện nhà thơ Lý Bạch cuốc bộ lên đỉnh Nga My, nửa đường gặp gỡ và thưởng thức tiếng đàn của nhà sư tên Tuấn đất Thục: “Vị ngã nhất huy thủ/Như thinh vạn hác tùng/ Khách tâm tẩy Lưu thủy/Dư hưởng nhập sương chung” (Dịch nghĩa: Khi sư vì tôi mà gảy đàn/Dường như nghe thấy tiếng thông reo bên suối nước/ Khúc nhạc Lưu thủy (nước trôi) như gột rửa cõi lòng khách/ Dư âm hòa lẫn tiếng chuông trong sương).
Hiện giờ không tiếng đàn nhưng có tiếng thông reo và tiếng chuông chùa văng vẳng, nghĩ đến đấy, trong người cũng bớt mệt nhọc, tâm hồn thanh thản, thoát tục.
Ngồi cáp treo lên đỉnh núi, tưởng tượng là một cao thủ dùng khinh công lướt trên đầu ngọn thông, tôi đặt chân xuống đất mà vẫn không hết cảm giác bồng bềnh. Kim Đỉnh – tựa chốn bồng lai. Đứng ở đỉnh núi cao hơn 3.000m, phía trên bầu trời trong xanh, dưới chân là cả một biển mây.
“Vân hải”, một trong mười kỳ quan ở Nga My với mây trắng cuộn trào như sóng biển, trùng trùng điệp điệp, mênh mông vô tận. Đỉnh núi thoắt ẩn thoắt hiện trong mây và mây bay không ngừng, lúc hợp lúc tan.
“Phật quang Kim Đỉnh”, một kỳ quan cảnh khác. Khi đứng ở mỏm đá Hiến tế chênh vênh giữa trời và mây, nếu may mắn khách sẽ thấy ánh sáng cầu vồng 7 sắc, thậm chí có thể nhìn thấy cả bóng hình mình phản chiếu trên ánh cầu vồng như đang đứng trước gương. Nghe nói một năm có đến 70 ngày khách có thể chiêm ngưỡng được ánh hào quang diệu kỳ này.
Bái Phật ở Vạn Niên Tự, lòng thành khẩn, hy vọng lời nguyện cầu sẽ mau mắn đến với cõi vô thường. Vì ở đây dường như không có ranh giới giữa trời và đất. Một tiếng đại hồng chung từ Kim Đỉnh vang vọng giữa thinh không, ngân nga mãi không dứt.
Trên đường trở lại trạm cáp treo, chúng tôi ghé thăm một nơi có tên là Khóa Đồng Tâm. Đó là một mỏm đá có đặt tượng hai ống khóa lồng vào nhau rất to. Dọc đường leo lên đỉnh mõm đá giăng 2 sợi xích sắt lớn, treo đầy các cặp ổ khóa gắn vào nhau, trên mỗi ổ khóa có khắc tên người.
Tương truyền rằng, nếu mỗi cặp tình nhân hoặc vợ chồng mua hai ổ khóa gắn vào dây xích trên mỏm đá này, sau khi cầu khẩn và ném chìa khóa xuống vực sâu thì tình yêu sẽ mãi gắn bó bền vững. Không biết lời nguyền có ứng nghiệm. Và có bao cặp tình nhân, vợ chồng hay người độc thân sau cuộc chia ly, tan vỡ trở lại chốn xa xôi heo hút này để kiểm nghiệm đúng sai.
Dù thế nào thì cũng cứ xem như là kỷ niệm đẹp nhất của khách đã một lần đến với cõi bồng lai tiên cảnh Nga My sơn.