Kể cũng lạ, đi Ấn về được hơn chục ngày, bạn bè đến thăm gần như ai cũng hỏi chuyến đi kia có “gặt hái” được kết quả gì không?
Có chứ, 15 ngày trên đất Ấn mà chẳng “gặt hái” được chút gì thì đúng là uổng phí.
Người Việt có câu: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu”. Yên Tử là đất Tổ mà đã giục giã nhau đi để “thành quả tu” như thế, huống chi là đất Phật.
Bảo sao người Phật tử Việt Nam hành hương đất Phật rất đông và không chỉ một lần.
Ấy nhưng điều thâm thuý nhất trong câu truyền miệng kia chính là “tích đức tu hành”, tích không chỉ vài năm, vài chục năm mà tích cả trăm năm.
Tích đức thì như giữ viên ngọc ma ni trong túi áo. Ngọc tuy quý nhưng khéo biết mà dùng thì mới có lợi ích.
Tích đức là tích từng việc thiện nhỏ như: thấy hòn đá giữa đường thì nhặt bỏ vào vệ đường, cơm đã múc vào bát thì ăn cho hết đừng bỏ phí, nhà vệ sinh chùi rửa sạch sẽ hàng ngày, hãy trồng rau đem bán cũng như trồng rau cho chính mình ăn, khó khăn kiếm được đồng tiền thì đừng tiêu sài phung phí…
Tích nhiều điều thiện nhỏ thì sẽ dần chạm đến Đức lớn của vạn vật.
Ngọc ma ni nhiều người sở hữu, cũng như Phật tính ai cũng có, nhưng “thành quả tu” thì không phải ai cũng “thành” dù có chức sắc, địa vị hay giàu có.
Đến đất Phật chỉ mất vài giờ bay không thể thành quả tu được. Nếu thành, người dân xứ ấy họ đến thường xuyên và họ thành trước mình. Cho nên đến đất Phật cũng không phải để đếm cho đủ số lượng thánh tích.
Có lẽ đi chỉ để hiểu thêm về chuyện thịnh suy vô thường.
Đấy dòng sông Ni Liên Thuyền đẹp và thơ mộng như thế nào khi ta đọc tác phẩm “Đường xưa mây trắng”, nhưng giờ đến đó nhiều đoạn rác ngập ngụa, nước thải sinh hoạt chảy xuống sông đen ngòm. Núi Kê Túc buổi bình minh đẹp như tranh vẽ, nhưng ngay tại đỉnh núi, rác thải của du khách vứt đầy ở đó…
Ngay đất Phật, không “tích đức” từ việc nhỏ thì cũng không thành quả tu gì được.
Đến Bồ Đề Đạo Tràng bỗng thấy cái ngã (cái tôi) nhỏ bé lại. Ai qua cửa an ninh cũng phải được cảnh sát khám xét. Không giáo phẩm, chức sắc, tăng tục cao thấp nào hơn chuyện vào đó đi nhiễu tháp, trì kinh, lễ tụng hay hành thiền. Tuần tự thứ lớp việc ai người đó làm. Phát nguyện gì tuỳ sức mỗi người.
Lên núi hay vào rừng cũng vậy, đứng ngồi giữa thiên nhiên bỗng thấy cái tôi càng thêm nhỏ bé lại. Khi cái ngã nhỏ bé lại tự nhiên thấy mình có hạnh phúc, an vui.
Chỉ khi đứng giữa thiên nhiên cái ngã mới nhỏ lại. Càng trở về với các mối quan hệ, cái ngã càng bủa vây người ta, nào đi trước, ngồi trên, tán tụng ngợi khen…
Hình như mọi rắc rối đều đến khi cái ngã của mình phình to như quả núi. Khi ấy mình vừa phải leo núi mà còn phải leo với cái ngã của mình, nặng càng thêm nặng…
Thân ngũ uẩn thánh phàm đều giống nhau, nhưng ngũ dục là căn cốt làm nên cõi dục.
Tài, sắc, danh, thực, thuỳ là năm thành lũy kiên cố xây lên cõi dục. Bớt cái tài (lợi), bớt cái danh hão, nhạt cái sắc, bớt cái ăn, bớt cái ngủ, tự dưng cái ngã nó cũng nhỏ bớt theo. Bớt chứ không hết được vì hết thì ở cảnh giới khác, cõi khác mất rồi.
Cửa chùa gọi là cửa Không, nhắc nhủ người ta bớt bớt đi cho đến khi buông bỏ được. Chọn người tu đâu phải hô hào suông về lý thuyết. Cho nên nhìn các vị cao tăng ẩn tu giữa bạt ngàn rừng núi với điều kiện tối giản, tự dưng lòng người thấy nhẹ nhõm an vui, hơn mọi lời thuyết giảng đao to búa lớn.
Vậy mà lạ, họ sống đơn sơ nhỏ bé thế nhưng họ không dạy điều tiêu cực yếm thế. Họ luôn mỉm cười, ái ngữ và sẵn lòng ngồi cả giờ để nói về lòng từ bi… Năng lượng tu tập không lời, nhưng sức cảm hóa có khi gây chấn động tâm can người khác.
Có người hỏi một vị ẩn tu “tự lợi” có xấu không? Người được hỏi không trả lời mà hỏi lại: “Bạn có nên nhìn vào động cơ tự lợi của bạn là gì không?”, “Bạn có muốn làm việc lợi tha (ích cho người) không?”, “Nếu có, bạn không có gì tự lợi thì bạn lấy cái gì để lợi tha?”…
Có người nói cuộc sống của con không có hạnh phúc, nên con tìm đến đây và muốn gặp riêng Ngài thỉnh giáo. Điều gì thôi thúc bạn gặp riêng tôi? Có phải mối quan tâm của bạn bây giờ vẫn là hạnh phúc và thoả mãn hạnh phúc không? Khi bạn đang quan tâm đến hạnh phúc thì hạnh phúc đang ở trong chính bạn, hãy thể hiện nó ra bằng thư giãn như thở sâu, mỉm cười và nhìn người khác bằng tâm từ bi. Không có câu trả lời nào thỏa mãn cho chính bạn bằng cách bạn thực tập điều đó. Bạn là người đang hạnh phúc vì bạn còn quan tâm đến hạnh phúc… Tôi sẽ không có hạnh phúc nếu tôi chỉ giảng về hạnh phúc mà không có một thực tập gì cho thân ngũ uẩn vốn chứa đầy tác nhân gây đau khổ này.
Cuộc du hành còn ám ảnh, văng vẳng những hình ảnh, những lời, những tiếng. Và đó là lý do người ta thấy cần có thêm dịp trở lại để thấy trong vô thường vẫn còn những nét tinh khôi.
Thích Thanh Thắng