Thượng tọa Thích Thọ Lạc, thế danh Trần Văn Duẩn, sinh năm 1963 tại Ninh Bình, hiện là Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Ninh Bình. Sinh ra trong một gia đình có cảm tình với Phật giáo, ngay từ năm 8 tuổi, Thượng tọa đã xuất gia cầu học với cố Hòa thượng Thích Ðức Nhuận, Ðệ nhất pháp chủ GHPG Việt Nam, khi đó là trụ trì tổ đình Ðồng Ðắc, Ninh Bình.
Năm 1985 (22 tuổi), Thượng tọa được giao trụ trì Tổ đình Kim Liên (chùa Ðồng Ðắc, Ninh Bình). Sau khi tốt nghiệp Trường cao cấp Phật học Việt Nam khóa 2 tại TP Hồ Chí Minh, năm 1993, Thượng tọa được giao trụ trì chùa Yên Phú, rồi chùa Pháp Hoa (TP Hồ Chí Minh), trụ trì chùa Ðại Tuệ (Nghệ An)… Năm 2018, sau khi Hòa thượng Thích Trung Hậu viên tịch, Thượng tọa được bầu làm quyền Trưởng ban, rồi Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam cho đến nay.
Trong những năm qua, Thượng tọa Thích Thọ Lạc dành nhiều tâm huyết trùng tu xây dựng, phát triển nhiều ngôi chùa như Yên Phú, Ðại Tuệ, chùa Diệc, chùa Tu (Nghệ An), chùa Ðồng Ðắc (Ninh Bình)… trở thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo của nhân dân trong vùng và phật tử cả nước, góp phần lan tỏa văn hóa Phật giáo.
Trên cương vị Trưởng ban Văn hóa, điều mà Thượng tọa Thích Thọ Lạc dành nhiều tâm huyết hơn cả trong thời gian qua là tổ chức triển khai bốn đề án: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc và Di sản theo sự giao phó của Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam. Thượng tọa Thích Thọ Lạc đã không quản ngại khó khăn, từng bước triển khai các đề án một cách bài bản, chắc chắn. Ðến nay, đề án Pháp phục và ngôn ngữ đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, được lãnh đạo GHPG Việt Nam đánh giá cao, được Chư tôn đức lãnh đạo các Ban trị sự các tỉnh, thành phố ủng hộ, đồng hành. Chia sẻ về mục tiêu, ý nghĩa của bốn đề án, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói: “Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 2.000 năm, các thế hệ tiền bối Phật giáo Việt Nam luôn chú trọng xây dựng bản sắc của Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên, giai đoạn hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, bản sắc đó có phần mờ nhạt, vì vậy việc bảo tồn, phát huy bản sắc, đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam là một việc làm hết sức có ý nghĩa”.
Chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của GHPG Việt Nam. Bốn đề án: Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc, Di sản mà Ban văn hóa cùng các ban, ngành, viện của Trung ương GHPG Việt Nam đang tổ chức triển khai chính là những nội dung thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam trên tinh thần thống nhất trong đa dạng.