Đạo Phật có mặt ở Việt Nam hơn 20 thế kỷ qua, với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật giáo đã tồn tại và dung hòa cùng dân tộc. Giáo lý đạo Phật không chỉ mang đến cho con người một cái nhìn về góc độ tâm linh hướng thượng, mà còn chứa đựng thêm tính chất triết lý Từ-bi và Trí-tuệ.
Nét đẹp ấy được con người nâng lên bằng một giá trị văn hóa thẩm mỹ để làm chất liệu chính cho nhận thức trong cuộc sống của mỗi con người qua lăng kính đạo đức Phật giáo.
Những gì là thực tại mộc mạc đơn sơ nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị chân thật, cũng như hai mặt trái phải của một bàn tay trên một cách tay. Tuy bàn tay của ta luôn có mặt và tồn tại với hai phạm trù trắng và đen và chính bàn tay ấy tự nó không bao giờ gây tranh cãi hay chống trái nhau vì một lý do nào đó có ý nghĩa đối với sự tồn tại trên. Nếu như chúng ta nhìn cuộc đời này bằng một màu trắng, thì thời gian và không gian sẽ không bao giờ còn cách biệt nhau nữa.
Vì thế cho nên chúng ta phải nhìn sự vật từ nhiều màu khác nhau hoặc có thể từ đen sang trắng, chúng ta mới thấy sự vật ấy tồn tại ở giá trị nào của nhận thức.
Việc làm con người chúng ta cũng thế, không thể chỉ nhìn bề ngoài mà cho là hoàn hảo. Vì rằng lớp vỏ bên ngoài của một nhân vật chỉ là hình thức vay mượn tạm bợ để che chắn những giá trị chân thật và cao quí đang chứa đựng ở bên trong của tâm hồn, nhưng nếu không có lớp vỏ tạm bợ ấy liệu các giá trị kia có được xem là giá trị nữa hay không?
Hay chỉ là những trừu tượng xoàng xĩnh vụng về mà cho là giá trị thật cao quí dưới cái nhìn tầm thường chăng?
Trên thực tế chúng ta cần học theo cái nhìn và cảm nhận một đối tượng giống như sự chiêm nghiệm của những vị thiền sư thời nhà Trần, tiêu biểu nhất là Trần Thái Tông khi ông nhìn hoa mai vàng đang nở giữa mùa xuân và ông đã vịnh hai câu thơ rất trữ tình:
“Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ tỏa ngát hương”
Trần Thái Tông nhìn hoa mai vàng đang nở và ngửi được mùi hương tinh khiết của nó, ông chợt nhận ra rằng mình vẫn còn lưu luyến bỡi sắc hương cõi trần này, với ý nghĩ tĩnh thức ngay thực tại đã xóa tan đi biết mấy lớp ưu phiền từ bao kiếp sống trầm luân. Ông như đang nhìn lại chính cuộc đời của mình đã trải qua bao thăng trầm và vô ích vì bôn ba trên đường danh lợi phù du.
Thuở xưa, con người từ địa vị cao sang họ đi tìm những gì mộc mạc đơn sơ nhất ở cuộc sống này, để làm thăng hoa cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Ôi cái ý nghĩa thật giản dị biết bao!
Thế nhưng con người bây giờ, họ sống hoàn toàn ngược lại với thực tại giản dị ấy. Nghĩa là họ bỏ thật tìm giả, họ tìm trăng dưới đáy nước bằng hình thức nghệ thuật mà từ ngữ hiện nay là scandal, để tạo cho mình một cú sốc với tất cả mọi người ở nhiều góc độ nhìn khác nhau.
Họ quên rằng họ là con ếch chưa một lần có mặt ngoài đáy giếng bao giờ. Cũng như chính bản thân họ chưa bao giờ biết khái niệm “thiền” là gì trong hệ thống ngôn ngữ của Phật giáo.
Họ càng không nhận thức được rằng “thiền” không phải là xa vời thực tại cũng chẳng có điều gì ghê gớm đối với sự “thoát ra” từ nhận thức dung tục của một gã mạo danh là “thầy phong thủy” nào đó với cái tên Huệ Phong chưa từng ai biết đến bao giờ.
Thiền học không phân giai cấp, chẳng chọn căn cơ, bất cứ ai muốn thâm nhập vào pháp môn này cũng đều có thể tham học được. Tuy nhiên chúng ta thực tập thiền để tìm kiếm một siêu nhiên nào đó trong và ngoài tâm mình sẽ không bao giờ đạt được, vì còn có tâm ham muốn nên sẽ gặp nhiều nghịch duyên và thậm chí việc tu tập không thành tựu.
Các Pháp vốn dĩ là vô thường vô ngã, nên các pháp mới Duyên sinh thường trú vào Tánh Không mà không bị một đối tượng nào chi phối cả. Có thể nói rằng: “Tất cả Pháp vốn dĩ đã vắng lặng như chưa từng có mặt của vắng lặng vậy”.
Người học thiền cũng phải làm sao để tâm mình vắng lặng từ bên ngoài vào trong, lúc đó mới “Hòa Quang Đồng Trần” với tất cả sự vắng lặng của các Pháp.
Thời gian gần đây trên nhiều trang mạng đã đăng bài viết mang tính biếm họa thô thiển của một cá nhân muốn nổi lên từ hình thức nghệ thuật chụp ảnh “Nude để thiền”, đã gây hoang mang biết bao nhiêu nhận thức trong sáng của con người trong đó có tín đồ Phật tử.
Một anh chàng tốt nghiệp đại học Bách Khoa năm 1975 và một người mẫu Nude Thái Nhã Vân cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Trung thực hiện bức ảnh này. Nếu bức ảnh này chỉ treo trong nhà của Huệ Phong để tự ông ta nhìn lấy việc làm của mình thì chẳng ai dám nói gì, vì đó là chuyện riêng tư cá nhân họ.
Nhưng đằng này ông lại đem bức ảnh vô duyên trên kia ra triển lãm trước công chúng. Chỉ xét ở góc độ thuần phong mỹ tục của Việt Nam chúng ta đã thấy không dám nhìn rồi, huống chi là nói đến nghệ thuật gì nữa. Đề tài “Nude để thiền” lại càng bị ném đã dữ dội hơn.
Qua sự việc này, bản thân của người mẫu trong ảnh (Thái Nhã Vân) đã có cuộc phỏng vấn và hết lòng xin lỗi tất cả các độc giả, nhưng việc đã làm vẫn còn đó mà chỉ trấn an với mọi người bằng vài câu xin lỗi thì có nghĩa chi đâu. Phải chẳng hai nhân vật trong ảnh trên đã cố tình dàn dựng dưới hình thức nghệ thuật để họ được một phen ca tụng rồi nổi tiếng lên? Chán chường thay cho những ai đã cố tình chà đạp danh dự của chính mình dưới hình thức gọi là nghệ thuật ảnh “Nude để thiền” gì gì đó với cái tên “Thoát” thật buồn cười.
Chữ “thoát” kia là chỉ cho một trạng thái tâm hồn vượt thoát mọi phiền muộn khổ đau ở trong tâm mình, nói như vậy có nghĩa là tâm hồn mình đã chế ngự được các ham muốn đang có mặt trong con người của ta, chứ không phải thoát ra bỡi cảnh dung tục ở bên ngoài. Đã là cảnh trần bên ngoài thì chẳng lẽ lấy cái bên ngoài để thoát cái bên ngoài sao? Một gã phàm phu hết sức phàm phu giống như con thiêu thân tưởng ánh đèn là hạnh phúc cần tìm cho cuộc sống nên đâm đầu vào bị lửa thiêu chết.
Các Phật tử không nên mê lầm mà so sánh giống như lời phân tích của Huỳnh Văn Ân, một người không hề hiểu gì về giáo lý đạo Phật. Ông Ân lại nói rằng: “Theo sách nhà Phật thì có những hình ảnh ghi lại quá trình Phật đắc đạo dù bên cạnh Người là rất nhiều yêu ma hóa thân thành những cô gái đẹp để chiêu dụ, lung lạc đường tu hành”.
Đây là một ý tưởng rất sai của nhận thức nơi chính ông Ân. Ông Ân nói thêm: “Bộ ảnh này có thể dựa trên ý tưởng đó. Có điều yêu ma thời đó còn mặc quần áo chứ Nude 100% như cô này thì thật khó bênh vực”.
Tôi xin đỉnh chính lại ý tưởng của ông Ân rằng yêu ma chỉ là cái nói trừu tượng của ngôn ngữ để diễn tả một mặt nào đó với nội tâm ham muốn đang chế ngự trong một con người mà thôi, chẳng có cách nói nào dung tục như ông vừa nói giỡn cợt vậy đâu.
Xin quí vị hãy nhìn và làm sao cho cuộc sống có ý nghĩa vượt qua những trò đùa danh lợi phù du kia, để chúng ta xây dựng một đời sống nội tâm thật sự mang tính đạo đức con người. Mai hậu kia chúng ta sẽ được mọi người ví như ngọn đuốc soi sáng mọi tối tăm nơi tăm tối này.