Tiếp xúc với chị Lê Thị Khạch, dân tộc Pacô, đang lao động cùng đạo tràng Sơn Thủy, được chị Khạch kể: “Năm ngoái tui về Huế chăm sóc người nhà bệnh, gặp thầy Minh, thầy Minh nói có biết chùa, biết Phật không, tui nói không, thầy Minh nói nên đi chùa, lạy Phật đi, nhưng tui không biết đi chùa là đi mô, lạy Phật là lạy chi. Mấy lần tui đi ngang qua đây, thấy cái nhà là lạ (niệm Phật đường (NPĐ) Sơn Thủy-NV), không biết trong cái nhà này có chi vui mà người đông rứa, cái này (chị Khạch) muốn vô coi nhưng sợ lắm. Khi các chị cầm tay dắt vô tui thấy trên cao để một ông người to lắm (tượng Phật), mắt nhắm, miệng cười, tui thích nên tui đến, chớ tui không biết chi nữa hết, sau này mới biết đây là chùa, và trên cao là ông Phật, tui nhớ lời thầy Minh tui lạy, tui theo và thấy vui lắm”. Còn cụ Hồ Thị Điệt, dân tộc Pacô, năm nay đã ngoài 70 tuổi cũng vai mang gùi, tay cầm rựa, đầu đội chiếc nón cời đến chùa, cũng lao động nhổ cỏ vui vẻ như mọi người. Nói chuyện với chúng tôi, cụ không biết gì hết, mà cụ chỉ cười rất ngây ngô. Cụ không nói được tiếng Kinh, chỉ vỏn vẹn vài chữ: “Tau không biết chi hết, tau chỉ biết
Thượng tọa Thích Huệ Phước, Chánh đại diện Phật giáo huyện A Lưới tâm sự: “Trước đây, khi khởi công làm NPĐ Sơn Thủy, thực tình chúng tôi không dám nghĩ rằng sẽ có ngày bà con dân tộc đi chùa đông đúc thế này. Bởi đường sá xa xôi băng rừng lội suối cách trở đến vài chục cây số ai mà đi, với lại chỉ có bà con ở dưới xuôi mình lên đây lập làng lập ấp, nhớ Phật, nhớ Tổ, nhớ chùa đi cho khuây khỏa thế thôi. Nên ngôi NPĐ Sơn Thủy này ban đầu làm tạm thời, vôi vữa thô sơ, sắt thép thiếu thốn, không gian chật hẹp. Gần đây, bà con đi chùa ngày càng đông, đạo tràng tu Bát quan trai ngày càng mạnh, bà con dân tộc đi chùa cũng nhiều hơn, nên ngôi NPĐ vốn đã xuống cấp nay trở nên quá tải, chúng tôi tạm thời làm thêm hai cánh gà bằng tre nứa nhưng cũng không đủ. Trước mắt BĐD chúng tôi rất cần kinh phí để làm lại ngôi NPĐ Sơn Thủy vững vàng kiên cố hơn để vừa làm nơi tu học cho bà con, vừa làm văn phòng Ban Đại diện. Sau đó nếu thuận duyên, chúng tôi sẽ cố gắng để mở thêm một hai ngôi NPĐ nữa tại các thôn bản khác để thuận tiện cho bà con trong việc tu học, tránh phải vượt rừng, lội suối đến cả vài chục cây số như hiện nay, rất nguy hiểm”.
Chứng kiến Thượng tọa Thích Huệ Phước và Tăng, Ni trong BĐD cùng các bác hội viên khuôn hội Sơn Thủy chạy ngược chạy xuôi; người xách xôi chè, người xách bông trái, dầu đèn thân chinh đến từng nhà bà con tặng tủ thờ, tượng Phật, sắp đặt bưng dọn, giúp bà con trang thiết bàn thờ Phật, tổ chức lễ an vị Phật cho bà con (trong đó có ba hộ dân tộc thiểu số) mới thấy hết tình cảm thầy trò, đạo hữu trên miền núi rừng A Lưới đẹp biết bao, thương biết bao. Ni sư Diệu Đàm, mạnh thường quân của A Lưới nói: “Ở trên này nếu mình mà không nhiệt tình, không giúp nhau thì ai đến với mình! Từ khi Thượng tọa Chánh đại diện lên đây, Thượng tọa cũng chịu biết bao cực khổ, xắn quần lội suối, vượt rừng đến với bà con nên Phật giáo A Lưới mới có được như ngày hôm nay”.