Món chay giả mặn không gợi cảm với người xuất gia
Mục đích của việc tạo ra các sản phẩm chay bắt chước hình tướng của thực phẩm mặn sẽ tạo cho nhiều người có cảm giác đang ăn thức ăn mặn để họ dễ tiếp nhận đồ chay hơn. Tuy nhiên hình thức này chỉ phục vụ cho đại đa số người tại gia, chứ những người xuất gia thì hoàn toàn không có gợi cảm gì cả.
Món chay với hình dạng phong phú, hấp dẫn nhưng không có gợi cảm gì với người xuất gia |
“Rất ít người xuất gia muốn ăn các món ăn chay giả mặn vì sản xuất bằng hóa chất nhiều không tốt sức khỏe. Ăn chay lâu rồi nghe đến mùi vị đồ mặn thấy sợ” – thầy Thích Giác Tấn (Bình Định) chia sẻ.
Theo thầy Giác Tấn, khi nhìn thấy các món ăn đó, không gợi lên điều gì trong người xuất gia. Chỉ cảm thấy tội cho người ăn mặn vì mùi vị thôi mà họ sát hại quá nhiều sinh mạng, chứ ăn vào bao tử rồi thì chỉ còn là chất dinh dưỡng.
Thực phẩm chay giả mặn đang được sản xuất theo công nghệ dây truyền và trở nên phổ biến khắp thế giới. Nó được xuất hiện ngày càng nhiều trong các bữa cỗ, nhà hàng làm cho người tại gia thích thú và đôi khi còn hào hứng khi ăn.
Song đối với người xuất gia thì ngược lại. “Nếu người xuất gia ăn các món chay giả mặn chỉ vì bắt buộc và khi ăn với cái tâm không tác ý (không suy nghĩ gì – PV). Nếu ăn ở chùa thì sẽ nấu bằng nguyên liệu của rau quả, đạm bạc, đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh hơn” – thầy Giác Tấn cho hay.
Cần loại trừ thói quen ăn món chay giả mặn
“Thay vì để thực khách ăn thịt những con vật thật, nhà sản xuất tạo ra những món chay giả các loại thịt để cho người ăn bớt đi nghiệp sát. Khẩu vị tiếp xúc thì giống nhau nhưng nghiệp sát mạng sống thì không có nhằm mục đích dẫn dụ người chưa quen ăn chay.
“Cần loại trừ thói quen tiêu thụ các thực phẩm chay giả mặn” – Đại đức Thích Nhật Từ nhấn mạnh |
Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm chay giả mặn không còn hương vị chay tịnh nữa mà tanh hôi. Ăn những thực phẩm đó nếu không biết trước là đồ chay giả mặn thì không thể phân biệt được giữa thật và giả” – Đại đức Thích Nhật Từ (Phó Ban hoằng pháp Thành hội Phật giáo TPHCM) nhận định.
Theo thầy Nhật Từ, lúc ăn những đồ chay giả mặn, hạt giống sát hại thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi lớn. Ăn thực phẩm này chẳng khác nào ăn những động vật thật dưới góc độ tâm tưởng.
Còn về phương diện y học, các thực phẩm đó không có dưỡng chất và chứa nhiều độc tố. Hạt giống của tâm sát hại vô tình vẫn được tồn tại dưới dạng tùy miên (ngủ trong tạng thức con người – PV).
Thấy thị trường đồ chay có cơ hội phát triển nên hiện nay đã có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm chay giả mặn. Để có thể tạo món chay có hình dáng và hương vị giống như món mặn, người ta phải sử dụng nhiều loại hóa chất tạo mùi, tạo màu…
Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể thì những món chay giả mặn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn kiêng còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người ăn chay. Vì người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất mà thực phẩm chay giả mặn đã có thêm các chất phụ gia và chế tạo qua sẽ ảnh hưởng đến nguyên chất của thực phẩm.
“Nếu thường xuyên ăn các món này, với người còn ăn chay kỳ, trong một thời gian dài và ăn liên tục trong cả tháng thì không những đã không thanh lọc được cơ thể mà trái lại đang tự cung cấp những tác nhân xấu, đầu độc chính mình và sẽ gây ra một số bệnh về sau” – Dược sĩ Quách Hiệp Hưng (quận 12, TPHCM) cho biết.
Tin liên quan: www.phattuvietnam.net/doisong/26/19149.html
Bùi Hiền
Theo kienthuc.net.vn/