Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Thực trạng Phật giáo Việt Nam?

Thực trạng Phật giáo Việt Nam?

1026

Đây là một câu hỏi khó trả lời. Nói khác hơn, có quá nhiều câu trả lời tương phản nhau và khó kiểm chứng.

Ngay cả số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam cũng không thể xác định được. Cũng như đối với Phật giáo thế giới, những con số về tín đồ Phật giáo Việt Nam có sự sai biệt rất lớn. Một số vị thượng tọa, hòa thượng vẫn duy trì ờ mức 70 – 80% dân số Việt Nam. Các số liệu khác giảm dần ở các mức khác nhau: gần 50 triệu, khoảng 50%…và con số thấp nhất là khoảng 10 triệu.

Con số nào đúng? Từ đó, thực trạng Phật giáo Việt Nam ra sao? Không có thể xác định chính xác số tín đồ, sai biệt đến mức bên 1, bên 5, và hơn thế nữa, thì mọi lập luận đều vô nghĩa. Những con số đều có cơ sở xác định riêng, nhưng đều có hạn chế nhất định. Chẳng hạn, nếu căn cứ thông tin ghi trên giấy chứng minh nhân dân thì số tín đồ đạo Phật không nhiều, nhưng lại có không ít trường hợp  chứng minh nhân dân của các vị tu sĩ ghi rằng “Tôn giáo: không”

Hay căn cứ vào số lượng người đến chùa. Vẫn đông. Có lẽ quý thầy vẫn hài lòng. Hình như các bài viết phản ánh bi quan thực trạng Phật giáo Việt Nam đăng trên các trang web phần lớn đều từ phía các cư sĩ, hay một số ít tăng sĩ có vị trí thấp. Còn dễ cảm nhận rằng chư tôn đức đều lạc quan.

Trước một vấn đề đầy khác biệt và mâu thuẫn như vậy thì giải quyết ra sao? Không lẽ cứ mạnh ai người nấy nói. Xác định bằng chính cơ sở hành chính còn có vấn đề, thì xác định  bằng cách gì mới chính xác? Ngay cả khi câu trả lời xác định tôn giáo là Phật giáo từ một số người cũng lúc này, lúc khác. Không xác định được chính xác số lượng được tín đồ có nghĩa là không thể nói chuyện thực trạng.

Trong bài viết này, chúng tôi căn cứ vào phương pháp nghiên cứu xã hội học, quan sát, phân tích và tâm lý học đám đông để tìm hiểu thực trạng của Phật giáo Việt Nam. Đó là đối chiếu so sánh khả năng huy động lực lượng tín đồ tập trung của các tôn giáo, để từ những tôn giáo có thể xác định được chính xác số lượng tín đồ, suy ra được số lượng tín đồ của các tôn giáo còn lại.

Trong nghiên cứu xác định thực lực của những lực lượng xã hội, người ta thường dùng đến những phương pháp này. Nghĩa là căn cứ vào khả năng tập trung số lượng người ủng hộ một cách tự nguyện. Sự hiện diện của con người, quan sát trực tiếp, và trên ảnh chụp, xác định bằng diện tích đám đông hiện diện, không thể là con số ảo, hay con số thổi phồng. Bởi vì, nó trình bày ra trước mắt, nhìn thấy được, đếm được, thuộc lãnh vực khoa học thống kê. Số đếm càng chính xác khi đám đông hiện diện tại một không gian định lượng, như sân vận động xác định số ghế chẳng hạn.

Chúng tôi dùng những phương pháp này trong tinh thần thử nghiệm vận dụng một cách thức mới để xác định thực trạng của Phật giáo Việt Nam. Với một phương pháp thử nghiệm, thì yêu cầu cần được bàn bạc, thảo luận là một yêu cầu đương nhiên.

Việc xác định thực trạng tôn giáo như một lực lượng xã hội bằng phương pháp đánh giá số liệu khả năng tập trung đông người vào những dịp lễ cũng chi phối rất nhiều bởi yếu tố địa phương. Cho nên, giá trị của nó cũng hạn chế khi khái quát lên ở diện rộng.

Điều này chúng ta có thể thấy rõ ở những cuộc lễ của đạo Cao Đài tổ chức ở Tây Ninh. Số người đến dự được báo chí chính thức ghi nhận là 100 ngàn người. Con số này là ổn định hàng năm với các dịp lễ  định kỳ . Trong những lễ đột xuất, như lễ cung nghinh di cốt của Hộ pháp Phạm Công Tắc cách đây vài năm, số lượng tín đồ tham dự cũng rất lớn. Con số này là chính xác, vì nó định lượng bởi diện tích  của quảng trường trước tòa thánh Tây Ninh và kiểm chứng một phần bằng số lượng xe khách có bảng số các địa phương khác nhau đậu tại nội ô tòa thánh cũng như những địa điểm gần nơi hành lễ.

Một trăm ngàn là con số tín đồ tập trung dự lễ đông đảo nhất được ghi nhận. Tuy nhiên, con số này không phản ánh thực trạng đạo Cao Đài trên toàn quốc. Còn trường hợp con số 100 ngàn tín đồ được cho là đã tham dự lễ khai mạc năm Thánh 2010 của Thiên Chúa giáo tại Việt Nam được tổ chức mới đây thì khác. Nó phản ánh diện mạo toàn quốc.

Nhưng điều đáng quan tâm là các con số trong dịp lễ Noel vừa qua.

Theo Đài Phát thanh quốc tế Pháp RFI, thì “lần đầu tiên trong lịch sử các Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, tại Gò Vấp (TPHCM), ngày 11/12 vùa qua, một đêm thánh nhạc truyền giảng vào tháng Lễ Giáng sinh, do Hội Thánh tư gia Tin Lành tổ chức, đã thu hút từ 30.000 đến 40.000 người tham dự”.

Một cơ quan truyền thông khác xác định địa điểm tổ chức là sân K26, đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Bản tin cũng cho biết chương trình cuộc truyền giảng chỉ được cho phép chỉ chừng 48 tiếng đồng hồ trước đó, nghĩa là thời gian chuẩn bị  rất hạn hẹp.

Tưởng cũng cần chú thích rằng Hội Thánh Tin Lành tư gia chỉ là một trong nhiều giáo hội Tin lành đang hoạt động tại Việt Nam.

Số người tham dự một cuộc lễ tương tự cũng do Hội Thánh Tin Lành tư gia tổ chức ở Hà Nội là 12.000 người, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, ngày 21/12/2009.

Các đại lễ của Phật giáo Hòa Hảo, như lễ Khánh đản Đức Huỳnh Giáo chủ, lễ “Đức Huỳnh Giáo chủ khai sáng nền đạo”, số người tham dự cũng vài chục ngàn, với ghe thuyền neo kín cù lao Thánh địa Hòa Hảo.

Ghi nhận những con số như trên, đối chiếu với các cuộc lễ tập trung Phật giáo được tổ chức tại các thành phố lớn, đặc biệt là Lễ Phật Đản tại TPHCM được tổ chức ở sân vận động Quân khu 7 chỉ vài năm gần đây, thì số lượng tín đồ tham dự, đã qua vận động tham dự, chỉ khoảng trên dưới  20.000 người mà thôi.

So sánh với những con số tương ứng của các tôn giáo khác được ghi nhận ở trên, thì kết luận về thực trạng đạo Phật chắc chắn không phải là một kết luận lạc quan.

Một cuộc đại lễ định kỳ truyền thống của Phật giáo tại TPHCM có số người tham dự ít hơn một buổi truyền giảng do chỉ một hội thánh trong số nhiều hội thánh Tin Lành tổ chức và không phải vào đúng ngày Noel. Điều này liệu có đủ cho chức sắc Phật giáo Việt Nam quan tâm hay chưa?

Về uy tín cá nhân, thì có vị tôn túc được coi là tầm cỡ thế giới, như Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng số người tham dự các buổi lễ và thuyết pháp do Thiền sư chủ trì, như Trai đàn Chẩn tế tại TPHCM mấy năm trước đây, số người tham dự vừa đủ sân chùa Vĩnh Nghiêm, các buổi thuyết giảng cũng có số người tham dự vừa vặn sân một số chùa khác.

Về mặt cảm nhận chủ quan, số lượng người tham dự các cuộc lễ Phật giáo tại một số chùa ở TPHCM hình như có chiều hướng giảm đi. Thí dụ, vào các năm 1973, 1974, số Phật tử tham dự Lễ Phật Đản tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn đông đến mức đường Sư Vạn Hạnh trước cửa chùa phải được cô lập hàng mấy trăm mét. Nay thì số người tham dự lễ Phật đản chỉ chen nhau trong sân và cửa chùa. Đường Sư Vạn Hạnh vẫn lưu thông bình thường trong ngày lễ.

Có thể có một biện pháp tình thế là cố gắng nâng số tín đồ tham dự Lễ Phật đản tại sân vận động trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này cũng chưa chắc thực hiện được.

Vấn đề nằm ở chỗ thực trạng của Phật giáo khi tìm hiểu bằng phương pháp phương pháp nghiên cứu xã hội học. Những con số ở đây biết nói và điều nó nói là không lạc quan cho Phật giáo.

Đã có thể “báo động” như đạo hữu Nghiêm Minh Kiên đề nghị trên loạt bài viết gần đây trên Phattuvietnam.net?

MT.