Tiếp linh
Khi cầu siêu cho các chân linh, vong hồn, trước hết người ta lập đàn lễ để gọi vong linh về, gọi là khoa Tiếp linh. Đây là khoa cúng mở đầu của khóa lễ cầu siêu. Người bình thường không thể tự mình gọi lên các chân linh, vì thế phải phiền đến các vị sứ giả đi tìm vong đang lưu lạc khắp nơi về tham dự đàn tràng để quy y cửa Phật.
Khoa Tiếp linh diễn ra ở ban thờ Vong.
Trong khoa Tiếp linh, lễ vật là 1 mâm lễ mặn gồm có xôi, gà, trầu, rượu, thuốc lá; 1 cỗ ngựa đỏ (bao gồm 1 ông ngựa mã, 1 mũ mã, 1 đôi hia mã, 1 bộ quần áo mã) kèm theo 1 lá sớ Tiếp linh nhờ sứ giả cầm sớ, đi tìm vong linh về cho mình.
Trong phần lễ Tiếp linh, trai chủ sẽ tiến hành đỉnh lễ tôn thần sứ giả tứ bái. Hai bên tả, hữu (thầy cúng) ứng đối theo một bài khấn Tiếp linh.
Các vị tăng (trong hai buổi lễ ngày 01.03.2009 và ngày 29.03.2009 đều là 2 người) tuyên đọc sớ thỉnh mời 5 vị sứ giả là: Thiên phủ Tứ thiên sứ giả, Phi thiên Tập tiệp sứ giả, Địa phủ Diễn ma sứ giả, Thủ phủ Không hành sứ giả và Thổ địa Linh quan sứ giả .
Kết thúc bài khấn Tiếp linh là tới phần Kham thán chung (do các vị tăng tham gia khóa lễ và thầy cúng ngồi ở hai bên đàn lễ cử) nói lên nỗi niềm tưởng nhớ, tiếc thương của gia đình đối với người đã quá cố; đồng thời gửi gắm ước nguyện chư Phật chỉ đường dẫn lối cho vong linh được tới nghe kinh.
Tùy theo quan hệ giữa người đã mất với người chịu lễ có mặt tại đàn lễ mà người ta có thể thán các bài riêng:- Vợ chồng thán cho nhau, Cha mẹ thán con.
Tuy nhiên, khoa Tiếp linh do chùa Phúc Khánh tổ chức chỉ dừng lại ở phần cử bài văn khấn. Không tuyên đọc sớ Tiếp linh. Không cử phần Kham thán chung cũng như Khám thán riêng.
Trong khóa lễ cầu siêu hoàn chỉnh, kết thúc phần Tiếp linh là khoa Phát tấu.
Cúng Tổ diễn ra tại nhà Tổ của ngôi chùa. Nội dung của phần Cúng Tổ chỉ gồm có 1 mâm quả, nước, hương, hoa… dâng cúng lên những vị tổ đã có công sáng lập, gây dựng nên ngôi chùa hiện nay.
Khoa Phát tấu là sự nối tiếp của khoa Tiếp linh.
Được các vị sứ giả giúp đỡ mời vong linh về, kế tiếp, gia chủ chuẩn bị lễ Phát tấu để tiến lễ mã ngựa cho 5 vị sứ giả đến Tây Phương thỉnh cầu chư Phật về dự đàn lễ Cầu siêu.
Lễ vật của đàn lễ Phát tấu bao gồm: 1 mâm cơm mặn (tam sinh: thủ lợn, gà, ngan), thuốc lá (5 bao), ngựa mã (5 con), mũ mã (5 chiếc), hia mã (5 đôi), áo mã (5 chiếc).
Nội dung của khoa Phát tấu là cử bài khấn, trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh.Trong lễ cầu siêu tại chùa Phúc Khánh không có Cúng Tổ và Phát tấu.
Triệu linh
Từ khoa Triệu linh trở về sau, tại chùa Phúc Khánh thường chỉ có một vị tăng và hai thầy cúng đảm nhiệm công việc. Có thể thay đổi vị tăng này tạm ngừng thì vị tăng khác lên đàn lễ thay thế. Biểu hiện này duy trì trong suốt 5 khóa lễ mà chúng tôi có điều kiện quan sát.
Triệu linh là nghi lễ mà đại diện gia đình mời các vong linh thân nhân của họ về để Cầu siêu. Khoa cúng Triệu linh ở các nơi khác diễn ra tại bàn thờ Tam Bảo. Nhưng ở chùa Phúc Khánh, Triệu linh được thực hiện tại bàn thờ Vong.
Trong phần Triệu linh này, người chủ lễ sẽ trình bày một bài khấn có nội dung bao hàm những lời mà đại diện gia chủ (có thể là cha, là con, hay những người thân khác của gia đình) nói lên những khát vọng, những điều khẩn cầu với đức Phật độ trì cho các vong linh của họ; đồng thời cũng là những lời mời gọi vong về đàn lễ để “nương nhờ cửa Phật” mong được siêu thoát, tịnh độ.
Trong khoa cúng Triệu linh, ngoài phần nội dung chính do trai chủ kiến thành đỉnh lễ, còn có những bài khấn riêng dành cho thân nhân của người mất, tùy theo mối quan hệ gia đình:Vợ chồng cúng cho nhau (1bài), Cha mẹ cúng cho con (2 bài)
Sau khi kết thúc lễ Triệu linh, gia chủ sẽ sửa soạn một mâm lễ mặn để cúng chúc thực – mời vong linh về ăn.
Tắm vong và Hóa mã
Một lễ cầu siêu hoàn chỉnh thì kế tiếp khoa Triệu linh là bốn nội dung liên tục bao gồm: Tắm vong, Sái tịnh, Hóa mã và Khai quang vong. Ở nhiều ngôi chùa, trong khóa lễ cầu siêu cơ bản, người ta thường chỉ tiến hành Tắm vong và Hóa mã. Chùa Phúc Khánh là một trong những nơi như vậy.
Tắm vong
Trước khi đưa các vong vào quy y cửa Phật để làm lễ tụng kinh, người ta thực hiện một nghi lễ đặc biệt là lễ Tắm vong. Ý nghĩa của nghi lễ này là trước khi chính thức vào quy y cửa Phật, các chân linh, vong hồn cần phải “tắm gội” sạch sẽ.
Để tiến hành Tắm vong, nhà chùa chuẩn bị cho mỗi vong linh (trường hợp 49 ngày) ba bát nước gồm: nước hương (nước có rắc tàn hương), nước hoa (nước có rắc cánh hoa hồng) và nước gừng.
Phần Tắm vong thường chỉ có một nhà sư cùng hai thầy cúng tham gia. Tắm vong ở các nơi khác diễn ra tại bàn thờ Tam Bảo vì đây là một phần nội dung của khoa Triệu linh. Nhưng ở chùa Phúc Khánh, Tắm vong được thực hiện tại bàn thờ Vong. Sau khi kết thúc bài văn khấn dành cho lễ Tắm vong, vị sư này sẽ hướng dẫn cho các gia đình mang ba bát nước tắm vong đổ ra vườn. Lễ Tắm vong kết thúc.
Tùy theo thời điểm mà có những bài văn khấn Tắm vong khác nhau. Có bài khấn dành riêng cho dịp 35 ngày hoặc 49 ngày. Lại có bài khấn dành riêng cho những dịp khác. Trong phần Phụ lục của đề tài này có giới thiệu bài khấn được sử dụng tại chùa Phúc Khánh cũng như nhiều ngôi chùa khác mà người viết có điều kiện tìm hiểu.
Hóa mã (còn gọi là Tiến mã)
Đây chỉ là một nội dung nhỏ trong khóa lễ. Người ta quan niệm rằng, sau khi tắm rửa sạch sẽ cho vong linh thì tiến hành hóa mã. Tất cả quần áo, mũ mão, ngựa xe… mà gia chủ chuẩn bị cho người quá cố cùng với 1 bộ quần áo mà phía nhà chùa đã sắp sẵn sẽ được các gia đình mang ra khu vực đốt vàng mã của chùa để hóa, gửi tới vong linh.
Thông thường trong phần Hóa mã ở các chùa khác, các vị tăng sẽ tuyên đọc sớ Trạng mã.
Như vậy, tương ứng với mỗi vong linh sẽ có một tờ sớ Trạng mã. Tại chùa Phúc Khánh, sau khi cử bài khấn Tiến mã , thay vì tuyên đọc đầy đủ, tờ sớ được đính kèm theo bộ quần áo cho vong linh mà nhà chùa đã chuẩn bị. Tất cả được đưa cho gia đình người quá cố để đem đi hóa chung.
Dưới đây là nội dung của lễ Sái tịnh và Khai quang vong mà người viết có dịp được quan sát trực tiếp tại những ngôi chùa khác.
Sái tịnh
Chuẩn bị một chén nước gừng đặt sẵn trên bàn. Người chủ lễ tiến hành múa Sái tịnh: đọc văn sái tịnh, khai chuông mõ, tán hương… sau đó tay cầm chén nước, tay cầm ba nén hương và một cành hoa nhỏ, vừa niệm chú, vừa dùng cành hoa chấm vào chén nước.
Ý nghĩa của lễ Sái tịnh là nhằm tẩy trần cho vong khỏi những thứ không sạch sẽ đeo bám trên mình để có thể lên đàn quy y Tam Bảo.
Khai quang
Khai quang là một nghi lễ khá quan trọng trong phần Triệu linh của lễ Cầu siêu. Mục đích của Khai quang nhằm khai mở lục thức cho vong linh: khai nhãn, khai nhĩ, khai tỵ, khai thiệt, khai thân, khai ý (khai tâm).
Quan niệm về lục thức khởi nguồn từ lục căn.
Lục căn là 6 giác quan của con người để nhận biết sự việc: 1. Nhãn (mắt) – 2. Nhĩ (tai) – 3. Tỵ (mũi) – 4. Thiệt (lưỡi) – 5. Thân (da thịt) – 6. Ý (tư tưởng).
Lục thức được sinh ra từ lục căn, bao gồm:
1. Nhãn thức: cái biết của mắt do nhìn thấy
2. Nhĩ thức: cái biết của tai do sự nghe
3. Tỵ thức: cái biết của mũi do sự ngửi
4. Thiệt: cái biết của lưỡi do sự nếm
5. Thân thức: cái biết của da thịt do đụng chạm
6. Ý thức: cái biết của tư tưởng do trí não.
Người ta quan niệm quần áo của vong linh là quần áo không sạch sẽ của trần gian. Vì thế, vong linh sau khi được tắm rửa sạch sẽ, khai quang làm sáng rõ lục thức thì gia chủ sẽ tiến hành hóa quần áo vàng mã để vong mặc vào, lên đàn dự lễ quy y.
Để tiến hành Khai quang vong, trai chủ một tay cầm chén nước, một tay cầm ba nén hương và cành sái. Bắt đầu lễ, chống tay thử vào chén nước, trống, nhạc đồ hương giống như sái tịnh. Sau đó đặt chén nước xuống, tay cầm hương + khăn mặt và múa (niệm chú và kết ấn).
Cúng Phật
Theo tiến trình của một khóa lễ cầu siêu, khoa Cúng Phật phải diễn ra ngay sau Tiếp linh (hoặc Phát tấu, tùy thuộc vào lễ cầu siêu cơ bản hay lễ cầu siêu hoàn chỉnh). Tuy nhiên, ở chùa Phúc Khánh, khoa cúng này lại đặt sau khoa Tiếp linh. Về hình thức, ý nghĩa của lễ này gần giống với lễ Tiếp linh nhưng có điểm khác nhau cơ bản: nếu như trong lễ Tiếp linh, chư tăng đọc sớ nhờ sứ giả đi tìm vong về quy y cửa Phật, thì ở lễ Cúng Phật, lời sớ là sự thỉnh cầu 5 vị sứ giả mời Đức Phật về dự và làm chứng cho đàn lễ cầu siêu. Bài khấn sử dụng trong khoa Cúng Phật là bài Thỉnh Phật . Sớ sử dụng trong khoa Cúng Phật là sớ Phật âm. Ngoài đọc bản sớ, trong lễ Cúng Phật còn tụng kinh.
Tùy theo quy mô của từng đàn lễ cũng như điều kiện kinh tế của gia đình đứng lên lập đàn lễ kéo dài ngày hay ngắn ngày mà người ta tụng nhiều bộ kinh. Thông thường người ta tụng ba bộ kinh là kinh Pháp hoa, kinh Báo ân và kinh Thủy sám. Đây là kinh pháp nhà Phật để hóa giải cho các vong hồn được gọi về, đồng thời giúp cho các chân linh được sáng trí, sáng lòng thông qua nội dung trong kinh của Đức Phật.
Tại chùa Phúc Khánh, vị tăng chỉ tụng kinh Di Đà, không sử dụng sớ Phật âm trong khoa cúng này.
Lễ vật của khoa Cúng Phật là: 1 mâm cơm chay, xôi, oản, chè. Lễ Cúng Phật diễn ra tại bàn thờ Tam Bảo.
Quy y vong
Quy y vong diễn ra tại bàn thờ Tam Bảo.
Quy y này được gọi là quy y âm. Vong linh khi còn sống có thể đã quy y Tam Bảo – đó gọi là quy y dương. Quy y âm có 3 ý nghĩa: 1. Quy y Phật: vong linh sẽ không phải vào địa ngục; 2. Quy y Pháp: vong linh sẽ không phải làm ngạ quỷ; 3. Quy y Tăng: vong linh sẽ không phải đọa vào cõi súc sinh.
Kết thúc lễ Quy y là cấp điệp cho vong linh. Tờ điệp này do phía nhà chùa chuẩn bị, trong đó ghi tên, ngày sinh, ngày mất của vong linh và trao lại cho gia đình. Theo tìm hiểu của người viết, ở chùa Phúc Khánh không sử dụng tờ điệp cấp này.
Tụng kinh A Di Đà
Sau khi các vong linh đã được quy y, người ta rước vong lên chùa và làm lễ tụng kinh. Kinh được tụng trong nghi lễ này gồm: kinh A Di Đà, kinh Thuỷ sám, kinh Địa Tạng, kinh Lương hoàng sám, kinh Pháp hoa, kinh Báo ân… Ý nghĩa của của việc tụng kinh là tôn vinh công ơn đức Phật; đồng thời, thông qua những lời kinh Phật, thỉnh cầu chư Phật cứu vớt, hóa giải cho các chân linh, vong hồn được siêu thoát – được “nương nhờ cửa Phật” để nhanh chóng đầu thai sinh kiếp người khác.
Khóa lễ cầu siêu tại chùa Phúc Khánh chỉ tụng kinh A Di Đà. Phần này do một vị tăng đảm nhiệm.
Tuyên sớ Biểu âm
Phần Tuyên sớ Biểu âm ở những chùa khác do một vị tăng tiến hành. Nhưng tại chùa Phúc Khánh, sau khi tụng kinh, chỉ còn lại hai hoặc ba thầy cúng tham dự đàn lễ. Vì vậy, phần tuyên sớ do một thầy cúng chịu trách nhiệm.
Khóa lễ cầu siêu hoàn chỉnh còn có hai đàn lễ diễn ra nối tiếp nhau: lễ Khai phương – Phá ngục và lễ Giải oan – Cắt kết. Dưới đây là tóm tắt nội dung của hai đàn lễ đó.
Lễ Phá ngục
Sau lễ Tụng kinh, người ta tiến hành bày đàn tràng Phá ngục (còn gọi là đàn ngục) để giải thoát cho các chân linh, vong hồn. Mở đầu cho Phá ngục là nghi lễ Thỉnh xá, phóng xá để yêu cầu quản ngục xoá tên các chân linh vong hồn đã qua đàn cầu siêu ra khỏi danh sách tại địa ngục.
Lễ Giải oan – Cắt kết
Lễ Giải oan – Cắt kết bao gồm các tiểu nghi lễ như tra tội, định tội được mở để mở đường cho các vong được thoát khỏi tội lỗi, kiếp nạn. Giải oan – Cắt kết là để minh oan, xóa tội cho các chân linh vong hồn, đồng thời cắt đứt các oan nghiệp giúp cho các chân linh vong hồn luân hồi, đi sang một kiếp người khác.
Cúng chúc thực, Cúng thí thực
Chúc thực
Chúc thực là cúng cơm cho vong linh. Có thể cúng cơm chay hoặc cơm mặn, tùy theo sự thỏa thuận giữa nhà chùa và gia đình người quá cố.
Tại chùa Phúc Khánh, ở bàn thờ Vong người ta đặt một mâm cơm chay và một mâm cơm mặn, dùng chung cho tất cả vong linh của các gia đình. Thầy cúng cử bài khấn Chúc thực, không sử dụng sớ Cấp vong như tiến trình cơ bản của khóa lễ cầu siêu .
Thí thực và Phóng sinh (nếu có)
Là sự dâng cúng cơm nước, hoa quả, cho các vong hồn lang thang, cô quạnh… Lễ này ít được tiến hành trong những khóa lễ cầu siêu cơ bản, thường chỉ xuất hiện trong khóa lễ hoàn chỉnh. Chùa Phúc Khánh không tổ chức lễ này cho các gia đình có vong linh gửi lên chùa.
Trong phần này chúng tôi trình bày về tiến trình của một khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa diễn ra tại chùa Phúc Khánh.
Một khóa lễ cầu siêu đòi hỏi phải có sự chuẩn bị khá cầu kì, chi tiết. Tuy nhiên tại chùa Phúc Khánh, nhiều nội dung liên quan đến khóa lễ đã có sự giản lược. Việc tiến hành một lễ cầu siêu chỉ đòi hỏi gia đình có người mất đến chùa đăng kí làm lễ với ban quản lý, nộp tiền (500 ngàn đồng với trường hợp chỉ làm lễ cầu siêu hoặc 500 ngàn đồng và thêm 360 ngàn đồng để làm cả lễ cầu siêu và lễ Tuần).
Phía nhà chùa, công việc chuẩn bị cho lễ cầu siêu do các phật tử chấp tác tại chùa đảm nhiệm. Họ mua sắm hoa quả, đồ mã, sớ, bài vị…; nấu cỗ mặn, cỗ chay, xôi chè; bày biện, sắp xếp đồ lễ lên bàn thờ Tam Bảo, bàn thờ Vong theo vị trí đã quy định từ trước. Các gia đình không phải chuẩn bị thêm lễ vật. Nếu thành tâm, có thể mang đến chùa thêm một ít hoa quả, vàng mã để thắp hương cho vong linh.
Khóa lễ cầu siêu – rước vong tại chùa Phúc Khánh được tổ chức vào lúc 9h – 11h30 sáng chủ nhật hàng tuần.
Nội dung của khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa bao gồm 8 nội dung: Tiếp linh, Triệu linh, Tắm vong và Hóa mã, Cúng Phật, Quy y vong, Tụng kinh A Di Đà, Tuyên sớ Biểu âm, Chúc thực.
Tham dự khóa lễ cầu siêu là đại diện nhà chùa và thân nhân của người quá cố được đưa rước lên chùa. Do nhiều nguyên nhân, cách họ nhận biết về những nội dung của lễ cầu siêu có nhiều điểm khác nhau. Trong phần tiếp theo, chúng tôi xin đề cập tới một số vấn đề mà chúng tôi rút ra từ quá trình khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn được thực hiện tại chùa Phúc Khánh. (còn tiếp)