Trang chủ Nghiên cứu Thực trạng nghi lễ PG hiện nay: Lễ rước vong lên chùa...

Thực trạng nghi lễ PG hiện nay: Lễ rước vong lên chùa – Phần 2

2174

Vài nét về chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh còn có tên khác là chùa Sở. Địa chỉ hiện nay của ngôi chùa là số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội.

Truyền thuyết kể lại rằng vào cuối thời Trần, việc mở mang vùng ngoại vi thành Thăng Long được tiến hành, trên nền đất làng Sở người dân cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ làm nơi thờ Phật. Sang đến thời Lê sơ, chùa Sở trở thành một trường học, đào tạo tăng ni, phật tử. Vai trò của tổ đình Phúc Khánh tiếp tục được duy trì cho tới khi người ta dựng và chuyển lớp học về chùa Quán Sứ.

Bài minh trên quả chuông còn lại trong chùa ghi lại rằng, vào năm 1776, chùa Sở nằm trong trại Thịnh Quang bỗng nhiên gặp cơn binh hỏa, phật đài, tịnh xá, nền móng đổ nát. Có vị tăng đồ của chùa Trấn Quốc đi qua, được dân thôn ái mộ mời ở lại để trụ trì. Dân đã bỏ sức, cúng tiền, khuyến cáo thập phương hợp sức xây lại chùa..

Tam quan chùa Sở được làm kiểu hai tầng, cửa giữa lớn, cửa bên nhỏ hơn, phía bên trên làm kiểu gác chuông. Hai bên tam quan xây hai trụ biểu, phía bên trên mỗi biểu đắp hình con sấu chầu vào nhau. Thân trụ trang trí ô hộc, đắp chữ Hán.

 Hiện nay, tam quan này đã bị nhà dân xung quanh xây kín, chắn mất lối đi. Để ra vào chùa, phải qua lối cửa nhỏ, vòng từ phía bên phải.Chùa Phúc Khánh có kết cấu kiểu chữ Công không cân xứng. Qua tam quan đến sân chùa lát gạch và nơi thờ tự bao gồm tiền đường và hậu cung.

Tiền đường 5 gian làm theo kiểu “đầu hồi bít đốc”. Chính giữa bờ nóc đắp nổi một hình cuốn thư, bên kiếm, bên bút lông. Mặt bằng tiền đường theo kiểu 4 hàng chân, vì kết cấu kẻ chuyền giá chiêng. Các bức cốn nách trang trí chạm khắc tứ quý; hiện có 6 cột đá vuông, xung quanh chạm đề tài tứ quý. Hậu cung 3 gian, vì làm kiểu chồng giường. Nhà tổ 4 gian, vì làm kiểu kè chuyền.

Trong chùa hiện còn lưu giữ được hiện vật quý là quả chuông đúc từ thời Tây Sơn, do đô đốc Trần Văn Lễ cúng tiến. Ngoài ra còn có khoảng hai mươi pho tượng trong chùa, có nhiều pho được làm từ thời Tây Sơn có giá trị cao trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam. Bên cạnh các pho tượng chùa, còn giữ được những hiện vât nghệ thuật giá trị như cửa võng, bia đá…
Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 16.11.1988
 
Như đã trình bày trong phần Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của bài viết, theo tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, trong khoảng hơn mười năm gần đây, chùa Phúc Khánh ở số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội đã trở thành một tâm điểm của tín đồ, phật tử từ khắp nơi, chủ yếu là người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đến tham dự các nghi lễ Phật giáo.
 
Thông qua sự phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dựa vào những hiện tượng mà chúng tôi quan sát, phỏng vấn, có thể nhận thấy, đối tượng người hành lễ tại ngôi chùa này rất đa dạng, trong đó có một bộ phận là giới trí thức cũng như các quan chức từ trung ương tới địa phương. Loại hình sinh hoạt tâm linh tiêu biểu của chùa Phúc Khánh là lễ cầu an đầu năm (tổ chức vào ngày rằm tháng giêng), lễ cầu siêu và lễ dâng sao giải hạn.
 
Vào những ngày giáp Tết, chùa Phúc Khánh tấp nập người vào kẻ ra. Họ là những phật tử trung thành của chùa hoặc có khi chỉ là khách vãng lai, tới chùa để đăng kí cho các khóa lễ đầu năm mới. Trò chuyện với một số người, có thể nhận thấy không phải ai trước khi đến đây cũng đều nắm được thông tin về các khóa lễ này.
 
 Ngoại trừ những Phật tử đã quen với việc làm lễ hàng năm tại chùa, một số lượng khá đông tín đồ ghé qua chùa nhằm mục đích nhờ các nhà sư tính giúp các thành viên trong gia đình mình năm nay có “dính” sao, hạn gì hay không. Ngày trước, gặp những trường hợp như vậy, các nhà sư thường giở sổ sách ra xem.
 
Nhưng khoảng năm năm trở lại đây, vì lượng khách muốn tìm hiểu về vấn đề này quá đông, để mọi người thuận tiện trong việc tự xem cho mình, bảng tính sao, tính hạn theo tuổi nam và nữ của năm mới sắp đến được in và dán trên hàng cột hiên, ngay trước Điện Mẫu.
 
Sau khi tín đồ xem và biết rõ sao, hạn trong năm mới của các thành viên trong gia đình mình như thế nào sẽ tới bàn làm việc của ban quản lý chùa để đăng kí làm lễ cầu an hoặc (và) lễ dâng sao giải hạn.
 
Cầu an là khóa lễ mà các chùa tổ chức vào mùa xuân (thường chọn ngày rằm tháng giêng – Tết Thượng Nguyên) nhằm mục đích cầu xin Đức Phật gia hộ cho những phật tử thành tâm một năm mới gặp nhiều điều an lành, sức khỏe dồi dào, ăn nên làm ra, gia đình thuận hòa, hạnh phúc.
 
Ở nhiều nơi (bao gồm cả Hà Nội và các tỉnh khác) người ta đặt ra mức giá chung cho việc đăng kí làm lễ cầu an tại chùa. Đối với trường hợp chùa Phúc Khánh, khi đăng kí tham dự khóa lễ này, đại diện mỗi gia đình ghi tên, tuổi các thành viên trong gia đình lên một tờ giấy có sẵn để nhà chùa đưa vào danh sách; nộp cho ban quản lý số tiền 50 ngàn đồng mua một lá sớ cầu an (sớ Phúc Thọ).
Trường hợp những gia đình có thành viên gặp phải “sao xấu” trong năm mới sẽ đăng kí làm lễ dâng sao giải hạn. Quan niệm dân gian cho rằng trong những sao chiếu mệnh tương ứng với từng năm, có ba loại sao bị coi là điềm dữ:
 
– Sao Thái Bạch: đem lại sự hao tán, mất mát tiền bạc. Lễ cúng dâng sao Thái Bạch được tổ chức vào ngày rằm hàng tháng, mở đầu là ngày rằm tháng giêng.
 
– Sao Kế Đô (đối với nữ): thường đem lại tai nạn, hao tán tiền bạc, bệnh tật… Lễ cúng dâng sao Kế Đô được tổ chức vào ngày 18 âm lịch hàng tháng, bắt đầu từ 18 tháng giêng.
 
– Sao La Hầu (đối với nam): thường đem lại sự dính líu tới luật pháp, bệnh tật, hao tài tốn của… Lễ cúng dâng sao La Hầu được tổ chức vào ngày mùng 8 âm lịch hàng tháng, bắt đầu từ mùng 8 tháng giêng.
 
Trước đây ở chùa Phúc Khánh quy định mức giá riêng đối với từng loại sao. Tuy nhiên hiện nay, tất cả ba loại sao đều được tính theo mức giá chung là 70 ngàn đồng/sao. Mỗi gia đình có bao nhiêu thành viên trong năm tới gặp phải sao dữ chiếu mệnh thì nộp số tiền tương ứng với số thành viên đó.
 
Lễ cầu an và lễ dâng sao giải hạn từ lâu đã trở thành một “thương hiệu” gắn liền với tên tuổi chùa Phúc Khánh, đó là nhận xét của nhiều tín đồ, người đi lễ mà chúng tôi có điều kiện tiếp xúc. Dựa trên kinh nghiệm qua việc đến chùa làm các lễ này từ những năm trước đó, nhiều người tin rằng các nghi lễ thật sự có hiệu quả. Sau khi làm lễ tập thể cùng với nhiều gia đình khác cảm thấy an tâm hơn, bớt đi một phần nỗi lo về những tai ương có thể giáng xuống những thành viên trong nhà mình.
 
Cùng với lễ cầu an đầu năm và lễ dâng sao giải hạn diễn ra hàng tháng, chùa Phúc Khánh còn là một điểm thu hút phật tử nhiều nơi đến làm lễ cầu siêu, đưa rước vong linh người thân của mình gửi lên chùa. Cầu siêu, nói một cách ngắn gọn nhất thì đó chính là loại hình nghi lễ thể hiện niềm tin của dân gian vào sự siêu thoát của những linh hồn sau khi đã về thế giới bên kia.
 
Trong quá trình tìm hiểu về chùa Phúc Khánh cũng như so sánh với nhiều ngôi chùa khác, chúng tôi nhận thấy rằng, những vấn đề xung quanh hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng mà đặc biệt là các khóa lễ diễn ra tại đây có nhiều điểm đáng lưu ý cả về nội dung và hình thức.
 
 Đó là sự thay đổi tiến trình của một khóa lễ, là sự giản lược một số lễ nghi liên quan, là sự ra đời của một vài quan niệm mới… Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải có nhiều thời gian tiếp cận địa bàn, tiến hành khảo sát và căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau thì mới có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính chất tổng quát.
 
Mục đích của bài viết nhằm tìm hiểu một khóa lễ cụ thể : lễ cầu siêu – rước vong lên chùa. Vì vậy nội dung chủ yếu mà chúng tôi quan tâm là khóa lễ cầu siêu từ sự chuẩn bị cho tới chi tiết các bước tiến hành. Để có thể nhìn nhận vấn đề nghiên cứu này một cách khách quan, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều đối tượng có tham gia vào khóa lễ.
 
Những ý kiến, suy nghĩ, trao đổi mà họ bày tỏ với chúng tôi trong quá trình điền dã, tiếp cận địa bàn nghiên cứu đã giúp những người thực hiện đề tài này có cái nhìn đầy đủ hơn về khóa lễ cầu siêu.
Dưới đây, chúng tôi xin trình bày kết quả nghiên cứu của mình về lễ cầu siêu (còn được biết dưới tên gọi nghi thức rước vong lên chùa).\
Nghi thức rước vong
Một số khái niệm
 
Cầu siêu là một khóa lễ mà ở đó người ta cầu cho các chân linh, vong hồn sau khi từ giã dương gian được siêu sinh tịnh độ. Phong tục dân gian kết hợp với nghi thức tôn giáo biểu hiện ở việc trong các gia đình theo Phật giáo, khi có người chết, người ta thường thỉnh các vị sư đến làm lễ, niệm Phật, tụng kinh A Di Đà để cầu cho người chết được siêu thoát. Các vong hồn được nương nhờ cửa Phật, hi vọng có được cơ hội luân hồi, đầu thai sang kiếp khác.
 
Cầu siêu được tiến hành khi trong gia đình, họ tộc có người mất hoặc làm cải táng, bốc mộ v.v… Ngoài ra, Cầu siêu cũng được tổ chức dành cho những chân linh, vong hồn chẳng may chết do tai nạn, hi sinh, chết oan… Khi đó, cầu siêu đồng thời là nghi lễ giải oan, giúp cho các vong hồn được siêu thoát.
 
         Thời gian: Lễ Cầu siêu được tiến hành trong ba trường hợp sau:
+ Dành cho người mới mất trong vòng 49 ngày (7 tuần lễ đầu tiên). Khi đó, gia chủ thỉnh chư tăng về làm lễ để cầu cho vong hồn người thân của mình sớm được siêu thoát, đầu thai làm kiếp khác. Tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình, người ta tổ chức đàn lễ từ 3 – 7 ngày (có thể lâu hơn).
+ Tổ chức vào mùa Vu Lan – Báo Hiếu Báo Ân (trong tháng 7 âm lịch, thường là trung tuần tháng 7). Trong dịp này, những gia đình, chi họ, dòng họ có thể tập hợp nhau, cùng lập một đàn tràng có quy mô lớn để cầu siêu cho tất cả các chân linh, vong hồn trong họ tộc của mình.
+ Đại lễ cầu siêu cho vong hồn các liệt sỹ đã hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, hoặc tưởng niệm nạn nhân của những tai nạn đáng tiếc đã không may xảy ra.
         Không gian: Tùy từng trường hợp cụ thể mà nghi lễ Cầu siêu được tổ chức ở những địa điểm khác nhau.
+ Lễ Cầu siêu dành cho người thân mới mất trong vòng 49 ngày hoặc cho các chân linh của dòng họ thường được tổ chức tại một ngôi chùa. Ở đó, chư tăng sẽ tiến hành những lễ nghi cần thiết để cầu siêu cho các vong hồn mà gia đình, dòng họ yêu cầu.
+ Lễ Cầu siêu dành cho các anh hùng, liệt sỹ hoặc những người bị tai nạn v.v… có sự tham gia của đông đảo quan khách, tín đồ Phật giáo và quần chúng nhân dân thường diễn ra ở đài tưởng niệm.
Trong phạm vi của bài viết, người thực hiện chỉ giới hạn việc khảo sát đối với lễ cầu siêu dành cho các gia đình có người thân mới mất trong vòng 49 ngày. Lễ cầu siêu được tổ chức tại một ngôi chùa cụ thể.
Vong, vong linh, vong hồn, linh hồn,…
Đây là những cách gọi của dân gian để chỉ một dạng thức về sự sống của con người sau khi chết. Quan niệm dân gian cho rằng con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi người ta chết đi, phần xác ở lại (biểu hiện là ngừng thở, không còn sự sống duy trì trong thân xác đó), phần hồn tồn tại dưới dạng không thể nhìn thấy nhưng vẫn tiếp tục sống, chờ đợi được phán quyết: về cõi trời, hưởng cuộc sống đầy đủ, ấm no; đầu thai sang kiếp khác – được làm người; hoặc bị đày xuống địa ngục. 
Khác với dân gian, Phật giáo không gọi đó là những vong linh, linh hồn… mà có một quan niệm riêng về Thân Trung Ấm (sẽ trình bày cụ thể ở phần dưới). Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa, Phật giáo dân gian Việt Nam thường sử dụng hai cách gọi dùng để chỉ các vong linh:
          – Chân linh: vong linh của người tại gia
          – Giác linh: vong linh của người xuất gia
Rước vong lên chùa, đưa vong lên chùa
Thực tế trong Phật giáo không có khái niệm “rước vong lên chùa”. Đây chỉ là một cách dân gian thường gọi, dùng để nói về việc mang bát hương, bài vị (sau này có thêm ảnh) của một người đã mất đặt tại một ngôi chùa nào đó. Hàng tháng hàng năm, nhằm ngày rằm, mùng một hay lễ tết, những vong linh được gửi để thờ cúng trong chùa sẽ được thụ hưởng cơm cháo, hoa quả, vàng mã mà nhà chùa thắp hương chung cho tất cả, không phân biệt đối tượng, tuổi tác…
Quan niệm về của Phật giáo về Thân Trung Ấm
Dân gian cũng như Phật giáo đều quan niệm rằng., cơ thể người được cấu thành bởi hai phần: thần thức và thể xác. Dân gian gọi hai phần đó là hồn (thần thức) và xác (thể xác). Còn đối với Phật giáo, khi một người chết đi, phần xác sẽ được trả lại với thiên nhiên. Phần xác gồm có Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa): Đất về với đất, Nước về với nước, Gió về với gió v.v… Phần thần thức còn lại sẽ phải chịu một thời kỳ gọi là Thân Trung Ấm
Thân Trung Ấm (bardo/intermediate state) nên hiểu nôm na là sự sống sau khi chết trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào một trong sáu cõi nào đó (Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ va Súc sinh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà là lấy tư tưởng làm thân. Sau khi người ấy chết, thần thức thoát ra khỏi xác thì trụ lại ở thế giới trung gian này từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tìm kiếm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà đi tái sinh. Nếu trong thời gian này, thân trung ấm chưa tìm thấy một nơi tương ứng với mình để tái sinh thì nó lại chết đi sau mỗi bảy ngày, sau đó thần thức lại chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ sinh diệt này cứ lập lại cho đến khi thần thức đi tái sinh. 
Trong thời gian ở lại với cõi trung ấm này, vào những ngày đầu, vong linh không nhận ra mình đã chết, họ quay lại gia đình để gặp những người thân nhưng không ai biết, họ hỏi thăm từng người nhưng không ai trả lời, họ cố gắng sinh hoạt trở lại bình thường như lúc còn sống nhưng không thể được, cho đến khi họ tự phát hiện ra bóng hình không in lên đất, không phản chiếu trên gương, họ mới biết là mình đã chết.
 Từ đây, họ lần lượt nhớ lại những thiện và ác nghiệp mà họ đã tạo ra trong đời sống vừa qua. Tất cả những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ đau đều hiện ra trước họ như một cuộn phim suốt cuộc đời họ. Nếu vong linh là người từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành.
 Còn nếu những người từng tạo ra ác nghiệp, có đời sống tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương xứng với nghiệp lực của họ. Nếu thân trung ấm có tu tập và làm chủ được thần thức của mình, thì người ấy chọn lựa cho mình một cảnh giới tốt để tái sinh, ngõ hầu tiếp tục tu luyện hoặc vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh.
Trái lại thì không có sự lựa chọn nào, mà thần thức người ấy bị buộc phải thọ sinh vào một cảnh giới nào đó khế hợp với nghiệp lực của mình, cho dù người ấy có muốn đi hay không. 
(Thích Nguyên Tạng (2000), Chết và Tái sinh, Tu viện Quảng Đức, Melbourne, Úc)
Thực tế nhà Phật quan niệm rằng có 10 cảnh giới: Phật, Thanh văn, Duyên giác, Thiên, Nhân, Atula, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh… Một vong linh Nếu không hướng dẫn được thì sẽ có thể bị các cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh lôi kéo. Tiến hành khóa lễ cầu siêu là để khi ta niệm Phật, năng lượng của người đang sống và năng lượng của vong linh cùng hòa đồng. Khi ấy, tâm đồng thanh khí tương cầu, vong linh mới có thể siêu sinh được.
Trong 10 cảnh giới đó, 4 cảnh giới trên sẽ không phải chịu luân hồi, còn 6 cảnh giới dưới bao gồm: Thiên, Atula, Nhân, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh thì vẫn phải chịu luân hồi, nếu hết phúc thì có thể bị đọa. Hơn thế nữa, việc vong linh được nương vào vào 4 cảnh giới trên hay 6 cảnh giới dưới còn tùy thuộc vào hạnh nguyện của người đã mất. Nếu lên 4 cảnh giới trên rồi mà muốn trở lại thì vẫn có thể về 6 cảnh giới dưới.
Tuy nhiên, việc trở về là do hạnh nguyện của người ta chứ không phải do nghiệp lực tạo nên. Theo nghiệp lực vong linh không còn ở cõi này nữa nhưng người ta phát nguyện quay trở lại để giúp đỡ người khác, cứu độ chúng sinh thì vẫn được tái sinh làm người. Và tất nhiên, tiếp tục chịu vòng luân hồi, chờ tới khi trải qua một kiếp mới có thể biết được sẽ đi về đâu.
Bên cạnh quan niệm về Thân Trung Ấm của Phật giáo chỉ có thể duy trì trong vòng 49 ngày, hiện nay còn tồn tại một quan niệm nữa là có những linh hồn nếu vì lý do nào đó (thường là chịu nỗi oan khuất chưa được giải thoát) thì chưa thể tái sinh, phải chờ trong vòng chậm nhất là 500 năm sau.
          Theo quan niệm của Phật giáo, ngày thứ 49 là ngày định nghiệp, sẽ quyết định xem vong linh đó đi vào cảnh giới nào. Trong một số trường hợp, có thể có những vong linh không phải chờ làm lễ cầu siêu thì mới siêu thoát, mà tự vong linh ấy đã siêu thoát rồi.
Nhưng với người đang sống, vì không thể biết được những chuyện như vậy nên để giải quyết nhu cầu về mặt tâm linh, người ta tiến hành những khóa lễ cầu siêu. Người sống thành tâm tưởng niệm tới người chết thì vong linh sẽ yên tâm để đi tái sinh.
Ý nghĩa của khóa lễ cầu siêu là cầu nguyện cho vong linh, dùng kinh giảng giải cho người ta thấy được những điều Thiện. Nói cách khác, đó là sự hướng dẫn để vong linh hướng tâm theo chính đạo.
Cầu siêu – đưa vong lên chùa có hai loại:
– Một là các gia đình đưa vong linh người thân của mình lên chùa, sau lễ cầu siêu thì gửi bát hương, ảnh tại bàn thờ vong để người thân của mình nương nhờ cửa Phật.
– Hai là nghi lễ cầu siêu đặc biệt đối với những gia đình có người thân mất vào “giờ nặng” hoặc trùng tang.
Trùng tang là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng trong gia đình có người mất kế tiếp nhau trong một khoảng thời gian gần (tối đa là 3 năm – trước khi làm lễ cải táng). Cách thức tính trùng tang là dùng tuổi của người mất so với năm, tháng, ngày, giờ của người mất xem có phạm vào trùng tang hay không. Một cách hiểu đơn giản nhất về trùng tang là trong vòng 3 năm kể từ khi gia đình có người mất, nếu có người thân khác cũng mất đi thì như vậy được coi là trùng tang. Thuật ngữ này vốn thuộc về dân gian, bản thân Phật giáo không có. Tuy nhiên, ngày nay, dưới ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa và đạo Lão, tại các chùa, tu sĩ đều sử dụng quan niệm và phương pháp tính trùng tang của dân gian để tính trùng tang cho những người có nhu cầu quan tâm, tìm hiểu và muốn làm lễ trừ giải.
Từ quan niệm về trùng tang, mỗi tôn giáo đưa ra biện pháp tâm linh riêng nhằm trói chặt, giam hãm các vong linh, không cho quay về quấy nhiễu, gây hại cho người còn sống. Đối với Phật giáo, giải pháp là tổ chức khóa lễ cầu siêu để cầu cho vong linh hiểu ra lẽ phải mà siêu thoát, không còn gây tai họa cho gia đình của mình nữa.
Thiền sư Như Trừng (tự Lân Giác, 1696 – 1733), đời thứ 37 thuộc Thiền phái Lâm Tế là vị tổ đã tu tại chùa Liên Phái (nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đồng thời là người sáng lập chùa Hàm Long (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Đương thời, vị Thiền sư này đã chế ra biện pháp tâm linh riêng để trấn áp những vong linh hung dữ. Tại chùa Liên Phái, nhà sư sử dụng bùa chú đặt vào mộ người mất để ngăn chặn sự trở về, quấy nhiễu con cháu. Còn ở chùa Hàm Long, sau khoa Cúng Phật, ngoài sớ Phật âm được tuyên đọc, nhà sư viết riêng hai tờ Điệp y, một lá do nhà chùa giữ, một lá đưa cho gia đình có người mất mang về dán ở bàn thờ. Ngày rằm, mùng một, khi thắp hương cho tổ tiên thì gia đình không được đọc tên của vong linh kia. Chỉ tới ngày giỗ, đại diện gia đình lên chùa soạn một lễ nhỏ, mời vong linh về dự đám giỗ rồi sau đó tiếp tục gửi vong trở lại.
Trường hợp nếu xảy ra hiện tượng trùng tang trong một khoảng thời gian ngắn thì cần phải thực hiện nghi thức chạy đàn để cắt trùng tang. Chạy đàn là một nghi thức phức tạp, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (tính đến thời điểm hiện nay, ước chừng khoảng 40 triệu trở lên). Để tiến hành nghi thức này là cần khoảng 10 – 100 vị tăng, tùy theo quy mô của mỗi đàn lễ (ni không được phép tham dự)…
 Con người ta khi sống trên đời đều có thể vì lý do này, lý do khác (dù không cố ý) gây nên những tội lỗi. Người sống làm lễ cầu siêu – rước vong lên chùa, thực chất là làm những điều phúc để sám hối, gỡ tội cho vong linh để đến ngày định nghiệp, sẽ giảm bớt phần nào những tội lỗi mà người mất khi còn tại thế đã mắc phải. Dựa vào đó, hình phạt mà vong linh phải chịu có thể sẽ thấp hơn so với những điều sai trái mà họ đã gây ra. Cúng Phật, phóng sinh, làm việc tốt, cúng dàng Tam Bảo, cúng dàng chư tăng… là những việc mà người sống thực hiện để “gỡ tội” cho người đã chết.
Báo hiếu, báo ân cũng là một ý nghĩa quan trọng của khóa lễ cầu siêu. Đối với vong linh người già, khi sống trên dương gian, họ phải vất vả để sinh nở, nuôi dưỡng con cái. Vì vậy, khi họ mất đi, con cái có bổn phận phải báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Con cái có bổn phận phải báo đáp. Về điểm này, giữa Phật giáo và dân gian có sự tương đồng. Uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, cha mẹ cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Phần ý nghĩa này thuần túy như trong Kinh Vu Lan đã dạy      
Trong phần này, chúng tôi tập trung trình bày về vai trò của chùa Phúc Khánh trong đời sống tín ngưỡng của người Hà Nội.
Chùa Phúc Khánh hiện nay đặt tại số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây là một ngôi chùa cổ, theo truyền thuyết, có từ thời Trần. Cho đến trước khi chùa Quán Sứ được xây dựng, tổ đình Phúc Khánh là một trung tâm đào tạo tăng ni, phật tử của miền Bắc nước ta. Ngôi chùa hiện nay mang dấu ấn phong cách kiến trúc có từ cuối thế kỉ 18 với nhiều hiện vật cổ còn lưu giữ được.
Khoảng hơn mười năm gần đây, chùa Phúc Khánh trở thành một tâm điểm của tín đồ, phật tử từ khắp nơi, chủ yếu là người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đến tham dự các nghi lễ Phật giáo. Đối tượng người hành lễ tại ngôi chùa này rất đa dạng, trong đó sự có một bộ phận tín đồ, người đi hành lễ là giới trí thức cũng như các quan chức từ trung ương tới địa phương.
Trong những hoạt động tôn giáo – tín ngưỡng diễn ra tại chùa Phúc Khánh, lễ cầu siêu – rước vong lên chùa là một loại hình nghi lễ khá tiêu biểu. Chương 1 này tập trung làm rõ một số khái niệm liên quan đến khóa lễ như: cầu siêu; vong, vong linh, linh hồn…; rước vong lên chùa, đưa vong lên chùa. Đồng thời, chúng tôi cũng nêu lên ý nghĩa tâm linh của lễ cầu siêu, đó là sự cầu nguyện cho vong linh, dùng kinh giảng giải cho người ta thấy được những điều Thiện.
Nói cách khác, là sự hướng dẫn để vong linh hướng tâm theo chính đạo. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào những trường hợp cụ thể, người ta tin rằng khóa lễ cầu siêu có chức năng trấn áp những vong hồn chẳng may mất “trùng tang”, quay lại quấy nhiễu, gây họa cho người thân, gia đình. Đối với những vong linh như vậy, bùa chú, cấp điệp y riêng hay thực hiện nghi lễ chạy đàn là các phương pháp được sử dụng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ vong linh hung dữ. Khóa lễ cầu siêu cũng được coi như một biểu hiện của việc báo hiếu, báo ân đối với những người có công ơn dưỡng dục, sinh thành.
Trên cơ sở việc giới thiệu những nét khái quát về lễ cầu siêu, trong chương kế tiếp, chúng tôi xin được trình bày cụ thể về khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa tổ chức tại chùa Phúc Khánh mà chúng tôi đã tìm hiểu trong thời gian điền dã tại ngôi chùa. ( Còn tiếp)