Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Thực tập thiền quán – phần 4: 9 yếu tố trợ giúp...

Thực tập thiền quán – phần 4: 9 yếu tố trợ giúp ngũ căn

171

1/ Chú tâm vào sự vật vô thường: Mọi sư vật sinh ra rồi  diệt không ngừng. Hành giả hãy chấp nhận sự vô thường này với tâm quân bình mà không đánh giá, so sánh, phân tích, giải thích, phân biện v.v…

2/ Quan tâm và tôn trọng việc hành thiền: Hành thiền với lòng kính cẩn, từ tốn, tỉ mĩ, nhẹ nhàng, mềm mại, thân và tâm nhất như.
 
3/ Hành thiền liên tục không gián đoạn: Kiên trì chánh niệm là điều kiện cần thiết nhất. Hành giả không nên làm 2, 3 việc một lúc. Hãy chia những chuyển động ra từng giai đoạn nhỏ. Ghi nhận với sự cẩn thận, nhẹ nhàng và từ tốn tối đa và chánh niệm phải được mạnh mẽ như ghi nhận một mũi tên vừa mới bắn ra.
 
4/ Những điều kiện hỗ trợ cho việc hành thiền:
Nơi chốn thích hợp
Đi lại thích hợp
Ngôn ngữ thích hợp
Người thích hợp
Thực phẩm thích hợp
Khí hậu thích hợp

5/ Nhớ lại những điều kiện đã đem lại sự tiến bộ và thuận lợi cho việc hành thiền.
 
6/ Phát triển thất giác chi là: Niệm, trạch, pháp, tinh tấn, phi, an định và xã. Hành giả không nên vội vàng, giáo pháp sẽ hiển lộ. Hành giả không nên quá ưa thích hoặc coi trọng bất cứ một điều gì,  hành giả chỉ có một việc duy nhất phải làm là theo dõi chánh niệm những gì xảy ra một cách liên tục, dù là tốt hay xấu.
 
7/ Dũng cảm và tinh tấn: Bớt thói quen quan tâm đến cơ thể. Hành thiền cho dẫu phải hy sinh tính mạng cũng được. Hành giả hãy thư thả và thoải mái. Thời gian tốt nhất để gặt hái kết quả cao quí này là bây giờ và ở đây. Nên tận dụng tuổi trẻ, sức mạnh, tình trạng tâm và thân còn tốt để hành thiền cho đến rốt ráo.
 
8/ Kiên nhẫn và nghị lực: Hành giả có thể bị đau nhức và  khó thở. Tâm cảm giác với đau nhức còn tùy thuộc vào mức định tâm. Nếu định tâm yếu, hành giả không thật sự cảm thấy bất an, nếu định tâm sâu hơn, chỉ bị đau ít thôi cũng làm cho hành giả cảm thấy rất khó chịu. Tâm định càng sâu hơn, hành giả sẽ càng hiểu rõ sự đau hơn và kinh nghiệm của hành giả về thực tướng của sự đau sẽ làm cho hành giả say mê hơn quán sát cơn đau hơn. Hành giả sẽ cảm giác cái đau là một chuỗi dài biến đổi luôn thăng trầm. Từ cái đau này đến cái đau khác thay đổi mau lẹ, lúc tăng, lúc giảm, nhảy múa và nhào lộn. Khi nào chánh niệm càng sâu hơn nữa, hành giả càng bị lôi cuốn theo dõi theo cái đau và cuối cùng một điều bất ngờ xảy ra như một tấn kịch kết thúc và hạ màn: Sự đau biến mất một cách kỳ diệu. Thiền sinh tập ghi nhận cái đau, đối diện với cái đau, chú ý vào trung tâm cái đau và cuối cùng thấu suốt rằng đau chỉ là đau thôi. Nếu cảm thấy kiệt quệ vì cơn đau, hãy đùa giỡn với nó bằng cách đi vào cơn đau và xã hơi: Hành giả vẫn đi vào cơn đau nhưng giảm bớt cường độ của niệm và định. Nếu cái đau càng khốc liệt, hành giả có thể rút lui có kế hoạch là thay đổi tư thế trong chánh niệm và trở về đề mục chính.
 
9/ Hành giả quyết tâm theo dõi việc hành thiền cho đến giai đoạn cuối của con đường

Những điều nhắc nhỡ thiền sinh: Mọi công trình cao quí đều hiếm hoi và khó nhọc. Hành giả phải kiên nhẫn, thật kiên nhẫn, tinh tấn với tâm thoải mái, quân bình, cố gắng nhưng không đàn áp. Can đảm đối diện với mọi cảm giác trong thân và tâm và ghi nhận chúng một cách tỉ mĩ, chính xác, thành kính và liên tục. Sự ghi nhận và cảm thọ phải song song với nhau, Bà Dipama là một tấm gương sáng cho phẩm hạnh anh dũng bất thối chuyển.

(Còn tiếp)

Dịch giả: Tỳ khưu Khánh Hỷ (Trần Minh Tài), Hiệu đính: Tỳ khưu Kim Triệu