Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Thực lực PGVN so sánh với các tôn giáo khác, nhìn ở...

Thực lực PGVN so sánh với các tôn giáo khác, nhìn ở năm 2010

91

Nhưng đó là một thực tế nhìn thấy được, nhất là đếm được. Do vậy, thiết tưởng không nên lẫn tránh. Mà trái lại, cần nhìn nhận nó, chấp nhận nó, để lý giải nguyên nhân, tìm ra giải pháp, để điều chỉnh theo hướng có lợi cho Phật giáo Việt Nam.

Hơn là, chúng ta lãng tránh nó, làm như mọi việc hoàn toàn khác đi, để rồi những điều xảy ra tiếp theo sẽ còn tệ hại hơn. Có khi đến mức không thể cứu vãn được nữa.

Việc một tôn giáo nắm được thực lực, mà trước hết qua số lượng tín đồ của mình, là điều quan trọng, cũng như một người biết rõ tình trạng sức khỏe của mình.

Nếu sức khỏe đang sút giảm mà không hay biết, không tìm cách cải thiện, thì đương nhiên tình trạng mỗi ngày một tệ hơn, và càng lúc càng tệ hơn nữa.

Trong bài viết của thầy Thích Giải Hiền có nhan đề “Nhân mùa Phật Đản – Nói về niềm tin kiên định của người Phật tửđã đăng trên Phattuvietnam.net, con số 18% dân số Việt Nam là Phật tử, được một giáo sư đến từ Mỹ nêu ra trên Diễn đàn cư sĩ thế giới lần thứ 3 tổ chức tại Malaysia, được nói là một con số chính xác vì do nhà nước Việt Nam cung cấp, đã bị thầy Giải Hiền quyết liệt phủ nhận.

Thầy viết “Dân số gần 90 triệu người với 18% người theo đạo Phật Việt Nam có phải là sự thật không?" Câu trả lời là:

Nó không phải là sự thật.

Đúng vậy, nếu Phật tử Việt Nam chỉ chiếm 18% dân số, thì con số đó thấp hơn cả Hàn Quốc, một đất nước mà đạo Phật đã suy vong, từ vị trí quốc giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở miền quê.

Trong khi đó, một độc giả, trong phần phản hồi của bài “Bàn thêm về việc cải đạo” đã nêu ra câu hỏi “… giáo dân chỉ có 6% dân số thôi sao?”.

Các con số về tín đồ Phật giáo cũng như các tôn giáo khác tại Việt Nam, hình như, đều là những con số “ảo”, vì có quá nhiều con số khác biệt nhau (thí dụ đạo Phật, 18% so với 70%). Tin vào con số nào? Như thế, thì có người vẫn nói đạo Phật Việt Nam hết sức hưng thịnh (70% dân số), người thì nói đạo Phật Việt Nam đã là thiểu số (18%). Ai cũng đúng cả hay sao?

Điều này rất bất lợi đối với đạo Phật, vì trong thực tế Phật giáo Việt Nam sẽ không thể biết mình đang ở tình trạng như thế nào.

Để đánh giá tình trạng thực tế của một tôn giáo, các nhà nghiên cứu còn dùng đến nhiều tham số:

– Số chỗ ngồi hành lễ trong đền thờ.

– Số người hiến cúng cho hoạt động tôn giáo.

– Tài sản tôn giáo.

– Kinh phí trùng tu và xây dựng mới các cơ sở tôn giáo trong một đơn vị thời gian…

Để từ đó đi đến con số ước lượng thực trạng một tôn giáo, mà trong đó có chỉ số tỷ lệ tín đồ tôn giáo trên dân số.

Còn có một tham số nữa rất đáng chú ý, đó là khả năng tập trung đám đông trong hoạt động tôn giáo.

Nếu khảo sát tham số này, so sánh sự kiện Phật giáo với sự kiện các tôn giáo khác được tại Việt Nam trong năm 2010 (hoặc cho năm 2010 nhưng) thì chúng ta sẽ có kết quả, là Phật giáo là tôn giáo có thực lực thuộc vào loại vào hàng cuối bảng tại Việt Nam.

Chúng ta so sánh:

– Năm 2010, Phật giáo Việt Nam có những đại lễ, như Đại lễ Phật giáo 1000 năm Thăng Long –  Hà Nội, Lễ Phật Đản tại Hà Nội…., nhưng số người tham dự chỉ trên dưới 10 ngàn (chẳng hạn Lễ bế mạc Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội có “hơn 7000 Phật tử và nhân dân tham dự”.

– Năm Thánh 2010 của đạo Thiên Chúa La Mã tại Việt Nam, lễ khai mạc và bế mạc đều ở khoảng 100.000 người tham dự. Đặc biệt, lễ bế mạc được tổ chức tại La Vang, một vùng tương đối hẻo lánh ở tỉnh Quảng Trị, thiếu tiện nghi phục vụ số lượng khách lưu trú, số lượng 100 ngàn người là điều đặc biệt đáng lưu ý (con số 100.000 ngàn là theo tin Đài Truyền hình Việt Nam phát trong chương trình thời sự ngày 5/1/2011 một vài nguồn tin khác cho biết số lượng người tham dự là 60 ngàn).

– Các ngày đại lễ thường kỳ của đạo Cao Đài hệ phái Tây Ninh được tổ chức tại quảng trường Tòa Thánh Tây Ninh vẫn giữ số bình quân 100.000 người.

– Đêm Thánh nhạc Noel của đạo Tin Lành tại TPHCM có số người tham dự là 20.000 và tại Hà Nội là 12.000.

– Số lượng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham dự lễ đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ tại thánh địa Hòa Hảo, Phú Tân, An Giang, theo nhiều thông tin vẫn giữ mức trung bình là 20.000 – 30.000 người, căn cứ ước lượng tải trọng tổng số ghe neo đậu trên mặt sông, chưa tính số người đến bằng đường bộ.

– Lễ sinh nhật Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, hệ phái Cao Đài Bến Tre, có số người tham gia (trong hoạt động biểu diễn xe hoa và hành lễ lộ thiên) ước khoảng 15.000 – 20.000 người (có video trên You Tube).

Trong khi những con số về tỷ lệ tín đồ của các tôn giáo trên toàn dân số Việt Nam gần 90 triệu người, là những con số nhảy múa, thậm chí do chính các tôn giáo cố ý làm sai đi (thể hiện những con số giảm hay tăng so với thực tế tùy mục tiêu), khiến chúng ta có thể hoài nghi, thì những số liệu đám đông tín đồ trong các cuộc lễ tôn giáo tập trung được ước lượng tương đối chính xác.

Tất nhiên, nó là một tham số thể hiện thực lực, hiện trạng của các tôn giáo (1), và nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội coi tham số này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (2).

Với tham số này, cộng với các tham số khác như đã nêu ở trên (chỗ ngồi trong đền thờ, diện tích quy mô cơ sở tôn giáo, trị giá tài sản tôn giáo…) thì chúng ta có thể đi dần đến kết luận rất đáng quan tâm, lo nghĩ, rằng tại Việt Nam, Phật giáo không còn là tôn giáo có vị trí hàng đầu nữa.

Chúng tôi dùng cụm từ “vị trí hàng đầu”, không chỉ căn cứ vào số lượng tín đồ, mà còn căn cứ vào những tham số khác, khả năng tác động của hàng lãnh đạo đối với tín đồ, mức độ “đậm đạo”, “nhạt đạo”, “khô đạo” của tín đồ (từ dùng của Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn), số lượng, trình độ tu sĩ (trong đó có trình độ lãnh đạo, quản tổ chức thực lực vật chất tôn giáo, khả năng tác động đến xã hội…).

Con số trên dưới chục ngàn tín đồ Phật giáo tham dự các buổi đại lễ Phật giáo không đủ cơ sở để chúng ta đưa Phật giáo Việt Nam xuống hàng ngang với các tôn giáo như Tin Lành, Hòa Hảo, nhưng, ở một khía cạnh nào đó, nó cũng nói lên chất lượng của tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Cái nguy hiểm tột cùng là các mối đe dọa và thực trạng tiêu cực, có ở mức lớn lao đi nữa, sẽ trở nên ít nguy hiểm hơn rất nhiều, nếu chúng ta phát hiện ghi nhận, phân tích và tìm cách đối phó.

Khi có giải pháp đối phó hữu hiệu rồi, thì mối nguy đã bước đầu được hóa giải.

Nhưng nếu không hề biết gì đến thực trạng, đến nguy cơ, tới đâu hay tới đó, thì nguy cơ, nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội phần.

Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc Phật giáo Việt Nam đặt vấn đề về nguy cơ và tìm hiểu tình trạng thực sự của mình (3).

Vì sự tồn vong của Đạo Phật trên Tổ quốc Việt Nam, thiết tưởng, đã đến lúc chúng ta ý thức về những vấn đề Phật giáo, bắt đầu tìm đối sách giải quyết.

Những con số, ảnh, clip video không thể đánh lừa chúng ta.

Bài viết này là một cố gắng đi sâu vào những vấn đề mà chúng tôi đã trình bày trước đây. Do đó, có những luận điểm được nhắc lại. Mong bạn đọc thông cảm.

MT

Ghi chú:

1. Theo GS Đặng Nghiêm Vạn: Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, trang 170 thì “thống kê tín đồ các tôn giáo là việc rất phức tạp”.

Sau khi điểm qua một số ví dụ về sự phức tạp của công việc, giáo sư còn nói đến việc cần phân biệt “tín đồ theo đạo có thực hành nghi lễ (pratiquant) và số không thực hành nghi lễ (nonpratiquant). Ông kết luận không dễ gì thống kê được chính xác (xem thêm: Đặng Nghiêm Vạn: Bàn về tín đồ và tổ chức của một tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2/2003, trang 14 – 20).

Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, không những thống kê tín đồ tôn giáo, mà phải thống kê cả pratiquant, mới có thể đánh giá thực lực một tôn giáo.

Phải chăng, con số 18% dân số Việt Nam theo đạo Phật chỉ là pratiquant.

2. Các nhà nghiên cứu xã hội học, khoa học chính trị, chính khách và các nhà lãnh đạo cơ quan cảnh sát của các nước rất coi trọng khả năng tập họp đám đông để đánh giá thực lực của một tổ chức, một lực lượng xã hội (trong đó có tôn giáo).

Người ta đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để thống kê thật chính xác số người trong đám đông được tập hợp vì nhiều mục tiêu (trong đó có hoạt động tôn giáo) như dùng máy và cách đếm chuyên nghiệp của cảnh sát, dùng ảnh chụp và máy tính, dùng không ảnh và cả ảnh vệ tinh do thám quân sự.

Số người có mặt trong đám đông còn được phân loại theo giới tính, tuổi tác, chủng tộc.

Tham số số người có mặt trong đám đông được nghiên cứu trong mối tương quan với nhiều yếu tố bên ngoài, như thời điểm tập hợp (sáng, chiều hay tối, ngày nghỉ hay ngày làm việc) điều kiện thời tiết (mưa, nắng, nhiệt độ, tốc độ gió), đến bằng phương tiện gì (xe bus, xe hơi cá nhân, tàu hỏa, có tổ chức vận chuyển hay không, phí vận chuyển do phía nào đài thọ), có phát nước, thức ăn hay không, địa điểm tập hợp đám đông (trung tâm hay ngoại ô thành phố, có gần đường giao thông hay không), thời gian đám đông bắt đầu hình thành cho đến lúc đạt mức đỉnh điểm… Từ đó, họ cho điểm đánh giá về thực lực của tổ chức tập hợp đám đông.

3. Các văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thường nhắc đến nội dung các nguy cơ. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam nên lưu ý, học hỏi về mặt phương pháp, để vận dụng trong công việc chỉ đạo tổ chức tôn giáo.