Khái niệm phương pháp thực hành thiền buông thư
Buông là buông bỏ, thả lỏng thân cũng như tâm; Thư là thư giãn, nghỉ ngơi. Buông thư là thư giãn sâu và thả lỏng cơ thể trong trạng thái dễ chịu nhất.
Đa số con người sống trong xã hội hiện đại hôm nay đều có một đời sống rất bận rộn bởi cơm áo gạo tiền, các mối quan hệ gia đình, bạn bè cũng như chịu rất nhiều áp lực do đời sống đông đúc tại các đô thị, môi trường ô nhiễm, cạnh tranh việc làm. Tất cả tạo nên sức ép vô cùng lớn trên thân và tâm con người. Đó là sự căng thẳng làm phát sinh những bệnh tật không mong muốn nơi thân. Hơn bao giờ hết, khi con người cần một phương pháp để loại trừ những căn bệnh đó thì thiền buông thư chính là phương pháp hữu hiệu nhất.
Cách thức tiến hành
Nếu muốn thực tập thiền mà không có người hướng dẫn, hành giả có thể chọn một cách thực hành theo ý thích (thấy có kết quả tốt cho bản thân). Quý vị chọn một chữ hay một câu ngắn dễ nhớ như danh hiệu “A Di Đà Phật”. Sở dĩ chúng ta chọn một câu hay một danh hiệu dễ nhớ nhằm giúp người thực hành có sự chú tâm dễ dàng, ít bị phân tán. Phương pháp thực hành cụ thể như sau:
– Hành giả chọn một nơi để thực tập, ngồi thật thoải mái trên ghế thiền hoặc trên ghế, có thể nằm trên giường trong trường hợp không ngồi được.
– Nhắm mắt lại và bắt đầu buông thả các bắp thịt toàn thân, bắt đầu từ hai bàn chân rồi lên dần mắt cá, bắp đùi, bụng, lưng, ngực, vai, cổ và đầu. Trong trường hợp này, nếu hành giả mở mắt mà thấy thoải mái hơn thì có thể mở mắt để thực tập.
– Hít vào, thở ra thật thoải mái và bắt đầu câu niệm Phật ở mỗi câu thở ra như “A Di Đà Phật”.
– Sau khi thực hành niệm Phật ở mỗi hơi thở ra từ 5 đến 10 phút, cảm nhận tâm đã lắng dịu thì không niệm nữa mà tập trung chú ý ở mỗi hơi thở vào – ra cùng với cảm giác thoải mái.
– Đừng quan tâm nhiều về mức độ mình thực hành được nhiều hay ít, thực hành tới đâu thì tốt tới đó. Khi các tạp niệm xuất hiện và lôi kéo tâm ta thì hành giả phải tỉnh thức để nhận biết và tự nhắc nhủ “tỉnh thức, tỉnh thức” rồi trở về với sự thực tập như cũ.
Thời gian thực tập khoảng 15 đến 30 phút thì chấm dứt, không đứng lên ngay mà nên thực tập xả thiền qua sự xoa bóp thân thể.
Phương pháp tiến hành ở trên là sự kết hợp giữa Thiền và Tịnh độ. Ngoài ra còn có rất nhiều phương pháp thực tập buông thư khác, tùy vào mỗi tông phái mà phương pháp tiến hành có đôi phần khác nhau. Nhưng một điều quan trọng chúng ta cần nhớ là những người tập luyện lâu năm thiền buông thư trong các môn phái khác như Vipassana thuộc Nam tông, thiền Mật tông, thiền chú ý hơi thở cũng có kết quả tốt đẹp như nhau. Dù hành giả thực hành theo môn phái nào thì khi làm phát sinh trạng thái buông thư cũng đều có kết quả tốt và giúp chống lại các tác hại xấu của căng thẳng, giúp phát triển sức khỏe.
Những lợi ích của thiền buông thư
Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu thấy rõ thực hành thiền buông thư làm giảm căng thẳng tâm lý xã hội:
Giảm các bệnh liên quan đến tâm thần như lo âu, sợ hãi. Đồng thời, ảnh hưởng tốt đến các trạng thái thân thể: Làm cho tim đập chậm lại, huyết áp giảm, mức tiêu thụ không khí giảm và các hoạt động trong bộ não tốt hơn.
Thực hành thiền buông thư ngoài việc phát triển sức khỏe và trí tuệ, còn giúp con người phát triển thông minh cảm xúc. Thực hành tự thấy biết chính mình một cách rõ ràng chân thật qua sự tu tập và mở rộng phạm vi thông minh của bản thân và thấy biết rõ ràng những cảm xúc của chính mình, rọi ánh sáng của sự thông minh hiểu biết đó vào tận cội nguồn sâu kín của tâm thức, từ đó nguồn năng lượng bị đè nén có cơ hội phát triển.
ĐĐ. Thích Thiền Như