Khái niệm phương pháp thực hành nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi
Một số người thường có quan niệm sai lầm rằng từ bi là bi lụy, mềm yếu, tiêu cực… người có lòng từ bi là những người cam chịu, ít có phản ứng khi bị những tác động không tốt. Như vậy, có thể định nghĩa từ bi theo nghĩa thông thường là nhu nhược, sợ hãi nhưng theo Phật giáo thì ý nghĩa của từ bi hoàn toàn khác. Từ là ban vui, đem niềm vui đến cho tất cả chúng sanh, bi là diệt trừ các khổ cho muôn loài. Tóm lại, từ bi là diệt trừ khổ, giúp mình và người sống an vui.
Phương pháp nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi là sự vận dụng trí tuệ để phát huy tất cả khả năng, tâm tư, phương tiện với mục đích làm cho mọi người, mọi loài đều được an lạc, hạnh phúc. Đây là một loại tình cảm cho đi mà không cần điều kiện, không có sự phân biệt.
Cách thức tiến hành phương pháp nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi
Việc sử dụng phương pháp nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi để trị liệu cảm xúc cho con người được thực hiện như sau:
Đầu tiên, khi hành giả bị người thân, bạn bè… phản bội, hành giả nên thực tập đặt bản thân mình vào vị trí người đó mà suy nghĩ để tìm ra lý do tha thứ cho họ. Một khi hành giả đặt mình vào vị trí của người khác thì sẽ dễ dàng hiểu và cảm thông cho người đó hơn, từ đây tìm ra cách giải quyết vấn đề phù hợp hơn.
Khi bị người khác xúc phạm hay nhục mạ, hành giả thực tập nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, hãy dung nạp họ bằng tất cả lòng từ bi và sự khoan dung của bạn. Lúc này, vấn đề sẽ được giải quyết một cách đơn giản hơn, bớt khổ đau hơn cho người khác.
Khi hành giả bị người khác vô cớ nóng giận mà chửi rủa, hành giả hãy cảm thông, tìm hiểu và bỏ qua. Khi tìm hiểu cặn kẽ vấn đề bằng thái độ cảm thông và tâm vị tha giúp chúng ta có được tâm trạng thoải mái hơn, thái độ bình tĩnh hơn, giải quyết vấn đề một cách thông minh hơn.
Khi có một người nào đó làm hành giả cảm thấy không vui thì nên suy nghĩ rằng con người không ai hoàn hảo cả, nhờ vậy mà tâm sân hận của chúng ta không khởi lên. Một khi ý thức được rằng bất cứ ai cũng sẽ có những khiếm khuyết, lỗi lầm thì chúng ta dễ dàng bao dung hơn cho người đó. Khi đó, vấn đề sẽ được giải quyết nhẹ nhàng nhất.
Khi bị người khác làm cho mất mặt giữa tất cả mọi người, hành giả nên thực tập đừng mang tâm hiềm hận, đừng nuôi mộng trả thù. Bởi khi chúng ta mang tâm hiềm hận và nuôi hận trả thù đó thì oan oan tương kết, oán thù càng chồng chất thêm.
Khi hành giả không được tôn trọng, hãy thực tập bao dung và tha thứ. Bởi bao dung và tha thứ sẽ giúp hành giả có cơ hội điều chỉnh cảm xúc của mình. Từ đó, có cách ứng xử văn minh hơn đối với người khác, mang đậm tình người hơn. Điều này giúp cải tạo các mối quan hệ tốt đẹp hơn, buông xuống được tâm trạng cáu gắt bực bội để có cuộc sống yên bình hơn.
Khi hành giả bị người thân trong gia đình làm cho đau khổ, hành giả nên có suy nghĩ về nhân duyên, ắt phải rất nhiều duyên nợ với nhau mới cùng mang chung dòng huyết mạch. Nên vì truyền thống và gia quy của gia đình mà ôm ấp và tha thứ cho những sai lầm của người thân, giúp gia đình hòa thuận, các thành viên đều sống trong tinh thần hiếu nghĩa.
Vai trò của phương pháp nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi
Nhiều người vẫn còn thắc mắc rằng, nếu như ai cũng từ bi thì xã hội sẽ trở thành nhu nhược, đất nước khó phát triển, điều ác sẽ hoành hành… nhưng thực tế chứng minh không phải như vậy. Từ trước đến nay, con người không phải khổ sở vì quá giàu lòng vị tha nhân ái, xã hội không phải yếu hèn bởi con người sống với nhau bằng lòng từ bi. Mà trái lại, chính bởi lòng người quá nham hiểm và độc ác mà tạo nên khổ đau cho cá nhân và xã hội. Một xã hội văn minh là một xã hội ở đó con người lấy sự nhân ái mà đối xử với nhau.
Theo Phật học khái lược (q.2, tr.23), hành giả thực tập hạnh từ bi sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp như sau: Khi thức hay khi ngủ đều an ổn, đời sống hiện tại được nhiều người tôn trọng và yêu thương, sống trong đời không gặp nạn trộm cướp. Nhưng khi thực hành phương pháp này, hành giả không chỉ cầu ích lợi cho bản thân. Mục đích tối thượng nhất của thực tập lòng từ bi là giúp cho mình và người trong ba cõi sáu đường đều lìa khổ được vui, khi thực tập được chúng ta sẽ đạt những mục đích sau: Đoạn tận được sân hận và độc ác; Từ bỏ được ham muốn vị kỷ, hẹp hòi; Mọi loài sống với nhau trong tinh thần đoàn kết; Đời sống cá nhân và cộng đồng mang nhiều ý nghĩa hơn.
ĐĐ. Thích Thiền Như