Xin phép cô giáo! Có thể cho con tôi nghỉ học vào các dịp lễ HALLOWEEN & NOEL ở trường được không? Vì truyền thống gia đình chúng tôi là Phật tử. Tôi không muốn quyền tự do tín ngưỡng của con mình bị áp đặt khi còn học từ thuở mầm non. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao, lễ hội của tôn giáo khác lại có thể len lỏi vào môi trường giáo dục hiện tại.
Là phụ huynh, chúng tôi chỉ muốn nuôi dưỡng tâm hồn của con mình bằng lòng yêu thương và sự hiểu biết. Tôi chẳng muốn, ai đó dạy con mình hoá trang thành ma quỷ từ nhỏ, vô tình làm hư nhân cách của cháu đến lúc trưởng thành.
Trong khi HALLOWEEN không đơn thuần là lễ hội hoá trang thành ma quỷ để cho xấp nhỏ vui chơi, như một trào lưu biến thể, mà đó chính là ngày tưởng niệm những người đã khuất của phương Tây bằng việc thắp những ngọn đèn quả bí, đầy ý nghĩa tri ân & báo ân, trang trọng như ngày lễ Vu Lan của Phật giáo. Nhưng tại sao, tinh thần thương kính người đã khuất đã có trong tục thờ cúng ông bà tổ tiên & hiếu đạo của truyền thống dân tộc không được đem ra dạy dỗ mà lại chủ trương tiếp thu một lễ hội tôn giáo ngoại lai trá hình, xúc phạm đến vong linh người đã khuất bằng cách hoá trang hù dọa nhau để đùa cợt, là việc làm thiếu văn hoá & vong bản được tổ chức ngay trong học đường.
Tôi không mong con mình làm thánh nhân như Mạnh Tử, nhưng phụ huynh chúng tôi, chỉ mong điều tốt nhất cho con mình. Nhất là mong cô giáo dạy các cháu nên người. Điều ấy đã được cân nhắc trong câu chuyện Mạnh Mẫu Tam Thiên, tức ba lần chuyển nhà của Mạnh Mẫu.
Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và chịu sự nuôi dưỡng giáo dục của mẹ là Chương Thị, sau này được gọi là Mạnh Mẫu. Mạnh Mẫu nổi tiếng với câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.
Lần đầu tiên hai mẹ con Mạnh Tử chuyển nhà khi ấy nhà gần ở nghĩa địa. Mạnh Tử thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước theo đào, chôn, lăn, khóc. Bà Mẹ trong lòng thầm nghĩ : “Chỗ u ám, dối gian như vậy không phải chỗ con ta ở được”.
Lần thứ hai bà mới dọn nhà ra gần chợ. Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn bán điên đảo lọc lừa lẫn nhau, Bà mẹ lại nghĩ : “Chỗ thị phi này cũng không phải chỗ con ta ở được”.
Lần cuối Mạnh Mẫu bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học lễ nghĩa, nhân cách, cũng ham học theo với chúng bạn cắp sách vở đến trường. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nghĩ: “Chỗ này là mới thực sự là chỗ cho con ta nên người !”
Về sau, Mạnh Tử chuyên tâm chuyện học tập trở thành, một bậc đại hiền vang danh ở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nên người xưa nói:” Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là vậy”. Rất mong cô giáo, đừng nhuộm tâm hồn trẻ thơ bằng những nhận thức sai lệch về nhân cách.
Là phụ huynh, nói thật chúng tôi rất buồn, về tình trạng loạn văn hoá trong môi trường giáo dục hiện tại. Tôi chẳng hiểu họ đang dạy con tôi những gì mà hết bắt con tôi hoá trang thành quỷ rồi chụp lên đầu con tôi cái nón Noel từ nhỏ, trong khi chẳng dạy chúng biết thế nào là Quốc phục, Quốc Giáo, Quốc hồn của dân tộc? Chẳng lẽ đó là một chương trình thương mại cải đạo các thế hệ học sinh từ nhỏ đã len lỏi vào học đường được ngụy trang bằng phong trào du nhập lễ hội phương tây qua các tiết ngoại ngữ, ngoại khoá?
Thưa cô giáo! Nếu nhà trường dạy con cháu chúng tôi biết tôn trọng người đã khuất, như đúng ta nghĩa ngày lễ HALLOWEN thì chúng tôi sẽ xét lại. Tại sao các dịp lễ Vu Lan là truyền thống báo hiếu của dân tộc, không đưa vào học đường, cho các em được cài bông hồng cho nhau, để tri ân các đấng sanh thành, nhằm giáo dục nhân cách cho học sinh thì làm sao phụ huynh không ủng hộ? Nếu chúng tôi kiến nghị đem lễ Phật đản vào trường học, để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của các con tôi, thì nhà trường có đồng ý không? Mà buộc các con tôi tiếp thu ngày lễ Giáng Sinh của Công Giáo?
Việc học ở nhà trường chúng tôi xin chân thành tri ân cô giáo, nhưng thông qua các lễ hội Tây phương hay tôn giáo khác từng là dấu giày của giặc ngoại xâm để nhuộm trắng tâm hồn trẻ thơ thì chúng tôi có quyền kiện về việc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng & luật giáo dục không? Nhưng vì đạo nghĩa thầy trò, nên xin phép cô giáo cho phép con em Phật tử chúng tôi nghỉ học vào các dịp lễ ngoại lai vô bổ.
Nếu dạy, tôi rất mong cô giáo, tổ chức cho các con tôi vui chơi vào những dịp lễ tết của dân tộc, như rằm Trung Thu, tết Nguyên Đán. Đừng bắt con tôi đội lên đầu con chiếc mũ Noel trong khi con tôi chưa biết Quốc phục là gì! Nghĩa là đừng bắt con tôi phụ rẫy nguồn gốc tâm linh của chính mình. Đó là lý do con tôi phải nghỉ học vào dịp lễ Halloween & Noel được tổ chức tại trường.
Tôi xin chân thành tri ân cô giáo!
Chí Ngu