Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Thưa chuyện với HT. Thích Thiện Nhơn

Thưa chuyện với HT. Thích Thiện Nhơn

119

Cũng như những lần trước, Hòa thượng  Thích Thiện Nhơn, Quyền Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã từ chối một cuộc phỏng vấn nhân dịp ngài vừa được suy cử vào chức vụ quan trọng: Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN.

Thay vào đó, HT đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thân mật trong tình thầy trò, đạo vị và hoan hỷ.

Chúng tôi xin ghi lại cuộc thưa chuyện này với HT, để bạn đọc có được thông tin đôi nét về thân thế, sở học, đạo nghiệp và hoạt động phục vụ giáo hội của HT tân Quyền Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN.

Phật tử Minh Thạnh (PTMT): Kính bạch HT, xin HT cho chúng con được biết đôi nét về thân thế HT?

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (HT. TTN): Tôi sinh năm 1950, năm nay 63 tuổi tính theo dương lịch, vẫn là thế hệ hậu học so với nhiều vị tôn túc lãnh đạo GH.
Nếu tôi làm việc ngoài đời thì đã đến tuổi về hưu rồi (cười).

Còn trong GH, tôi được bầu vào chức vụ mới chỉ là việc kế thừa, nối tiếp mà thôi. Tôi chỉ là người làm việc lâu năm, chưa phải có đạo nghiệp sâu dày, hay cống hiến xuất sắc. Vì vậy, xin đừng đi sâu vào việc bầu cử chức vụ vừa rồi.

PTMT: Kính bạch HT, nhưng nay Phật sự các tỉnh phía Nam đặt dưới sự điều hành thường trực của HT, vì vậy bạn đọc cũng mong được biết về thân thế HT?

HT. TTN: Nếu vậy thì coi như thầy trò tâm sự với nhau thôi nhé.

Thầy quê ở Trà Vinh, huyện Cầu Kè, xã Phong Phú, có thể nhận là cùng quê với HT Thích Thiện Hoa. Gia đình thầy là một gia đình Phật tử truyền thống. Thân phụ thầy quy y chùa Phước Tường, vùng quê của thầy, pháp danh Thiện Hạnh.

Thầy sinh ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp vào hồi ác liệt, mẹ thầy lại mất sớm, thầy là con út, nên hoàn cảnh sống rất khó khăn.

Tuổi trẻ của thầy đều nương nhờ nơi cửa Phật. Năm 1957, thầy được duyên lành quy y Tam Bảo. Đến năm 1960, 10 tuổi, thầy được xuất gia tại chùa Phước Tường, bổn sư là HT Thích Thiện Từ. Từ đó, thầy thọ nhận nền giáo dục Phật giáo liên tục cho đến khi trưởng thành. Ơn Tam Bảo đối với thầy là vô cùng vô tận.

PTMT: Kính bạch HT, xin HT cho chúng con biết về quá trình học tập của HT?

HT. TTN: Trước tiên, thầy tu học ở Phật học đường Lưỡng Xuyên, trường Phật học nổi tiếng ở Nam Bộ thời bấy giờ, nơi đào tạo rất nhiều bậc tăng tài, có học phong rất cao, đạo hạnh rất nghiêm.

Đến năm 1965, thầy được về học ở Phật học Viện Huệ Nghiêm, Sài Gòn. Đây cũng là nơi đào tạo Phật học và thế học song song.

Năm 1968, thầy tiếp tục chương trình Trung đẳng tại Phật học viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang.

Thầy tốt nghiệp Trung đẳng Phật học và tú tài thế học 1970.

Thời gian sau đó, thầy theo học cao đẳng Phật học ở Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm và Đại học Văn khoa Sài Gòn, đều đã có học vị cử nhân.

Sau năm 1975, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm vẫn đào tạo sau đại học cho số tăng sinh đã học xong bậc đại học Phật giáo (mà từ ngữ lúc đó thường gọi là cao đẳng Phật học), thầy đã học chương trình cao học và bước vào nghiên cứu chương trình cấp cao nhất (tiến sĩ (năm 1979) của Phật học viện. Tuy nhiên, hoàn cảnh giáo dục bấy giờ khó khăn, nên dù vẫn dạy và học đến chương trình ở cấp cao nhất (tiến sĩ), nhưng Phật học viện không thể cấp bằng. Vậy nên, chỉ giới thiệu thầy tốt nghiệp Phật học viện là được rồi.

PTMT: Kính bạch HT, tính ra HT có khoảng hơn 20 năm ngồi trên ghế nhà trường…

HT. TTN: Vất vả lắm mấy con. Kỷ luật Phật học viện rất gắt, còn các vị giáo thọ lại yêu cầu rất cao ở tăng sinh. Cuộc sống trong Phật học viện rất kham khổ. Những năm đầu kết thúc chiến tranh, cuộc sống rất khó khăn, cho nên đòi hỏi người tăng sinh ý chí chịu khổ, vượt khó, thì mới theo học được, nhất là qua các khúc quanh thời cuộc.

Thế hệ lứa tuổi như thầy, nhiều người mượn cửa chùa trốn lính, sau khi chiến tranh kết thúc đã ra đời.

Thầy thì quyết chí phải tu, còn ở trường thì phải học, nên cứ học tới, tới mãi.

Nhờ vậy, bây giờ mới có được chút sở học cống hiến cho đạo pháp.

PTMT: Kính bạch HT, 30 năm đầu của cuộc đời HT tu là học, còn sau đó, hoạt động của HT là gì? Có khó khăn gì so với thời kỳ đi học?

HT. TTN: Không phải thầy học trọn quãng thời gian đó đâu con. Trước năm 1975, thầy đã là giảng sư đoàn Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVNTN. Sau năm 1975, thầy vừa học vừa dạy ở Phật học viện Thiện Hòa. Sau khi GHPGVN thành lập, thầy giữ nhiệm vụ thư ký Ban Hoằng pháp. Sau đó, thầy vừa giữ nhiệm vụ Hiệu Phó trường Cơ bản Phật học, vừa đứng lớp, rồi tham gia giảng dạy Trường Cao cấp Phật học từ khóa 1. Thầy cũng giảng dạy Phật học nhiều năm ở Huế và Hà Nội.

Hoằng pháp và giáo dục tăng ni là tâm nguyện của thầy, và là công việc thầy hết sức yêu thích. Thầy đã định cả đời cống hiến cho sự nghiệp hoằng pháp và giáo dục.
Số tăng ni sinh đã học qua thầy có thể lên đến con số gần 10 ngàn người, từ thập niên 1970 đến nay, và đã có nhiều vị thành đạt.

Khi học thì phải vượt qua nhiều khó khăn, nhưng khi đi dạy thì rất nhiều thuận lợi. Khi thầy bắt đầu đi dạy Phật học, thì khi đó việc dạy Phật học đã khó khăn ở mức đỉnh điểm. Sau đó thì mọi việc thuận lợi dần dần, làm mình cảm thấy ngày càng dễ dàng, ngày càng thuận duyên, nên ngày càng phấn khởi, cống hiến.

PTMT: Kính bạch HT, HT dạy học mấy chục năm như thế, chắc phải biên soạn nhiều tác phẩm nghiên cứu Phật học?

HT. TTN: Thầy đã biên soạn hơn 20 đầu sách, chủ yếu phục vụ việc giảng dạy, chỉ in ấn phát hành nội bộ. Có thể kể đến việc dịch giải bốn bộ A Hàm, kinh Giải Thâm Mật, kinh Anh Lạc, kinh Mật Nghiêm, kinh Thanh Tịnh Tỳ Ni, kinh Di Lặc, kinh Kim Quang Minh, Duy Thức nhập môn, Duy Thức Thập nhị tụng, Duy Thức tam thập tụng, Luận thành Duy Thức, Luận Trung Quán, Luận Chỉ Quán, Luận Phật thừa tổng yếu…

Những bản in phục vụ nội bộ thầy vẫn còn giữ kỹ, để khi có nhân duyên, được thí chủ phát tâm lo liệu việc xuất bản, sẽ phát hành rộng rãi phục vụ tăng ni Phật tử.

PTMT: Kính bạch HT, nhưng tăng ni Phật tử cả nước biết đến ngài như một tu sĩ mẫn cán trong công việc hành chính giáo hội. Vậy HT đảm nhiệm công việc hành chính từ lúc nào?

HT. TTN: Sau công việc thư ký Ban Hoằng pháp, cơ bản vẫn là một giảng sư, sau đó thầy đảm nhiệm chức vụ thư ký Ban Tăng sự từ nhiệm kỳ II của GH, và tiếp tục ở chức vụ hành chính cao hơn trong nhiệm kỳ III.

Trong nhiệm kỳ IV, V thầy giữ nhiệm vụ Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng II, Trung ương GHPGVN.

Trong nhiệm kỳ VI, VII, thầy giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS.

Đó là những chức vụ hành chính chủ yếu mà thầy đảm nhiệm. Ngoài ra, có một số chức vụ kiêm nhiệm, nhưng thôi, thầy chỉ muốn nói qua một chút các chức vụ hành chính vì các con đã hỏi.

Làm hành chính thì đòi hỏi mình phải siêng năng, mẫn cán, chịu đựng vất vả, vì đâu phải chỉ ngồi bàn giấy xem xét giấy tờ, ký tên đóng dấu, mà phải tiếp xúc cơ sở, làm việc với Ban trị sự khắp các tỉnh thành, dự các buổi lễ có khi liên tục…

PTMT: Kính bạch HT,  vậy công việc có thuận lợi, trôi chảy như hồi HT làm giảng sư, giáo thọ…?

HT. TTN: Nói chung là mọi việc cũng thuận lợi, cho đến năm 2009, khi xảy ra hai vụ việc phức tạp phải giải quyết là vụ Bát Nhã và Đồng Tháp. Thầy bị xuất huyết não nằm viện 10 ngày khi sự việc căng thẳng lên đỉnh điểm, phải suy nghĩ, họp bàn cách giải quyết liên tục.

Tổ chức, nhân sự, hành chính bản chất không phải là công việc dễ chịu. Nó làm thầy hao tổn sức khỏe và để làm tốt phải là người có sức khỏe, để mà chịu mất đi trong quá trình làm việc.

Tam Bảo đã gia ơn để thầy học hành đến nơi đến chốn, thì bây giờ phải ra sức cống hiến để đền ơn Tam Bảo.

PTMT: Kính bạch HT, HT còn là một vị trụ trì?

HT. TTN: Thầy nhận trụ trì chùa Minh Đạo từ năm 1992. Thầy xem trụ trì là phương tiện để hóa độ. Chùa nhỏ, nên không là gánh nặng. Đến nay, có khoảng 1600 Phật tử quy y. Về tăng chúng, lúc cao điểm có khoảng 20 vị tu sĩ về trú ngụ để tu học, ra trường được bổ xử làm những công việc khác nhau (trụ trì, giảng sư…). Thầy coi tất cả những vị xuất gia đã theo học ở thầy là đệ tử nên không có đệ tử xuất gia riêng. Chúng quy y tại gia cũng là đệ tử của nhà chùa, không phải đệ tử của riêng thầy. Tâm nguyện của thầy chỉ là phục vụ đạo pháp và dân tộc trước hết.

PTMT: Kính bạch HT, HT đảm nhận nhiều công việc, phải giải quyết nhiều vấn đề, liên tục có mặt ở nhiều nơi, thậm chí cách nhau rất xa trong thời gian ngắn, vậy làm sao HT có sức khỏe và thời giờ?

HT. TTN: Sức khỏe, thì mình rèn luyện là một chuyện. Ngoài ra, còn có nhân duyên.

Ngày nào nhân duyên còn cho mình sức khỏe để phục vụ, thì cứ ra sức làm việc.

Còn về thời gian thì thầy giải quyết bằng cách bớt giờ ngủ. Từ thời tăng sinh, khi nhập thất, thầy đã luyện tập ít ngủ để có thời giờ tu học. Lâu dần ngủ ít, thức khuya, dậy sớm thành tập quán, không ảnh hưởng đền sức khỏe. Hiện nay, mỗi đêm thầy chỉ mất 2-3 giờ để ngủ, còn lại dành thời gian niệm Phật, ngồi thiền, tranh thủ tụng kinh, bái sám, thuyết pháp, suy nghĩ công việc giáo hội.

Nhiều người nghĩ rằng làm việc nhiều, thầy phải chạy đua với công việc, nhưng thực ra nhờ ít ngủ, thầy vẫn dư dả thời gian, không bị động vì công việc, vẫn an nhiên tự tại.

PTMT: Kính bạch HT, có lẽ vì vậy, nên con nghe nói HT làm cả công việc của thị giả?

HT. TTN: Người ta đồn quá đó thôi. Thầy vẫn có thị giả, nhưng đồng thời vẫn học hạnh tự lao tác từ những vị cao tăng, như HT Vạn Đức, tự giặt y phục. Có làm thì mới thấy mình còn “trẻ”, khỏe, và ngược lại vận động cho ra mồ hôi thì tốt cho sức khỏe. Cho nên tự làm được việc gì thì cố gắng làm, không chờ người phục dịch, trừ khi quá bận rộn.

PTMT: Kính bạch HT, xin hỏi HT một câu nữa về tu học, là trong những ý kiến nêu trên trang mạng, có ý kiến nói HT thể hiện sự hòa hợp Bắc tông và Nam tông, nhưng con thấy từ chùa chiền, y phục, lễ nghi, trước tác, hòa thượng đều thể hiện tính chất Bắc tông. Xin HT cho ý kiến về việc này?

HT. TTN: (cười), vì thầy được học 4 năm kinh điển Pali (1971-1974) với HT Thích Minh Châu tại Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Khi nghiên cứu 4 bộ A Hàm, thì thầy luôn vận dụng kiến thức các bộ kinh Nikaya để so sánh, đối chiếu, tìm hiểu, chú giải các bộ A Hàm. Không hiểu các bộ Nikaya thì sẽ không hiểu trọn vẹn bốn bộ A Hàm. Công việc học tập giảng dạy bắt buộc mình phải như thế. Đó là việc bình thường của người học Phật. Các con muốn học Phật tinh tấn, thì phải nắm vững kiến thức các bộ kinh Nam tông và Bắc tông một cách cân bằng, hòa hợp.

PTMT: Kính bạch HT, về Phật sự, HT có dự định gì khi đảm nhận chức vụ mới?

HT. TTN: Thầy chỉ mới là Quyền Phó Chủ tịch Thường trực thôi. Vì vậy, bàn về Phật sự trong cương vị mới, thì nên để một thời gian nữa.

Tuy nhiên, trước mắt, thầy sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc thâm nhập thực tế, xuống cơ sở nắm tình hình Phật sự, tiếp xúc nhiều hơn với hàng giáo phẩm trong các ban trị sự 34 tỉnh thành, và quý tăng ni Phật tử. Đó là bước chuẩn bị cần thiết để tạo chuyển biến mới trong hoạt động Phật sự. Còn cụ thể như thế nào, thì thầy xin hẹn buổi nói chuyện sau nữa.

Đảm nhận trọng trách mới, có thể thầy sẽ ít giảng pháp hơn, nhưng vẫn cố gắng duy trì, vì đó là kênh tiếp xúc rộng rãi với đại chúng tăng ni Phật tử. Hãy nên cứ nhìn thầy như trước kia, một vị giảng sư hoằng pháp, một ông thầy giáo dạy tăng ni.

PTMT: Thành kính cảm ơn HT về cuộc nói chuyện. Kính chúc HT sức khỏe để viên thành Phật sự trong trọng trách mới.

Tôi chắp tay chào HT, HT cười thật tươi chắp tay chào lại rồi cài đôi bàn tay đang chắp của ngài vài đôi bàn tay tôi hẹn ngày gặp lại. Ngài bình dị, chân chất, gần gũi đến mức khó diễn tả.

MT