Việc im lặng đó cho thấy tư liệu được viện dẫn, căn cứ để đặt vấn đề về tình trạng Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM là chính xác, không thể phủ nhận.
Chúng tôi cũng có đề nghị lãnh đạo Học viện sớm có ý kiến về tư liệu trên. Nếu tư liệu không chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM, cung cấp những thông tin khoa học sai lệch, thì Hội đồng điều hành Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM cần có ý kiến với Ban Biên tập tạp chí Thư viện Việt Nam, để kịp thời đính chính, cung cấp những thông tin thật sự chính xác. Tuy thế, lãnh đạo Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM vẫn im lặng, không bác bỏ thông tin đăng tải trên Tạp chí Thư viện Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa vấn đề chúng tôi đặt ra về Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM là đúng.
Việc im lặng, không đưa ra hướng giải quyết nào hết trước những vấn đề đặt ra về hiện trạng Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM thể hiện cách làm việc thiếu trách nhiệm, không tôn trọng bạn đọc và như thể là cũng không tôn trọng chính mình. Kho sách của Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM không phải là của riêng Hội đồng Điều hành Học viện đương nhiệm, mà là tài sản của toàn thể tăng ni Việt Nam, kế thừa từ công sức nhiều thế hệ tôn đức tiền bối. Vì vậy, chúng tôi có quyền và nghĩa vụ phải lên tiếng, yêu cầu ban lãnh đạo Học viện làm tròn trách nhiệm của mình. Việc làm thiếu minh trách nhiệm, phi học thuật của lãnh đạo Học viện hiện nay làm người trí thức Phật tử Việt Nam phải cúi gằm mặt xấu hổ mỗi khi nghe nói đến hoạt động quản lý, khai thác thư viện đại học, hay thư viện tôn giáo nói chung. Đó mới chỉ nói những người học võ vẽ như tôi, huống chi đến những tiến sĩ, thạc sĩ, có những chức vụ như chủ tịch, phó chủ tịch…
Đó là mỗi khi nhìn ra hoạt động học thuật bên ngoài Phật giáo. Còn đối với bên trong Phật giáo, cái cách quản lý, khai thác thư viện của Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM là một bước lùi với chiều dài thời gian gần 100 năm, so với tư duy về hoạt động thư viện Phật giáo, hình thành trong giai đoạn bước đầu xây dựng lý luận chấn hưng PGVN từ đầu thế kỷ trước. Đó là tư duy ý thức được sự cần thiết của thư viện Phật giáo, quý trọng sách vở Phật giáo, nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chăm sóc khai thác năng lực phục vụ của Thư viện Phật giáo.
Tư duy như thế về xây dựng chăm sóc thư viện Phật giáo có mặt trên nhiều bài báo về chấn hưng Phật giáo. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu một bài báo tiêu biểu, bài “Nói về lập ra thư viện trong các chùa” của tác giả ký tên Tỉ khiêu tự Lai, đăng trên Khai hóa nhật báo số 1662, ngày 18/2/1927, dẫn lại theo Nguyễn Đại Đồng và Nguyễn Thị Minh: “Phong trào chấn hưng Phật giáo – Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938”, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2008 (từ trang 108).
Bài báo đã có nhận thức rất đúng về vai trò của hoạt động thư viện Phật giáo “Nếu trong việc chấn hưng Phật giáo bước đầu này hãy thi hành ngay việc lập thư viện là một việc rất dễ mà không xong thì không làm nên trò trống được”.
Quả đúng là lập thư viện là một việc rất dễ. Đã có sẵn thư viện, chỉ cần bảo quản tốt, khai thác tốt lại là việc càng dễ hơn. “Không xong thì không làm nên trò trống gì”. Ấy vậy mà những vị có trách nhiệm của Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM, gần 100 năm sau, lại đưa một thư viện đã từng nổi tiếng một thời, đến tình trạng bi đát như đã ghi nhận, và còn thản nhiên im lặng, xem ý kiến của những chuyên gia đầu ngành thư viện đang trên tạp chí chuyên ngành như là không có gì, là chẳng đáng lưu tâm mảy may, thì quả thật lên đến một cấp độ mới của tình trạng “không làm nên trò trống”!
Dưới đây xin giới thiệu toàn văn bài báo để bạn đọc tiện so sánh với những gì mà Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM đã làm đối với thư viện của mình.
“Nói về lập ra thư viện trong các chùa
Thư viện là cái gì? Tức là một nơi để chứa các sách vở cho công chúng đến xem. Việc ấy thật giúp cho đường mở mang trí thức của quốc dân được nhiều lắm vậy.
Trong nước ta làng nào cũng có chùa, thành phố thì vài phố lại có một chùa. Chùa chiền nào chẳng để ở nơi đất rộng rãi, làm thành những ngôi nhà to lớn. Nếu mà các sư biết lập ra ở trong mỗi chùa một cái thư viện thì thật là tiện lợi đủ mọi đường cho thiện tín và quốc dân lại cả nhà chùa nữa vậy. Tôi đã nói rằng có lập ra được thư viện thì những người có học thức mới năng đến chùa chơi xem sách, đọc báo, nhà chùa mới được giao tiếp với những bậc thượng lưu, những nhà trí thức thì thêm rộng thấy xa nghe mà lại được cái cảm tình thân mật. Ở đâu cũng vậy, “sĩ phong duy thượng sở cổ”, một người học thức hay một nhà thượng lưu nói ra một tiếng, làm ra một việc gì, chúng nhân theo răm rắp. Nhà chùa đã thấy được lòng bọn thượng lưu, bọn học thức rồi thì muốn làm việc gì cũng dễ, không bị ai xiết trừu. Thế là một sự ích cho các nhà chùa mà nhà chùa cần phải có thư viện.
Vả chăng nước nào cũng vậy, hễ mà học thức kiến văn rộng thì mới mạnh mẽ phú cường, nếu nhà chùa có một nơi thư viện, chứa đủ các thức tân văn tạp chí, sách Phật sách thường, thiện tín đi lại được nhờ đó mà giác ngộ mọi điều khôn ngoan thành ra một người hay trong nước, đó chẳng phải là một cái công đức to tát lắm sao?
Nay ta biết rõ thế thì sự lập thư viện là một việc dễ nhất trong các việc CHPG ngày nay, mà có lẽ là một việc bắt đầu ta nên làm ngay lập tức đi. Bởi vì ta chỉ cần phải xét xem địa thế chùa ta ở, để vào gian nhà nào, hễ lượng được đông người xem thì để ra hai ba gian liên tiếp nhau. Trong mỗi gian đóng một dãy bàn thật rộng, hai bên bàn để hai dãy ghế ngồi. Sắm vào mỗi bàn dăm bảy cái đĩa mực, dăm bảy cái quản bút để đấy cho ai muốn đến đó sao chép hay viết lách gì cũng sẵn, rồi đóng lấy vài ba cái tủ đựng sách thiết dụng, sách đạo đức, sách Phật giáo, tùy từng địa phương, tùy từng xứ sở một mà tìm sách; hoặc sách Nho, sách Tây, sách quốc ngữ mua mỗi thứ lấy vài bốn quyển.
Ngoài những sách ra thì mua lấy vài thứ nhật báo, đôi ba thứ tạp chí để đấy cho công chúng đến xem và cho người đến mượn đem về nhà xem, ấy công việc dễ dàng như vậy, xin các chùa ta làm ngay đi. Gần đây, có những nhà trí thức cổ động các hương hào chức dịch ở các xã thôn nên lập ra ở trong mỗi làng một thư viện, vậy xin các hương hào chức dịch ở các xã thôn giùm giúp vào các nhà chùa mà lập cho thành đi, thực cũng là một việc đang làm mà làm được thật là ích lợi lắm.
Nếu trong việc CHPG bước đầu này hãy thi hành ngay việc lập thư viện là một việc rất dễ mà không xong thì không làm nên trò trống được.
Vậy tôi dám có lời xin với tổ chùa Bà Đá tôi, các sư cụ chùa Vũ Thạch, chùa Kim Sơn, Kim Cổ? Chùa Đồng Quang, chùa Hòa Mãn, chùa Hòe Giai v.v… các chùa về mạn thành phố Hà Nội; chùa Dư Hàng, chùa Hàng Kênh, chùa An Biên v.v… các chùa về mạn Hải Phòng, cho chí các chùa trong nước Nam này, xin kíp kíp tiếp số báo này thời lập ngay trong mỗi chùa một cái thư viện, tức là mua lấy tủ và sắm lấy sách để cho thập phương thiện tín đến xem vậy!
Việc lập thư viện này, nếu mà còn có nhà chùa nào chưa kịp thời xin cứ chịu khó đi tìm lấy một nhà Tây học hay Nho học, hỏi người ta, nhờ người ta giúp mình một tay trong việc gây dựng ra ấy, chắc người ta sẽ chỉ dẫn cho mình biết đường làm. Thôi, xin nói vắn tắt rằng, các chùa nào muốn lập ra thư viện mà sẵn tiền rồi thì làm như thế, nếu chưa thời cứ đăng lên các báo nói rằng chùa mỗ, trụ trì tăng, nay muốn lập ra một thư viện ở trong chùa, vì chùa tiện chỗ cho mọi người đến xem sách báo lắm, xin nhờ thập phương thiện tín ai muốn cúng tủ đựng sách hay quyển sách gì hay và có ích thời xin cho lại nhà chùa. Khi đăng báo cho thập phương biết rồi, sẽ lại in giấy đạt đưa đến khắp mọi nhà thiện tín, xin ai có sách vở thời cúng vào cho, chắc chẳng mấy mà thành được một nơi thư viện.
Gần đây phần nhiều các nơi đô hội có nhiều nhà muốn được có những nơi tĩnh mịch để xem sách đọc báo, vậy xin các ngài nên lợi dụng lấy những nơi chùa chiền mà đến nói với chư tăng để cho một chỗ trong chùa để giúp chư tăng mà gây nên cho nhà chùa một cái thư viện như vậy.
Thật là thỏa lòng cầu trí của các ngài mà giúp nên được một cái công đức cho nhà chùa. Một bên những người hiếu học thời dựa vào nhà chùa là một cái cơ quan để quyên được tiền thập phương mà sắm sách mua báo hàng năm cho ngày thêm to tát các thư viện ra được. Một bên nhà chùa thời nhờ vào những nhà thiện tín hiếu học đến chùa làm người giữ thư viện giúp việc nhà chùa. Những người trông coi thư viện cho nhà chùa ấy tất phải là con nhà thiện tín, có nết na chăm học, có thể tin cẩn được, phải làm sổ các sách, phải xếp đặt cho có thứ tự, phải giữ gìn tủ sách cho được sạch sẽ v.v… Song những nơi làm việc ấy chỉ để cho những nhà thiện tín sẽ quy y nhà chùa ấy, cùng con cái họ hàng có quen biết những người chức vụ ở trong chùa mới được đến xem. Phải lập ra một thể lệ rằng những người nào muốn vào xem sách ở trong chùa phải đến xin giấy sư cụ chùa trước, trong tờ giấy xin đến xem sách ấy phải có hai người trong thiện tín quy y chùa ấy ký nhận thì sư cụ mới cấp giấy cho vào mượn, giấy cấp cho vào xem và cho đến mượn chỉ cấp một lần, ai đánh mất lại phải làm đơn xin giấy khác cũng phải đủ thủ tục như vậy. Khi đánh mất sách cũng phải đền sách khác, nếu không mua đúng được quyển sách như thế thì phải đền tiến gấp đôi để nhà chùa lấy tiền mua sách khác làm cho thư viện thêm sách lên. Nói cho giản tiện thì muốn lập nên thể lệ xem sách mượn sách thế nào cho phải, chi bằng ta học theo ngay thể lệ của Trung ương thư viện ở phố Tràng Thi, Hà Nội cũng đủ việc rồi vậy.
Những thư viện ấy tùy từng tình thế các địa phương mà định giờ cho người qua lại xem sách đọc báo. Còn như tiền chi phí đèn lửa nước mát, diêm thuốc cho các người đến đó xem sách đọc báo thì để cho những người tới đó phải chịu gánh vác. Nếu như chùa giàu có còn có thể làm được việc khác thì cái tiền đóng góp ấy cứ để cho người tới xem sách báo phải đóng, mỗi người mỗi tháng là đôi ba hào hay những người mượn sách đem về nhà thì trả tiền mỗi quyển là mấy xu, hạn cho mượn cứ mỗi tuần lễ một lần phải giả, xem chưa hết thời phải đến khai và nộp tiền lệ, không thì người trông nom việc sách vở phải đi đòi ngay. Vậy thì phỏng có thứ gì mà chẳng gây nên được những nơi thư viện tốt và tiện lợi cho thiện tín?
Nhưng mà phải là những nơi dân xã hiếu học hay những thành phố có những con nhà thiện tín hay xem sách mới lập ra, chứ lập ra mà chẳng ai đến xem thì sách nhiều cũng vô ích. Song ta cũng nên làm thư viện riêng để nhà chùa ta xem cho mở trí khôn và thâm cứu Phật học Phật giáo của ta. Thư viện ấy không phải thư viện tôi nói trên kia.
Tỉ khiêu tự Lai
Trụ trì chùa Hang, Thái Nguyên
(KHNB số 1662, ngày 18.2.1927)”.