“Tôi coi việc cải đạo là rất tiêu cực, bởi vì cải đạo là dạng tồi tệ nhất của sự bất khoan dung,” Thủ tướng Jigmi Yoser Thinley nói tại văn phòng của mình ở thủ đô vương quốc Phật giáo này.
Thủ tướng Thinley, người đứng đầu đảng cầm quyền là nhân vật có ảnh hưởng chính trị lớn nhất đất nước nói việc truyền bá niềm tin của một người là được phép, nhưng ông nói rõ rằng ông đặc biệt nghi ngờ nỗ lực cải đạo người khác.
“Giả thiết đầu tiên (của việc tìm kiếm người cải đạo) là bạn tin rằng tôn giáo của bạn là đúng, và tôn giáo của người bị cải đạo là sai – những gì anh ta tin là sai, những gì anh ta thực hành là sai, rằng tôn giáo của bạn nổi trội hơn và rằng bạn có trách nhiệm thúc đẩy lối sóng, suy nghĩ, cách hành lễ,” Thủ tướng Thinley nói. “Đó là dạng tồi tệ nhất của sự bất khoan dung. Và nó chia rẽ gia đình và xã hội.”
Để chống cải đạo, Chính phủ Bhutan đã hạn chế việc xây dựng các cơ sở thờ tự phi Phật giáo, hạn chế các lễ hội phi Phật giáo.
Luật An ninh quốc gia ở Bhutan giới hạn việc bộc lộ tôn giáo bằng cách cấm “dùng ngôn ngữ, dù nói hay viết, hay bằng bất cứ phương tiện gì để thúc đẩy hoặc nỗ lực thúc đẩy, dưới quan điểm tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, địa vị hay cộng đồng, hoặc bất cứ quan điểm nào khác, gây ra cảm giác thù hằn hoặc bị căm ghét giữa các nhóm, cộng đồng tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, địa vị hoặc cộng đồng.” Việc vi phạm luật an ninh quốc gia có thể bị phạt từ 3 năm.
Người Ki-tô giáo cho rằng việc cải đạo là do ý chúa, chứ không phải con người. Thủ tướng Thinley nghi ngờ về điều này.
“Bất cứ dạng cải đạo nào có liên quan đến sự khuyến khích kinh tế hay vật chất là sai trái,” ông nói. “Nhiều người đang bị cải đạo trên giường bệnh viện trong những khoảnh khắc ốm yếu và bị tổn thương nhất. Và những người này được thì thầm bên tai ‘chẳng còn hi vọng gì cho bạn đâu. Cách duy nhất để bạn sống sót là chấp nhận tôn giáo đặc biệt này.’ Đó là điều sai trái.”
Thủ tướng Thinley cũng nghi ngờ rằng người Ki-tô dùng vật chất để cải đạo.
“Đến chỗ người nghèo và nói, ‘Nhìn này, tôn giáo của bạn không cung cấp vật chất cho cuộc sống này, tôn giáo của chúng tôi cung cấp cho cả lúc này và tương lai,’ Đó là việc sai trái. Và đây là nền tảng của việc cải đạo hiện nay.”
Thủ tướng Thinley cũng bác bỏ quan điểm của người Ki-tô giáo rằng công dân tại Vương quốc ông tôn thờ ma quỷ.
“Họ nói rằng, ‘Tôn giáo của bạn là sai trái, thờ ma quỷ là sai trái,’ Ai đang thờ ma quỷ?” ông nói. “Chúng tôi không thờ ma quỷ. Đó là những hình ảnh và phương tiện giúp bạn tập trung.”
Thủ tướng Thinley nói rằng ông được nuôi lớn như một người Ki-tô.
“Tôi cũng một phần là người Ki-tô,” ông nói. “Tôi cũng đọc kinh thánh, tất nhiên là thỉnh thoảng thôi. Tôi học ở một trường theo truyền thống Ki-tô giáo và phải đi lễ nhà thờ hàng ngày trừ thứ bảy trong 9 năm.”
Là một đất nước nhỏ bé trên dãy Himalayas giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan có dân số 708.484 người, trong đó 75% là Phật tử, theo Operation World. Có khoảng từ 6.000 đến 15.000 người Ki-tô.
Lãnh đạo đảng đối lập ở Bhutan, Lyonpo Tshering Togbay cũng phản đối việc cải đạo.
“Tôi ủng hộ việc truyền bá những giá trị tinh thần hay bất cứ điều gì giúp ta trở thành người tốt,” ông nói. “Nhưng chúng tôi không thể có chuyện cạnh tranh giữa các tôn giáo ở Bhutan.”
Togbay nói có những người Ki-tô biết khoan dung và quan tâm đến tôn giáo và văn hóa của người khác, nhưng “cũng có những người Ki-tô đi vào đời trong cuộc chiến cứu độ mọi linh hồn. Đó là nói của họ, và nó tốt cho họ, ngoại trừ rằng ở Bhutan, chúng tôi không có chỗ cho sự sốt sắng này.”
Togbay bày tỏ lo lắng về những mối đe dọa rõ ràng đối với văn hóa Phật giáo ở Bhutan.
“Tôi học trong trường Ki-tô giáo, và tôi đã sống ở phương Tây, và tôi được những người hậu duệ của Jehovah tiếp cận trong tàu điện ngầm, thang máy, nhà hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ. Tôi không nói điều đó là xấu. Nhưng tôi sẽ là kẻ ngốc nếu không để ý đến chuyện đó ở Bhutan,” ông nói. “Tôn giáo ở Bhutan phải sống trong hòa hợp. Tôi rất hay thấy những người đi cải đạo chỉ lên tượng Phật và nói thờ ngẫu tượng là thờ ma quỷ. Điều đó không tốt cho an ninh quốc gia, sự hòa hợp và tìm kiếm hạnh phúc.”