Trong khi chiếm đa số trong các tín đồ tham dự các khóa lễ Phật giáo là nữ giới và phần lớn là người cao tuổi, thì người tham gia các đêm thánh nhạc phần lớn ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, nam giới và nữ giới cân bằng.
Vậy, để ngăn chận làn sóng cải đạo tín đồ Phật giáo, cần tập trung nhắm vào đối tượng thanh niên, chỉ theo đạo Phật như là truyền thống, tập quán gia đình, hầu như không hiểu biết về giáo lý mỗi năm đến chùa lễ Phật một vài lần, mỗi lần khoảng mươi, mười lăm phút.
Giải pháp đưa âm nhạc vào chùa, âm nhạc hóa nghi lễ Phật giáo cũng là một ý kiến và cũng đã được một vài chùa thử nghiệm.
Tuy nhiên, phải thấy rằng âm nhạc kiểu phương Tây hiện đại không phải là sở trường của Phật giáo, chỉ có thể thực hiện ở phạm vi hẹp, cá biệt, không thể phổ biến trên diện rộng.
Không thể lấy cái sở đoản của mình để “cạnh tranh” với cái sở trường của người.
Trong khi đó, hình thức sinh hoạt kiểu hướng đạo theo khuôn khổ Gia đình Phật tử không còn sức thu hút như trước.
Phật giáo cũng không thể tổ chức những khóa lễ có tính chất cuồng nhiệt như một đêm nhạc hội, mà ở đó các tín đồ trẻ phấn khích, hưng cảm, như những fan bóng đá, trong sân vận động hay những thanh niên đê mê chất kích thích trong vũ trường.
Ở Phật giáo lại là sự đối lập, trái ngược với những hiện tượng đó.
Vậy, làm sao để thu hút thanh niên đến với đạo Phật, giữ chân thanh niên, tìm một hình thức sinh hoạt trong đạo Phật phù hợp với thanh niên.
Đây quả là một bài toán khó, mà người Phật tử cần phải nỗ lực đi tìm lời giải.
Dưới đây là một lời giải đề nghị.
Phật giáo chúng ta nên tìm một hướng giải quyết phù hợp với lợi thế của đạo Phật, dựa trên thế mạnh của Phật giáo, khai thác cái mà Phật giáo sở trường.
Sự tĩnh lặng của thiền định, sự trầm mặc của những buổi tụng kinh… không phù hợp với bản tính hiếu động của thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh thiếu niên nam giới.
Cá biệt một số em trai, cháu trai có thể ngồi thiền, nhưng thiền không thể thu hút tuyệt đại đa số thanh niên nam giới như âm nhạc…
Nhưng vấn đề không bế tắc. Phật giáo vẫn có một số sinh hoạt phù hợp với bản chất động của thanh thiếu niên, đặc biệt là nam giới.
Đi lễ nhiều chùa trong Phật giáo là hình thức phù hợp với bản chất thích di chuyển của thanh thiếu niên.
Các tôn giáo xuất phát từ phương Tây không có phương thức đi lễ ở một chuỗi các cơ sở thờ tự như cách đi bảy chùa, chín chùa, mười chùa trong các ngày lễ tết, thậm chí trong ngày thường, như Phật giáo chúng ta.
Các tôn giáo khác không chỉ làm lễ trong một đơn vị thời gian khoảng 30 – 45 phút tại một địa điểm cố định đối với tín đồ. Có tôn giáo có khái niệm hành hương, nhưng chỉ là đi đến hành lễ tại một địa điểm khác với đơn vị tôn giáo cơ sở, mà họ coi là thiêng liêng hơn.
Phật giáo có từ “cảnh chùa” hay “kiểng chùa” để gọi cơ sở thờ tự của mình. Xin nhấn mạnh, đây là từ, là đơn vị cố định, không phải là cụm từ, theo cấu trúc tổ hợp lỏng lẻo.
Vì vậy, hành hương trong Phật giáo là đến thưởng thức những cảnh chùa đó, sau khi lễ Phật.
Thời gian hành lễ là ngắn (mười lăm phút – nửa giờ/chùa) và số lượng cơ sở thờ tự đến làm lễ là cao (5, 7, 10 hay thậm chí 12 chùa).
Như thế thì phải di chuyển, hưởng thụ sự di chuyển và cảnh trí thiên nhiên, cũng như kiến trúc cơ sở tôn giáo, điều mà các tôn giáo đến từ Âu Mỹ không hề có.
Đây chính là thế mạnh, là điểm hơn của Phật giáo so với các tôn giáo khác trong mục tiêu quy tụ và giữ chân thanh niên trong sinh hoạt của đạo Phật.
Phật giáo chúng ta không có những buổi lễ là những buổi ca nhạc phấn khích, kéo dài vài ba giờ, nhưng sẽ có những chuỗi các buổi lễ 10 – 15 phút, những thời pháp ngắn cũng 10 – 15 phút kéo dài trên một lộ trình qua 5, 7, 9, 10 hay 12 ngôi chùa/ngày.
Các em, các cháu trai chắc chắn sẽ vui thích với sinh hoạt Phật giáo này, mà chúng có thể đi trên xe bus, xe mini bus, xe gắn máy, hay cũng có thể là một đoàn ô tô con, tùy điều kiện tổ chức.
Chúng tôi đề xuất công thức tổ chức sinh hoạt Phật giáo dành cho giới trẻ này như sau:
– Đối tượng: tập trung vào đối tượng đồng trang lứa (chỉ thanh thiếu niên), không nên đi xen lẫn với người lớn tuổi.
– Thời gian: Có thể 1 hay nhiều ngày, tập trung vào hè, ngày nghỉ, ngày lễ.
– Có thiết kế chi tiết lộ trình, tiết mục, phân phối thời gian.
– Có phẩm vật cúng dường (hương đăng, hoa trái, tịnh tài), mang tính chất sinh hoạt tôn giáo và có phẩm vật làm từ thiện (nếu có khả năng).
– Trên xe bus có chiếu đĩa hình, phát dĩa âm thanh, ca nhạc Phật giáo (tạo không khí Phật giáo, xác định là một sinh hoạt Phật giáo, cho cả hành trình).
– Đến mỗi chùa thì ngoài việc vào chính điện lễ Phật tập thể, dạo chơi, thưởng thức phong cảnh, nghỉ ngơi trong vườn chùa, còn nếu được nhà sư trụ trì tiếp và có pháp thoại giới thiệu về lịch sử, đặc điểm ngôi chùa.
– Có thể nghỉ đêm tại chùa.
Gọi đây là du lịch chùa cũng không sai, vì không phải là đi chơi suông, mà lồng vào đó nội dung Phật giáo. Có thể tạm gọi là “Phật giáo hóa du lịch”.
Đây không phải là điều gì mới mẻ, mà đã là sinh hoạt phổ biến trong Phật giáo. Tuy nhiên, yếu tố khu biệt lứa tuổi, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, nhằm vừa thỏa mãn tính chất tâm lý hiếu động của lứa tuổi, vừa chuyển tải nội dung Đạo pháp, thì dường như, ít được chú ý.
Vì thế, nay, các bậc phụ huynh Phật tử, có thể thay vì ép các em các cháu trai lên chính điện tụng kinh, ngồi thiền hàng giờ, thì có thể khuyến khích chúng thực hiện một chuỗi lễ Phật qua nhiều chùa, nghe các pháp thoại ngắn (10 – 15 phút), kết hợp với dạo chơi, sinh hoạt tập thể trong vườn chùa.
Tuy là sinh hoạt tôn giáo động, di chuyển nhưng ở đây, trong “động” có “tĩnh” (thời gian lễ Phật, nghe pháp, vãn cảnh chùa) và không phải là cái động phấn khích, cuồng nhiệt, vọng tâm như ở các buổi thánh nhạc.
Chúng tôi nghĩ rằng, nên có những “menu” lễ chùa sắp sẵn, tổ chức thường xuyên, liên tục, thì dần dần đây sẽ là một trong những lời giải cho bài toán quy tụ thanh niên sinh hoạt trong đạo Phật.
Cái mạnh của một ngôi thánh đường là nội thất hoành tráng tiện nghi bên trong, còn cái mạnh của ngôi chùa là cảnh trí bên ngoài kết hợp với kiến trúc ngôi chùa.
Vì vậy, tổ chức sinh hoạt theo hướng đến với cảnh – chùa, tức chùa trong mối liên hệ với không gian bên ngoài là hướng vừa khai thác đúng thế mạnh Phật giáo, vừa đáp ứng nhu cầu thanh thiếu niên, vừa có thể chuyển tải nội dung giáo lý nhà Phật.
Đây cũng là tiến trình giảm yếu tố không gian điện thờ (làm lễ bên trong hàng giờ), tăng yếu tố không gian truyền tải giáo lý (tiếp xúc với nhiều vị tăng ni, trong nhiều không gian tôn giáo khác nhau) mà chúng tôi có dịp đề xuất.
MT
Ban biên tập: Chúng tôi thấy đề xuất của cư sĩ Minh Thạnh rất thiết thực, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị bước vào mùa hành hương năm mới. Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, đặc biệt là Phật giáo Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP. HCM, Đà Nẵng, Huế, Đắc Lắc, Cần Thơ – những địa bàn có nhiều trường Đại học, Cao đẳng có thể tổ chức các tour du lịch hành hương chùa miễn phí trong thời gian 1 ngày, tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Số lượng cho mỗi chuyến (ngày) khoảng 100 – 200 là phù hợp. Trong chuyến hành hương đó có giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa các ngôi chùa, pháp thoại về cốt lõi của đạo Phật, ứng dụng của đạo Phật trong các vấn đề thiết thực với giới trẻ như học tập, lập thân, lập nghiệp, tình yêu…, kết hợp với hướng dẫn thiền ngắn, dùng cơm chay Ban Trị sự có thể giao cho Ban Hướng dẫn Phật tử kết hợp với Ban Hoằng pháp và các Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử đứng ra tổ chức các tour du lịch hành hương miễn phí này. Các thành viên các câu lạc bộ Thanh niên Phật tử sẽ quảng bá các chương trình này trên diễn đàn của trường đại học, giới thiệu tận các lớp học. Thậm chí có thể kết hợp với đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức các chuyến hành hương này. Trong chuyến đi, kết hợp tổ chức giao lưu giữa các bạn trẻ, các trường. Tại Hà Nội, có thể giao cho Liên đoàn Thanh Thiếu niên Phật tử tổ chức. Ban Hoằng pháp chịu trách nhiệm xây dựng 01 đĩa Pháp thoại chọn lọc cho tuổi trẻ, 1 tài liệu dưới dạng bỏ túi về Phật pháp. Ban Hướng dẫn Phật tử chỉ đạo công tác tổ chức. Chúng tôi xin đề xuất một số tuyến tại Hà Nội như sau: – Tuyến 1: Cụm Đại học Bách Khoa – Xây dựng – Kinh tế Quốc dân >>> Chùa Keo (Bắc Ninh) >>> Chùa Dâu (Bắc Ninh) >>> Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) – Tuyến 2: Cụm Đại học Bách Khoa – Xây dựng – Kinh tế Quốc dân >>> Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội) >>> Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) >>> Chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) – Tuyến 3: Cụm Đại học Sư phạm – Giao thông – Luật – Ngoại thương >>> Chùa Thầy >>> Chùa Tây Phương >>> Chùa Mía (đều tại Hà Nội) – Tuyến 4: Cụm Đại học tại khu vực quận Thanh Xuân (Đại học KH tự nhiên, ĐH Xã hội và Nhân văn, ĐH Kiến Trúc, Đại học An Ninh…) >>> Chùa Văn Quán >>> Chùa Trăm Gian >>> Chùa Đậu (Đều tại Hà Nội). Trong mùa thấp điểm có thể tổ chức đi chùa Hương. Như vậy, nếu 1 tuần cả 4 tuyến này đồng tổ chức, mỗi tuyến 200 người/ngày thì có tới 1.600 bạn trẻ được gieo duyên gần gũi hơn với Phật pháp và văn hóa dân tộc, về với nguồn cội. Về mặt chi phí, Thành hội kết hợp với các chùa và kêu gọi Phật tử công đức. Nên coi đây là chi phí đầu tư cho tương lai. Nếu xây chùa lên mà chỉ có các cụ già đến tu tập, còn giới trẻ lũ lượt bị Tin lành lôi kéo thì xây chùa cũng không phát huy nhiều tác dụng. Vì vậy, cần kết hợp giữa việc xây chùa và thu hút thanh thiếu niên – thành phần tương lai của Phật giáo |