Trang chủ Văn học Thơ Thử nhận diện thiền trong thơ Việt Nam đương đại

Thử nhận diện thiền trong thơ Việt Nam đương đại

709
Thơ Thiền vốn có truyền thống lâu đời trong Văn học Việt Nam, từ thời Lý Trần, khi Phật giáo hưng thịnh với những tác giả tiêu biểu như Mãn Giác, Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, Huyền Quang… Mặc dù có những thăng trầm qua các thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng nhìn chung thơ Thiền vẫn luôn luôn được duy trì và phát triển.

Ngày nay trong thơ, kệ của các Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh… những giá trị lâu dài của thơ Thiền vẫn đang được các Thiền sư kế tục và làm mới để phù hợp với đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ đề cập đến yếu tố Thiền trong thơ của các nhà thơ, các tác giả đương đại (không phải Thiền sư hay tu sĩ Phật giáo), có thể tự giác hoặc không tự giác họ ảnh hưởng tư tưởng Thiền tông. Chúng tôi coi yếu tố Thiền như một thủ pháp để các tác giả thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình về bản ngã, về nhân sinh qua cảm quan Phật giáo

Trước tiên, xin đề cập đến yếu tố Thiền trong thơ của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi- người con quê lúa Thái Bình. Đỗ Trọng Khơi sinh năm 1960, anh bị bạo bệnh từ rất sớm, đến năm tám tuổi thì đôi chân hoàn toàn không đi lại được, từ đó cuộc sống của nhà thơ gắn liền với chiếc giường.

Mặc dù chỉ học hết lớp ba nhưng nhờ nghị lực, sự ham đọc, ham học cùng năng khiếu thiên bẩm, anh đã trở thành nhà thơ có phong cách độc đáo của quê hương năm tấn. Qua khảo sát mấy chục bài thơ của anh, chúng tôi thấy yếu tố Thiền rất đậm, đó là những quan niệm về bản ngã, về nhân sinh của một người am hiểu triết học Phật giáo.

Dường như chính những tư tưởng Thiền đã giúp anh vượt qua bạo bệnh để sống một cuộc sống bình an, giúp anh có nghị lực để đối diện với cuộc đời đầy éo le, trắc trở: “Tôi tự chèo lái lấy tôi/ Con thuyền bào ảnh là tôi, hay là?../ là tôi thì tôi sẽ qua/ không là tôi cũng như là thế gian“.

Đọc đến đây tôi chợt nhớ đến bài kệ trong “Kinh Kim Cương” có viết: “Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng, huyễn, bào, ảnh/ Như lộ diệc như điện/ Ưng tác như thị quán“. Dịch nghĩa: “Tất cả pháp hữu vi/ Như mộng, huyễn, bọt, bóng/ Như sương, như chớp loé/ Hãy quán chiếu như thế“.

Bào ảnh chỉ bọt nước, cái bóng ý muốn nói cuộc đời thoáng chốc, Thiền sư Vạn Hạnh có câu: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô“, dịch nghĩa: “Thân như bóng chớp chiều tà/ Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời“.

“Cung oán ngâm khúc” có câu: “Sóng cồn cửa bể nhấp nhô, Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh“.

Chỉ có điều Đỗ Trọng Khơi không vì sự thoáng chốc của cuộc đời mà buông xuôi, nhà thơ vẫn tỏ ý chí vượt qua, tự chèo lái lấy con thuyền cuộc đời mình.

Nhà thơ cho rằng thân thoáng chốc cũng chính là món quà tặng của cuộc đời và khi đối diện với bản ngã của mình mà nhận ra bao sự luân chuyển vô thường để có cuộc đời an nhiên, tự tại vượt lên mọi mất mát, hơn thua: “Đời ta không kể ngắn dài/ tình ta bỏ lẽ đúng sai lại rồi/ trong bao la một ta ngồi/ một ta chơi với một người là ta/ Không hề trẻ, sao lại già/ không là lá, chẳng thành hoa, chẳng gì/ sinh ra là để mất đi/ mất đi là để ta về cõi ta/ Ta về ở ẩn trong ta/ tấm thân cát bụi như là… thế thôi” (Ta về cõi ta).

Đỗ Trọng Khơi nhiều lần nhắc đến phù du, hư vinh, hư vô, vô thường nhưng dường như để tự nhắc mình sống bình thản, giữ được bản tính tốt lành giữa cuộc đời này: “Gặp làn mây trắng rong chơi/ như ai ru lại ta thời ấu thơ/ Ngợ hư vinh cãi phù du/ trong binh bong tiếng chuông chùa thu không” (Ngợ hư vinh cãi phù du).

Mặc dù ý thức sự trôi chảy của thời gian: “Mà về thăm thẳm tâm linh/ lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta/ Hư vô thảm thắc với tôi/ thời gian càng nắm càng rơi dọc đường” (Hư vô thảm thắc) nhưng vẫn giữ lòng an nhiên, vô vi, tức không làm gì trái quy luật tự nhiên.

Không có sự thấu hiểu giáo lý nhà Phật, tinh thần Thiền tông chắc không thể có những câu thơ thể hiện cảm nhận sâu sắc về cuộc sống vốn vô thường này: “Vô vi trong cõi vô thường/ thì dâng máu lệ về nương cõi nào” (Nghĩ).

 

Tranh họa chân dung ẩn sĩ thi tăng Hàn San- nguồn Internet.n Nguyễn Quỳnh Anh

Nói đến yếu tố Thiền không đơn giản là nhắc đến tên các vị Phật, các bộ kinh, các thánh tích Phật giáo (Yên Tử, Hương Tích) mà thể hiện sự thấm nhuần các triết lý Thiền với những điều căn cốt nhất như sự tịnh lặng, an nhiên, coi nhẹ danh lợi để rồi bình tâm trước mọi biến chuyển của cuộc đời.

Tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh đã có những cảm nhận sâu sắc ấy: “Gió thiền trên ngọn phù đồ/ Áo nâu khua lá. Mặt hồ ngân chuông/ Cõi tâm tỏa bóng trầm hương/ Chổi lia mặt đất dọn đường tịnh không/ Thoát siêu về kiếp lửa hồng/ An nhiên xác lá ấm lòng phù sinh” (Quét chùa buổi sớm).

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đứng trước tháp cổ mà trầm ngâm về hư danh, thế thái nhân tình, thời gian sẽ làm mòn mọi thứ, chỉ cái đẹp là còn mãi với thời gian: “Thời gian là người thợ/ Đẽo mòn bao hư danh/  Xin đá bia đừng kể/ Trước cỏ rêu vô hình/ Hiền nhân và bạo chúa/ Thành bụi đất cả rồi/ Phù điêu nung từ đất/ Chỉ tạc hình em thôi” (Phù điêu cổ).

Sự tịnh lặng được nhà thơ Trần Thanh Kim trong một lần đến chốn tổ Vĩnh Nghiêm – ngôi cổ tự ở Bắc Giang có chứa kho mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đã có những cảm giác an nhiên dưới những bóng cây xanh mát, trong sự tịch mịch, vắng lặng: “Mộc bản đầy khai mở/ chữ khắc nhuần phận cây/ thời gian chìm thớ gỗ/ kiếp nhân sinh tỏ bày” (Ghi ở chùa Vĩnh Nghiêm).

Trần Thanh Kim so sánh kiếp người với kiếp lau đề bày tỏ sự mong manh, thoáng chốc của kiếp người ở cõi Ta bà: “Kiếp lau ở chốn ta bà/ Thân như cát bụi hồn là mong manh” (Kiếp lau).

Nhà thơ Tịnh Bình khi đứng trước thiên nhiên, tạo vật cũng có những cảm nhận an nhiên, tự tại khi trở về bản thể của mình:  “Đỉnh cô phong/ Mây tọa thiền tư lự/ Núi trầm ngâm/ Âm ba gió lời kinh/ Và hoa lá/ Tràng hạt sương kết chuỗi/ An nhiên ta/ Ngồi tựa chiếc bóng mình” (Ngồi).

Trong số các tác giả đương đại không thể không nhắc đến Trần Huy Minh Phương, một tác giả trẻ nhưng thấm nhuần tư tưởng triết học Phật giáo đặc biệt những giá trị căn cốt của tinh thần Thiền tông luôn được anh thể hiện trong rất nhiều sáng tác gần đây của mình.

Trần Huy Minh Phương coi cuộc đời như một sàn diễn, trên đó con người đóng các vai rồi cũng hết đừng để tham lam, ích kỷ chi phối đến nghiệp của mình, mỗi người hãy sống cuộc đời chân thật, sống trọn với mình để được thăng hoa: “Trên sàn diễn cuộc đời, vai nào rồi cũng hết/ xấu tốt, thiện ác, phật ma, đại ngã vô ngã/ tùy vào sự chọn lựa của mình/ trang phục, phấn son rồi sẽ nhàu nhĩ và tì vết/ tham lam, ích kỷ – nghiệp đen đẩy luân hồi biền biệt/ sống thật với đời, sống trọn với mình cho nhân cách thăng hoa”.

Có lúc trước hoa huệ trắng trong, Trần Huy Minh Phương cũng nghĩ đến cõi ta bà, nhịp thiền như để gột rửa lòng mình thanh tịnh, trở về bản ngã Chân như: “Rung rinh hương gọi nắng hồng/ mà nay từng búp rụng vòng chân nhang/ lời thơm như đã thật gần/ trút tâm sám hối tựa lần chia xa/ áo lam, tràng chuỗi thành hoa/ ta còn ôm cả ta bà ngả nghiêng/ huệ hương đã trút nhịp thiền/ mình vừa sụp lạy bóng mình đó thôi” (Chợt nghĩ bên hoa huệ).

Trên đây là một vài cảm nhận bước đầu của tôi về yếu tố Thiền trong thơ Việt Nam đương đại, để có những nhận diện, đánh giá sâu rộng và toàn diện hơn, thiết nghĩ cần có những cuộc hội thảo khoa học, những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu phê bình để từ đó chúng ta có thể đúc rút những kinh nghiệm, những bài học quý báu trong sáng tác và tiếp nhận.

Ninh Bình, ngày 20-10-2020

Nguyễn Quỳnh Anh