Trang chủ Đời sống Tâm sự Thư gởi bạn là Thiện tri thức

Thư gởi bạn là Thiện tri thức

100

Tề thân mến
 
Thấm thoát mình đã xa các bạn đúng một năm rồi, thời gian quả thật đi qua  nhanh quá, có lẽ càng về già sự cảm nhận ấy càng rõ nét hơn bao giờ hết. Hình ảnh của những ngày tôi sắp lên đường nay được tái hiện lại như chúng chỉ vừa xảy ra ít tuần nay, chúng ta cùng nhau tụ hợp tại thiền viện 19A không chỉ vào sáng chủ nhật như thường lệ mà chúng ta còn gặp nhau nhiều nơi nữa mỗi khi các bạn có được chút ít thời gian rảnh quý giá thay vì các bạn dành riêng cho gia đình.
 
Rồi còn những lần đàm luận chân tình dù là nơi  các quán cà phê, hay tại các quán nhậu, từ quận 3, Phú nhuận, Gò vấp về đến quận Bình thạnh,  rồi còn những lúc đến chùa Vạn Hạnh, chùa Định Hương . . ., và những buổi quây quần tại nhà tôi,  hay tại những quán cơm chay, . . . những khoảnh khắc đầy tình bằng hữu chân thành ấy luôn sống mãi trong tâm tôi.
 
Tôi còn nhớ rõ, chúng ta, ở bất cứ nơi đâu dù bên cạnh tách cà phê, bình trà,chai rượu, ly bia, dù tiếp chuyện cô tiếp viên xinh đẹp, hay vị Đại đức được nhiều người kính trọng, thì trong câu chuyện đời hay đạo vẫn luôn giữ vững nét đạo vị thanh cao, hương vị chánh pháp luôn tồn tại dù chỉ là phảng phất,  có khi chì là bàng bạc. Có thể chúng ta có khi đôi lần hư hỏng, đôi phen lỡ lầm, nhưng một khi đến và  nguyện theo con đường Phật pháp thì Chánh pháp luôn có năng lực hộ trì, che chở và nâng đỡ chúng ta vượt qua những chướng ngại, những nạn tai để mình vững bước trên đường đạo.
 
Trong những ngày qua, tuy thời gian sống tại Mỹ không lâu, nhưng đã có những  đổi thay, những trở ngại, những sai lầm, những vấp ngã . . . chúng đến với tôi, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù chủ quan hay khách quan, dù vô tình hay cố ý thì chúng cũng đủ để cho tôi một lần nữa có được sự cảm nhận một cách sâu sắc những điều trên, để lòng kính tín quy y Tam bảo vững chắc và kiên cố hơn bao giờ hềt.
 
Cuộc sống tại Mỹ có nhiều thuận lợi vì đây là nước văn minh, giàu có, nhưng cũng không ít khó khăn trở ngại, nhất là đối với người lớn tuổi. Chắc Tề đã đọc về câu việc tôi kiện cảnh sát Mỹ, đó là riêng về lĩnh vực pháp luật,  tôi sẽ kể thêm về giáo dục và y tế, về các lĩnh vực này và nhiều điều khác nữa, có lẽ Việt Nam mình không biết bao giờ có thể sánh bằng.
 
Sống trong môi trường như thế thì bất cứ ai cũng được thụ hưởng những thành tựu của nó, nhưng bên cạnh đó đời sống tinh thần  lại có vai trò quan trọng trong chất lượng cuộc sống, nhất là đối với những người đã kinh qua giai đoạn hưởng thụ vật chất.
 
“Hội nhập xã hội”, “sốc văn hóa” là những trở ngại rất lớn đối với người nhập cư, và trở ngại này càng lớn hơn nữa đối với những người có học thức, địa vị trước khi đến Mỹ. Thật đáng tiếc, điều này trở nên trầm trọng hơn trong quan hệ giao tiếp, sinh hoạt, làm việc ngay trong chính cộng đồng người Việt.
 
Các trở ngại trên là phổ biến cho tất cả các sắc dân khi nhập cư vào nước Mỹ, nhưng rỏ nét hơn hết là đối với những người đến từ các nước nghèo, hay có sự khác biệt về nguồn gốc văn hóa.
 
Người Việt không là một ngoại lệ, mà  những vấn nạn trên còn trở nên nặng nề hơn nhiều, vì hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài để lại, một cuộc chiến quá là đau thương, quá là thảm khốc, có lẽ phải nhiều thập niên nữa mới có thể hóa giải, thậm chí còn lâu hơn nữa.
 
Không đề cập đến khía cạnh chính trị, chỉ riêng về những khó khăn trong việc mưu sinh và khả năng thích ứng để hội nhập vào xã hội mới đã là một thách thức không dễ dàng vượt qua. Phần lớn người Việt tại Mỹ, không tính đến thế hệ sanh ra và trưởng thành tại Mỹ, đều bị sự biến dạng về tâm lý, sự hối tiếc quá khứ, sự thất vọng hiện tại, nỗi mặc cảm tự ty,  mặc cảm tự tôn ảo, sự nghi kỵ ngờ vực, tự thu mình cô lập, sân hận, ganh tỵ và chán nản  là những trạng thái tâm lý thường gặp nhất.
 
Sự tranh chấp bên trong tâm hồn, giữa 2 nền văn hóa vẫn diễn ra âm thầm. Mặc dù không lộ ra trên bình diện ý thức nhưng vẫn đôi lúc biểu hiện ra hành vi bên ngoài hay qua lời nói. Muốn sống theo cái mới, theo xã hội mới không được, trở về cái nề nếp cũ cũng không xong, nhiều người  bị quay cuồng trong sự mâu thuẫn nội tại, thêm vào đó là những áp lực từ nhu cầu kinh tế , sự yếu kém tiếng Anh trong giao tiếp, hội nhập, sự thiếu nền tảng về kiến thức và học thức, sự kỳ thị . . . tất cả đã khiến nhiều người bị lệch lạc trong nhận thức từ đó đưa họ đến sự ngộ nhận tai hại về vị trí, trình độ mình đang có, và phương cách ứng xử trong sự giao tiếp với tha nhân, và  hậu quả không tránh khỏi, đó là sự xung khắc, xung đột trên bình diện cá nhân, gia đình, cộng đồng đến từ sự biến đổi tâm lý, nhân cách của từng cá nhân từ ít đến nhiều,.
 
Những điều trên khiến niềm đau nổi khổ của cá nhân xuất hiện và ngày càng chồng chất.
 
Theo quy luật, một khi khổ thọ xuất hiện thì sân xuất hiện, si tùy miên tùy tăng. Để xuất ly khỏi khổ thọ thời ái dục xuất hiện, tham đắm dục lạc tùy tăng, si tùy miên tùy tăng. Si xuất hiện và phát triển, thời tham và sân tùy miên, sinh khởi và phát triển do không đủ trí tuệ để hiểu, nhận thức về bản chất của cuộc sinh tồn, nhận biết được dòng tâm thức sinh khởi để làm chủ nó, và vòng nhân quả ấy cứ tiếp tục luân chuyển.
 
Trong quỹ đạo trên, tôi không sao tránh khỏi bị ảnh hưởng, bị tác động bởi môi trường không thuận lợi đó. Có những thời điểm tôi cũng trãi qua những khó khăn,những sai lầm, những thất bại. Nhưng rồi tôi lại vượt qua được, chính là nhờ Phật pháp, nhờ năng lực hộ trì , che chở mầu nhiệm của Chánh pháp.
 
Bên cạnh đó có hai nguồn trợ lực rất quan trọng, một là năng lực của  tàm và quý, hai là nguồn trợ duyên rất quý báu từ các bằng hữu,  các bạn là những hiền hữu, là những Thiện tri thức. Những ai có lòng tin tưởng tuyệt đối vào Phật pháp,  hiểu và có lý tưởng sống theo chánh pháp và cố gắng nổ lực không ngừng để thể hiện nếp sống đó, họ chính là những Thiện tri thức, và Tề  chính là một thiện tri thức.
 
Tôi đã xem phim về cuộc đời của HT Minh Châu, cuộc đời của HT đã là nguồn động viên, sách tấn tôi vượt qua những khó khăn trở ngại nơi xứ người. Thật vô cùng xúc động, không khỏi rơi lệ khi thấy HT khóc nức nở như trẻ thơ khi về lại nợi xứ Phật Đấng Từ phụ của chúng ta, của Trời và người.
 
Tôi đang xem tác phẩm “ Các học giả Anh Quốc và Phật giáo Âu Mỹ” cuộc đời của các Ngài là những tấm gương giúp tôi tinh tấn và kiên trì kham nhẫn trước các chướng ngại, nghịch duyên, tự thấy hổ thẹn mà quyết tâm tu học hơn nữa.
 
Các Ngài là những trí thức Tây phương, từ bỏ tất cả để đến với ánh sáng trí tuệ, an lạc hạnh phúc chân chánh từ Phương đông, thì nay tôi lại từ giả ngôi nhà của mình để đến Phương tây.
 
Câu hỏi được đặt ra là: vây thì tôi đến nơi họ đã từ bỏ để tìm kiếm điều gì? để được gì? Kiến thức khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn minh, tiện nghi hưởng thụ vật chất . . . ?
 
Đến đây, thư đã dài, hẹn Tề thư sau.
 
Thân chúc Hiền hữu thường tinh tấn.