Đây là lần thứ hai Lễ kỷ niệm Ngày đại lễ Vesak Liên hiệp quốc và Hội nghị Phật giáo quốc tế được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, tôi xin chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam về sáng kiến này.
Chủ đề của đại lễ lần này, Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, là một chủ đề quan trọng, bởi vì lúc này là lúc các quốc gia đang tăng tốc để hướng đến năm 2015 và xây dựng một chương trình phát triển mới để thực thi. Đức Phật đã từng nói: “Ta chưa bao giờ thấy những gì đã làm, ta chỉ thấy những gì còn lại cần phải làm”. Từ năm 2000, chúng ta đã thấy sự tiến triển đáng kể trong việc giải quyết các nhu cầu của những người nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự tiến triển ấy không đồng đều và chưa đầy đủ.
Chúng ta đang sống trong một thời đại của sự chuyển dịch, khi mà những câu hỏi “Làm sao để sống cùng nhau? Làm sao để bảo vệ hành tinh của chúng ta? và Làm sao để tạo dựng những nền tảng mạnh mẽ hơn cho sự hòa bình?” đòi hỏi những câu trả lời mang tính tập thể và có sáng kiến hơn. Những công nghệ mới đang gắn kết các xã hội lại gần nhau hơn nhưng chúng cũng làm cho chúng ta dễ bị tổn thương hơn, với sự bất bình đẳng và nghèo khó ngày càng gia tăng.
Những mâu thuẫn do hận thù và sợ hãi vẫn đang gay gắt trên khắp thế giới. Những giới hạn của hành tinh chúng ta đang bị kéo căng ra bởi những mô hình phát triển không bền vững. Những chiều hướng về môi trường, kinh tế và xã hội của sự phát triển không bền vững phải được xem như một chương trình nghị sự riêng biệt.
Để đối phó với những thách thức đó thì những giải pháp về kinh tế, tài chính thôi chưa đủ. Chúng ta phải bắt đầu từ trên ghế nhà trường, ngay từ trong tâm của những bé trai và bé gái. Giáo dục là công cụ mạnh mẽ nhất để nâng cao phẩm giá con người, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và để xây dựng nền hòa bình dài lâu. Giáo dục là cách tốt nhất để đưa ra những phương thức mới trong việc hành xử với người khác và với hành tinh chúng ta đang sống. Giáo dục còn là nền tảng cho việc phát triển những hình thức mới của công dân toàn cầu và sự đoàn kết, những điều rất thiết yếu trong xã hội hiện tại.
Những mục đích này định hướng cho hành động của UNESCO nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn thế giới và hướng đến sáng kiến đầu tiên về giáo dục toàn cầu của Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Trong tất cả những điều này, những lời dạy của Đức Phật về tính toàn thể, về từ bi và hòa bình có sự cộng hưởng mạnh mẽ với sứ mệnh của UNESCO trong việc tăng cường tính thống nhất về trí tuệ và đạo đức cũng như quan điểm chung của chúng ta về một cuộc sống hòa bình và công bằng hơn cho mọi phụ nữ và nam giới. Những giá trị này tuy đã có từ lâu đời nhưng chúng vẫn rất thích hợp cho việc đối phó với những thách thức trong thời đại chúng ta hiện nay.
Với tinh thần này, tôi cầu chúc tất cả quý vị đại biểu tham dự Hội nghị Phật giáo quốc tế có một Ngày đại lễ Vesak tuyệt vời trong tinh thần giáo pháp của Đức Phật.