Trang chủ Thời đại Thông điệp Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 của Đức Đạt...

Thông điệp Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

281

Đối với Phật tử khắp nơi trên thế giới, Vesak là một ngày mà chúng ta không những thể hiện lòng tôn kính, và cử hành lễ Phật Đản mừng sự ra đời, giác ngộ và nhập Đại Bát Niết Bàn của Đức Phật mà còn tự nhắc chúng ta một điều quan trọng là sống sao cho phù hợp với những lời dạy cao quý của Ngài.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ và đã truyền đạt giáo pháp ở nước Ấn Độ cách đây hơn 2000 năm, tuy nhiên, các lời dạy của Ngài vẫn còn mới mẻ và phù hợp cho cả thế giới ngày nay. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhận thấy nhận thức ngày càng cao trên toàn cầu về tầm quan trọng của sự bất bạo động.  Việc áp dụng nhận thức đó không chỉ giới hạn ở con người mà cả với sinh thái học. môi trường, và các mối quan hệ của chúng ta với tất cả sinh vật khác mà chúng ta cùng sống chung trên hành tinh này. Như vậy, bất bạo động có thể được áp dụng trong cuộc sống hằng ngày dù chúng ta ở bất kỳ vị trí hay nghề nghiệp nào.

Mục đích của cuộc sống là phải hạnh phúc. Với tư cách là một Phật tử, tôi thấy rằng thái độ tinh thần của riêng chúng ta là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Để thay đổi các điều kiện bên ngoài chúng ta, bất kể đó là môi trường hay các mối quan hệ với người khác, trước tiên chúng ta phải thay đổi chính mình. An lạc nội tâm là quan trọng nhất. Trong trạng thái tâm đó, các bạn có thể đối mặt với những khó khăn bằng sự bình tĩnh và lý trí, mà vẫn giữ được an lạc nội tâm của mình. Những lời dạy về tình yêu thương, lòng từ bi, sự khoan dung, cách ứng xử bất bạo động, lý thuyết của đạo Phật rằng tất cả mọi thứ đều là tương đối, cũng như nhiều kỹ thuật định tâm chính là điểm bắt đầu của an lạc nội tâm.

Tôi tin rằng đạo Phật đóng một vai trò quan trọng trên thế giới hiện đại của chúng ta. Khái niệm của đạo Phật về sự phụ thuộc lẫn nhau rất phù hợp với những khái niệm căn bản của khoa học. Chúng ta có thể nghĩ về đạo Phật bằng ba thuật ngữ chính – triết học, khoa học, và tôn giáo. Phần tôn giáo bao hàm những nguyên tắc và sự tu tập chỉ dành cho Phật tử, nhưng triết học PG về sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như khoa học PG về tâm và những cảm xúc của con người thì rất có lợi cho mọi người. Như chúng ta biết, khoa học hiện đại đã phát triển sự hiểu biết rất cặn kẽ về thế giới vật chất, bao gồm những hoạt động tinh vi của thân xác và bộ não.  Khoa học PG mặc khác, đã dành hết cho sự hiểu biết trực tiếp và chi tiết về nhiều khía cạnh của tâm và những cảm xúc, những lãnh vực còn tương đối mới đối với khoa học hiện đại. Vì thế, mỗi lĩnh vực đều có tri thức cần thiết để bổ sung cho lĩnh vực khác. Tôi tin rằng một sự tổng hợp hai phương thức tiếp cận này có tiềm năng to lớn dẫn đến những khám phá giúp tăng cường sự lành mạnh về thể chất, tình cảm, và xã hội.

Mãi cho tới gần 50 năm qua, các cộng đồng PG đa dạng trên thế giới mới có ý niệm qua loa về sự hiện hữu của nhau và một chút trân trọng đối với những điểm chung mà họ cùng chia sẻ. Từ khi giáo lý của Phật bén rễ ở nhiều nơi khác nhau, thì có những sự thay đổi về phong cách mà trong đó giáo lý được thực tập, được nâng cao, và được mở rộng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ bây giờ đã tới lúc truyền thông với nhau một cách tự do; nói cho cùng, nhiều truyền thống PG khác nhau của chúng ta chỉ là những nhánh cây chồi ra từ chung một thân cây và một bộ rễ.

Vì thế tôi xin khẩn khoản kêu gọi hội nghị những bậc trưởng thượng và đại diện đầy uy tín của Phật Giáo tận dụng cơ hội này để cải thiện và mở rộng truyền thông giữa chúng ta, để cộng đồng PG như một tổng thể sẽ có thể đóng góp một cách có hiệu quả cho hạnh phúc và an lạc của nhân loại trên toàn thế giới. 

Truong Nga (dịch)